Giới thiệu Khoa Tài chính doanh nghiệp

Thứ hai, 23/08/2021 – 15:10

GIỚI THIỆU VỀ KHOA TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

1. GIỚI THIỆU CHUNG

– Khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN).

– Địa chỉ liên hệ: Khoa TCDN, phòng 103 và 104 khu Nhà B – Học viện Tài chính – số 58 đường Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội .

– Điện thoại liên hệ: 0438386867 (máy lẻ 101)

– Email: [email protected]

2. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN

– Khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN) thành  lập năm 1963 với tên gọi ban đầu là Khoa Tài vụ – Kế toán. Các chuyên ngành  thuộc Khoa quản lý và đào tạo lúc đó bao gồm: Tài vụ công nghiệp; Tài vụ XDCB; Tài vụ nông nghiệp; Tài vụ thương nghiệp; Kế toán công nghiệp; Kế toán XDCB; Kế toán nông nghiệp; Kế toán thương nghiệp.

Đầu năm học 1966 – 1967, Khoa Tài vụ – Kế toán các ngành kinh tế quốc dân tách ra thành hai khoa: Khoa Tài vụ các ngành (gồm các bộ môn Tài vụ Công nghiệp, Tài vụ Nông nghiệp, Tài vụ Kiến thiết cơ bản (XDCB), Tài vụ Thương nghiệp), Khoa Kế toán các ngành (gồm các bộ môn: Kế toán Công nghiệp, Kế toán Nông nghiệp, Kế toán Thương nghiệp, Kế toán XDCB).

Các Thế hệ Thầy cô giáo của Khoa TCDN

– Từ học kỳ hai năm học 1972 – 1973, Khoa Tài vụ các ngành hợp nhất với Khoa Tài chính Ngân sách thành Khoa Tài chính. Từ cuối năm học 1979 – 1980 Khoa Tài chính lại được tách ra thành lập hai Khoa là Khoa Tài chính các ngành kinh tế quốc dân – gọi tắt là Khoa Tài chính ngành (gồm bộ môn Tài chính Công nghiệp, Tài chính Nông nghiệp, Tài chính XDCB, Tài chính Thương nghiệp) và  Khoa Tài chính Ngân sách.

– Tháng 9 năm 1990, Khoa Tài chính ngành tiếp nhận thêm hai bộ môn mới là Bộ môn Tiền tệ – Tín dụng và Bộ môn Cấp phát và Cho vay đầu tư XDCB; chuyên ngành Kho bạc được hình thành và được nhà trường giao cho khoa Tài chính ngành quản lý.

– Từ tháng 8 năm 1992 Khoa Tài chính ngành tiếp nhận Bộ môn Bảo hiểm từ Khoa Tài chính Ngân sách. Các bộ môn trong Khoa được sắp xếp thành: Bộ môn TCDN, Bộ môn Tiền tệ – Tín dụng và Bộ môn Bảo hiểm.

– Từ tháng 11 năm 1994, theo quyết định số 1152/TC/QĐ/TCCB của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Khoa Tài chính ngành được mang tên mới: Khoa Tài chính doanh nghiệp.

Tháng 2 năm 2000, Bộ môn Thị trường chứng khoán được tách ra từ Bộ môn TCDN.

Từ tháng 8/2001, cùng với sự ra đời của Học viện Tài chính, các Bộ môn Bảo hiểm, Thị trường chứng khoán và Tiền tệ – Tín dụng tách ra khỏi Khoa TCDN hình thành nên Khoa mới: Khoa Ngân hàng -Bảo hiểm; Khoa TCDN lúc này bao gồm 3 Bộ môn: TCDN; Kinh tế các ngành sản xuất và Quản lý kinh tế.

– Từ đầu năm học 2003 -2004, Bộ môn Kinh tế các ngành sản xuất chuyển về Khoa Quản trị kinh doanh, Khoa TCDN tiếp nhận Bộ môn Phân tích TCDN từ khoa Kế toán chuyển sang. Năm học 2004-2005, Bộ môn Quản lý kinh tế chuyển sang khoa Quản trị kinh doanh, Khoa TCDN tiếp nhận Bộ môn Định giá tài sản từ khoa Quản trị kinh doanh chuyển đến. Cơ cấu của Khoa TCDN với 3 Bộ môn ổn định từ đó đến nay.

– Hiện nay, Khoa TCDN đảm nhiệm giảng dạy 16 môn học, quản lý 90 lớp với khoảng 3.200 sinh viên chính quy các chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp; Phân tích Tài chính; Thẩm định giá & kinh doanh bất động sản cùng với 65 NCS thuộc chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng và 20 NCS chuyên ngành Kế toán

Hơn 58 năm qua, Khoa TCDN đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Từ chỗ ban đầu chỉ có không đến 10 người, đến nay (tại thời điểm tháng 9/2021) tổng số cán bộ giáo viên trong Khoa đã lên tới 41 người. Đặc biệt, hiện nay khoa có 13 giáo viên có thể đảm nhiệm giảng dạy các môn học nghiệp vụ bằng tiếng Anh. Hàng năm, số sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy các chuyên ngành do khoa quản lý vào khoảng từ 600 – 800 người. Khoa đã tham gia đào tạo hàng vạn Thạc sĩ các chuyên ngành Tài chính – ngân hàng và Kế toán và gần 80 Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính –Ngân hàng cho đất nước. Nhiều cựu sinh viên của khoa hiện đang đảm nhiệm những trọng trách trong bộ máy quản lý –lãnh đạo của đất nước, góp phần làm rạng danh truyền thống của Học viện Tài chính nói chung và của Khoa TCDN nói riêng.

Các thế hệ Thầy cô giáo và sinh viên Khoa Tài chính doanh nghiệp tại Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

3. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA KHOA

Khoa TCDN có chức năng, nhiệm vụ tham gia quá trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trình độ đại học và sau đại học về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính – kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý và Ngôn ngữ Anh góp phần thực hiện sứ mạng: ”Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học về Kinh tế, Tài chính – Kế toán chất lượng cao cho xã hội” của Học viện Tài chính. Cụ thể như sau:

– Về đào tạo, bồi dưỡng: Khoa tham gia đào tạo nguồn nhân lực tài chính ở các trình độ: Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ của tất cả các ngành và chuyên ngành đào tạo của Học viện Tài chính. Đồng thời, Khoa trực tiếp đào tạo bậc Cử nhân của 3 chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp; Phân tích tài chính; Thẩm định giá & kinh doanh bất động sản. Trong đó, đào tạo Cử nhân chất lượng cao 2 chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp và Phân tích Tài chính. Khoa còn tham gia đào tạo bồi dưỡng kiến thức về TCDN, Thẩm định giá tài sản, Kinh doanh Bất động sản, Phân tích tài chính cho các DN và các đơn vị bên ngoài Học viện.

PGS.TS.NGUT.Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc Học viện chụp ảnh lưu niệm cùng với CBVC của Khoa TCDN

– Về nghiên cứu khoa học: Khoa thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ cho đào tạo của Học viện và phục vụ cho các DN, đơn vị sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế – xã hội về kinh tế – tài chính trong phạm vi cả nước.

PGS.TS.NGUT.Trương Thị Thủy – Phó bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện cùng các đại biểu và CBVC của Khoa TCDN chụp ảnh lưu niệm tại HTKH GV của Khoa.

– Về quản lý sinh viên, học viên: Khoa được giao quản lý sinh viên hệ đại học chính quy tập trung với số lượng sinh viên của cả 4 khóa bình quân khoảng 3200 sinh viên, trong đó có hơn 800 sinh viên hệ đào tạo chất lượng cao, quản lý nghiên cứu sinh sinh hoạt chuyên môn của 3 chuyên ngành: TCDN, PTTC, TĐG&KDBĐS tổng số: 65 NCS.

PGS.TS.NGND.Nguyễn Trọng Cơ- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện và PGS.TS.Vũ Văn Ninh – Trưởng Khoa TCDN tặng giấy khen và phần thưởng cho SV đạt danh hiệu SV xuất sắc năm học 2019-2020

4. CÁC BỘ MÔN VÀ MÔN HỌC TRONG KHOA

– Khoa hiện có 3 Bộ môn nghiệp vụ chuyên ngành là: Bộ môn Tài chính doanh nghiệp,  Bộ môn Định giá tài sản, Bộ môn Phân tích Tài chính

– Các môn học do Khoa đảm nhiệm giảng dạy là 16 môn, bao gồm:

+ Môn học Tài chính doanh nghiệp;

+ Môn học Tài chính Tập đoàn kinh tế;

+ Môn học Tài chính doanh nghiệp thực hành;

+ Môn học Kinh doanh, công nghệ và Tài chính;

+ Môn học Định giá tài sản;

+ Môn học Thị trường Bất động sản;

+ Môn học Kinh doanh Bất động sản;

+ Môn học Định giá doanh nghiệp;

+ Môn học Lý thuyết phân tích tài chính;

+ Môn học Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp;

+ Môn học Phân tích Tài chính doanh nghiệp;

+ Môn học Phân tích Kinh tế;

+ Môn học Phân tích tài chính tập đoàn;

+ Môn học Phân tích tài chính tổ chức tín dụng;

+ Môn học Phân tích tài chính nhà nước;

+ Môn học Giám sát tài chính.

5. LÃNH ĐẠO KHOA, BỘ MÔN HIỆN NAY

5.1. Ban chủ nhiệm Khoa

Chức vụ

Học và tên

Học vị

ĐT

Email

Trưởng khoa

Vũ Văn Ninh

PGS.,TS

0913.005.865

[email protected]

Phó trưởng khoa

Đoàn Hương Quỳnh

PGS.,TS

0912.401.986

[email protected]

Phó trưởng khoa

Nguyễn Thị Thanh

TS

0971.803.666

[email protected]

Trưởng khoa:

PGS.,TS. Vũ Văn Ninh

Phó trưởng khoa:

PGS.,TS. Đoàn Hương Quỳnh

TS. Nguyễn Thị Thanh

5.2 Hội đồng khoa học Khoa:

+ PGS,TS. Vũ Văn Ninh – Chủ tịch

+ PGS,TS.Đoàn Hương Quỳnh – Phó chủ tịch

+ PGS,TS.Nguyễn Thị Hà – Thư ký

+ TS. Nguyễn Minh Hoàng – Uỷ viên

+ TS.Nguyễn Thị Thanh – Ủy viên

5.3. Bộ môn Tài chính doanh nghiệp

– Tr­ưởng Bộ môn: PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh

– Phó tr­ưởng Bộ môn:

1. PGS.TS. Nguyễn Thị Hà

2.TS.Phạm Thị Vân Anh

5.4. Bộ môn Định giá tài sản

– Tr­ưởng Bộ môn: TS. Nguyễn Minh Hoàng

– Phó tr­ưởng Bộ môn:

1.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà

2.TS.Trần Thị Thanh Hà

5.5. Bộ môn Phân tích Tài chính

– Tr­ưởng Bộ môn: TS. Nguyễn Thị Thanh

– Phó tr­ưởng Bộ môn:

