HĐGMVN::Ủy ban Mục vụ Gia Đình
ĐỨC KHIẾT TỊNH HÔN NHÂN
NHẬP ĐỀ:
Đức Giáo Hoàng Pio XII trong thông điệp “Hôn nhân thanh khiết” đã nói : “Trong khi bước chân vào bậc hôn nhân, các đôi vợ chồng công giáo không nên nghĩ rằng mình không cần phải giữ đức trong sạch nữa”.
Đức Giáo Hoàng Pio XII trong thông điệp “Hôn nhân thanh khiết” đã nói : “Trong khi bước chân vào bậc hôn nhân, các đôi vợ chồng công giáo không nên nghĩ rằng mình không cần phải giữ đức trong sạch nữa”.
Thật sự, đức thanh tịnh của đôi vợ chồng rất khác với đức thanh sạch của bậc tu trì. Hôn nhân đưa họ sang một địa vị và sang một đời sống khác, và ban cho họ có những quyền lợi và trách nhiệm khác.
Sau khi đã kết hôn thành sự, thì có những hành vi trước đây họ không được phép làm, bây giờ họ chẳng những được phép làm mà những hành vi ấy lại là những hành vi tốt đẹp thanh sạch, họ làm cho nhau để tăng triển tình yêu vợ chồng.
I. KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT VỀ ĐỨC KHIẾT TỊNH HÔN NHÂN
1. Định nghĩa đức khiết tịnh
– Đức thanh khiết hay đức khiết tịnh hôn nhân là nhân đức luân lý giúp cho con người, cụ thể là các đôi vợ chồng theo những nguyên tắc của lý trí và của đức tin cho phép.
– Đó là nhân đức điều khiển các thú vui nhục dục theo một trật tự nhất định.
– Đối với vợ chồng đức khiết tịnh là sự hủy bỏ những lạc thú nhục dục bị cấm và là sự biết sử dụng quyền hôn nhân cách vừa phải.
2. Ghi chú về đức khiết tịnh hôn nhân
– Khoái lạc nhục dục không phải chỉ giới hạn trong phạm vi xúc giác, không hẳn chỉ thuộc về thể xác mà còn được lan tỏa về tinh thần nữa. Thú vui đó, vừa là cảm giác vừa là tâm linh.
– Đức khiết tịnh không có nghĩa là hủy bỏ những khoái lạc nhục dục nhưng là để hướng dẫn những hành vi con người tới mục đích tốt. Đức khiết tịnh hôn nhân không nhắm hủy bỏ bản năng tính dục nhưng hướng dẫn bản năng đó tùy theo những đòi hỏi của đức ái. Sự hướng dẫn này làm ta tránh việc tìm kiếm khoái lạc nhục dục thái quá.
3. Hệ luận
– Đức khiết tịnh hôn nhân phải hướng dẫn lòng ham muốn khoái lạc nhục dục theo đòi hỏi của những mục đích hôn nhân đề ra: sinh con, giúp đỡ và xoa dịu nhục dục…
– Đức khiết tịnh hôn nhân phải là trung gian và dụng cụ của đức ái: yêu người bạn đời là yêu linh hồn bạn, yêu hình ảnh Thiên Chúa ở nơi người bạn, yêu người mình yêu sẽ tặng cái gì mình quý giá nhất, kẻ thù đáng lo ngại nhất trong đức khiết tịnh hôn nhân là tính tự ái, sự ích kỷ, sợ trách nhiệm…
– Đức khiết tịnh hôn nhân loại bỏ mọi tàn tích của thuyết “đồng hóa con người với thiên thần”. Nó cũng loại bỏ luôn những lý thuyết “khắc kỷ chủ nghĩa” và “khoái lạc chủ nghĩa”. Cả hai lý thuyết này dẫn đến thiếu bác ái, thiếu tiết độ. Nó dung hòa hai thái cực trên để khỏi lỗi đức bác ái.
– Đức khiết tịnh hôn nhân như đèn soi giúp lý trí hướng dẫn hành động tính dục của đôi vợ chồng cho phù hợp với sự trong sạch và với đức bác ái, đúng với đức tin công giáo.
4. Những lý do phải giữ đức khiết tịnh hôn nhân:
– Vì Tạo Hóa muốn cho các đôi vợ chồng có những lạc thú trong nhiệm vụ truyền sinh để cho vợ chồng có thể hoàn thành nhiệm vụ cách dễ dàng hơn.
– Các vợ chồng phải quý trọng giá trị con người nhất. Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, là đền thờ của Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, là anh em của các thánh. Con người cao vượt hơn loài thú vì con người có lý trí và linh hồn.
