Góp thêm tiếng nói cùng xã hội phòng, chống tác hại của rượu bia

Sau hơn 6 tháng tổ chức diễn đàn, với gần 50 bài viết, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, bạn đọc, cán bộ, chiến sĩ quân đội… có thể nói rằng, Diễn đàn “Văn hóa rượu bia” đã thêm tiếng nói quan trọng để góp phần giáo dục, định hướng dư luận về một vấn đề văn hóa xã hội được nhiều người quan tâm và bước đầu mang lại hiệu quả truyền thông tích cực.

1. Nói về chuyện rượu bia tưởng như đề cập đến một vấn đề “xưa như trái đất”, bởi hằng ngày, hằng giờ trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn đề cập những câu chuyện liên quan đến việc sử dụng rượu bia quá đà, quá chén xảy ra ở nhiều nơi dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc, những hậu quả đau lòng. Chuyện rượu bia mới thoạt nghe cũng tưởng là chuyện của mỗi cá nhân, ai thích thì uống, ai không thích thì thôi; ai biết “giữ mồm giữ miệng” thì rượu bia là niềm vui gắn kết tình thân, còn ai thích sa đà nhậu nhẹt thì dễ tự gây hại sức khỏe, làm mất tư cách, hình ảnh của chính mình.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) tìm hiểu nội dung Diễn đàn “Văn hóa rượu bia” trên Báo QĐND.Ảnh: ĐỨC NAM. 

Nhưng chuyện đâu đơn giản như vậy, bởi rượu bia đã trở thành một trong những vấn đề liên quan đến quốc gia đại sự khi ngày 14-6-2019, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Một trong những quy định trong luật này là: Nhà nước có chính sách ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

2. Ngay sau khi mở diễn đàn, Báo QĐND đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều cộng tác viên. Những bài đầu tiên đăng đàn gây sự chú ý đối với bạn đọc bởi những cây viết tên tuổi.

Đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) với bài: “Rượu-ranh giới của nghi lễ và văn hóa”. Với một cái nhìn tinh tế, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quan niệm: “Từ một môi trường xấu, con người dễ tha hóa, nghĩ và làm điều xấu xa. Nhưng đôi khi, cái xấu sinh ra từ những vẻ đẹp khi con người lợi dụng những vẻ đẹp đó và bước qua ranh giới của nó. Tôi quan niệm như vậy khi nghĩ về rượu và đời sống của nó”.

Ở một góc nhìn khác, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú trong bài “Truyền thống văn hóa uống rượu của người Việt” cho rằng: “Rượu là hiện tượng văn hóa nên phải điều chỉnh, tác động bằng văn hóa. Mà văn hóa thì giáo dục bằng cách nêu gương là tốt nhất: Mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên, đoàn viên, bậc cha chú… nêu gương dùng ít rượu, bia; nêu gương tôn trọng sở trường, sở đoản của khách, không cố tình nài ép khách uống để say xỉn cho hả dạ”.

Sau hơn bốn mươi năm trong quân ngũ, trưởng thành từ chiến sĩ phát triển lên cán bộ cấp cao trong quân đội, Thiếu tướng, GS, TS, NGND Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị cho rằng, uống rượu là một nét văn hóa ẩm thực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu bia hiện nay có xu hướng tràn lan, bị biến tướng, gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Chính vì vậy, ứng xử phù hợp, đúng mực với rượu bia là điều nên làm để góp phần nhân lên niềm vui, giảm thiểu nỗi lo, nỗi buồn từ rượu, bia.

Còn theo GS, TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), muốn làm thay đổi tình hình, trước hết cần phải làm cho văn hóa rượu bia hình thành từ văn hóa gia đình, từ sự gương mẫu của mỗi bậc làm cha làm mẹ, để mỗi gia đình là “cái nôi văn hóa” giáo dục mọi người có nhận thức, ứng xử đúng mực với rượu, bia.

Rượu, trong bản thể tinh túy cao quý có một khả năng là làm thăng hoa hồn người. Nhưng có những người lạm dụng rượu, coi rượu như cái cớ để đùa cợt, để ra vẻ ta đây sành điệu đến độ thái quá bất cập, không làm chủ được thái độ, hành vi, “quá khẩu thành tàn”, gây hại cho chính mình, gây nhiều phiền lụy cho người khác và xã hội. Cảnh báo tác hại khôn lường của sự lạm dụng rượu bia, nhiều bài viết đã phân tích sâu sắc về vấn đề này, tiêu biểu như các bài: “Biết uống-rượu là “tiên tửu”, quá đà-rượu là “tục tửu” của TS Vũ Thế Long (Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam); “Chớ để rượu bia trở thành “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” của Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý; “Chớ nên đùa rượu, bởi nhiều mối nguy” của tác giả Phạm Xưởng (Long Biên, Hà Nội)…

Đặc biệt, từ góc nhìn của các chuyên gia, vấn đề rượu, bia được phân tích một cách khoa học, khi đọc những bài viết này, độc giả có thêm cái nhìn thấu đáo về tính hai mặt của rượu, bia. Đó là ý kiến của các chuyên gia trong các bài: “Loại bỏ tâm lý tiêu cực trong văn hóa uống và mời rượu” của PGS, TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội); “Lạm dụng rượu bia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người” của TS, bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam; “Sử dụng rượu thuốc không đúng có thể chuốc họa vào người” của Đại tá, TS, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hương, Chủ nhiệm Khoa Lão khoa (Viện Y học cổ truyền Quân đội); “Nên có hình ảnh cảnh báo tác hại trên các sản phẩm đồ uống có cồn” của Thạc sĩ Lê Đức Thịnh, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Quân y 175); “Uống rượu, bia và trách nhiệm hình sự khi phạm tội” của Luật sư Đinh Thị Hồng Trang (Công ty Luật TNHH BH & Associates); “Vấn nạn bia, rượu trong thanh thiếu niên ở nông thôn-dễ thấy nhưng khó xử” của Thạc sĩ Nguyễn Thuận, Chuyên gia công tác xã hội trẻ em,…

3. Không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo hệ lụy, phân tích những tác hại, hậu quả do sự lạm dụng rượu bia gây ra, diễn đàn còn tập hợp, đăng tải ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, nghệ sĩ, nhà giáo… về những thông điệp tích cực trong sử dụng rượu, bia. Đó là ý kiến của các ông: Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải; TS Nguyễn Minh Trường, Phó trưởng ban Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Đại học Quốc gia Hà Nội); TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức; Thạc sĩ Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Mở Hà Nội; Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh); Đạo diễn Phan Đăng Di; NSND Công Lý (Nhà hát Kịch Hà Nội); Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist; Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Tổng giám đốc Flamingo Redtours; Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam…

Tiếp nối loạt bài cảnh báo tác hại, phân tích hệ lụy về sự lạm dụng rượu, bia trong cộng đồng, Báo QĐND tổ chức đăng các bài phản ánh những mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đó là các mô hình: Câu lạc bộ Phụ nữ lên tiếng về uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm (Hà Nội), với 10 câu lạc bộ được triển khai, thành lập tại 10/22 xã, thị trấn trong 3 năm (2018-2020); Mô hình “Nấu, bán rượu có kiểm soát” ở xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; Mô hình thực hiện thông điệp và cam kết “Uống có trách nhiệm” của sinh viên Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Mở Hà Nội…

Trong quân đội, nổi bật có mô hình “Xây dựng văn hóa “văn minh-lành mạnh” khi giao tiếp và sử dụng đồ uống có cồn” ở 100% cơ quan, đơn vị thuộc Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân. Theo đó, 100% đơn vị cam kết thực hiện 5 tiêu chí cụ thể, dễ nhớ, dễ thuộc, gồm: Không uống rượu bia trong giờ hành chính vào buổi trưa; thực hiện “rượu nhẹ, chén nhỏ, rót vơi”, “không lôi kéo, kích động, ép buộc”, “vui có chừng, dừng đúng lúc”; phát ngôn văn minh, lịch sự khi đã sử dụng rượu bia; đã uống rượu bia không được lái xe; cấp trên gương mẫu trước cấp dưới.

Thông qua những người thật, việc thật và những mô hình, điển hình “biết nói” như vậy, diễn đàn muốn góp phần biểu dương, khuyến khích và nhân rộng những việc làm tốt về phòng, chống tác hại của rượu, bia ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước.

4. Chủ đề Diễn đàn “Văn hóa rượu bia” gần gũi với mọi người, thân thiết trong cuộc sống, vì thế nhận được sự hưởng ứng tích cực, hiệu quả của đông đảo cộng tác viên và bạn đọc. Các bài viết tham gia diễn đàn đã bám sát chủ đề, đúng trọng tâm, trọng điểm. Sau 6 tháng tổ chức diễn đàn, với gần 50 bài viết, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, bạn đọc, cán bộ, chiến sĩ quân đội, có thể nói Diễn đàn “Văn hóa rượu bia” đã góp thêm tiếng nói quan trọng để góp phần giáo dục, định hướng dư luận về một vấn đề văn hóa xã hội được nhiều người quan tâm; đồng thời chung tay góp sức cùng toàn xã hội xây dựng ý thức, thói quen sử dụng rượu, bia hợp lý, văn minh, qua đó góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh và bồi đắp chuẩn mực văn hóa ứng xử của con người Việt Nam.

THIỆN VĂN