Giới trẻ với mạng xã hội facebook – Lợi ích và những hệ lụy

16,940

lượt xem

Ra đời năm 2004 và thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2009, với những tính năng công nghệ ưu việt, độ tương tác cao, facebook đang trở thành mạng xã hội phổ biến và được ưa chuộng nhất ở Việt Nam. Với “cư dân mạng” – những người làm việc trong môi trường kết nối internet, đặc biệt là với giới trẻ, facebook dường như không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội facebook, nhưng việc lạm dụng facebook quá đà và thói quen “sống” thật trong môi trườn

Những lợi ích không thể phủ nhận
Sau một hồi mày mò, cập nhật các thông tin cá nhân kèm một bức ảnh đại diện cho trang cá nhân của mình, Minh – sinh viên năm thứ nhất, Đại học Y Thái Bình dần bị cuốn hút bởi sức hấp dẫn từ facebook. Minh cho biết: “Nhờ facebook, mình có thể cập nhật thông tin của bạn bè, người thân ở xa,… qua hình ảnh, trạng thái hiển thị của họ, nhất là những người bạn cũ từ cấp 2, cấp 3 lâu rồi mình không được gặp. Ngoài ra, mình có thể chơi điện tử, sưu tầm thông tin theo sở thích cá nhân như: bóng đá, ca nhạc, tiếng Anh… khi tham gia vào các hội, nhóm trên facebook”. Ngoài ra, Minh cho biết, tận dụng mối quan hệ bạn bè trên facebook, Minh còn thành lập các tài khoản để bán quần áo thời trang, đồ lưu niệm trực tuyến kêu gọi bạn bè ủng hộ; hình ảnh, kích thước, giá cả của sản phẩm được công khai trên facebook, nên công việc kinh doanh cũng khá thuận lợi.

Không phải bỗng dưng trên các trang mạng chính thống đều có liên kết đến các trang mạng xã hội như facebook. Mạng xã hội lúc này giống như một cây cầu nối giữa truyền thông chính thống với dư luận xã hội, qua đó tiếp thu ý kiến, phản ánh của dư luận, để nhìn nhận thông tin một cách đa chiều hơn. Số lượng thành viên rất lớn với kết nối mở nên thông tin chia sẻ trên facebook có sức lan tỏa rất nhanh, rộng rãi. Những sự kiện, vấn đề nóng hổi trong ngày được chia sẻ gần như ngay lập tức chỉ qua một click chuột. Vụ cháy lớn tại Công ty cổ phần Bitexco Nam Long (Thành phố Thái Bình) đêm ngày 26, rạng sáng ngày 27/2/2013 là một ví dụ, thông tin về vụ cháy xuất hiện rất nhanh và diễn biến được cập nhật liên tục bằng cả hình ảnh, clip trên facebook nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.

Và những hệ lụy…
Facebook đang là mạng xã hội được ưa chuộng nhất hiện nay trên thế giới, với số lượng tài khoản lên đến hàng tỷ người, ở Việt Nam là hơn 12 triệu người (thống kê tháng 3/2013). Tuy nhiên nếu lạm dụng facebook quá thường xuyên sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường đối với người sử dụng. Chị Thu – nhân viên văn phòng của một công ty ở Thành phố Thái Bình cho biết: “Công việc thường xuyên tiếp xúc với máy tính có kết nối mạng, nên mình thường túc trực thường xuyên trên facebook”.

Chị cho biết thêm, mỗi buổi sáng đến công ty, việc đầu tiên của chị là lượn một vòng facebook, để “xem xét tình hình”, trả lời hết những comment (lời bình luận) từ hôm trước, like (thích) các trạng thái, hình ảnh, liên kết mà bạn bè mới đưa lên, rồi mới yên tâm làm việc. Nói là yên tâm, nhưng hễ có chuông báo, là chị lại lên facebook để “chém gió” (buôn chuyện) tiếp. Vì mải mê facebook, công việc sếp giao không hoàn thành đúng tiến độ, chị bị nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không bỏ được. “Một ngày không vào facebook là mình cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm. Tính cai facebook rồi, nhưng chắc là phải cần một thời gian nữa”.

Dạo một vòng trên các trang facebook cá nhân, số lượng người dùng tuổi “teen”, đang là học sinh cấp 2, cấp 3 chiếm tỷ lệ khá lớn. Lê Đức – học sinh Trường THPT Hùng Vương (Vũ Thư) cho biết: “Đa số bạn bè trong lớp em đều có tài khoản facebook, mọi người kết bạn với nhau trên đó rồi lập hội, nhóm bình luận, bàn tán rôm rả hơn cả trên lớp”. Các câu chuyện trên facebook thường chỉ là: thằng A có người yêu rồi đấy, hôm nay thằng B bị thất tình hay chuyện một “hotgirl” nào đó ở lớp bên cạnh… hay đơn giản chỉ là để chia sẻ trạng thái: buồn quá, chán quá… Với lý do cần điện thoại “xịn” để ngoài liên lạc, còn có thể vào mạng tra từ, học tiếng Anh… Các “cậu ấm, cô chiêu” tha hồ lang thang trên facebook cả ngày, mà không có sự quản lý của gia đình dẫn đến sao nhãng việc học tập và dễ mắc vào các tệ nạn xã hội…

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, mọi người có thể dễ dàng giao tiếp liên lạc qua internet nhưng đây chỉ là trên thế giới ảo, không trực tiếp giao tiếp với nhau. Việc quá mải mê lên facbook, tiếp xúc với những trò chơi, hình ảnh bạo lực khiến cho người dùng bàng quan với cuộc sống, họ chỉ thể hiện tình cảm, sự đồng tình thông qua nút “like” vô cảm, thiếu đi những hành động thiết thực để chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm. Nếu không làm chủ được mình, ngoài việc gây lãng phí quá nhiều thời gian, facebook còn ảnh hưởng tới rất nhiều cảm giác, cảm xúc của người dùng trong cuộc sống ngoài đời thực.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên – Trường THPT Hùng Vương (Vũ Thư) cho biết: “Tình trạng học sinh sử dụng điện thoại vào facebook hiện nay rất phổ biến. Nhiều em còn lén lút sử dụng cả trong giờ học, ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập. Ngoài ra việc thức đêm lên facebook, chìm đắm trong thế giới ảo khiến cho sức khỏe suy giảm, tâm lý và hành vi bị xáo trộn do quá phụ thuộc vào facebook”. Kết bạn trên facebook rất dễ bị lợi dụng, lôi kéo tiếp cận với những thông tin thiếu chính xác hay bị dẫn dắt vào các trang web, hình ảnh đồi trụy lan tràn trên mạng xã hội. Nhiều nữ sinh do làm quen, yêu đương trên mạng ảo, đã trở thành con mồi cho những gã yêu râu xanh ngoài đời thực. Hay việc thông tin, hình ảnh cá nhân bị đánh cắp, bị lợi dụng cũng gây ra những hậu quả khôn lường.

Mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các “dân cư mạng”. Thiết nghĩ, các bạn trẻ cần sử dụng mạng xã hội một cách khoa học để nó trở thành công cụ hữu ích trong cuộc sống chứ đừng để bị biến thành “nô lệ” của nó.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơi