Giới trẻ Trung Quốc thèm khát sống ở nông thôn như Lý Tử Thất

Nhà văn, nhà phê bình văn học người Trung Quốc Cai Zongcheng đưa ra quan điểm về việc vì sao giới trẻ Trung Quốc từ chối chủ nghĩa tiêu dùng, mong muốn cuộc sống nông thôn.

Cuối tháng 5, một cô gái Trung Quốc đã đăng tải bài viết lên Internet với tiêu đề ‘Tại sao tôi lựa chọn cuộc sống ít nhu cầu ở nông thôn?”.

Bài viết là những trải nghiệm của cô khi chuyển nơi ở từ thành phố về một vùng nông thôn ở tỉnh Chiết Giang. Tại đây, cô không chỉ giảm thiểu mọi nhu cầu như mua nhà, đi chơi mà còn nói không với làm thêm giờ, mua đồ ăn vặt và sắm sửa quần áo đẹp, theo Sixthtone.

Khát khao cuộc sống nông thôn bình dị

Lựa chọn của cô gái trên không hề là cá biệt. Những năm gần đây, nhiều người trẻ Trung Quốc khao khát có được cuộc sống bình dân như thế. Họ từ chối văn hoá sang trọng và không còn muốn ôm đồm vật chất.

Họ chia sẻ rằng không thể tự chủ trong bối cảnh đô thị hoá, khi mà giá nhà đất leo thang chóng mặt, chủ nghĩa coi trọng tài sản tràn lan và quá nhiều áp lực tại nơi làm việc.

Có lẽ vì muốn chạy thoát khỏi gánh nặng đô thị, họ mong muốn tìm về cuộc sống nông thôn – một hình mẫu được nhiều vlogger như Lý Tử Thất (Li Ziqi) hay Đinh Chân (Ding Zhen) xây dựng quá tuyệt vời qua mạng xã hội.

Nông thôn không hề là thiên đường

Nhưng trớ trêu thay, họ đâu biết rằng phía sau cuộc sống tưởng như lý tưởng của các KOL là sự tham gia của các công ty công nghệ lớn và cả nhà phát triển bất động sản.

Huyền thoại về một vùng quê đẹp đẽ và thuần khiết chỉ là một viễn cảnh được tạo lập ra vì mục đích thương mại.

Khi càng nhiều người muốn về nông thôn sinh sống, giá bất động sản càng có cơ hội bùng nổ. Sự gia tăng giá đất ở Đại Lý, Vân Nam là một ví dụ.

gioi tre Trung Quoc thich cuoc song nong thon anh 1

Nhiều người Trung Quốc ao ước cuộc sống như Lý Tử Thất. Ảnh: Li Ziqi.

Quay trở lại với tác giả bài viết “Tại sao tôi lựa chọn cuộc sống ít nhu cầu ở nông thôn?”, có thể thấy cô gái hiện chỉ dành hầu hết thời gian để một mình. Nếu như cô ấy có thêm gia đình cùng chung sống, câu chuyện sẽ khác hẳn.

Cụ thể là ngay sau bài viết của cô, một tác giả khác đã bày tỏ lập trường ngược lại.

Đó là một người đã trở về nông thôn sau thời gian học tập, làm việc tại thành phố. Cô rời bỏ nơi phồn hoa đầy rẫy áp lực, thế nhưng ở vùng quê vẫn phải tiếp tục đối mặt với những gánh nặng khác.

Cô cảm thấy khó khăn khi ngoại ô không nhiều cơ hội làm việc. Nơi đây cũng không đủ cơ sở và điều kiện để cô chăm sóc người thân.

Cô nghĩ có lẽ cuộc sống bình dị thôn quê chỉ dành cho những người đã có một nền tảng tài chính khấm khá để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Còn mình, cô khao khát trở lại đô thị.

gioi tre Trung Quoc thich cuoc song nong thon anh 2

Chàng trai chăn bò Đinh Chân nổi tiếng trên mạng xã hội. Ảnh: For Him Magazine.

Cuốn sách “The Right to the City” (tạm dịch: Quyền lợi ở thành phố) của nhà triết học người Pháp Henri Lefebvre cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc sống đô thị. Ông cho rằng chính sự cạnh tranh lớn ở đô thị đã thúc đẩy sự tiến bộ của người dân, định hình tư tưởng và thái độ sống năng động.

Chuyển đến vùng nông thôn hay tiếp tục ở đô thị là lựa chọn của mỗi cá nhân. Nông thôn nhiều điều tốt đẹp, nhưng chúng ta không nên tin rằng đó là thiên đường.

Điều thực sự quan trọng là khả năng sẵn sàng đối đầu và thay đổi của mỗi người mà thôi.