1. TS. Phạm Thị Quyên

6. ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN CỦA KHOA

Tổng số cán bộ viên chức của Khoa (9/2021) là 41 người với 39 GV và 02 cán bộ VPK. Trong số giáo viên cơ hữu của Khoa có:

– NGƯT: 01

– Phó Giáo sư, tiến sỹ: 06 ( tỷ lệ 15,38%)

– Giảng viên cao cấp: 06 (tỷ lệ 15,38%)

– Tiến sỹ kinh tế: 22 (56,4%)

– Thạc sỹ kinh tế: 11 (26,8%)

– Nghiên cứu sinh: 11 (26,8%)

7. CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ TRONG KHOA

7.1. Chi ủy Chi bộ Khoa

PGS.TS. Vũ Văn Ninh- Bí thư

– TS.Phạm Thị Quyên- Phó Bí thư

– TS.Phạm Thị Vân Anh- Uỷ viên

– PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh – Ủy viên

– TS.Trần Thị Thanh Hà- Ủy viên

7.2. Công đoàn Khoa

– PGS.TS.Nguyễn Thị Hà- Chủ tịch CĐ

– TS.Trần Đức Trung- Phó chủ tịch CĐ

– ThS.Lâm Thanh Huyền – Ủy viên

7.3. Liên chi đoàn và CĐGV

– ThS. Phạm Minh Đức- Bí thư LCĐ

– ThS. Nguyễn Hữu Tân – Phó Bí thư LCĐ

– ThS.Hồ Quỳnh Anh – Bí thư CĐGV

8. THÀNH TÍCH THI ĐUA- KHEN THƯỞNG

Do những đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành Tài chính và sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa TCDN đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

– Tập thể Khoa được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất năm 2021. Tập thể Khoa được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì năm 2010, Huân chương lao động hạng ba năm 2004 và 2 lần được tặng Cờ thi đua của Bộ Tài chính vào các năm học 2005 -2006 và 2008 – 2009.

– Hai Bộ môn: TCDN, Phân tích TCDN và 8 giáo viên của Khoa đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3.

– Nhiều CBGV của Khoa được tặng Huân chương lao động hạng nhì, huân chương lao động hạng ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo,.v.v.

– 01 giáo viên của khoa được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; 5 giáo viên khác được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 1 giáo viên của khoa được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Thầy cô giáo của Khoa tại Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2020

9. GIỚI THIỆU CÁC CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO CỦA KHOA

9.1. Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp là chuyên ngành thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng. Sự ra đời của chuyên ngành gắn với sự hình thành, phát triển của Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) và xuất phát từ đòi hỏi của công tác quản lý tài chính trong các doanh nghiệp.

Theo cách hiểu đơn giản nhất, có thể hình dung: để hình thành và đi vào hoạt động, mỗi doanh nghiệp cần phải có một lượng tiền tệ nhất định để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị, dự trữ nguyên vật liệu,.. nhằm đáp ứng quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, hàng loạt các câu hỏi sẽ được đặt ra như: doanh nghiệp cần bao nhiêu tiền để đầu tư vào các máy móc, thiết bị và vật tư kể trên? Số tiền đó được huy động từ đâu và bằng cách nào? Số tiền đó sẽ được đầu tư và sử dụng như thế nào? số tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phân phối như thế nào? v.v. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, sự phát triển đa dạng các mối quan hệ tài chính, sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi khác liên quan đến quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của doanh nghiệp. Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp chính là chuyên ngành sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực tài chính – các cán bộ làm công tác quản trị tài chính trong các doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp giải quyết các câu hỏi đặt ra kể trên.

Những sinh viên của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành một nhà quản trị tài chính trong doanh nghiệp, hoặc cao hơn là một giám đốc tài chính doanh nghiệp (CFO- Chief Financial Officer). Giám đốc tài chính (CFO) có thể được hiểu như người đứng đầu bộ máy quản lý tài chính của doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về tổ chức công tác quản lý tài chính trong doanh nghiệp. Công việc của một CFO có thể được gói gọn lại trong việc chịu trách nhiệm đưa ra ba quyết định tài chính chủ yếu và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính của doanh nghiệp, đó là: Quyết định đầu tư vốn; Quyết định huy động vốn và Quyết định phân phối lợi nhuận. Mục tiêu chung để đưa ra các quyết định tài chính nêu trên có thể tóm lược trong một cụm từ đó là “Tối đa hóa giá trị”, nghĩa là các quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn, quyết định phân phối lợi nhuận phải dẫn đến kết quả là làm gia tăng giá trị tối đa phần vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Để thực hiện được chức năng và nhiệm vụ đó, giám đốc tài chính là người phải tổ chức bộ máy quản lý tài chính, tiến hành các công việc nghiên cứu, phân tích và xử lý các các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính trong doanh nghiệp. Giám đốc tài chính cũng là người phải xây dựng các kế hoạch tài chính như kế hoạch về nhu cầu vốn, kế hoạch huy động vốn và kế hoạch khai thác, sử dụng vốn sao cho tiết kiệm và có hiệu quả; định hướng phân phối lợi nhuận đảm bảo hài hòa lợi ích; thực hiện dự báo rủi ro và tổ chức quản trị rủi ro tài chính trong quá trình doanh nghiệp của mình hoạt động. Ngoài ra, Giám đốc tài chính còn phải kiểm soát việc sử dụng tài sản trong công ty, tránh xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí và không đúng mục đích…

Tóm lại, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp là chuyên ngành đào tạo sinh viên để trở thành nhà quản trị tài chính và cao hơn là giám đốc tài chính trong doanh nghiệp.

