Gửi phụ nữ 35 tuổi vẫn còn đi xin việc, 40 tuổi đang là ‘nhân viên mới’: Đừng sống thụt lùi

Bước qua tuổi 30, em cảm thấy cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của mình mỗi lúc một hẹp dần. Trong đầu đang có ý định nhảy việc vì lương mãi không tăng nhưng tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến em chần chừ, do dự.

Dạo gần đây, em vô tình đọc được chia sẻ của một chị đồng nghiệp cũ trên mạng xã hội, chị tâm sự rằng ở tuổi 40, chị luôn bị xem là “nhân viên mới”, nguyên nhân là do chị ít gắn bó với công ty nào lâu dài, lâu nhất cũng chỉ một năm, có công ty chỉ 2-3 tháng là đã xin “off”.

Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, chị không còn nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp như lúc còn trẻ, và chẳng có nhà tuyển dụng nào muốn nhận chị vì lứa bạn bè 8X như chị, ai cũng làm ông nọ bà kia, ít nhất cũng cấp quản lý, riêng chị cứ mãi làm nhân viên quèn.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh VNE)

Chị đưa lời khuyên, bình thường một nhân viên mới sẽ được ký hợp đồng lao động thời hạn trong một năm. Hết thời gian đó, nếu bạn làm tốt thì được gia hạn hai năm. Hết hai năm bạn được ký hợp đồng lao động vô thời hạn.

Hợp đồng vô thời hạn là bạn không còn bị xem là nhân viên mới nữa và khi tăng lương (tăng lương chung toàn công ty) người ta sẽ tính phụ cấp thâm niên cho bạn. Khi có cơ hội đề bạt thăng chức, bạn cũng sẽ được đưa vào danh sách xét duyệt.

Nếu bạn nhảy sang công ty mới, mọi thứ sẽ bắt đầu lại từ đầu bất chấp bạn đòi hỏi mức lương bao nhiêu (mức lương càng cao, vượt quá khung lương của công ty đó thì khi tìm được người chấp nhận mức lương thấp hơn, họ sẽ sa thải bạn). Đó là lý do nhiều người 30–40 tuổi rồi mà vẫn là “nhân viên mới” vì họ ưa nhảy việc xoành xoạch (và cũng bị sa thải xoành xoạch).

Một câu chuyện khác, xin được kể với mọi người, về chị hàng xóm trong khu phố nhà em. Chị tên Phương, là mẫu phụ nữ hoạt bát và ấm áp. Ba năm trước chị sinh đứa con thứ hai rồi nghỉ việc. Một phần sinh con khi 35 tuổi khiến chị lo lắng, muốn dành trọn một năm nghỉ ngơi chăm sóc con.

Phần khác chị nghĩ rằng nghỉ một năm rồi xin việc khác chắc cũng không có vấn đề gì. Sau một năm ở nhà chăm con, chị lên các trang mạng tuyển dụng tìm việc kế toán thì tá hỏa thấy độ tuổi yêu cầu ứng viên từ 22 đến 35 tuổi.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Đời Sống Pháp Luật)

Công ty nào tìm người trên 35 tuổi thì sẽ tuyển cho vị trí quản lý. Kiên trì tìm kiếm, chị cũng có đi thử việc ở vài công ty nhưng cũng không được lâu. Mãi đến năm ngoái, sau khi nhân sự của một công ty tỏ ý chị đã lớn tuổi, chị mới từ bỏ tìm công việc văn phòng. Chị kể có lúc muốn xin đi làm công nhân nhưng giờ các xưởng, nhà máy cũng ưa tuyển thanh niên trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn.

Vậy mới thấy, phụ nữ tầm 30-40 tuổi, không chỉ gặp áp lực phải nuôi dạy con khôn lớn, vun vén cuộc sống gia đình mà công việc cũng đang trong tầm nguy hiểm. Lứa 8x, 9x đời đầu có lẽ phải khắc phục cái suy nghĩ ngớ ngẩn này: “Mình vẫn còn trẻ, mình vẫn có nhiều thời gian”.

Trên thực tế, thời gian của chúng ta thật sự vô cùng ít. Em nghe mấy người làm nhân sự nói, bây giờ những người sinh năm 90 mà đi tìm việc, đều sẽ bị loại hồ sơ, bởi vì cũng đã gần 30 tuổi rồi, kinh nghiệm có rồi kiểu gì lương cũng có yêu cầu cao trong khi công ty không mấy cần thiết như thế, không đáng!

Đặc biệt là phái nữ, ở tuổi đó cần có đủ các loại phụ cấp, chính sách thai sản, doanh nghiệp tuyển thì không hiệu quả mà sa thải cũng không thể, đơn vị nào dùng người cũng rất cẩn thận, nên càng khó chấp nhận. Một khi trên 25 tuổi, ở nơi làm việc đã bắt đầu cảm thấy khó xử rồi.

hình ảnh

Trước đây có một bài báo phỏng vấn Jack Ma: “Ông có cách nhìn nhận như thế nào về những người trẻ rất hay nhảy việc hiện nay?” Jack Ma nói, công việc đầu tiên của ông ấy là làm thầy giáo, vốn không phải là công việc bản thân yêu thích, nhưng bởi vì khi vừa tốt nghiệp, viện trưởng đã nói với ông mong ông hãy làm công việc này ít nhất 6 năm.

Jack Ma vì trọng lời hứa đó, nên đã kiên trì làm suốt 6 năm, sau đó mới bắt tay vào khởi nghiệp. Hơn nữa, trong 6 năm này ông cũng phát hiện ra niềm vui trong công việc giảng dạy. Vì thế đối mặt với thực trạng “nghiện” nghỉ việc, ông chia sẻ: “Từ tận trong thâm tâm bạn phải tự đặt cho mình một lời hứa hẹn, đối với phần công việc này mình phải làm được ít nhất 3 năm mới rời đi.” “Rất nhiều người, cứ chạy tới chạy lui quả không phải là điều gì hay ho!” “

Vậy cho nên, lời khuyên chân thành muốn gửi gắm tới chị em phụ nữ, không ngừng phấn đấu, không ngừng nỗ lực để có thể thăng tiến trong công việc, khi thấy mình giỏi và mình tài sẽ không còn lo sợ chuyện được mất.

Còn nếu thấy năng lực bị giới hạn, không muốn trèo cao vì sợ ngã đau, không muốn làm ông này bà nọ để dành thời gian cho gia đình thì nên bắt đầu tìm cách kinh doanh thêm, có tiền để dành, có vốn tích lũy, để lỡ đau ốm, thất nghiệp cũng không méo mặt hay khóc ròng vì nhẵn túi trong tay.