Góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay – Tin tức, đọc báo, sự kiện

12/12/2019 |9602

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào, là quyền lợi và trách nhiệm cao cả, thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam yêu nước đối với các thế hệ tiền nhân, đối với lịch sử truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để nhân dân ta an tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; là điều kiện để phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đó là ý chí quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Ảnh: Việt Nam luôn kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng trên biển

Hiện nay, bên cạnh ý chí quyết tâm, thái độ chính trị đúng đắn đối với các chủ trương, chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, sáng suốt của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng thiết tha của Nhân dân và Quân đội ta về việc giữ gìn mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển với các quốc gia, dân tộc láng giềng và các nước trong khu vực nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đó đây đã xuất hiện không ít những quan điểm, nhận thức lệch lạc, chưa đúng đắn, thậm chí còn sai trái, đối lập với chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta về vấn đề nêu trên, gây thêm khó khăn trong việc gìn giữ hòa bình, hợp tác, phát triển, làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông; phá hỏng môi trường và các điều kiện thuận lợi mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước phải rất khó khăn mới tạo ra được, làm cho một bộ phận ngư dân băn khoăn, lo lắng, thiếu an tâm bám biển, làm ăn, sinh sống, không dám và không muốn vươn khơi xa; bị động trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những luận điệu xuyên tạc, kích động, gây rối, làm mất tinh thần ngư dân đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân trong đất liền; gây tâm lý hoang mang của không ít gia đình có con em đang công tác trong lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam, Biên phòng Biển, Dân quân Biển, các tỏ chức, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ở những “điểm nóng” để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhất là bảo vệ các đảo, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế thuộc quần đảo Trường Sa và các vùng lãnh hải thuộc quyền kiểm soát, quản lý của Việt Nam. Với dụng ý xấu và dã tâm gây mất ổn định tình hình chính trị – xã hội nước ta, một số người đang cố tình tạo sóng gió từ Biển Đông, nhất là việc lợi dụng tàu HD 981 (năm 2014) và HD08 của Trung Quốc thăm dò trái phép ở Bãi Tư Chính của Việt Nam thời gian qua để gây bão lớn, lốc xoáy trong đất liền Việt Nam, kích động thanh thiếu niên, sinh viên và các phần tử bất mãn với chế độ biểu tình, bày tỏ lòng yêu nước bằng việc gây nhiễu loạn mạng xã hội; thậm chí tụ tập đông người gây rối, đập phá nhà xưởng, máy móc của các công ty tư bản nước ngoài đang làm ăn ở nước ta. Thực tế đã chứng minh, việc bày tỏ lòng yêu nước, mong muốn giữ gìn, ra sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của một số người đã bị kẻ xấu và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng phát động, kích động gây khó khăn cho chúng ta trong việc giải quyết hâu họa sau các đợt gây rối, rất lâu sau mới ổn định được tình hình, đưa công việc sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. Cái được, cái mất; thật giả, trắng đen sau các lần gây rối ấy đã quá rõ. Không thể bày tỏ lòng yêu nước, yêu biển, đảo của Tổ quốc theo cách sai lầm ấy.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần sáng suốt, bình tĩnh suy xét, phân tích thấu đáo, phân loại và đánh giá sát thực bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng những diễn biến phức tạp của tình hình trên Biển Đông để chống phá ta, nhất là tác hại của nó. Đồng thời, chỉ rõ khuyết điểm, sai lầm, cái giá phải trả của những nhận thức lệch lạc, những hành vi thiếu ý thức của một bộ phận nhân dân do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết nên vô tình đã phát ngôn, đòi hỏi, ra yêu sách không đúng, làm sai trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc gìn giữ, bảo vệ nền hòa bình và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hãy nhìn lại vấn đề: Nếu không sáng suốt, bình tĩnh, xử lý tốt vấn đề Biển Đông thời gian qua thì liệu năm 2014, tăng trưởng kinh tế làm sao đạt 5,98%, làm sao chúng ta có thể vui xuân, đón tết Ất Mùi, đời sống của nhân dân trong chiến tranh sẽ như thế nào, và cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã phải đổ máu, hy sinh biết bao nhiêu, các kế hoạch, dự án, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của chúng ta sẽ bị phá sản. Nếu chúng ta không bình tĩnh, tự tin, khôn khéo xử lý các vấn đề xảy ra xung quanh vụ việc tàu HD08 của Trung Quốc thăm dò trái phép tại Bãi Tư Chính thời gian qua, liệu Biển Đông có được yên bình như hôm nay; chúng ta liệu có an tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Phải chăng chỉ một số người bỏ bê sản xuất, tụ tập thành nhóm, hội, đi biểu tình; tung tin xấu độc lên mạng xã hội, quy kết buộc tội, nói xấu Đảng, Nhà nước, tham gia biểu tình chống Trung Quốc mới là yêu nước, lo cho vận nước? Bài học về nâng cao nhận thức, phân tích, đánh giá đúng tình hình, bình tĩnh, tự tin, sáng tạo và có giải pháp hợp lý, hợp tình vừa bảo vệ được chủ quyền biển, đảo, vừa gìn giữ được hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển; tuyệt đối không mắc mưu kẻ địch luôn nhắc nhở chúng ta và nó cần được vận dụng vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh tình hình mới. Có thể nhìn nhận các quan điểm sai trái, lệch lạc về chủ quyền biển, đảo Việt Nam trên mấy khía cạnh dưới đây.