Cuộc thi thường niên “Giám đốc tài chính tương lai – CFO” là sân chơi trí tuệ, bổ ích dành cho SV chuyên ngành TCDN

* Mục tiêu đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp không chỉ là những Cử nhân có kiến thức cơ bản về Tài chính doanh nghiệp, mà còn phải có kiến thức chuyên sâu, khả năng ứng dụng một cách sáng tạo về công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tài chính doanh nghiệp khi ra trường sẽ có những kỹ năng sau:

– Có khả năng phân tích, đánh giá các quy luật kinh tế, các mối quan hệ tài chính, tư vấn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn và đưa ra các quyết định tài chính có hiệu quả;

– Có khả năng nhận diện rủi ro, nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; nhận diện được đặc điểm riêng của từng doanh nghiệp;

– Có khả năng thiết lập hệ thống quản trị rủi ro tài chính, quản trị dòng tiền, dự báo tài chính cho doanh nghiệp, xây dựng cơ chế quản lý tài chính, ngoài ra còn có thể định giá tài sản, định giá doanh nghiệp;

– Có đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết và tôn trọng pháp luật; có khả năng tư duy khoa học và làm việc độc lập, làm việc nhóm;

– Biết sử dụng thành thạo các phương tiện và phần mềm hỗ trợ để phân tích tài chính doanh nghiệp, lập kế hoạch tài chính, lập và thẩm định dự án đầu tư. Ngoài ra, sinh viên có khả năng sử dụng tiếng Anh để làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, sử dụng các tài liệu nước ngoài để phục vụ cho việc phân tích và tư vấn tài chính doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

* Về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chuyên ngành TCDN

Sinh viên được đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đạt được chuẩn đầu ra về chuyên môn như sau:

– Về kiến thức chuyên ngành:

+ Có kiến thức tổng hợp và toàn diện về tài chính doanh nghiệp, nắm vững các mối quan hệ tài chính phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hiểu biết về đặc điểm và tác dụng của các công cụ quản trị tài chính doanh nghiệp.

+ Nắm chắc kiến thức về các nội dung quản trị tài chính trong doanh nghiệp như quản trị đầu tư vốn, quản trị huy động vốn, quản trị phân phối lợi nhuận, quản trị rủi ro tài chính và lập kế hoạch tài chính doanh nghiệp.

+ Có kiến thức và khả năng nhận diện các yếu tố tác động đến tài chính doanh nghiệp, biết đánh giá và lựa chọn các chính sách tài chính cho doanh nghiệp.

+ Có kiến thức và nắm vững các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính doanh nghiệp, về cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp, am hiểu pháp luật kinh tế – tài chính. Có khả năng tự cập nhật các kiến thức liên quan đến chế độ, chính sách trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp.

+ Nắm vững kiến thức cơ bản về kế toán doanh nghiệp, thuế và quản lý thuế, nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, thị trường tài chính, định giá tài sản, có kiến thức về kinh tế vĩ mô có tác động đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

– Công việc đảm nhận được sau khi được trang bị kiến thức chuyên ngành

+ Biết lập và thẩm định tài chính các dự án đầu tư cho doanh nghiệp;.

+ Biết đánh giá và lựa chọn phương án huy động vốn, phương án phân phối lợi nhuận cho doanh nghiệp.

+ Biết phân tích và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, phát hiện và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp.

+ Biết lập kế hoạch tài chính và xây dựng cơ chế quản lý tài chính cho doanh nghiệp;

+ Có khả năng nhận diện rủi ro, nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; thiết lập hệ thống quản trị rủi ro tài chính, quản trị dòng tiền, có kiến thức về hoạt động định giá doanh nghiệp, mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

+ Có khả năng tổ chức bộ máy quản trị tài chính của doanh nghiệp, tổ chức quy trình đánh giá và lựa chọn các chính sách tài chính của doanh nghiệp.

Sinh viên chuyên ngành TCDN được đi thăm quan, khảo sát thực tế tại công ty Honda Việt Nam

* Về nội dung đào tạo chuyên ngành TCDN

Để đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cần thiết cho công tác quản trị tài chính doanh nghiệp, ngoài phần kiến thức giáo dục đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hai khối kiến thức: Kiến thức cơ sở ngành và Kiến thức chuyên ngành.

– Về khối kiến thức cơ sở ngành: Sinh viên sẽ được trang bị các môn học chủ yếu như: Nguyên lý kế toán, Pháp luật kinh tế, Tài chính tiền tệ, Nguyên lý thống kê, Tin học ứng dụng, Quản lý tài chính công, Thuế, Bảo hiểm, Hải quan, Tài chính quốc tế, Quản trị ngân hàng thương mại, Thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán, Định giá tài sản, Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Quản trị kinh doanh, Thống kế doanh nghiệp, Quản lý dự án, Kiểm toán, Kinh tế lượng…

– Về khối kiến thức chuyên ngành: Sinh viên sẽ được trang bị các môn học về chuyên ngành là: Tài chính doanh nghiệp, Tài chính doanh nghiệp thực hành, Phân tích tài chính doanh nghiệp…

* Về vị trí công tác sau khi sinh viên chuyên ngành TCDN tốt nghiệp ra trường

Tính đến nay, Học viện Tài chính đã có trên 58 năm đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp với hàng vạn sinh viên đã tốt nghiệp các hệ đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhiều cựu sinh viên của chuyên ngành tài chính doanh nghiệp hiện đang đảm nhiệm các vị trí then chốt ở các Cơ quan quản lý nhà nước,  các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty và các doanh nghiệp. Nhiều người đang giữ các trọng trách như: Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho Bạc nhà nước, Cục Trưởng Cục Thuế, Tổng giám đốc hoặc Kế toán Trưởng, Trưởng phòng Tài chính của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp. Sinh viên được đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng lựa chọn nơi làm việc là rất rộng lớn, cụ thể có thể đảm nhiệm ở nhiều vị trí công tác khác nhau như sau:

Làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, như: Bộ Tài chính; Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Tài chính doanh nghiệp; Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Sở Tài chính, Cục Thuế và Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố; Phòng Tài chính, Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước các quận – huyện; các Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Chính sách tài chính,.. thuộc các Bộ, Ban, Ngành; v.v.

