Gợi ý mâm cúng rằm tháng 7

Với mâm cúng chay, bạn có thể làm các món rau củ, đậu phụ xào và xôi, còn với mâm mặn là gà luộc, nem, giò, canh măng mực…

Rằm tháng 7 là ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt, là lễ Vu Lan để con cháu báo hiếu cha mẹ, tổ tiên, đồng thời cũng là ngày xá vội vong nhân, theo tín ngưỡng dân gian. Vào ngày này, các gia đình đều chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn, dâng lễ lên bàn thờ gia tiên. Tùy theo từng nhà, lễ có thể thực hiện từ ngày mùng 2 âm lịch tới trước 12h trưa ngày 15/7 âm lịch. Các món ăn bày trên mâm cúng cũng không có nguyên tắc cố định mà tùy điều kiện, chỉ cần được nấu nướng và bày biện chỉn chu là đủ thể hiện lòng thành của con cháu. Mâm cúng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đều được.

Cỗ chay

Mâm cỗ chay của một gia đình ở Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chi

Mâm cỗ chay của một gia đình ở Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chi

Với mâm cỗ chay, bạn có thể tham khảo thực đơn gồm:

– Món xôi (xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi vò, xôi hạt sen, xôi trắng)
– Món nem (nem rau củ, nem nấm)
– Món canh (canh rau củ, nấm, khoai tây)
– Món xào (rau củ: súp lơ, su su, ớt chuông, cà rốt, nấm…)
– Đậu phụ (chiên, xốt nấm, xốt cà chua)
– Món chiên (khoai tây chiên, khoai lang kén)
– Món chè (chè đỗ xanh, đỗ đen, chè bưởi, chè bà cốt, chè con ong, chè kho)
– Bánh (bánh trôi nước, bánh đúc lạc, bánh xu xê, bánh bao chay).

Khi nấu món chay, bạn cần lưu ý sử dụng gia vị chay như muối, đường, nước tương, hạt nêm chay, dầu thực vật… Ngoài ra, để tăng hương vị cho món ăn, bạn có thể dùng thêm gia vị tạo mùi có nguồn gốc thực vật như chao, tương bần, bột cà ri, ngũ vị hương, quế, dầu mè, dầu đậu phộng, sả, ớt, tiêu… Chất tạo màu có thể dùng như bột nghệ, gấc, lá dứa, màu điều, củ dền, lá cẩm… Món chay thường tạo cảm giác đơn điệu nên sau khi chế biến, bạn có thể tỉa hoa hồng từ cà chua, tỉa hoa từ cà rốt, tỉa hoa cho đĩa rau củ luộc.

Cỗ mặn

Mâm cỗ mặn của một gia đình Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chi

Mâm cỗ mặn của một gia đình Hà Nội. Ảnh: Nguyên Chi

Không giống cỗ chay ít sự lựa chọn, cỗ mặn phong phú hơn. Mỗi gia đình lại có sự lựa chọn riêng, phụ thuộc vào khẩu vị và điều kiện của nhà mình. Về cơ bản, bạn cũng có các món xôi, nem, canh, món xào, món luộc… giống cỗ chay nhưng sử dụng thêm nguyên liệu từ thịt, cá, hải sản…

Một số món “kinh điển” được nhiều nhà áp dụng như gà luộc (chặt miếng vuông vức và bày biện ngay ngắn), xôi vò hoặc xôi đỗ, nem (nem thịt hoặc nem hải sản), rau củ xào thịt, giò (cắt tỉa và bày biện), nộm gỏi hay các món chiên (khoai chiên, lạp xưởng, thịt lợn chiên). Ngoài ra, nhiều gia đình nấu thêm các món hải sản như tôm chiên, chả tôm mực… Về món canh, các gia đình ngoài Bắc thường nấu canh rau củ với mọc, canh bóng hoặc canh măng mực kiểu Bát Tràng.

Nếu cúng cả mâm chay và mâm mặn, bạn có thể tận dụng một số nguyên liệu chung để nấu cả hai. Ví dụ, vẫn món rau củ xào chay, bạn có thể thêm một số nguyên liệu của món mặn như thịt bò, thịt lợn… làm thành món ăn mới bày trên mâm mặn.

Cũng giống mâm cúng chay, với mâm cúng mặn, khâu trình bày rất quan trọng. Nếu có thời gian, bạn có thể tỉa thêm hoa từ cà rốt, cà chua, ớt chuông, dưa chuột… để bày xen kẽ cho mâm cơm cúng thêm sắc màu, hấp dẫn. Riêng với giò, bạn có thể học cách thái đơn giản, đẹp mắt tại đây.

Bài và ảnh: Nguyên Chi