Giữ chồng nhờ cái… dạ dày

Nhìn vào căn bếp của mỗi nhà, chúng ta có thể đoán biết không chỉ cuộc sống vật chất mà cả đời sống tâm hồn, mối quan hệ của những người trong gia đình. Theo các nhà tâm lý, người vợ muốn giữ chồng thì trước hết phải biết giữ lửa trong bếp. Còn các nhà xã hội học thì ví von: “Con đường ngắn nhất đến trái tim của các quí ông là qua cái… dạ dày”!?

 

Ảnh minh họa: KT

 

Mê mệt vì vợ nấu ăn ngon

Thỉnh thoảng, đến chơi nhà Thanh – cô bạn cũ cùng đại học – tôi rất hay xuống bếp, ngắm nghía cái bếp xinh xắn của bạn. Đó chỉ là một căn bếp nhỏ nhưng lúc nào cũng rất sạch sẽ; các dụng cụ nấu bếp, Thanh xếp đặt rất ngăn nắp và khoa học.

Thanh kể, anh Minh – chồng cô luôn từ chối những lời rủ rê nhậu nhẹt của đồng nghiệp với lý do thích ăn cơm nhà. Quả thật, Thanh biết nấu nhiều món ăn ngon từ những nguyên liệu thông thường. Ví dụ, cũng là rau muống, nhưng hôm thì luộc, hôm khác xào tỏi, hôm sau Thanh lại làm gỏi… Hay như chỉ là cá tạp Thanh mua rất rẻ ở chợ, nhưng cô kho làm sao mà những con cá vàng ươm màu mật khô cong, nhìn đã thèm. “Căn bếp luôn đỏ lửa, bữa cơm luôn đầm ấm là chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình để dù đi đâu ai cũng muốn quay trở về” – Thanh hay nói vậy.

Ngược lại, tôi biết có những căn bếp lạnh tanh, quạnh quẽ, dẫu vẫn luôn đỏ lửa mỗi ngày hay những căn bếp hiện đại, đầy đủ tiện nghi mà chẳng mấy khi được sử dụng. Điều đó chứng tỏ sự thờ ơ, lạnh nhạt của những người chung sống với nhau trong một gia đình. Bếp của chị Lan, lãnh đạo ở cơ quan tôi là một ví dụ. Nhà chị Lan có 3 tầng, mới xây nên căn bếp rất rộng và thoáng. Các dụng cụ nấu bếp toàn loại đắt tiền. Sàn bếp, nồi, niêu xoong, chảo… đều rất sạch sẽ vì có người giúp việc. Song, mỗi khi có việc đến nhà chị, tôi vẫn cảm nhận sự lạnh lẽo của gian bếp, dù nó vẫn luôn đỏ lửa.

Những bữa ăn lạnh ngắt

 

Phụ nữ ngày nay cũng bận rộn với công việc như nam giới nên họ không còn bị bó buộc trong vai trò của một người suốt ngày chỉ biết đến nội trợ và con cái. Mỗi khi mệt mỏi hay “lười một chút”, họ đều có thể tặc lưỡi sẵn sàng không nấu ăn và cho cả nhà ra ngoài quán. Dần dần, số lượng các bữa ăn bên ngoài càng nhiều thêm, và gian bếp cũng lạnh ngắt vì đã nhiều ngày không được đỏ lửa.

Đấng mày râu nào dễ tính có thể xuề xoà cho qua chuyện ăn ngoài vài lần, nhưng nếu tình trạng đó tiếp diễn thường xuyên, họ sẽ cảm thấy không khí gia đình mất đi sự ấm cúng. Căn nhà bé nhỏ lúc này như thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người phụ nữ.

Sự lạnh lẽo đầu tiên là do những bữa cơm thường diễn ra trong im lặng, chẳng mấy khi đủ người: Có anh thì vắng chị hay ngược lại. Ngày nghỉ, dù có tất cả các thành viên thì đến bữa, vợ chồng và hai đứa con cắm cúi ăn, chẳng ai nói với ai lời nào.

Chị Lan giải thích: “Anh Thắng (chồng chị) bảo, nói chuyện trong khi ăn là mất vệ sinh!”. Anh Thắng là bác sĩ, thảo nào! Thỉnh thoảng, hai đứa con chị muốn hỏi gì đó thì bị bố quát: “Ăn đi! Muốn nói gì để sau nói!”. Nhưng sau bữa ăn, chị Lan vội vã đến công ty, anh Thắng quay sang xem báo nên bọn trẻ chẳng biết hỏi vào lúc nào. Dần dần, hai đứa con chị Lan cứ lầm lầm lì lì.

Cũng có những căn bếp lạnh tanh do vắng chủ. Đấy thường là bếp của những gia đình trẻ. Vợ chồng Thư, Tuấn mới cưới nhau. Làm ở 2 công ty liên doanh nên cả hai đều rất bận. Buổi trưa, hai người ăn cơm tại công ty. Chiều, tan sở, về đến nhà cũng đã tối mịt nên Thư mua hai hộp cơm hoặc cùng chồng kéo nhau ra quán. Sau bữa ăn, anh chị dạo một vòng quanh phố phường rồi về nhà xem ti vi, nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới tất bật. Những ngày Chủ nhật, hai người đưa nhau về thăm bố mẹ hai bên và ở lại ăn cơm. Tuần này bên vợ, tuần sau bên chồng. “Hãy cứ thoải mái được lúc nào hay lúc ấy! Bao giờ có con hẵng hay!” –  Thư nói vậy.

Ngược lại, anh Dũng – chồng chị Hằng lại không thích ăn quán. Hằng tuy không đến nỗi bận rộn nhưng rất ngại nấu ăn bởi khi còn ở nhà với mẹ, mấy khi cô vào bếp. Bất đắc dĩ, nghe chồng than vãn, Hằng cũng đi chợ, cũng nổi lửa cho ấm bếp. Nhưng dù có đủ cá tươi thịt ngon, những món ăn Hằng nấu khi thì nhạt, lúc mặn đắng vì không biết chế biến. Song, thay vì đi học nấu ăn, Hằng chọn giải pháp mua đồ ăn sẵn. Thế là mỗi buổi tối, cô rẽ qua siêu thị, lúc thì mua về cá kho, dưa cải xào, khi thịt rim với canh chua… Trong khi Hằng rất hài lòng vì: “Nhanh, gọn, đỡ mất công!” thì Dũng lại chán ngán than thở với bạn bè: “Mua đồ siêu thị thì mình cần gì phải lấy vợ cơ chứ?”. Chưa biết kiểu này, Hằng giữ được chồng bao lâu nữa? 

 

Thèm bữa cơm nhà

 

Ảnh minh họa: KT

 

Rất nhiều người phụ nữ bận rộn không có thời gian nấu cơm cho gia đình, khiến tổ ấm có nguy cơ rạn nứt.

Người đàn ông sau khi từ công sở trở về, họ mong muốn nhận được sự quan tâm chăm sóc từ phía người thân, nhất là từ phía bà xã. Thông qua bữa cơm gia đình, mỗi thành viên có thể cùng nhau ngồi chia sẻ, trao đổi về những việc mình đã làm trong ngày. Không những thế, mọi người còn có thể góp ý động viên nhau và tình cảm cũng vì vậy mà thêm phần gắn bó khăng khít.

Ngày nay, do công việc, do cách sống và cách nghĩ mà những bữa cơm gia đình có đủ vợ chồng con cái đang càng trở nên thưa thớt. Người vợ mải chuyện học hành, công tác, còn chồng mặc nhiên cho rằng việc bếp núc không phải của mình. Nhiều chị em đôi khi cũng không bận rộn đến mức không thể chuẩn bị được nổi một bữa cơm cho gia đình nhưng ngay bản thân họ một phần vì lười, một phần cũng dễ dàng cho qua bằng suy nghĩ: ăn ngoài vừa rẻ mà lại tiện, không phải lách cách mua bán, chuẩn bị, nấu nướng rồi lại dọn dẹp… nên quyết định không nấu ăn. Do đó, sự sum họp vợ chồng trong bữa cơm chung ngày càng bị coi nhẹ.

Người phụ nữ khôn khéo sẽ biết chiều lòng chồng, làm ấm nóng tình cảm với gia đình bằng cách tự tay chuẩn bị những món ăn ngon miệng, bắt mắt. Thời gian ngày càng eo hẹp với người phụ nữ cũng là lúc các chị nên tìm ra cách thức để vẫn đảm bảo hoàn thành công việc, lại vừa duy trì được những bữa ăn cho gia đình.

Nếu quá bận không thể tự tay nấu nướng, các chị cũng có thể chuẩn bị sẵn các nguyên vật liệu đơn giản: rau dưa, củ quả… để sẵn trong tủ lạnh và động viên ông xã vào bếp vì gia đình. Bên cạnh đó, vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, thay vì sẵn sàng vung tay một khoản tiền để đi ăn tiệm, chị em cũng nên vào bếp tự tay chuẩn bị vài món ngon cho chồng con: “Ăn uống bây giờ không quan trọng, quan trọng là tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương của vợ mình trong các món ăn cô ấy nấu”- một ông chồng tâm sự.  

 

A.T

 

Duy Thảo