Góp vốn, mua phần vốn góp / Cổ phần trong công ty Việt Nam – Vision & Associates
1
Góp vốn, mua phần vốn góp / Cổ phần trong công ty Việt Nam
Về lý thuyết, nhà đầu tư nước ngoài dù là cá nhân hay tổ chức đều có thể nắm giữ hoặc mua tới 100% cổ phần tại tất cả loại hình công ty trong nước, trừ một số trường hợp đặc biệt như đầu tư vào các ngành cụ thể (như ngân hàng) hoặc vào các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài (lên tới 49%) hoặc do điều lệ của công ty đại chúng, công ty niêm yết có quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và đã báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nói chung, pháp luật Việt Nam hiện hành công nhận và đối xử đối với các công ty có vốn đầu tư của nước ngoài (có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông) ở mức 50% vốn điều lệ hoặc nhỏ hơn, hoặc công ty hợp danh không có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài, tương tự như đối với các công ty Việt Nam được thành lập trong nước, khi các công ty này thành lập công ty con/ công ty liên kết mới hoặc mua lại phần vốn góp/ cổ phần trong các công ty khác tại Việt Nam.
Văn bản Pháp luật
Luật Doanh nghiệp (“LDN”) và Luật Đầu tư (“LĐT”) đều được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 tạo lập cơ sở pháp lý cho bên nước ngoài mua phần vốn góp/cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam. Quyền này được quy định cụ thể hơn trong một số văn bản dưới luật, bao gồm Nghị định số 47/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 01/04/2021, hướng dẫn Luật Đầu tư (“Nghị định 47/2021”); Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 12/03/2014 hướng dẫn mở và sử dụng các tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư nước ngoài gián tiếp tại Việt Nam (“Thông tư 05/2014/TT-BTC”); Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/06/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (“Thông tư 06/2019/TT-NHNN”); v.v. Bao trùm toàn bộ các ngành dịch vụ và bổ sung cho các quy định pháp lý nêu trên của Việt Nam là cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, cụ thể được phản ánh trong Biểu cam kết dịch vụ, có hiệu lực từ ngày 11/01/2007.
Yêu cầu
Nhìn chung, hiện nay, tất cả các loại hình công ty tại Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp nhà nước (“DNNN”), CTCP, công ty TNHH, CTHD đều có quyền bán phần vốn góp/ cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Về lý thuyết, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tới 100% số vốn điều lệ của công ty, tuy nhiên, tùy từng thời điểm và nhất là trong một số ngành nghề cụ thể, việc đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải chịu sự điều chỉnh của một số hạn chế trần dưới 100%, ví dụ trong ngành ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa 30%, hoặc đối với các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa không quá 49% vốn điều lệ.
Theo các quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua phần vốn góp/ cổ phần và trực tiếp hoặc gián tiếp chuyển phần lợi nhuận được chia/ cổ tức và tiền gốc ra nước ngoài thông qua ngân hàng trong nước và nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Để hỗ trợ cho các giao dịch này, nhà đầu tư nước ngoài được quyền mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại các ngân hàng tại Việt Nam, trừ trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài (có thành viên hoặc cổ đông là thực thể nước ngoài) có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 50% vốn điều lệ thì doanh nghiệp này phải thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng Đồng Việt Nam, tại một ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Quy định pháp luật xác nhận rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư mua phần vốn góp/ cổ phần trong các công ty Việt Nam được bảo vệ bởi luật pháp và Chính phủ Việt Nam.
Các hoạt động được phép thực hiện
Với tư cách là người nắm giữ phần vốn góp/ cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài có thể:
- Tham gia hoặc không tham gia vào công tác quản lý, điều hành công ty;
- Chuyển đổi các khoản cổ tức và các khoản tiền nhận được từ đồng nội tệ sang đồng ngoại tệ trước khi chuyển ra nước ngoài;
- Cầm cố hoặc thế chấp bằng cổ phần nắm giữ cho các giao dịch tín dụng;
- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết với công ty trong nước, sau khi đã nộp thuế TNDN;
- Được cấp thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần, loại ĐT1 (cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đại diện tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ Đồng Việt Nam trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quyết định của Chính phủ), loại ĐT2 (cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đại diện tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ Đồng Việt Nam đến dưới 100 tỷ Đồng Việt Nam hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển theo quyết định của Chính phủ), loại ĐT3 (cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đại diện tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 3 tỷ Đồng Việt Nam đến dưới 50 tỷ Đồng Việt Nam), hoặc loại ĐT4 (cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ Đồng Việt Nam) có thời hạn không quá 5 năm, chứng nhận tạm trú và thẻ tạm trú để ra vào và cư trú ở Việt Nam; và
- Được hưởng các quyền và lợi ích như đối với các nhà đầu tư trong nước.
Thủ tục mua Phần vốn góp/ Cổ phần
Thủ tục mua phần vốn góp/ cổ phần đơn giản hơn so với quy định trước đây khá nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài mua hoặc bán phần vốn góp/ cổ phần trong công ty Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Quy định hiện nay cho phép chủ sở hữu hoặc ban lãnh đạo của công ty hoặc tổng công ty Việt Nam quyền tự quyết định vấn đề này, theo quy định tại điều lệ hay quy chế của công ty. Đối với các DNNN cổ phần hóa có nhu cầu bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan Nhà nước quyết định cổ phần hóa sẽ là đơn vị quyết định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn vào, mua phần vốn góp/cổ phần trong công ty Việt Nam khi:
- Việc góp vốn, mua cổ phần/ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế hoặc công ty mục tiêu hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài và (các) tổ chức kinh tế có trên 50% vốn điều lệ được nắm giữ bởi:
- (các) nhà đầu tư nước ngoài, hoặc công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài;
- (các) tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài;
- (các) nhà đầu tư nước ngoài và (các) tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài;
nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây: nâng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ 50% hoặc dưới 50% lên trên 50%, tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế.
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất trên đảo, xã, phường, thị trấn ven biển, biên giới hoặc khu vực khác, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký góp vốn, mua phần vốn góp/cổ phần tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty Việt Nam đặt trụ sở chính. Trường hợp việc góp vốn, mua phần vốn góp/cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thay đổi thành viên/cổ đông theo quy định của pháp luật trong các trường hợp (i) và (ii), còn trường hợp (iii) cần thêm 10 ngày nữa để lấy ý kiến Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Nếu không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của LDN khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty Việt Nam.
Thuế
Nếu nhà đầu tư nước ngoài đã thanh toán hết các loại thuế và nghĩa vụ tài chính liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ không phải nộp thuế khấu trừ tại nguồn (withholding tax) cho việc chuyển ra nước ngoài các khoản thu nhập hợp pháp. Đối với các loại thuế khác, xin xem Phần 16 dưới đây.