– Làm việc tại khu vực các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: Làm công tác quản trị tài chính tại Ban Tài chính – Kế toán; Ban đầu tư của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty; Phòng Tài chính – Kế toán của các công ty, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, làm kiểm soát viên Ban kiểm soát của các doanh nghiệp.

– Làm việc tại các doanh nghiệp tài chính như: Các Ngân hàng thương mại; Công ty Bảo hiểm; Công ty chứng khoán; Quỹ đầu tư; Công ty Tài chính; Công ty Kiểm toán; Công ty Thẩm định giá; Sở Giao dịch chứng khoán,.. đảm nhận các công việc như: Thẩm định tài chính dự án đầu tư hoặc cho vay vốn; quản trị rủi ro của các hoạt động và dự án đầu tư của doanh nghiệp; triển khai các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán quốc tế và các dịch vụ tài chính ở các tổ chức tài chính-tín dụng và ngân hàng; trở thành các nhà môi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán; các chuyên gia tư vấn tài chính ở các công ty chứng khoán, công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán v.v.

Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học như: Làm Giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng; làm Nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế  – Tài chính – Ngân hàng nói chung và Tài chính doanh nghiệp nói riêng.

Bộ môn TCDN tổ chức báo cáo thực tế cho SV chuyên ngành TCDN

*Về triển vọng và cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên chuyên ngành TCDN

 Thực tế chứng minh rằng, vai trò của Giám đốc tài chính hoàn toàn khác với Kế toán trưởng; có rất nhiều nhiệm vụ của giám đốc tài chính mà kế toán trưởng không thể thực hiện được. Ở các nước phát triển, Giám đốc tài chính là một chức danh không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển của kinh tế thị trường, cùng với sự phát triển của thị trường tài chính ngày càng mạnh mẽ, đối với những công ty có quy mô lớn, do các nghiệp vụ tài chính khá đa dạng, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính diễn ra thường xuyên, nên các công ty này thường bổ nhiệm một Nhà quản trị tài chính chuyên trách được gọi là Giám đốc tài chính- CFO. Giám đốc tài chính là một thành viên trong Ban Giám đốc của công ty và chịu trách nhiệm toàn bộ các vấn đề về quản lý tài chính của doanh nghiệp; cụ thể giám đốc tài chính sẽ trực tiếp tổ chức, chỉ đạo và điều hành các công việc của bộ phận kế toán và công việc của bộ phận tài chính trong doanh nghiệp. Giám đốc tài chính giữ vị trí vô cùng quan trọng trong việc duy trì nền tảng tài chính vững mạnh giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Giám đốc tài chính sẽ tham gia sâu vào việc hoạch định các chính sách và các chiến lược tài chính, đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính cho hoạt động của doanh nghiệp. Ở thời điểm khủng hoảng và suy thoái kinh tế hiện nay, giữa những khó khăn tài chính ở cả môi trường kinh tế vĩ mô lẫn trong phạm vi doanh nghiệp, Giám đốc tài chính có vai trò quyết định trong chiến lược kiểm soát dòng tiền, quản trị rủi ro, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có rất ít doanh nghiệp có chức danh Giám đốc tài chính theo đúng nghĩa khoa học của vị trí này và phần lớn các CFO đều chưa được đào tạo bài bản, ít được cập nhật thường xuyên kiến thức quản trị tài chính hiện đại. Mặt khác, thị trường tài chính ở nước ta mới ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển, nên các Giám đốc tài chính cũng chưa có điều kiện để phát huy hết khả năng của mình. Tại nhiều doanh nghiệp còn có sự nhầm lẫn giữa chức danh Giám đốc tài chính với chức danh Kế toán trưởng. Do đặc điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp, nên trong cơ cấu bộ máy tổ chức của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không xác lập chức danh Giám đốc tài chính. Vai trò của Giám đốc tài chính được đặt lên vai của Giám đốc và Kế toán trưởng của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu Giám đốc tài chính đồng nghĩa với việc thiếu một cán bộ quản lý tài chính chuyên nghiệp nhằm thường xuyên đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị hoàn toàn không nắm được thực trạng tài chính của doanh nghiệp, khi phát hiện ra những dấu hiệu xấu như: hàng tồn kho ứ đọng nhiều, nợ khó đòi tăng lên quá mức cho phép, nợ phải trả cộng dồn quá cao, hiệu quả kinh doanh thấp và mất cân đối dòng tiền… thì đã trở nên quá muộn. Ở góc độ doanh nghiệp, vai trò quan trọng của CFO ngày nay là không thể phủ nhận được, kể cả đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thậm chí, cho dù một doanh nghiệp có chiến lược phát triển tốt và đang kinh doanh thành công thì vẫn có thể rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và dẫn đến phá sản nếu không có một CFO làm tốt công tác quản trị tài chính.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, với xu thế hội nhập kinh tế – tài chính ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ với các quốc gia trên thế giới; cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt với mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã xác định phấn đấu đến năm 2021 cả nước sẽ có một triệu doanh nghiệp, cộng với với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, vai trò của giám đốc tài chính doanh nghiệp ngày càng được khẳng định và coi trọng đúng mức trong bộ máy quản trị doanh nghiệp; vậy nên nhu cầu nguồn nhân lực quản trị tài chính doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Đây chính là cơ hội tiềm năng để các sinh viên chuyên ngành TCDN chẳng những không lo bị thất nghiệp mà còn có thêm cơ hội để tiếp cận với những đỉnh cao của một nghề nghiệp thuộc vào loại phức tạp nhất trong kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

Đối với sinh viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp do Học viện Tài chính đào tạo trong hơn 58 năm qua, theo thống kê sơ bộ của Khoa TCDN, tính đến nay số sinh viên của chuyên ngành TCDN hiện đang công tác rải đều khắp tại các doanh nghiệp, các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm, các công ty chứng khoán và các cơ quan quản lý kinh tế nhà nước, đặc biệt là có khả năng thăng tiến và thành đạt trên các cương vị công tác chuyên môn được giao.

9.2. Chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản

Chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh BĐS chính thức được thành lập và đào tạo tại Học viện Tài chính năm 2003, theo yêu cầu cấp bách của nhà nước về công tác quản lý giá, theo nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp và cá nhân trong bước phát triển mới của kinh tế thị trường ở nước ta.

Xây dựng cơ chế thị trường là để thị trường tự định giá, là để tận dụng tính độc lập, khách quan của thị trường. Nhưng giá cả thị trường không phải lúc nào cũng là giá đúng, không phải lúc nào cũng đủ tin cậy để ra các quyết định.  

Nhà nước luôn là khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp. Mỗi ngày có hàng vạn tài sản được đầu tư, mua sắm nhằm trang bị cho các cơ quan, công sở, cho nhu cầu an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội… Nhu cầu thẩm định mức giá hợp lý của các tài sản này nhằm chống thất thoát tiền thuế của dân là rất lớn.

Hàng vạn tổ chức, cá nhân thành đạt và nổi lên một cách ngoạn mục nhờ vào chứng khoán hay bất động sản. Nhưng cũng không ít cá nhân và tổ chức trở nên khánh kiệt, phá sản do bong bóng tài sản gây nên. Giá cả của hầu hết hàng hóa, dịch vụ nhiều khi thái quá. Thị trường đôi khi hưng phấn quá mức, lúc khác lại bi quan quá mức. Cơ chế thị trường, mở ra nhiều cơ hội, nhưng mỗi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phải cập nhật được những kiến thức mới nhằm dự phòng và chống đỡ  một cách tốt nhất với những rủi ro mới nẩy sinh trong cơ chế thị trường. Chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản tại Học viện Tài chính ra đời trong bối cảnh đó.

CLB Thẩm định giá và kinh doanh BĐS là một sân chơi trí tuệ, bổ ích dành cho SV chuyên ngành Thẩm định giá và KD BĐS.

*Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành

Chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản tại Học viện Tài chính được thiết lập nhằm cung cấp cho xã hội những cử nhân thành thạo, có trình độ chuyên nghiệp về định giá tài sản và kinh doanh bất động sản:

– Sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng các phương pháp có cở sở khoa học và thực tiễn để đánh giá và định giá các bất động sản, máy móc thiết bị ít có giao dịch trên thị trường.

– Có thể xác định mức giá hợp lý của các tài sản thế chấp, đánh giá mức độ mạo hiểm, độ tin cậy và tính khả thi của các dự án đầu tư.

– Đánh giá được tính chất “ảo”, tính đầu cơ, mức độ “bong bóng” và tính “bầy đàn” về giá cả diễn ra trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

– Đánh giá và định giá được mức giá hợp lý của một doanh nghiệp, cổ phiếu và thương hiệu của doanh nghiệp đó.

–  Tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân ra các đưa ra các quyết định đầu tư, mua sắm hợp lý, giảm thiểu rủi ro đến mứcthấp nhất.

– Có năng lực quản trị kinh doanh, maketing, môi giới, quản lý sàn giao dịch và thẩm định tính khả thi của các dự án đầu tư vào bất động sản.

– Bằng cử nhân của chuyên ngành là một trong những điều kiện bắt buộc để sinh viên sau khi ra trường được dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.  

*Chuẩn đầu ra của chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản

 Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản tại Học viện Tài chính yêu cầu chuẩn đầu ra như sau:

– Có quan điểm chính trị vững vàng, có ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Có đạo đức nghề nghiệp, am hiểu và tôn trọng pháp luật.

– Có chuyên môn sâu về Thẩm định giá và kinh doanh BĐS và đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và có khả năng hành nghề độc lập.

– Biết sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và trong công tác chuyên môn.

– Biết sử dụng thành thạo máy tính, biết làm việc độc lập và làm việc theo nhóm để hoàn thành tốt công việc được giao.

– Có khả năng phân tích tình huống và đánh giá rủi ro nghề nghiệp và có khả năng nghiên cứu khoa học chuyên ngành.

Thây cô giáo và SV chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh BĐS đi thăm quan khảo sát thực tế tại Trung tâm thực hành kinh doanh Bất động sản tại Tân Long Land

* Cơ hội nghề nghiệp chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản

Cho đến nay có thể chủ quan để khẳng định rằng: hầu hết sinh viên chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản của Học viện Tài chính đã ra trường đều có việc làm đúng ngành nghề đào tạo, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao. Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong một tổ chức.