II. NHỮNG TỘI NGHỊCH CÙNG ĐỨC KHIẾT TỊNH HÔN NHÂN: DÂM DỤC
1. Ý niệm về tội dâm dục
Thế nào là dâm dục:
– Là một nết xấu tương phản với đức khiết tịnh bởi việc sử dụng cơ năng sinh dục một cách thái quá, không đúng với trật tự luân lý cho phép. Nghĩa là một sự hữu ý tham muốn hỗn loạn những khoái lạc nhục dục, lôi cuốn theo việc sử dụng bừa bãi năng lực sinh dục.
– Dâm ô: nó tương phản lại với sự thánh thiện của thể xác và tâm hồn người tín hữu.
2. Hậu quả của tội dâm dục
– Làm cho lý trí ra mù quáng, mất khả năng suy xét không thể phán đoán chính xác về sự việc.
– Ý chí ra yếu nhược, không thể quyết định được một điều thích hợp.
– Tâm hồn ra nhơ bẩn, mất sự bình an luôn mang mặc cảm tội lỗi.
– Lòng trí không muốn vươn lên, con người trở nên ích kỷ, thích sự gian tà và ghét điều thiện.
3. Các tội dâm dục hoàn toàn:
3.1. Gian dâm: là hai người trai gái chưa kết hôn với nhau đã giao hợp với nhau cách bất chính. Đây là một tội trọng.
3.2. Mại dâm: (buôn dâm). Là giao hợp với gái điếm, đó cũng là tội trọng, cho dù đã trả tiền.
3.3. Ngoại tình: là sự giao hợp giữa hai người nam và nữ mà ít nhất là một người đã có và đang có dây hôn phối. Đây là một tội trọng, và còn gia tăng về tội bất công nữa.
3.4. Thủ dâm: Hành động cố tình tìm khoái lạc cực độ để người đàn ông xuất tinh, đàn bà tiết ra những âm dịch, bằng việc kích thích qua tay chân hoặc bằng hình ảnh, chứ không do giao hợp. Đây là một tội trọng.
Thủ dâm vợ chồng có 2 khía cạnh:
– Vợ chồng chủ tâm kích thích cho nhau đến xuất tinh ra, ngoài việc giao hợp.
– Là giao hợp nửa chừng.
3.4. Thú dâm: Là việc giao cấu với một con vật hay đụng chạm đến cơ năng sinh dục của con vật để tìm thỏa mãn. Đây cũng là một tội trọng vì đã đồng hóa con người với con vật.
3.5. Kê dâm: Làm một tác động sinh dục toàn vẹn ngoài cơ năng sinh dục như ở nơi miệng, hậu môn… Đây là một tội nặng.
III. LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ ĐỨC KHIẾT TỊNH HÔN NHÂN
- Ngay từ ban đầu vợ chồng phải giúp đỡ và khuyến khích nhau tập đi ngược lại với bản năng sinh dục đòi hỏi cho quen dần.
- Giữ sự e thẹn và dè dặt trong hôn nhân.
- Giữ sự đoan trang nết na kín đáo giữa hai vợ chồng với nhau, vừa bảo vệ cho sự thanh khiết của tâm hồn mình, cũng bảo vệ cho sự thánh thiện nơi tâm hồn con cái. Nó có sức mạnh điều khiển được tính dục theo kỷ luật.
- Đôi vợ chồng phải chọn những hành vi, cử chỉ giúp biểu dương và tăng cường tình ái với nhau. Nguyên tắc thực hành là: “chỉ nên làm với nhau những hành vi nào mà họ thấy rằng những hành vi ấy có liên hệ đến việc truyền sinh, đến việc củng cố tình ái hay liên hệ đến sự giảm bớt nhục dục.”
- Về sự giao hợp phải căn cứ trên những đòi hỏi của trách vụ truyền sinh nòi giống và của tình ái đối với nhau: có định luật điều độ. Một sự giao hợp hợp pháp, an nhiên và điều hòa do sự khôn ngoan của lý trí và do tâm hồn điều khiển, sẽ làm cho đôi vợ chồng được tươi trẻ và lâu bền.
KẾT LUẬN:
Trong đời sống hôn nhân, các đôi vợ chồng công giáo phải tự hiểu và thực hành sao cho xứng với địa vị và phẩm giá của mình. Họ nên có một thái độ hết sức nhã nhặn trước, sau, hoặc chính trong khi ăn ở với nhau, để tỏ ra xứng đáng địa vị làm con Chúa và làm người của mình.
(Đường vào hôn nhân)