Gợi ý mâm cỗ mặn rằm tháng Giêng – VnExpress Cooking

Rằm tháng Giêng hay còn gọi Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên là ngày rằm đầu tiên, khởi đầu trong năm. Người Việt quan niệm, mọi việc ”đầu xuôi đuôi lọt” nên rằm tháng Giêng luôn được chú ý chăm chút, gửi gắm ước nguyện tốt lành cả năm, bởi thế có câu ”Giỗ Tết cả năm không bằng rằm tháng Giêng”.

Mâm cúng rằm tháng Giêng thường có cỗ mặn cúng gia tiên và cỗ chay cúng Phật.

Một mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng giêng có các món truyền thống như gà luộc, nem ốc, bánh chưng.... Ảnh: Bùi Thủy.

Một mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng giêng có các món truyền thống như gà luộc, bánh chưng kết hợp với món ăn hiện đại như nem ốc, dồi sụn nướng…. Ảnh: Bùi Thủy.

Bài viết gợi ý một số món chính trong thực đơn cỗ mặn:

– Gà luộc

– Nem ốc

– Bánh chưng

– Dồi sụn nướng

– Dê cuộn mỡ chài

– Rau sống

– Canh miến nấu nấm hương, nước luộc gà, lòng gà

1. Gà luộc:

Gà luộc là món không thể thiếu trong thực đơn ngày rằm bởi gắn với thần thoại xưa ”gà gọi mặt trời” và là vật cúng tế linh thiêng đem lại may mắn cho gia đình.

Yêu cầu thành phẩm: gà luộc vàng ươm, da căng bóng, thịt bên trong chín ngọt. Lưu ý: Chọn gà trống vừa phải, mào đỏ tươi, chân vàng, ức đầy đặn, lỗ chân lông vừa phải, đủ móng.

Gà sau khi làm sạch thì chà chút nghệ tươi, rồi cho vào nồi nước đế dày, đổ ngập nước, thêm chút muối, hạt nêm, hành tím, gừng đập dập bập bếp đun. Khi nước sôi, đổ vào 1 bát nước nhỏ để hãm nhiệt (tránh gà bị nứt), rồi hạ nhỏ lửa luộc 7-8 phút. Tắt bếp om gà 15-25 phút tùy vào kích thước lớn, bé. Sau đó, vớt ra ngâm nước đá, lấy ra phủ khăn xô ủ ẩm. Nếu muốn bóng mượt hơn thì thoa chút mỡ nghệ để da căng bóng, vàng ươm đẹp mắt. Để gà nguyên con hoặc chặt đều miếng bày ra đĩa trên mâm cỗ.

Cách làm chi tiết: Xem ở đây

Gà trống hoa thường được lựa chọn trong các mâm cúng dịp Lễ tết vì gắn với thần thoại xưa gà gọi mặt trời với ý nghĩa đánh thức vạn vật sinh sôi, thuận hòa. Ảnh:Bùi Thủy.

Gà trống hoa thường được lựa chọn trong các mâm cúng dịp Lễ tết vì gắn với thần thoại xưa ”gà gọi mặt trời” với ý nghĩa đánh thức vạn vật sinh sôi, thuận hòa. Ảnh:Bùi Thủy.

2. Nem ốc: Với một chút biến tấu khi thêm ốc vào nhân, bạn sẽ có một món nem mới lạ, thú vị.

Yêu cầu thành phẩm: Nem ốc giòn rụm bên ngoài, ngọt mềm và dai sần sật bên trong nhân. Đặc biệt, toát lên hương thơm từ lá lốt, sả tạo nên dư vị rất hấp dẫn, lạ mà quen. Khi làm nem, bạn cần chú ý:

– Vỏ bánh: Dùng bánh ram Hà Tĩnh là tốt nhất. Nếu không có thì dùng bánh đa nem và quết thêm hỗn hợp bia để khi chiên có độ giòn, đồng thời lên màu đẹp mắt.

– Khi chuẩn bị, sơ chế các nguyên liệu nên để riêng phần thịt với ốc (ốc nên thái miếng nhỏ sẽ giúp nem giòn sần sật (không nên băm nhuyễn vì mất đi độ giòn đặc trưng của ốc), phần rau thái riêng. Khi làm mới trộn chung để tránh bị ra nước. Ướp chút dầu hành phi sẽ làm nhân thơm ngon, không bị khô. Thêm chút bột bắp cũng giúp nhân nem không bị ướt.

– Chiên 2 lần lửa (lần 1 chiên sơ, lần 2 khi ăn thì chiên chín vàng) sẽ giúp nem giòn ngon hơn.

Cách làm chi tiết: Xem ở đây

Nem ốc là một gợi ý mới lạ và hấp dẫn cho mâm cỗ cúng Rằm tháng giêng. Ảnh: Bùi Thủy.

Nem ốc là một gợi ý mới lạ và hấp dẫn cho mâm cỗ cúng Rằm tháng giêng. Ảnh: Bùi Thủy.

3. Dồi sụn nướng: Bạn có thể làm món này trước để trữ đông dùng dần, khi nhà có khách hoặc dịp lễ sẽ thuận tiện và nhanh chóng.

Yêu cầu thành phẩm: Dồi sụn đều, bên ngoài màu nâu vàng, hơi giòn, phần nhân sần sật, ngọt mềm, thơm ngon.

a) Nguyên liệu:

– Phần vỏ: Lòng non

– Phần nhân: Có 2 cách:

+ Nếu nhà có trẻ nhỏ, muốn dồi sụn mềm thì phần nhân nên dùng cuống họng băm nhỏ (phần này vừa mềm mà không quá cứng giòn như sụn heo) + thịt nạc vai xay+ chút mỡ phần băm nhỏ + đậu phộng rang giã dập và các rau gia vị cắt nhỏ: hành lá, húng quế, rau răm. Nêm gia vị theo khẩu vị gia đình: mắm, muối, hạt nêm, đường, rượu mai quế lộ, dầu điều, dầu mè, hạt tiêu.

+ Nếu thích giòn sần sật và cay thì thêm phần sụn heo băm nhỏ và chút ớt vào phần nhân như trên.

b) Cách làm:

– Sơ chế lòng non: Rửa sạch, lộn ngược tuốt hết dịch vàng, bóp muối rửa sạch. Tiếp tục bóp với chanh/ hoặc giấm, nếu có rượu gừng thêm vào càng tốt, giúp khử mùi hôi, rửa sạch và lộn lại như ban đầu.

– Trộn các nguyên liệu phần nhân và nêm nếm gia vị phù hợp.

– Nhồi lòng: Buộc 1 đầu bộ lòng, dùng phễu hoặc vỏ chai nhựa để nhồi nhân vào. Chú ý nhồi đều, số lượng vừa phải (không nhiều hay ít quá). Dùng chỉ cotton chia từng đoạn vừa ăn và buộc lại.

– Luộc lòng: Cho dồi vào nồi, thêm nước lạnh đủ ngập dồi, thêm chút hành tím đập dập, chút muối, hạt nêm để lòng luộc thơm hơn. Chú ý: khi bật bếp luộc lòng, dùng tăm tre nhọn đâm vào phần dồi căng lên vài chỗ để tránh bị bục, luộc lòng ở lửa nhỏ lăn tăn trong 6-7 phút, tắt bếp và ngâm thêm chút cho lòng ”ngậm nước” ngon ngọt. Vớt ra để ráo nước, khi nguội thì phết thêm dầu điều để lên màu đẹp hơn.

– Sau đó, bạn có thể nướng hoặc chiên dồi đều được, khi dồi chuyển màu vàng nâu, hơi xém là đã đạt.

4. Dê cuộn mỡ chài nướng

Yêu cầu thành phẩm: Thịt vừa chín tới, ngọt mềm, không bị dai hay khô, dậy mùi thơm đặc trưng của thịt dê, vị đậm đà.

a) Nguyên liệu:

– Thịt dê tươi xay

– Thịt nạc vai xay

– Một chút gan dê, xay nhỏ

– Mỡ chài: Chia làm 2 phần (một phần xay và một phần miếng để bọc cuốn)

– Gia vị ướp: tiểu hồi, hạt mùi, chao, ớt, sả, hạt tiêu, chút mẻ, riềng, hành tỏi khô, mắm tôm (tùy chọn), vừng rang.

– Gia vị nêm nếm: mắm, muối, đường, hạt nêm.

– Rau thơm ăn kèm.

b) Cách làm:

– Phần riềng, sả, hành tỏi khô nên xay nhỏ, vắt lấy nước cốt để ướp. Phần mẻ lọc kỹ.

– Trộn tất cả nguyên liệu (thịt dê, thịt nạc vai, gan dê xay nhỏ với mỡ chài xay, gia vị nêm nếm theo khẩu vị gia đình) để cho ngấm.

– Sau đó, đặt mỡ chài miếng dàn mỏng, múc phần thịt dê đã ướp viên lại hình trụ rồi đặt vào miếng mỡ chài cuốn lại.

– Đặt thịt dê đã cuốn vào vỉ và đem nướng chín. Món này ăn ngon với nước mắm chua ngọt hoặc nước tương bần.

Chúc các bạn có nhiều món ngon sum vầy cùng gia đình trong dịp rằm tháng Giêng!

Bùi Thủy