Giới thiệu áo bà ba – trang phục truyền thống người Nam Bộ
Chiếc áo bà ba là trang phục truyền thống của người dân mảnh đất phương Nam. Trải qua chiều dài của lịch sử, áo bà ba đã trở thành tâm hồn và không thể thiếu của làng quê Nam Bộ. Thân thương, bình dị, nền nã là những mỹ từ để nói về áo bà ba. Bài viết này Duyên Hà sẽ giới thiệu về áo bà ba – một trang phục truyền thống của người Nam Bộ.
Nội Dung Chính
Áo bà ba là gì? Áo bà ba tiếng Anh là gì?
Để giới thiệu về áo bà ba thì đây là trang phục truyền thống của người dân miền Nam Việt Nam. Phần trên cùng bao phủ thân được gọi là áo. Nó hầu như gắn liền với vùng nông thôn Miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long.
Về phần câu hỏi tên gọi tiếng Anh của áo bà ba, hiện tại loại trang phục này chưa có tên tiếng Anh chính thức. Tuy nhiên, có một cụm từ mô tả khá sát về áo bà ba, đó là: loose-fitting blouse.
Đặc điểm của chiếc áo bà ba
Áo bà ba là chiếc áo không có cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên với thân trước gồm hai mảnh và ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Áo có độ dài trùm qua mông, gần như bó sát vào thân tôn đường cong cơ thể tuyệt đẹp của người phụ nữ.
Nguồn gốc lịch sử của áo bà ba
Nguồn gốc áo bà ba là từ vùng Malaysia hoặc Singapore. Áo bà ba du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, và là trang phục của người Bà-ba – một tộc người Hoa lai với người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Ngày nay, áo bà ba đã có nhiều cải tiến phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có của áo bà ba xưa.
Ý nghĩa biểu tượng của chiếc áo bà ba
Người Việt Nam khi nhắc đến hình ảnh áo bà ba thường nhớ ngay về các bà, các mẹ, các chị ở miền Nam, đó là những con người vừa giản dị, mộc mạc lại dễ gần. Mỗi khi về vùng Nam Bộ bạn có thể nhìn thấy hình ảnh của những con người chèo thuyền, hoạt động sông nước.
Áo bà ba cũng tượng trưng cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, mạnh mẽ trong các cuộc chiến tranh chống giặc và giữ nước. Hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ luôn gắn với 3 vật bất ly thân như: áo bà ba, khăn rằn, nón lá. Hình cảnh các mẹ, các chị xông pha trong chiến đấu vẫn đẹp lung linh cho đến tận ngày nay.
Áo bà ba không hề bị lãng quên theo thời gian. Dù cuộc sống có nhiều sự thay đổi, hội nhập nhưng ý nghĩa của chiếc áo bà ba vẫn tồn tại với cuộc sống của người dân Nam Bộ. Áo bà ba vẫn thường được sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau như đồ biểu diễn văn nghệ, chụp hình kỷ yếu hay ở cả những cuộc thi sắc đẹp vẫn sử dụng áo bà ba, đưa hình ảnh áo bà ba đi khắp nơi.
Những phụ kiện đi liền với trang phục áo bà ba truyền thống
Khăn rằn
Áo bà ba khăn rằn là combo được rất nhiều người biết đến. Người miền Tây chọn áo bà ba với khăn rằn vì màu của nó tương đối tối, thường chỉ có màu đen và màu nâu đất. Vì vậy mà nó dễ sử dụng khi làm nông. Đây là bộ đôi không thể nào tách rời, bởi nó giúp người dân vùng trồng lúa vừa có thể thoải mái khi làm việc đồng áng vừa có thể sử dụng lau mồ hôi bằng chiếc khăn rằn.
Nón lá
Không biết tự bao giờ nhắc đến áo bà ba người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp mộc mạc, thuần hậu, dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ. Đặc biệt là ở vùng miệt vườn, miệt ruộng của cùng sông nước Cửu Long, hình ảnh người con gái mặc áo bà ba đội nón lá chèo thuyền trên sông đã tạo nên nét duyên dáng mà không nơi nào có thể sánh được.
Quần sa tanh
Áo bà ba kết hợp cùng quần sa tanh trước nay được coi như bộ đôi hoàn hảo. Áo bà ba là trang phục truyền thống đặc trưng của người Nam Bộ. Mộc mạc, chân chất nhưng đủ để toát lên vẻ duyên dáng, thướt tha của những người con gái miền sông nước.
Đi cùng với áo bà ba là quần sa tanh mềm mại làm tăng thêm gấp bội vẻ đẹp của bộ trang phục cũng như của người mặc bộ trang phục đó.
Guốc mộc
Ngoài khăn rằn và nón lá thì mặc áo bà ba mang giày gì? Giày hay guốc đều có thể mang cùng áo bà ba nhưng đẹp nhất vẫn là kết hợp với guốc mộc, guốc gỗ của người Việt. Đơn giản nhưng không kém phần thanh lịch tôn lên vẻ đẹp quý phái của người mặc.
Áo bà ba trong cuộc sống thường ngày
Ngày nay, ở một số vùng nông thôn ở Nam Bộ người dân vẫn sử dụng áo bà ba không chỉ trong cuộc sống hằng ngày mà còn để phát triển du lịch. Những mẫu áo bà ba nâu truyền thống hoặc áo bà ba cách tân ngoài việc rất được giới trẻ và khách du lịch ưa chuộng thì còn được lựa chọn làm đồng phục áo bà ba tại nhiều nhà hàng, khu du lịch trong nước.
Chiếc áo bà ba mang vẻ đẹp đôn hậu, hiền hòa và chân chất như tính cách vốn có của người dân Việt Nam. Đây là một trong những giá trị truyền thống lâu đời cần được gìn giữ và bảo tồn.
Áo bà ba trong lịch sử và thơ ca Việt Nam
Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hình ảnh các bà, các mẹ, các chị với chiếc áo bà ba, khăn rằn, tay cầm cuốc xông pha nơi kẻ địch. Hay hình ảnh những chiếc xuồng ba lá như những lớp sóng đấu tranh với kẻ thù, thật kiên cường và thật đáng tự hào biết bao.
Bao chiếc áo bà ba thấm đẫm mồ hôi và cả máu của những người con Nam Bộ đã chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc để hôm nay, hình ảnh những nữ du kích mặc áo bà ba đen quấn khăn rằn, đội nón tai bèo, tay cầm súng đã trở thành biểu tượng bất tử của người con gái Nam Bộ.
“Xuồng ai đó, bơi trong lau lách
Áo bà ba, súng nách, tay chèo
Hỡi đồng chí dọc ngang sông rạch
Hãy cho hồn ta ruổi ruổi theo.”
(trích “Có thể nào yên” – Tố Hữu)
Chính sự đơn giản, không cầu kỳ không của chiếc áo bà ba cùng quan điểm sống chân thành, phóng khoáng của người dân Nam Bộ từ bao đời nay đã hòa quyện vào nhau cùng nhau vượt qua biết bao gian khổ để có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay.