Graphic Design Là Gì? Tổng Quan Về Ngành Thiết Kế Đồ Họa Dành Cho Người Mới

Thiết kế đồ họa là gì mà được nhiều bạn trẻ quan tâm đến vậy? Những năm gần đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhu cầu tuyển dụng người lao động làm việc trong ngành sáng tạo tăng trưởng nhanh với tốc độ chóng mặt. Trong đó, không thể không kể đến vô vàn các vị trí tuyển dụng dành cho dân thiết kế với nhiều mức lương hấp dẫn — từ công việc văn phòng cho đến job freelance.

Có thể nói, công việc thiết kế sáng tạo, hay cụ thể hơn là ngành Thiết kế đồ họa đã có đóng góp không hề nhỏ trong cuộc sống của chúng ta, trong mọi khía cạnh thẩm mỹ đời thường và cả truyền thông phương tiện, quảng cáo.

Vậy thiết kế đồ họa là gì? Cùng Glints giải mã sức hút của ngành Thiết kế đồ họa qua bài viết sau đây!

Ngành thiết kế đồ họa là gì?

Ngành Thiết kế Đồ họa — hay Graphic Design là chuyên ngành thuộc về mỹ thuật. Thiết kế đồ họa bao gồm nghệ thuật kết hợp nhiều yếu tố nội dung trực quan nhằm truyền tải thông ý tưởng và thông điệp của một tác phẩm.

Mục đích của việc thiết kế thường chú trọng mang lại hiệu quả truyền thông cho sản phẩm, nhãn hàng, phục vụ kinh doanh, hay tuyên truyền các hoạt động xã hội, v.v…

Nhà thiết kế đồ họa làm công việc gì?

Hiểu theo từng chữ, bạn có thể thấy được: danh từ “đồ họa” dùng để chỉ những bản vẽ mỹ thuật, đi kèm với động từ “thiết kế” bao hàm ý nghĩa kiến thiết, sáng tạo.

Dựa vào đây, chúng ta có hiểu sơ qua công việc của các bạn nhân viên thiết kế đồ họa sẽ bao gồm việc lên ý tưởng và sử dụng kỹ năng sáng tạo. Từ đó, thông qua các công cụ đồ họa như Photoshop hay AI để thiết kế nên những sản phẩm đồ họa mỹ thuật có sự sắp xếp hình học, bố cục, chọn lọc màu sắc, v.v… một cách thẩm mỹ và thu hút nhất.

Nhà thiết kế đồ họa làm công việc gì?Nhà thiết kế đồ họa làm công việc gì? © Freepik.com

Từ áp phích quảng cáo bạn nhìn thấy ngoài đường, cho đến những bìa cuốn sách bạn cầm trên tay, hay những những ứng dụng điện thoại bạn đang sử dụng, bạn đều có thấy các tác phẩm thiết kế đồ họa.

Qua những cách kết hợp nguyên lý thiết kế và gu thẩm mỹ, sáng tạo khác nhau, những bản thiết kế đồ họa này có thể giúp bạn có những cảm nhận và cảm xúc khác nhau khi thường thức giá trị nghệ thuật từ chúng. 

Vì sao ngành Thiết kế đồ họa lại “hot” như hiện nay?

Tầm quan trọng của hình ảnh

Có thể bạn chưa biết: Não bộ của chúng ta xử lý nội dung bằng hình ảnh nhanh gấp 60.000 lần so với nội dung bằng chữ thuần. 

Điều này đồng nghĩa việc truyền tải thông điệp qua hình trực quan thu hút, ấn tượng là thiết yếu cho bất kỳ ai, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn nâng cao hiệu quả truyền thông, và đương nhiên các doanh số bán hàng khác khi kinh doanh.

Sự thật này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thiết kế đồ họa đối với sự phát triển của nhiều công ty.

Thu nhập và cơ hội thăng tiến

Không chỉ thế, tính chất nghề Thiết kế đồ họa đòi hỏi tính sáng tạo cao, cũng như gu thẩm mỹ và khả năng am hiểu thiết kế, kỹ năng giao tiếp và đàm phán tốt. Vì vậy, thị trường lao động luôn rộng mở cơ hội cho những bạn đam mê với ngành nghề này.

Song với nhu cầu tuyển dụng ngày một gia tăng, mức lương và lộ trình phát triển hấp dẫn cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên “sức nóng” cho ngành. 

Bạn có thể tham khảo mức lương sau để có cái nhìn tổng quan hơn về độ hấp dẫn của ngành Thiết kế đồ họa hiện nay. Hơn thế nữa, với dân thiết kế đồ họa “lão làng” hay những bạn nhận làm thêm thiết kế bên ngoài, mức thu nhập của họ còn cao hơn thế nữa.

mức lương trung bình của graphic designer theo số năm kinh nghiệmmức lương trung bình của graphic designer theo số năm kinh nghiệm

Ngoài ra, graphic designer sau khi trau dồi đủ kỹ năng và tầm nhìn, họ còn có thể phát triển lên các vị trí cấp quản lý cao hơn như Trưởng phòng thiết kế, Trưởng phòng Marketing, Giám đốc sáng tạo, v.v…

Sáng tạo và tự do

Vì thuộc nhóm ngành sáng tạo, nghề thiết kế đồ họa cũng tạo cơ hội làm việc linh động cho nhiều bạn trẻ. Không bắt buộc luôn luôn có mặt 8-5 ở văn phòng công ty, Graphic Designer ngày nay có thể làm việc ở bất kỳ nơi đâu, tại nhà, quán café, hay những không gian thoải mái. 

thiết kế đồ họa cho phép sáng tạo và tự dothiết kế đồ họa cho phép sáng tạo và tự do © Freepik.com

Hơn thế nữa, bởi thiết kế sáng tạo yêu cầu bạn phải luôn đổi mới và cập nhật xu hướng. Điều này cho phép người làm thiết kế có cơ hội để khám phá và học hỏi mỗi ngày. Sự năng động và sáng tạo trong ngành này cũng vì thế trở thành điểm hấp dẫn khiến Graphic Design là lựa chọn công việc mơ ước cho nhiều người trẻ ngày nay.

Các mảng ngành chính trong Thiết kế đồ họa

Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu

Bộ nhận diện thương hiệu chính là cách mà công ty, doanh nghiệp, hay nhãn hàng truyền tải đặc tính, tính cách, thông điệp, hình ảnh, cảm xúc và trải nghiệm riêng biệt của họ tới người dùng. Đây cũng được coi là “gương mặt đại diện” khiến khách hàng dễ dàng nhận ra và ghi nhớ tới thương hiệu của họ.

Những nhà thiết kế chuyên về mảng lĩnh vực đồ họa này cần phải hợp tác làm việc với doanh nghiệp nhằm xác định ra các định hướng thương hiệu và nội dung họ muốn truyền tải. 

Thiết kế bộ nhận diện thương hiệuThiết kế bộ nhận diện thương hiệuVí dụ về bộ nhận diện thương hiệu cho công ty © Freepik.com

Từ đó, thiết kế hệ thống nhận diện phù hợp cho nhu cầu của công ty, bao gồm: logo, phông chữ, bảng màu, hay bộ hình ảnh đại diện. Thường xuất hiện dưới dạng ấn phẩm quen thuộc như: danh thiếp, các dụng cụ văn phòng phẩm, đồng phục nhân viên, cẩm nang thương hiệu, v.v…

Ví dụ, khi nhắc tới Apple, bạn nghĩ tới điều gì đầu tiên? Chắc hẳn 99% câu trả lời chính là Logo hình quả táo-cắn-dở. Bên cạnh đó, bộ nhận diện thương hiệu với thiết kế tối giản, hiện đại này cũng phần nào thể hiện giúp Apple thể hiện được thông điệp về chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng tối ưu cho các fan “nhà táo”.

Thiết kế đồ họa dành cho tiếp thị và quảng cáo

Dạo một vòng trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, hoặc bật TV, cầm một quyển tạp chí trên tay, bạn nhận thấy gì? Điều gì khiến bạn biết tới sản phẩm, dịch vụ và lựa chọn mua hàng, trải nghiệm? Đáp án chính là những chiến dịch marketing và quảng cáo bắt mắt và hiệu quả.

Cho dù là ấn phẩm in ấn, đồ họa kỹ thuật số, hay chiến dịch kết hợp, người thiết kế đồ họa cho mảng ngành này phải đảm bảo sản phẩm sáng tạo của mình đủ phù hợp, đủ ấn tượng nhằm gia tăng tác động vào quyết định mua hàng của khách hàng mục tiêu.

Thiết kế đồ họa dành cho tiếp thị và quảng cáoThiết kế đồ họa dành cho tiếp thị và quảng cáoVí dụ về thiết kế ảnh quảng cáo trên mạng xã hội © Freepik.com

Hãy thử tưởng tượng mà xem, bình thường chúng ta chỉ dành ra vài ba giây để xem quảng cáo. Vậy làm thế nào để một ấn phẩm quảng cáo có thể gây ấn tượng với khách hàng trong khoảng thời gian ít ỏi đó? Đây chính là bài toán mà người làm tiếp thị và thiết kế đồ họa cần phải giải quyết.

Một số sản phẩm đồ họa trong lĩnh vực này bao gồm: tờ rơi, áp phích quảng cáo, poster, catalogue, banner email, hình ảnh quảng cáo trên mạng xã hội hay website/blog,…

Đọc thêm: Tất Tần Tật Kiến Thức Chuyên Môn Về Marketing Thời Đại Mới 2022

Thiết kế kỹ thuật số (Digital design)

Hiểu một cách đơn giản, thiết kế kỹ thuật số là thiết kế đồ họa, nhưng được thể hiện, truyền tải thông qua giao diện kỹ thuật số — để sử dụng trên màn hình.

Thiết kế kỹ thuật số bao gồm rất nhiều loại, từ UI (giao diện người dùng) trên các website, trò chơi, hay ứng dụng, cho đến các mẫu dựng 3D. 

Thiết kế kỹ thuật số (Digital design)Thiết kế kỹ thuật số (Digital design)Ví dụ về thiết kế UI cho ứng dụng thể thao © Freepik.com

Điều này yêu cầu nhà thiết kế đồ họa cần đưa ra các giải pháp thiết kế tối ưu, bao gồm: kích cỡ, màu sắc, các vị trí đặt nút bấm, v.v… Bên cạnh đó, họ cũng cần làm việc với đội ngũ lập trình để phát triển sản phẩm kỹ thuật số tốt, mang lại trải nghiệm tốt nhất dành cho người dùng của mình.

Thiết kế ấn phẩm (Publication graphic design)

Đây là một trong những mảng thiết kế phổ biến nhất của ngành Thiết kế đồ họa với loạt ấn phẩm in ấn quen thuộc trong cuộc sống mà chúng ta dễ dàng bắt gặp như sách báo, hay tạp chí.

Một nhà thiết kế đồ họa trong mảng ngành này cần phải sáng tạo bố cục, ảnh bìa, cũng như hình ảnh minh họa cho các loại ấn phẩm, nhằm truyền tải thông điệp và tầm nhìn của tác giả dành cho “đứa con tinh thần” của mình.

Publication graphic designPublication graphic designVí dụ mẫu thiết kế đồ họa cho tạp chí © Freepik.com

Ngoài ra, dưới sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các loại hình thiết kế ấn phẩm không chỉ dừng lại dưới dạng in ấn truyền thống mà còn hiển thị trên màn hình kỹ thuật số.

Không cần biết nơi làm việc của graphic designer là tòa soạn hay công ty sản xuất trang bìa nào, nhiệm vụ của họ là phải làm việc hiệu quả với nhà biên tập và xuất bản nội dung để mang lại những ấn phẩm thẩm mỹ nhất.

Thiết kế bao bì, nhãn mác (Packaging design)

Đã bao giờ bạn từng một món hàng nào đó vì thấy thiết kế bao bì đẹp mắt, độc đáo hay “trông xinh” chưa? Bấy nhiêu thôi cũng đủ hình dung được tầm quan trọng của bao bì, nhãn mác đối với một sản phẩm như thế nào rồi đúng chứ!

Thiết kế bao bì, nhãn mác có đóng góp vô cùng quan trọng tới sự thành công của sản phẩm trên thị trường. Nó giúp công ty tạo lợi thế cạnh tranh cũng như “kích cầu” — tăng doanh số bán hàng cho sản phẩm.

Thiết kế bao bì của hãng tương cà HeinzThiết kế bao bì của hãng tương cà HeinzThiết kế bao bì của hãng tương cà Heinz

Không chỉ bắt mắt, thiết kế bao bì cũng cần thực tế và đáp ứng trải nghiệm thuận tiện cho người dùng. 

Ví dụ, hãng tương cà chua nổi tiếng Heinz đã thành công mở rộng thị phần sau cuộc “cách mạng” bao bì — đổi từ chai thủy tinh cổ cao sang chai nhựa ngược. Thiết kế này đã giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng và lấy sản phẩm mà không cần tốn công chờ cho sốt cà chảy ra. 

Thiết kế đồ họa chuyển động (Motion graphic design)

Đồ họa chuyển động, cái tên nói lên tất cả: Đây là loại hình sản phẩm đồ họa được thiết kế dưới dạng có thể chuyển động.

Thiết kế đồ họa chuyển động là sự kết hợp sáng tạo giữa các yếu tố như: Animation, âm thanh, hình ảnh, video, và các hiệu ứng thường được sử dụng trong kỹ thuật truyền hình, truyền thông, điện ảnh và trò chơi điện tử. 

Thiết kế đồ họa chuyển động (Motion graphic design)Thiết kế đồ họa chuyển động (Motion graphic design)Mẫu thiết kế đồ họa chuyển động © Freepik.com

Dưới dòng chảy của xu hướng tiêu thụ nội dung nhan qua video (theo báo cáo thống kê từ Invideo), motion graphic cũng trở thành một trong những mảng ‘hot’ của ngành thiết kế đồ họa trong những năm gần đây. 

Điều này đã mở ra nhiều cánh cửa cơ hội nghề nghiệp lớn dành cho các bạn trẻ đam mê ngành thiết kế sáng tạo và công nghệ kỹ thuật số.

Đọc thêm: Animation là gì? Những điều bạn cần biết

Thiết kế đồ họa không gian (Environmental graphic design)

Thiết kế đồ họa không gian là một chuyên ngành kết hợp đa mảng lĩnh vực của thiết kế, bao gồm cả hội họa, kiến trúc và nội thất. 

Người làm thiết kế mảng này cần chú trọng tập trung vào thiết kế không gian để mang lại trải nghiệm tích cực, kết nối khách hàng với một điểm nào đó bằng những hình ảnh, thông tin “dễ nhớ, dễ hiểu” và cảm xúc ấn tượng khó quên.

Environmental graphic designEnvironmental graphic designThiết kế không gian sự kiện Adobe Summit © Freepik.com

Một số sản phẩm của thiết kế đồ họa không gian có thể kể đến là: trang trí triển lãm, viện bảo tàng, tranh treo tường, trang trí nội thất cửa hàng, thiết kế không gian sự kiện/hội nghị,… 

Thiết kế nghệ thuật và hình minh họa (Arts & illustration design) 

Chính xác mà nói, đồ họa nghệ thuật và hình minh họa không phải là một mảng chính thống của thiết kế đồ họa, bởi tính chất của nó vốn không đi kèm với thương mại hóa mà tập trung hơn vào yếu tố nghệ thuật. 

Các tác phẩm đồ họa nghệ thuật và hình minh họa thường thường dùng để truyền tải nét nghệ thuật đương đại, pha cùng với sự sáng tạo và cá tính cá nhân của một nhà thiết kế.

Tuy nhiên, những sản phẩm nghệ thuật này vẫn hoàn toàn có thể được graphic designer kết hợp và xây dựng dưới nhiều định dạng khác nhau (thiết kế áo thun, website, infographic, tiểu thuyết tranh ảnh,…), dùng để phục vụ cho nhiều mục đích và các đối tượng khác nhau, chẳng hạn như doanh nghiệp, Marketer, hay nhà xuất bản truyện tranh.

Thiết kế phông chữ nghệ thuật (Lettering/Typeface design)

Không hẳn là một mảng ngành chính, phổ biến trong Graphic design, song, thiết kế phông chữ vẫn là một “mảnh đất màu mỡ” cho những bạn yêu đồ họa và con chữ. 

