Gợi ý cách bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh luôn tươi ngon ngày Tết
Làm thế nào để bảo quản một số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh ngày Tết luôn được tươi ngon trước khi sử dụng? Hãy cùng xem qua mẹo vặt hay dưới đây để đảm bảo rằng giữ thực phẩm tết trong tủ lạnh luôn tươi ngon đúng cách bạn nhé!
1. Phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh trong ngày Tết
Khi mua thức ăn dự trữ ngày Tết, các bạn nên chia làm ba loại chính là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín được đóng gói và thực phẩm gồm rau, củ, quả, trái cây.
Để không xảy ra hiện tượng nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín, chúng ta cần bố trí các thực phẩm trong ngăn thức ăn sao cho thật phù hợp. Mọi người nên lưu ý vấn đề bảo quản thức ăn để có thể vui Tết trọn vẹn nhé!
2. Sắp xếp thực phẩm đúng theo trật tự
Việc sắp xếp thức ăn theo đúng trật tự là rất quan trọng.
Mỗi ngăn lạnh sẽ có nhiệt độ riêng thích hợp với từng loại thực phẩm, vì vậy ta cần bố trí nó cho phù hợp để tránh những thức ăn ở nhiệt độ lạnh quá hoặc thấp quá làm giảm đi độ tươi ngon và bị vi khuẩn làm hỏng.
Đối với thực phẩm chưa cần nấu vội, các bạn cho vào phía trong cùng, thực phẩm nào nấu trong ngày cho ra ngoài để tiện việc nấu nướng của gia đình.
3. Cách bảo quản những thực phẩm tươi sống
Những thực phẩm tươi sống là những loại thực phẩm vốn chưa được sơ chế qua.
Vì vậy, trước khi cho vào tủ lạnh, chúng ta cần phải làm sạch các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá,… này trước. Đối với cá, tôm,… thì các bạn nên loại bỏ phần ruột và phần đầu, đánh vảy và rửa sạch hết rồi mới cho vào tủ lạnh.
Vì cá có mùi tanh khá mạnh, các bạn nên luộc sơ và bỏ túi ni lông thật kỹ hoặc bỏ hộp kín rồi cho vào ngăn đá, tránh việc gây ra mùi khó chịu cho tủ lạnh nhé!
Đối với các loại thịt thì đơn giản hơn, chúng ta chỉ cần rửa sạch. Sau đó cho vào các bao ni lông.
Các bạn nên bọc nhiều bao ni lông và bọc thật chặt để tránh miếng thịt bị đông quá mà mất nước và bị bám đá vào.
Đồng thời, các bạn cũng nên chia nhỏ các phần thịt, cá cho từng ngày ra từng bao nhỏ, để mỗi lần ăn chỉ cần lấy ra và cho rã đông phần đó. Tránh trường hợp rã đông hết rồi lại cho vào tủ lạnh, sẽ gây hại cho thực phẩm.
4. Bảo quản những thực phẩm làm từ sữa đúng cách
Đối với sữa, các bạn không nên để cùng với rau xanh, thực phẩm có mùi mạnh hoặc các loại trái cây vì sữa có tính hấp thụ mùi.
Để sữa cạnh những thực phẩm này sẽ làm nó có mùi khác đi. Còn đối với các loại phô mát, các bạn nên dùng bao ni lông hoặc màng bọc thực phẩm bao lại, rồi mới cho vào tủ lạnh. Điều này nhằm tránh miếng pho mát bị khô hoặc vi khuẩn sinh sôi gây hư pho mát.
5. Để giữ cho rau, củ, quả luôn được tươi ngon
Các bạn sau khi mua rau về, cần phải rửa rau thật sạch. Đồng thời, nhặt hết những lá sâu, lá vàng ra khỏi rau. Đối với các loại củ và quả, các bạn cũng phải loại đi những quả bị dập hoặc chín quá. Sau đấy mới cho vào tủ lạnh.
Những loại rau như súp lơ, cần tây hay xà lách, các bạn nên bọc bằng giấy bạc thì sẽ lưu giữ được lâu hơn. Còn đối với những rau, củ, quả khác, các bạn lưu ý rằng chỉ nên bảo quản trong vòng từ 2 đến 5 ngày mà thôi.
Không nên trữ các loại rau đã chế biến vào tủ lạnh, ví dụ cải chua, dưa muối trong ngày Tết. Vì các vi khuẩn có trong thức ăn (đã được nêm muối) sẽ phát triển nhanh thành tiền chất gây ung thư. Đó là lí do vì sao những người hay ăn các loại củ cải muối, rất dễ bị ung thư dạ dày
6. Đối với các thức ăn thừa còn lại
Đối với các thức ăn thừa, các bạn nên bọc hoặc đậy lại cẩn thận rồi mới cho vào tủ lạnh. Điều này sẽ tránh sự lây lan vi khuẩn trong thực phẩm và làm các thức ăn bị hư đi. Tuy nhiên, các bạn vẫn nên nấu không quá nhiều trong một bữa, tránh để lại thức ăn thừa vì nó sẽ không tốt.
Các loại thực phẩm sau khi đã nấu chín, phải để nguội, đậy màng bọc thực phẩm rồi mới cho vào tủ lạnh. Vì khi bạn cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước, gây hại đến các thực phẩm khác và tác động không tốt cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu, các loại thức ăn đã nấu chín chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh khoảng 5-6 tiếng, tuyệt đối không được để quá lâu. Nguyên nhân là vì vi khuẩn bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC nhưng nếu để quá lâu, chúng sẽ sinh ra những độc tố gây hại cho sức khỏe con người.
7. Một số lưu ý về các loại thực phẩm đặc biệt
Một số thực phẩm đặc biệt cần được bảo quản bằng những cách khác nhau như:
- Đối với trứng: Các bạn cần làm sạch trứng trước, rồi mới cho vào tủ lạnh. Tránh để trứng ở phía bên cửa tủ lạnh.
- Đối với hành lá: Làm sạch hành lá và loại bỏ những lá hư. Sau đấy cắt nhỏ ra rồi cho vào các chai nhựa. Tiếp theo, thay vì bỏ vào ngăn lạnh, các bạn nên cho vào ngăn đá. Như vậy hành lá sẽ lâu bị hư hơn rất nhiều.
- Đối với các loại rau gia vị như rau thơm: Các bạn có thể làm sạch những loại rau này, cắt thật nhỏ rồi trộn với dầu oliu. Sau đấy, chia thành từng phần nhỏ cho vào ngăn đá để làm đá viên. Điều này sẽ giúp cho các bạn vừa lưu trữ hương vị lâu hơn, vừa tiện lợi hơn khi sử dụng.
Hãy ghi nhớ lại những điều cần thiết trên để giúp cho chúng ta được đón Tết với những món ăn đậm đà, mà những món ăn này lại được làm ra từ các nguyên liệu tươi ngon bảo quản trong tủ lạnh từ trước Tết các bạn nhé.