Giữ gìn nét đẹp truyền thống của ngày “Tết thầy” trong dịp Tết

Trọng việc học, người Việt Nam coi vị trí của người thầy như người cha vì thầy vừa dạy kiến thức, vừa dạy đạo đức, uốn nắn để một đứa trẻ nên người.

Mùng 1 Tết cha, mùng 3 Tết thầy đó là nét đẹp văn hóa nhiều đời nay của người Việt. Gần 1000 năm tồn tại nền giáo dục dựa vào Nho học và khoa cử, trong xã hội Việt Nam, người thầy được kính trọng như cha. Nhưng cũng vì vậy, thầy luôn phải giữ được cốt cách. Trong những câu chuyện Tết thầy, ngoài việc giáo dục học trò thì còn có những câu chuyện để người thầy soi lại chính mình.

Cuộc sống hiện đại, Tết thầy sao cho chân tình, ấm áp? Ban giám hiệu Trường THPT Khoa học giáo dục luôn dành một ngày chỉ để chúc Tết riêng các giáo viên. Lì xì chính là những tấm thiệp với những thông điệp sống tích cực.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng trường THPT Khoa học Giáo dục – Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết: ”Người Việt vẫn nói câu của cho không bằng cách cho và người Việt rất tôn trọng lễ nghi. Đối với cán bộ, giáo viên nhà trường, chúng tôi trọng tình cảm, sự trân quý dành cho nhau”.

Học sinh đã ra trường nhiều năm cũng trở về Tết thầy. Đến chúc Tết thầy, trò lại được nhận quà. Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui. Ngày Tết thầy như vậy đã là trọn vẹn khi có đủ lòng biết ơn, sự chân thành và tình yêu thương.

Theo VTV

https://vtv.vn/xa-hoi/giu-gin-net-dep-truyen-thong-cua-ngay-tet-thay-trong-dip-tet-20230124181808994.htm