Gửi lời xin lỗi |Số 2|: 10 năm sau vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường

Thẩm mỹ viện Cát Tường là nơi khởi nguồn của tội ác và hung thủ chính là Nguyễn Mạnh Tường – người sau này gắn chặt với cái tên “bác sỹ Cát Tường”. Những ám ảnh về tội lỗi của 10 năm trước như một thước phim quay chậm vẫn từng ngày không ngừng ám ảnh một con người đã từng có tất cả, học thức, địa vị, cuộc sống viên mãn…

Chúng tôi gặp Tường vào một ngày mưa buồn, âm thanh khô khốc của cánh cửa buồng giam đã bám đuổi, đồng hành cùng phạm nhân này suốt 10 năm qua. Gia đình, học thức, kinh tế là những thứ mà Nguyễn Mạnh Tường đã có trong tay và là niềm mơ ước của biết bao người khác… Tường như một con diều no gió bỗng chốc đứt dây, đối mặt với hiện thực đầy nghiệt ngã. 

Phạm nhân NGUYỄN MẠNH TƯỜNG: “Trước đây ở ngoài cuộc sống bình thường là một người bác sỹ thì chưa có ý thức nào đó gây tổn thương đến ai cả. Thậm chí mình phải có những hành động cứu giúp, giúp đỡ người khác. Nhưng khi xảy ra như vậy thì nó là một bất ngờ nên mình không có suy nghĩ hay ý thức gì, nó hoàn toàn giống như là stress làm theo một cái vô thức. Đúng đến tận bây giờ mình cũng không lý giải được trường hợp của mình vì sao xảy ra như vậy? Không có ý thức gì đến tận bây giờ cũng không thể nhận thức được ra. Đặt rất nhiều câu hỏi, suy nghĩ nhưng không thể trả lời được tại sao lại như thế”

Ngày 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường (nằm trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), để phẫu thuật thẩm mỹ. Giám đốc Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp tiến hành làm phẫu thuật cho khách hàng. Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 tiếng thì hoàn tất. Đến cuối ngày, Nguyễn Mạnh Tường nhận thông báo chị Huyền có nhiều biểu hiện bất thường …Tường quay lại trung tâm cấp cứu cho chị Huyền nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Chị Huyền tử vong. Ban đầu, Tường định mang thi thể chị Huyền đến Bệnh viện Bưu Điện rồi sau đó thông báo cho người nhà nạn nhân nhưng thấy thi thể nạn nhân đã bị cứng nên Nguyễn Mạnh Tường cùng nhân viên bảo vệ của trung tâm bàn nhau vứt thi thể chị Huyền xuống sông Hồng. 

Phải đến ngày 18/4/2104 – tức gần 1 năm sau khi xảy ra sự việc, gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền mới chính thức tìm thấy thi thể của chị tại khu vực bến đò Vân Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. 

 Ngày 11/9/2015, tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Mạnh Tường bị kết án 14 năm tù về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. 5 năm tù về tội xâm phạm thi thể. Cấm hành nghề liên quan đến việc khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 5 năm kể từ sau khi chấp hành xong án phạt tù. Tổng hợp hình phạt cho 2 tội danh, Nguyễn Mạnh Tường chịu mức án 19 năm tù.

Trại giam cũng giống như một xã hội thu nhỏ, không có tội ác nào giống tội ác nào, cũng có đủ mọi loại người. Và mỗi phạm nhân tự tìm cho mình những cách cứu rỗi khác nhau để lương tri nhẹ gánh vì những gì mình đã gây ra. Nguyễn Mạnh Tường cũng vậy, phạm nhân này chọn cho mình cách thiền định để đủ dũng cảm đối mặt với cảm giác tội lỗi vừa để cầu xin sự tha thứ của gia đình bị hại.

Phạm nhân NGUYỄN MẠNH TƯỜNG: “Tôi biết được là những sự việc xảy ra dù không mong muốn nhưng sự mất mát này là không thể bù đắp được. Tôi rất hối hận và tiếc những điều không mong muốn đó xảy ra như vậy. Đối với những gì quá khứ đã xảy ra thì người ta sẽ không bao giờ sửa chữa và lấy lại được, những lời xin lỗi xuất phát từ trái tim của mình. Mình hy vọng chỉ hy vọng thôi, mặc dù rất là nhỏ được sự tha thứ của gia đình bị hại”

Chẳng một ai sinh ra đã là kẻ thủ ác và không một kẻ oai hùng nào khi sa cơ lại không cúi đầu nghĩ về gia đình. Nguyễn Mạnh Tường cũng vậy! Tường thèm khát khoảng thời gian được vợ, con thăm gặp. Rồi tủi hổ, lặng lẽ chia cách vì không biết trả lời câu hỏi của đứa con thơ như thế nào: “Bố ơi! Bao giờ bố về?”

Phạm nhân NGUYỄN MẠNH TƯỜNG: “Khi mà mọi chuyện xảy ra như thế thì con mình còn rất nhỏ, chỉ hỏi mẹ sao bố đi lâu thế không về nhà? Mình nhớ nó và nó nhớ mình, trước đây cũng đi công tác nhiều nơi có khoảng thời gian xa nhà nhưng không dài như vậy. Khi gặp con lúc đầu nó nói a, bố thì thức sự cảm giác đó mình không nói được gì mà chỉ nhìn con thôi. Rồi nói bố cũng đi làm sắp về rồi để sớm về với con”

Bản án 19 năm tù dài đằng đẵng đã khiến Nguyễn Mạnh Tường tìm thấy một cuộc đời khác qua việc trải lòng qua những con chữ được viết ra từ đôi tay đã từng phạm tội ác. 

Thượng tá KHƯƠNG VĂN CÁT, Phó Giám thị trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an: “Trong thời gian vừa qua chúng tôi đẩy mạnh phong trào thi đua trong đó có viết thư gửi lời xin lỗi để các phạm nhân nhẹ nhõm trong lòng, hướng phấn đấu cải tạo tích cực hơn. Phạm nhân Cát Tường rất tích cực tham gia, thời gian qua anh được đánh giá là phạm nhân cải tạo khá tốt”

Lời cuối Tường muốn chia sẻ cùng chúng tôi là mong mỏi có được cơ hội xin lỗi ngành Y. Một ngành nghề cao quý, bảo vệ tính mạng con người mà Nguyễn Mạnh Tường khó có cơ hội tiếp tục kể cả khi đã mãn hạn tù.

Thực hiện :
Lê Huy
Khánh An