– Đối với khu vực quản lý nhà nước: có các Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường;  các  Bộ, Sở Xây dựng;  Bộ Tài chính, Cục quản lý giá Bộ Tài Chính, Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ chí minh, Trung tâm lưu ký chứng khoán… Đó là những nơi có công tác quản lý nhà nước về hoạt động về định giá tài sản, máy móc thiết bị, bất động sản, kinh doanh bất động sản và đánh giá doanh nghiệp.

– Đối với khu vực doanh nghiệp :  các công ty thẩm định giá chuyên nghiệp; bộ phận thẩm định tài sản thế chấp và thẩm định tín dụng trong các ngân hàng; các công ty kiểm toán;  các doanh nghiệp kinh doanh, quản lý, môi giới bất động sản, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước, công ty mua bán nợ…

– Ngoài ra, nếu thực sự say sưa, tâm huyết nghề nghiệp, với những kiến thức và kỹ năng được đào tạo, sinh viên ra trường hoàn toàn có thể tự trả lương và tự gánh chịu rủi ro cho mình mà không cần phải đi tìm việc ở bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức nào khác. Đây là điều đã góp phần quan trọng làm nên “Thương hiệu” và đóng góp vào “giá trị” của chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản của Học viện Tài chính.

9.3. Chuyên ngành Phân tích tài chính

Chuyên ngành Phân tích tài chính là chuyên ngành thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng. Sự ra đời của chuyên ngành xuất phát từ đòi hỏi của công tác quản lý tài chính trong các đơn vị (Doanh nghiệp, Tổ chức tín dụng, Đơn vị sự nghiệp, Cơ quan quản lý nhà nước…) của thời đại công nghệ số 4.0. Chương trình đào tạo cử nhân kinh tế – chuyên ngành Phân tích Tài chính là chương trình được thiết kế tiếp cận với chương trình học thuật và hành nghề chuẩn quốc tế theo chứng chỉ CFA – Phân tích tài chính chuyên nghiệp đối với hệ đào tạo đại trà và định hướng thêm chương trình học thuật và hành nghề quốc tế theo chứng chỉ CFAB – Tài chính, kinh doanh và công nghệ của ICAEW – Hiệp hội Kế toán công chứng Anh và xứ Uên cho hệ đào tạo chất lượng cao. Sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính được trang bị kiến thức hiện đại nhất để sẵn sàng tiếp cận đến chứng chỉ CFA của Úc và của Mỹ, chứng chỉ CFAB của Anh, khả năng giao dịch, đàm phán bằng tiếng Anh chuyên ngành tốt để trở thành công dân toàn cầu, hành nghề Phân tích tài chính chuyên nghiệp với chứng chỉ CFA; hành nghề quản trị Tài chính, kinh doanh và công nghệ với chứng chỉ CFAB …

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích Tài chính có thể làm việc tại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các ngân hàng và tổ chức tín dụng, các tổ chức phi tài chính, các cơ sở giáo dục đại học, các Viện nghiên cứu chính sách kinh tế, các Bộ, Ban, ngành của chính phủ và tổ chức phi chính phủ, trở thành các chuyên gia phân tích tài chính của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tài chính trong và ngoài nước…tham mưu, cố vấn, trợ lý cho các nhà quản lý các cấp…

Cuộc thi thường niên “Phân tích đầu tư tài chính” tạo cơ hội cho SV được trải nghiệm phân tích thật, đầu tư thật gắn với phương châm học đi đôi với hành

* Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành Phân tích tài chính

Mục tiêu xuyên suốt của chuyên ngành Phân tích tài chính là đào tạo các Cử nhân Kinh tế có kiến thức nền tảng về Tài chính – Kế toán và trang bị các kiến thức chuyên sâu về phân tích tài chính, rèn luyện tính kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để có thể làm việc độc lập, sáng tạo, đánh giá đúng đắn năng lực tài chính, bắt mạch chính xác các căn bệnh về tài chính của mọi đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế, kê đơn điều trị để mỗi đơn vị, tổ chức có tình hình tài chính lành mạnh, phát triển một cách bền vững trong bối cảnh thế giới luôn thay đổi. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính thành thạo những kỹ năng cụ thể sau đây:

– Sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ 4.0 để phân tích chuyên sâu sự vận động của các quy luật kinh tế, đánh giá đúng đắn các mối quan hệ kinh tế, tài chính ẩn sau các con số trong báo cáo tài chính của mọi đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế để cung cấp thông tin tư vấn cho các chủ thể quản lý ra các quyết định quản lý kinh tế, tài chính hiệu quả;

– Sử dụng các phần mềm chuyên dụng để phân tích kinh tế vĩ mô, phân tích ngành, vùng, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả chiến lược, kế hoạch tài chính đã xây dựng, triển khai trong các đơn vị, tổ chức kinh tế; dự báo triển vọng và cảnh báo các nguy cơ rủi ro, khủng hoảng tài chính của đơn vị, tổ chức, ngành, vùng cũng như toàn bộ nền kinh tế, cung cấp các giải pháp tài chính để quản trị rủi ro và khủng hoảng tài chính.

– Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, quản lý và lãnh đạo, giao tiếp… để phục vụ chuyên môn, phấn đấu phát triển nghề nghiệp, quản trị sự thay đổi để phát triển và hoàn thiện bản thân.

– Luôn rèn luyện bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết và tôn trọng pháp luật; có khả năng tư duy khoa học, sử dụng tiếng Anh tốt để làm việc trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế, sẵn sàng thi các chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính quốc tế để trở thành lao động chuyên nghiệp, công dân toàn cầu.