Trước tham vọng “biến biển của ta thành ao nhà ”, những người theo chủ nghĩa bành trướng đã không ngừng đưa ra các yêu sách về chủ quyền, ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Để ngăn chặn mưu đồ, tham vọng của những người theo chủ nghĩa bành chướng, Đảng, Nhà nước, các lực lượng chấp pháp và toàn thể nhân dân ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng để chống lại những việc làm trái đạo lý, sai pháp lý của những người theo chủ nghĩa bành chướng, bá quyền. Thái độ và hành động của chúng ta vừa thể hiện rõ quan điểm mang tính nguyên tắc: Chủ quyền biển, đảo là chủ quyền quốc gia trên biển, là lợi ích quốc gia, dân tộc thiêng liêng, bất khả xâm phạm; đó là cái bất biến; vừa quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về kiên trì các giải pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; phát huy nội lực, mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo sử dụng mọi kế sách ngoại giao, pháp lý, đến ứng xử trên thực địa, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Vì vậy, chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng: giữ gìn, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo nói riêng cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước nói chung. Đồng thời, góp phần vào việc giữ vững hòa bình, ổn định tình hình trong khu vực và thế giới; được dư luận quốc tế đánh giá rất cao.

Thế nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng”, thời gian qua và hiện nay, xuất hiện không ít quan điểm, tư tưởng sai trái của một số người không có thiện chí với Việt Nam, luôn đi ngược lại lợi ích của đất nước, dân tộc. Những người này cho rằng: 1) Đảng, Nhà nước, các lực lượng chấp pháp và nhân dân ta “không kiên quyết” bảo vệ chủ quyền biển, đảo; 2) Xuyên tạc, bôi xấu mọi cố gắng, nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các lực lượng chấp pháp và nhân dân ta trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ gìn Biển Đông; 3) Vu cáo Đảng, Nhà nước ta, “nhân nhượng” về chủ quyền biển, đảo…

Từ đó, họ hênh hoang cho rằng, họ là những người “yêu nước chân chính nhất”, “vì nhân dân”, “vì Tổ quốc nhất”, nên ra sức đưa ra các “yêu sách”, “khuyến nghị” hay đưa ra những tư tưởng, quan điểm và giải pháp “tối ưu” cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam cả về đối ngoại và pháp lý; về quốc phòng và an ninh biển; về kinh tế; về chính trị… Đó toàn là những tư tưởng, quan điểm sai trái, phản động, đặc biệt nguy hại đối với nước ta hiện nay; phá bỏ mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc và nhân dân hai nước, là thủ đoạn “diễn biến hòa bình” hết sức thâm độc của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị. Chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ thù.

Để đấu tranh làm thất bại các quan điểm sai trái trên đây, trước hết, trong mọi tình huống, bất trắc xảy ra, chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, tự tin, phân tích, xem xét thấu đáo tình hình, đánh giá đúng, trúng các chiều cạnh của mọi vấn đề; phải thấy rõ những ý kiến, quan điểm nêu trên đâu là vô tình, đâu là hữu ý; ai là chủ mưu, ai là tòng phạm, a dua; tác hại của những quan điểm không đúng, trái với đường lối, quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước ta về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Đồng thời, phải phân biệt và nhận dạng cho rõ, đâu là những loại ý kiến chủ mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta, không muốn cho đất nước ta có sự ổn định và phát triển; đâu là ý kiến, quan điểm lệch lạc, do thiếu hiểu biết, nói leo, làm theo. Qua đó, nhìn nhận kỹ lưỡng, thấy rõ hơn bản chất, ý đồ của những loại ý kiến, quan điểm “mượn gió bẻ măng”; lợi dụng tình thế để trục lợi theo kiểu “đục nước béo cò”. Hơn thế, có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn những loại ý kiến đã gây ra tranh chấp biển, đảo của Việt Nam thời gian vừa qua, nay ngụy tạo, ẩn mình hùa theo các thế lực thù địch để “gây rối”, “thử phản ứng”, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Thứ hai, phải hiểu được và làm cho mọi người dân thấy rõ: Biển, đảo Việt Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cũng như mối quan hệ giao thương hàng hải, đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu và là vấn đề mang tính cấp bách hiện nay, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp – sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao và pháp lý, nhất định chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ ba, phải nắm vững và không ngừng phổ biến, tuyên truyền, làm rõ đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay – chủ trương nhất quán giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đồng thời, tăng cường phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, vận dụng tổng hợp các biện pháp chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và quân sự trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên  trì nguyên tắc, đồng thời xử lý các vấn đề cụ thể một cách bình tĩnh, chủ động, không để bị mắc mưu và khiêu kích của một số nước lớn cũng những sự kích động, chống đối của các thế lực thù địch và cơ hội. Trước sau như một, Đảng và Nhà nước ta nhất quán khẳng định chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo; phát triển kinh tế biển phải gắn với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển; giải quyết các bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, tôn trọng nhau, bình đẳng cùng có lợi.

