Gợi ý cách làm mâm cỗ Tết cổ truyền miền Trung
Miền Trung có thời tiết khắc nghiệt nên nét văn hóa ẩm thực của họ cũng thể hiện rõ tinh thần sẻ chia, tiết kiệm. Nét văn hóa ẩm thực này cũng thể hiện trong mâm cỗ của họ vào dịp Tết Nguyên đán.
Cũng như mâm cỗ của người miền Bắc, mâm cỗ Tết cổ truyền của người miền Trung có nhiều món ăn truyền thống, đậm nét vùng miền như: gà luộc, thịt lợn, bánh chưng, bánh tét, nem chua, dưa hành, ram cuốn…
Các món ăn trên thường được bài trí đủ đầy, tươm tất trên chiếc mâm tròn. Điều này thể hiện ước mong sum vầy, đoàn tụ và một cuộc sống no ấm, an lành trong năm mới của gia chủ.
Các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người miền Trung thường được bày trên chiếc bàn tròn. (Ảnh: Hà Trần).
Tuy vậy, các món ăn trong mâm cỗ của người miền Trung thường chia thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ bày một ít như một cách thể hiện sự chắt chiu và san sẻ.
Ngoài ra, những món ăn mặn của người miền Trung chú trọng nhiều đến yếu tố lưu trữ. Bên cạnh bánh chưng, bánh tét có thể để được đến gần 1 tháng thì các món ăn đi kèm cũng “dài hạn” không kém.
Ở đây có món dưa món được chế biến từ đu đủ, củ cải trắng, cà rốt, củ kiệu… phơi khô rồi ngâm với nước mắm, hay món mắm tôm chua đặc trưng xứ Huế, dù để khá lâu nhưng vẫn giữ được độ giòn, ngon.
Mâm cỗ ngày tết miền Trung còn có những món chủ lực như thịt bò, thịt heo, giò… Tuy nhiên, do đặc trưng vùng miền, mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người miền Trung còn có các món rất độc đáo gồm: thịt heo ngâm nước mắm, tôm chua, giò bò (chả bò) và bánh tổ.
Vào ngày Tết, sau bánh chưng, bánh tét, thịt gà, mâm cỗ của người miền Trung không thể thiếu đĩa thịt heo ngâm nước mắm.
Loại thịt được sử dụng để chế biến món ăn này là thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò. Người ta buộc thịt lại thành những đòn như bánh tét đem đi luộc cho chín tới.
Sau đó, thịt đã luộc được cho vào trong hũ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước mắm, giấm và đường vào cho ngập thịt.
Thêm vài củ hành nướng sơ qua vào cho thơm, để 3 ngày là ăn được. Vị mặn của món thịt heo kết hợp với dưa món, hay cùng bánh tráng thì càng hấp dẫn hơn.
Các món ăn đặc trưng trên mâm cỗ của người miền Trung: Thịt heo ngâm nước mắm, tôm chua, chả bò, bánh tổ.
Sau món thịt heo ngâm nước mắm, trên mâm cỗ của người miền Trung còn có món tôm chua. Các nguyên liệu để làm ra tôm chua đếm không xuể như củ riềng, tỏi, ớt, vị chua từ khế, vị chát từ quả vả cùng các loại rau thơm,…
Tất cả tạo nên hương vị vừa ngọt bùi lại có chút chua cay. Món ăn này giúp cho người ăn bớt đi cảm giác ngấy sau khi đã thưởng thức nhiều món mặn trên mâm cỗ.
Nếu như mâm cỗ Tết cổ truyền của người miền Bắc luôn có giò thủ thì ở miền Trung, mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món giò bò hay còn gọi là chả bò.
Giò bò có mùi thơm đặc trưng của tất tần tật các vị mặn, ngọt, giòn, dai hòa quyện với mùi tiêu cay nồng để lại dư vị không thể nào quên nếu đã từng được nếm thử.
Món ăn này có thể ăn kèm với hành tươi, rau thơm hoặc ăn cùng với bánh mì đều rất ngon.
Món tráng miệng trên mâm cỗ của người miền Trung là bánh tổ. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản nhưng món bánh này trở nên vô cùng hấp dẫn qua bàn tay khéo léo của người dân miền Trung.
Khi ăn có người thích cắt ra từng miếng, có người lại nướng trên bếp than cho mềm hoặc chiên cùng với dầu cho ngon.
Ngoài ra, người miền Trung rất thích ăn những món cuốn nên không thể nào thiếu đi các món như thịt luộc, cá hấp cuốn bánh tráng, nem lụi…
>>> Xem thêm các công thức món ngon mỗi ngày mới nhất
Nguyễn Sơn (tổng hợp)
Gợi ý mâm cỗ cúng giao thừa đơn giản, đầy đủ
Cúng giao thừa hay còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
Bài cúng tất niên theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Bài cúng 30 Tết Nguyên đán – Văn khấn tất niên được VietNamNet tổng hợp theo văn khấn cổ truyền Việt Nam, độc giả có thể tham khảo.
Cách làm mứt dừa non đón Tết không bị chảy nước
Mứt dừa non là món ăn thú vị cho dịp Tết đến, xuân về. Bạn hãy tham khảo cách làm mứt dừa non dưới đây của chị Tô Hưng Giang nhé.