Sinh viên chuyên ngành PTTC đi thăm quan và trải nghiệm tại phòng họp Ban Giám đốc của FTEL

*Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chuyên ngành Phân tích tài chính

Sinh viên được đào tạo chuyên ngành Phân tích tài chính, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đạt được chuẩn đầu ra như sau:

– Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, sức khỏe tốt, tư duy tổng hợp về kinh tế, nắm vững kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán – kiểm toán, vận dụng thành thạo các kiến thức chuyên sâu về phân tích tài chính để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra…

– Sinh viên tốt nghiệp phải có kỹ năng lập luận và tư duy nghề nghiệp thông quan các tiêu chí như: Khả năng lập kế hoạch về ngân sách, nhân sự, chương trình…tổ chức điều hành công tác, tổ chức chuyên môn, đặt mục tiêu, tạo động lực, xây dựng đội ngũ, quảng bá thương hiệu của tổ chức, phát hiện, đánh giá và phân tích định tính, định lượng các vấn đề kinh tế, tài chính của mọi đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế, có khả năng khái quát hóa và giải quyết vấn đề, đề xuất giải pháp và kiến nghị,v.v.

– Có kỹ năng khám phá kiến thức, tư duy hệ thống, nhận biết và phân tích tình hình, các nhân tố tác động thông qua khả năng xây dựng giả thuyết khoa học, thu thập, xử lý thông tin chứng minh các giả thuyết, xác định mối tương quan giữa các vấn đề, trọng tâm cần ưu tiên giải quyết, tác động của các chính sách, chiến lược tài chính đến xã hội và yêu cầu của xã hội đối với ngành tài chính gắn với bối cảnh lịch sử, văn hóa, dân tộc, thời đại, phân tích các nhân tố bên trong và bên ngoài đơn vị ảnh hưởng trọng yếu, lâu dài đến sự phát triển của đơn vị, ngành…, dự báo được tiềm năng, cơ hội, thách thức, nguy cơ đối với ngành tài chính, tài chính đơn vị, cung cấp thông tin thích hợp và tham mưu có hiệu quả cho các cấp quản lý kinh tế, tài chính ra quyết định kịp thời, hiệu quả.

– Có khả năng vận dụng thành thạo lý luận vào thực tiễn quản lý tài chính, khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, ngôn ngữ quốc tế để phát hiện kịp thời và giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong ngành tài chính, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay; có năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt sự thay đổi trong ngành tài chính, các đơn vị, tổ chức…

– Sử dụng thành thạo các phương tiện và phần mềm hỗ trợ để phân tích tài chính của mọi đơn vị, tổ chức của nền kinh tế như: doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính, tập đoàn kinh tế,.. dự báo được xu hướng thay đổi và nguy cơ rủi ro, khủng hoảng kinh tế, tài chính, đề xuất các giải pháp tài chính để chủ động phòng ngừa và vượt qua khủng hoảng…

Anh Lý Lâm Duy trao đổi về cơ hội, thách thức với những người làm nghề Tài chính trong bối cảnh công nghệ AI phát triển

* Vị trí công tác của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính có thể đảm nhiệm ở nhiều vị trí công việc, tại nhiều đơn vị khác nhau trong nền kinh tế. Cụ thể như sau:

– Tại khu vực quản lý nhà nước: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính ra trường có thể làm trợ lý cho lãnh đạo các cơ quan quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước như: Trợ lý cho các: Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương…Trợ lý, tham mưu cho các cấp Lãnh đạo các Ban, Ngành, địa phương về quản lý kinh tế, tài chính; Có thể làm việc ở Vụ Kế hoạch – Tài chính của các Bộ, nhất là các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính doanh nghiệp, Cục và các Chi cục thuế, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Chính sách tài chính,.. và tại các Sở, Ban, Ngành. Chuyên viên quản lý thuế doanh nghiệp, chuyên viên quản lý và kiểm tra sau thông quan tại các đơn vị Hải quan….

– Tại các doanh nghiệp phi tài chính: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính ra trường có thể làm việc tại Ban Tài chính – Kế toán, Ban Kiểm soát tại các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế; làm việc tại Phòng Tài chính- Kế toán, Ban kiểm soát, Phòng phân tích tài chính tại các công ty, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

– Tại các đơn vị sự nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính có thể làm việc tại Ban tài chính – Kế toán, Ban quản trị thiết bị và đầu tư tại các đơn vị sự nghiệp.

– Tại các doanh nghiệp tài chính như: các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, Công ty Bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư, Công ty tài chính: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính ra trường có thể làm việc tại các bộ phận quản lý khách hàng doanh nghiệp như: chuyên viên quản lý khách hàng doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng hoặc các Công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư; làm chuyên viên môi giới đầu tư của các công ty chứng khoán; chuyên gia tư vấn tài chính ở các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty dịch vụ tài chính, chuyên viên phân tích và đánh giá thị trường và định giá tài sản của các quỹ đầu tư, các công ty thẩm định giá v.v.

– Tại các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, cơ quan nghiên cứu, Viện nghiên cứu, cơ quan truyền thông, hiệp hội nghề nghiệp…: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính có thể trở thành giảng viên giảng dạy các môn học về Phân tích tài chính, Phân tích hoạt động kinh doanh, Phân tích báo cáo tài chính, Phân tích tài chính DN, Phân tích tài chính tổ chức tín dụng, Phân tích tài chính nhà nước, Phân tích kinh tế… tại các Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng; làm nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, là các nhà bình luận, phê bình, chuyên gia phân tích kinh tế – tài chính của các cơ quan truyền thông, hiệp hội nghề nghiệp…

 

BAN CHỦ NHIỆM KHOA TCDN