Góc kiến thức – Quản lý doanh nghiệp là gì? – Bravo

Quản lý doanh nghiệp hay quản trị doanh nghiệp được nhắc đến rất nhiều hiện nay. Ngoài ra, quản lý hay quản trị hiện nay còn chính thức trở thành một nghề nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố bao gồm cả tính khoa học và nghệ thuật. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu được Quản lý doanh nghiệp là gì và các công việc cụ thể của Quản lý doanh nghiệp.

1. Quản lý doanh nghiệp là gì?

Quản lý: Là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý một cách liên tục, có tổ chức, liên kết các thành viên trong tổ chức hành động nhằm đạt tới mục tiêu với kết quả tốt đẹp

Quản lý doanh nghiệp là: Quá trình tác động liên tục, có tổ chức lên tập thể người lao động trong doanh nghiệp bằng cách sử dụng một cách tốt nhất mọi tiềm năng và cơ hội nhằm đưa hiệu quả sản xuất kinh doanh lên cao nhất theo đúng luật định và thông lệ xã hội.

Quản lý hay quản trị mang tính khoa học, nghệ thuật và cũng là một nghề.

Nhà quản lý phải nắm rõ những quy luật về kinh tế, kinh doanh, kỹ thuật, xã hội… và vận dụng chúng trong quá trình vận hành, điều hành doanh nghiệp. Ngoài việc nắm rõ các kiến thức, chuyên môn còn đòi hỏi thấu hiểu tâm lý xã hội học các kỹ thuật phương pháp dự đoán, hoạch định…

Tuy nhiên, nhà quản lý cũng không phải áp dụng một cách cứng nhắc các quy luật mà phải linh hoạt xử lý, tác động lên các đối tượng đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu tâm tư, tình cảm của con người

Nói như vậy, công tác quản lý cần được đào tạo bài bản nhằm nắm rõ kiến thức, kỹ thuật, các quy luật kinh tế – xã hội đồng thời phải có kinh nghiệm cũng như nghệ thuật trong vấn đề quản lý. Ngày nay, quản lý còn được xem là một nghề nghiệp là như vậy.

2. Các công việc của quản lý doanh nghiệp

Câu hỏi: Quản lý doanh nghiệp là gì? sẽ được làm rõ hơn khi chúng ta hiểu rõ về các công việc của quản lý doanh nghiệp.

Công việc chính của quản lý doanh nghiệp bao gồm:

  • Hoạch định: xác định mục tiêu, quyết định những công việc cần làm trong tương lai (ngày mai, tuần tới, tháng tới, năm sau, trong 5 năm sau…) và lên các kế hoạch hành động.
  • Tổ chức: sử dụng một cách tối ưu các tài nguyên được yêu cầu để thực hiện kế hoạch.
  • Bố trí nhân lực: phân tích công việc, tuyển mộ và phân công từng cá nhân cho từng công việc thích hợp.
  • Lãnh đạo/Động viên: Giúp các nhân viên khác làm việc hiệu quả hơn để đạt được các kế hoạch (khiến các cá nhân sẵn lòng làm việc cho tổ chức).
  • Kiểm soát: Giám sát, kiểm tra quá trình hoạt động theo kế hoạch (kế hoạch có thể sẽ được thay đổi phụ thuộc vào phản hồi của quá trình kiểm tra).

Ngoài ra, quản lý doanh nghiệp còn có các công việc sau:

  • Huấn luyện, đào tạo: Một trong những phần việc quan trọng là huấn luyện. Các nhà quản lý sẽ chỉ cho cấp dưới hướng đi của doanh nghiệp và cách thức để thực hiện. Một cách đơn giản hơn, họ là người hướng dẫn và đào tạo cho cấp dưới. Mục đích của huấn luyện là phát triển doanh nghiệp bằng cách nâng cao tiềm năng nhân lực trong doanh nghiệp
  • Lập kế hoạch: là một trong những chức năng quản lý cũng như là công việc quan trọng hàng ngày của mọi nhà quản lý. Nhà quản lý là người lập các kế hoạch tương lai của tổ chức và suy nghĩ về cách thực thi và nguồn lực cần thiết. Vì vậy, lập kế hoạch trở thành một trong những nhiệm vụ quản lý quan trọng nhất.
  • Tuyển chọn nhân tài: người quản lý phải nhìn nhận và đánh giá được các nhân tài ở khâu tuyển dụng các ứng viên và cả các nhân viên có tiềm năng, tố chất để hoạch định về nhân sự phù hợp. Sau khi nhìn nhận được, doanh nghiệp còn cần đưa ra các chính sách phù hợp, hấp đẫn để thu hút và giữ chân người tài. Đối với doanh nghiệp, ngoài yếu tố chiến lược kinh doanh, chất lượng sản phẩm, thì chiến lược nhân sự cũng hết sức quan trọng, là nguồn lực dồi dào tạo nên nhiều sự đột phá, thành công.
  • Đàm phán: đàm phán ở đây được hiểu là đàm phán nội bộ và đàm phán bên ngoài. Không phải lúc nào cũng chỉ có phần đàm phán với các đối tượng bên ngoài như khách hàng, nhà cung cấp, cơ quan quản lý… mà còn phải đến công tác đàm phán nội bộ các vấn đề bên trong doanh nghiệp: sự đàm phán, đồng nhất ý kiến quy trình các bộ phận, chính sách lương thưởng cho nhân viên…
  • Trao quyền: một tổ chức vận hành tốt không phải chỉ dựa trên yếu tố cá nhân, mà là sự đóng góp của từng cá nhân trong tập thể. Việc quản lý tốt không phải là việc người quản lý nắm quyền và tự thực hiện tất cả các công việc mà cần thiết trao quyền cho từng cấp bậc tương ứng trách nhiệm trong doanh nghiệp. Đó cũng là yếu tố để đánh giá sự khác biệt giữa người quản lý thành công và người quản lý chưa thành công. Bằng cách trao quyền phù hợp, doanh nghiệp vận hành trơn tru không qua quá nhiều cổng duyệt nhưng vẫn sát với quy trình, người quản lý không quá mệt mỏi quá tải với tất cả công việc từ lớn tới nhỏ.
  • Đại diện: công việc đại diện doanh nghiệp là một công việc hay một vai trò không thể thiếu. Điều này được thể hiện trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân hay việc đại diện chịu trách nhiệm với đối tác hay các cơ quan quản lý nhà nước.

Công việc quản lý doanh nghiệp ngày này được hỗ trợ rất nhiều từ các công vụ đặc biệt là phần mềm erp quản trị doanh nghiệp. Việc sáng suốt lựa chọn cho mình phần mềm phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Xem thêm:

>>> Cách trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp giỏi

Windy Trương