Thực tế, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những cộng đồng về Typography trên các nền tảng mạng xã hội hay Internet hiện nay — nơi mà dân thiết kế có thể tự do sáng tạo với các kiểu chữ và phông chữ đầy thẩm mỹ và nghệ thuật.

Thiết kế phông chữ nghệ thuật (Lettering/Typeface design)Thiết kế phông chữ nghệ thuật (Lettering/Typeface design) © Freepik.com

Điểm khác biệt giữa một typeface designer và nhà thiết kế đồ họa thông thường chính là sự chú trọng của họ dành cho từng con chữ. Họ không quan trọng mấy đến bố cục hay sắp xếp hình ảnh, trong khi các graphic designer thì dùng lại bản thiết kế phông chữ đó (có thể tải về từ nguồn khác) và sắp xếp chúng lại trong sản phẩm của riêng họ.

Làm sao để bắt đầu sự nghiệp trong ngành thiết kế đồ họa?

Bổ sung kiến thức và kỹ năng chuyên môn

Bước đầu tiên cũng như bước quan trọng nhất ngay khi “dấn thân” vào ngành chính là trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc.

Hãy bắt đầu tìm tòi, học hỏi về những thứ căn bản như nguyên tắc và nguyên lý thiết kế, xây dựng ý tưởng,… Bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học thiết kế, hoặc có thể tự học trên Internet.

Bổ sung kiến thức và kỹ năng chuyên môn về graphic designBổ sung kiến thức và kỹ năng chuyên môn về graphic design © Freepik.com

Sau khi hình thành được những ý tưởng sơ khai về thiết kế đồ họa, đừng chần chờ mà bắt tay ngay vào thực hành để biến ý tưởng thành sản phẩm cho riêng mình. Nhân cơ hội này, bạn nên tập trung rèn luyện thành thạo các công cụ thiết kế như Adobe Photoshop, Adobe Illustration, Adobe InDesign, v.v… để có thể phát triển và tiến xa hơn trong ngành nhé!

Trau dồi kỹ năng mềm

Bên cạnh đó, bạn cũng cần “nâng cấp” bản thân với những kỹ năng mềm quan trọng để mở rộng và gia tăng cơ hội làm việc dưới tư cách là một nhà thiết kế đồ họa chuyên môn.

Để Glints gợi ý cho bạn một số kỹ năng mềm cần thiết sau đây:

  • Kỹ năng xây dựng ý tưởng và sáng tạo
  • Kỹ năng giao tiếp và đàm phán
  • Kỹ năng quản lý thời gian
  • Khả năng hợp tác và giải quyết vấn đề
  • Tư duy phân tích và học hỏi nhanh

Đọc thêm: “Mách nước” 5 kỹ năng mềm giúp ứng viên thành công

Trải nghiệm với dự án của riêng bạn

Sau những nỗ lực luyện tập và học hỏi, một dự án nhỏ sẽ là khởi đầu tốt giúp bạn mài dũa kỹ năng thiết kế đồ họa của mình. 

Bạn có thể tự lên ý tưởng, tự làm khách hàng, và tự thiết kế các sản phẩm cho dự án cá nhân. Hay cũng có thể tham gia làm việc tình nguyện cho các tổ chức nhỏ tại địa phương, nhận các việc làm freelancer không cần kinh nghiệm, đơn giản để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, trở nên “cứng cáp” hơn với công việc của mình.

Xây dựng Portfolio

Bước cuối cùng để bạn có thể “bơi ra biển lớn” và bắt đầu chứng minh bản thân là một graphic designer thực thụ chính là thiết kế cho mình một bộ Portfolio thật “xịn” để phô diễn khả năng. 

Portfolio của bạn có thể bao gồm các bài tập thiết kế trong các khóa học đào tạo, hay những dự án cá nhân và công việc bạn đã từng tham gia. 

Chất lượng hơn số lượng. Hãy “trưng bày” những sản phẩm thiết kế bạn tự hào nhất lên Portfolio, cũng đừng quên cập nhật và làm mới chúng thường xuyên nhé!

Đọc thêm: Cách Làm Portfolio Xin Việc Thu Hút Nhà Tuyển Dụng

Nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag Graphic Design bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Thiết kế đồ họa nhé!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4.4 / 5. Lượt đánh giá: 7

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Tác Giả