Gói bánh chưng ngày Tết – hoạt động ý nghĩa của người Việt tại Đức

Hoạt động gói bánh chưng do thầy Thích Pháp Nhẫn, trụ trì chùa Phổ Đà ở thành phố Berlin, Đức tổ chức hằng năm luôn thu hút được rất đông bà con người Việt.

Hoạt động gói bánh chưng của người Việt tại Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng-Phương Hoa-Thanh Tùng/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, đã thành thông lệ, cứ vài ngày trước 23 tháng Chạp âm lịch, mà dân gian gọi là ngày “Ông Công ông Táo,” chùa Phổ Đà ở thành phố Berlin, Đức, lại tổ chức gói bánh chưng Tết.

Không chỉ là hoạt động gây quỹ từ thiện, mà địa chỉ quen thuộc này còn là điểm đến đặc biệt của những người con xa xứ muốn được duy trì truyền thống gói bánh chưng của người Việt cũng như làvm đẹp thêm nét văn hóa của Tết dân tộc trên quê hương thứ hai của họ.

Không khí gói bánh chưng rất nhộn nhịp. Đặc biệt, có cả các sinh viên, lưu học sinh, thanh niên sinh ra và lớn lên tại Đức cũng theo bố mẹ vào chùa tham gia hoạt động từ thiện đón Xuân này.

Những người tham gia cùng chia sẻ những câu chuyện về Tết cổ truyền, về quê hương đất nước, về những vui buồn cuộc sống… tất cả tạo nên một bức tranh ấm áp, sưởi ấm không gian lạnh giá của mùa Đông.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Vũ Thị Hằng tâm sự gói bánh chưng là nét văn hóa của người Việt. Cứ mỗi dịp Xuân về, người dân Việt Nam ở nước Đức nói chung và Berlin nói riêng đều háo hức đón chào Năm mới bằng hoạt động gói bánh chưng.

[Nỗi nhớ Tết Việt của những người sống nơi lục địa Đen]

Gìn giữ những phong tục, tập quán trong dịp Tết cũng là một trong những cách để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Theo chị Hằng, để hoàn thành một chiếc bánh chưng, tất cả công đoạn đều quan trọng, từ vo gạo, làm nhân, đến gói bánh, luộc bánh, đều tỉ mỉ và công phu.

Một chiếc bánh ngon đồng nghĩa với việc người gói phải đặt hết tâm huyết, vui vẻ và hoan hỉ vào đó. Tất cả các công đoạn logic với nhau mới cho ra được một sản phẩm hoàn hảo.

Hoạt động gói bánh chưng của người Việt tại Đức. (Ảnh: PV TTXVN tại Berlin)

Chị Phạm Quỳnh Nga –  một Việt kiều sống xa quê hơn 30 năm, xúc động kể: “Tết là dịp có nhiều kỷ niệm với quê hương, với cha mẹ, gia đình…, ngồi gói bánh chưng là lúc có rất nhiều cảm xúc nhất. Hơn 10 năm qua, tôi đều lên chùa vào dịp Tết Nguyên đán, phát tâm bằng hoạt động gói bánh chưng.”

Những chiếc bánh này càng trở nên đặc biệt về mặt tâm linh khi được bà con thỉnh về nhà thắp hương trong những ngày Tết.

Chị cho biết bánh chưng ở quê hương khi cúng lên tổ tiên thường có hai loại bánh, bánh chưng và bánh tét, chính vì vậy, chùa Phổ Đà thường gói cả hai loại, để ban thờ cúng tổ tiên các gia đình trên quê hương thứ hai mang đậm nét văn hóa của các vùng miền Việt Nam.

Là một trong những người Việt từ Ukraine sang lánh nạn, chị Vũ Thanh Hương chia sẻ: “Hoạt động gói bánh chưng chùa Phổ Đà rất có ý nghĩa. Mặc dù chỉ tham gia, các công đoạn phụ của gói bánh chưng như lau lá, rửa lá, nhưng tôi thấy tập thể, anh chị em đạo tràng chùa Phổ Đà như một gia đình ấm cúng.”

Chị xúc động nói: “Ban đầu mới sang, tâm trạng rất buồn, thậm chí rất sốc. Nhưng nơi đầu tiên tôi đến ở Berlin là chùa Phổ Đà, với mong muốn tìm kiếm sự bình an, tôi đã cảm thấy gắn bó, gần gũi.”

Mặc dù thời gian ở Đức mới mấy tháng, không thể so sánh với thời gian sống ở Ukraine mấy chục năm, nhưng lên chùa Phổ Đà, đặc biệt được tham gia hoạt động hướng về quê hương, chị có cảm giác ấm cúng, không có gì xa lạ. Với chị, nơi này, chính là nơi tu tập, tiếp tục cuộc sống.

Hoạt động gói bánh chưng do thầy Thích Pháp Nhẫn, trụ trì chùa Phổ Đà tổ chức hằng năm luôn thu hút được rất đông bà con người Việt.

Nó không chỉ mang đến không khí Tết vui vẻ và ấm áp, mà còn tạo ra một nét văn hóa, một hành trang để con cháu sau này duy trì và lưu giữ./.

Mạnh Hùng – Phương Hoa – Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)