Giúp học sinh củng cố kiến thức – Báo Đồng Nai điện tử

Sổ tay

Thời điểm này, các trường phổ thông trong toàn tỉnh đang chuẩn bị tổng kết năm học 2021-2022, một năm học với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo ban giám hiệu một số trường, điểm thi học kỳ 2 vừa qua đã phản ánh đúng tình hình học tập trực tiếp của học sinh sau một thời gian dài phải học trực tuyến. Không ít em dù có kết quả thi học kỳ 1 rất cao nhưng sang đến học kỳ 2, điểm số giảm rõ rệt. Tỷ lệ học sinh khá, trung bình của nhiều trường vì thế cũng tăng hơn so với những năm học trước.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều giáo viên chủ nhiệm cho rằng, trong học kỳ 1, việc thi cử hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến nên giáo viên khó đánh giá một cách chính xác năng lực học tập của học sinh. Không ít em do thi cử thiếu nghiêm túc có điểm số khá cao nhưng điểm này là chưa thực chất. Sang đến học kỳ 2, khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, giáo viên đã phải rất vất vả để “xốc” lại tinh thần học tập cũng như gia tăng việc củng cố kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít học sinh chưa theo kịp chương trình học, còn có những lỗ hổng trong kiến thức từ học kỳ 1 phải mất thời gian nhiều hơn nữa để kèm thêm.

Rõ ràng, dù học và thi theo hình thức trực tuyến là lựa chọn tối ưu trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song cũng cho thấy những bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của học sinh.

Theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT đối với 5.175 cán bộ quản lý, 95.359 giáo viên và 341.830 học sinh ở một số địa phương trong cả nước cho thấy, học trực tuyến còn ảnh hưởng đến 62-77% học sinh về sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội. Không chỉ học sinh mà có đến 42,6% giáo viên gặp các vấn đề sức khỏe và 37,2% giáo viên gặp vấn đề về tâm lý. Cũng theo khảo sát, giáo viên ở các cấp học đều cho rằng dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả đối với học sinh (tỷ lệ giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT đồng ý với mức độ này lần lượt là 64,4%, 65,5%, 65,1%). Trong khi tỷ lệ giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT cho rằng dạy học trực tuyến không hiệu quả lần lượt là 20,9%, 19,8% và 21,2%.

Từ kết quả khảo sát và đặc biệt là qua thực tế sau khi kết thúc năm học 2021-2022 cho thấy, học sinh các cấp học vẫn rất cần những hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong môi trường học đường để các em lấy lại sự tự tin, hứng khởi. Nhà trường cần phối hợp tốt hơn nữa với phụ huynh trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học và giữa giáo viên với học sinh. Đồng thời, tổ chức tốt hơn nữa việc củng cố kiến thức cho học sinh để các em nắm lại kiến thức cơ bản, lấy lại sức học đã bị ảnh hưởng sau một thời gian dài phải học trực tuyến.          

Minh Ngọc