 Thứ tư, phải tận dụng, khai thác và phát huy hết khả năng của các lực lượng, phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các lực lượng vũ trang vào mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận, làm cho nhân dân và các lực lượng vũ trang, nhất là Quân đội không chỉ có nhận thức đúng, ngày càng tin tưởng vững chắc vào đường lối, chủ trương, chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng mà còn tích cực tham gia một cách sâu rộng, thiết thực và hiệu quả vào cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay. Phải tạo ra được một thế trận lòng dân tốt, chủ động tiến công tư tưởng, lý luận liên tục và rộng khắp, có sự hợp đồng “quân binh chủng” chặt chẽ, cùng tiến đánh và làm thất bại các quan điểm sai trái đó. Phải thấy rằng, đây là một hướng mũi tiến công rất lợi hại của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng có thành công hay không, tùy thuộc một phần rất quan trọng vào công tác tuyên truyền, đấu tranh làm thất bại các quan điểm sai trái và thù địch này.

Công tác tuyên truyền biển, đảo cần bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng, đồng thời tận dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật và chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền. Có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương;  có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ trung ương tới cơ sở về nội dung và phương pháp tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng và phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, lồng ghép chặt chẽ giữa các hoạt động đối ngoại, chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng…

Thứ năm, các cơ quan lãnh đạo và chỉ đạo công tác báo chí tuyên truyền, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu trong quân đội, nhất là các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung xây dựng, củng cố lực lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận, văn hóa, tuyên truyền giỏi; đồng thời, trực tiếp tham gia, mỗi người là một cán bộ giỏi về đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, vạch trần các luận điệu giả dối, quan điểm sai trái trên vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong cuộc đấu tranh này, phải chỉ ra được mục đích chính trị phản động, động cơ của các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch đó; phân tích, làm rõ những âm mưu, thủ đoạn xảo trá, sự biến hình của nó; đồng thời, phải tuyên truyền, vận động, nhất là giải thích, thuyết phục một cách khoa học, có lý, có tình, tránh “đao to, búa lớn”; nhất là phải định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn, cổ vũ lòng nhiệt huyết, tình yêu Tổ quốc, dân tộc chân chính cho nhân dân, cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang, chú ý giáo dục chủ nghĩa yêu nước đối với thế hệ trẻ.

Để công tác tuyên truyền và đấu tranh tư tưởng, lý luận góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đạt hiệu quả tốt, cần nắm vững quan điểm, tư tưởng cơ bản về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, tập trung chủ yếu ở Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương Tám, khóa XI “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa X; mục tiêu là “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi phải thường xuyên quán triệt, nắm vững các quan điểm, tư tưởng của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, sáng tạo trong thực tiễn ở mọi cấp, ngành và toàn dân; phát huy cao nhất vai trò nòng cốt của các lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là vai trò của quân đội trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận; làm thất bại các tư tưởng, quan điểm sai trái về chủ quyền biển, đảo, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Những ai, thế lực nào có tham vọng độc chiếm biển Đông, biến biển của chúng ta thành ao nhà của họ đều bị nhân dân Việt Nam cực lực lên án, phản đối. Trên tinh thần đàm phán, thương lượng hòa bình để giải quyết thỏa đáng, đúng luật pháp quốc tế, đúng đạo lý về mọi vấn đề phát sinh trên Biển Đông, chúng ta kiên quyết không để tình hình phức tạp thêm. Ý đồ, tham vọng là mong muốn chủ quan của nước ngoài, còn nó có thực hiện được hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, do chúng ta quyết định chứ không phải người nước ngoài. /.

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND. Nguyễn Bá Dương

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng