Giới thiệu Huyện Hóc Môn
Tên cấp ủy: Huyện ủy Hóc Môn
Địa chỉ: số 11 Lý Thường Kiệt, khu phố 2, Thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn
Điện thoại: (028) 3.7101.524 – (028) 3.8910.476
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện: Trần Văn Khuyên
Phó Bí thư Thường trực: Nguyễn Anh Tuấn
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện: Dương Hồng Thắng
Mảnh đất và con người của quê hương “Mười tám Thôn Vườn Trầu”
Hóc Môn là một huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vùng đất gắn liền với địa danh nổi tiếng Mười Tám Thôn Vườn Trầu (Thập bát phù viên). Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Hóc Môn đã cùng với nhân dân Sài Gòn – Gia Định và nhân dân cả nước nhất loạt đứng lên kháng chiến. Từ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã xuất hiện những người con ưu tú của vùng đất Hóc Môn, Bà Điểm như: Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Công Hớn, Tô Ký, Hồ Thị Bi… Hóc Môn cũng vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ hoạt động trong những năm 1936-1939. Đây cũng là nơi có nhiều người con ưu tú của Đảng, của dân tộc đã hoạt động, chiến đấu và anh dũng hy sinh như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến…
Với địa thế thuận lợi là trung tâm 18 Thôn Vườn Trầu, nơi có nhiều đảng viên trung kiên và quần chúng tốt. Với ý chí sắc son, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, nhân dân Hóc Môn đã hết lòng cưu mang, nuôi giấu, che chở, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng. Tại làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm), Trung ương Đảng đã mở 5 cuộc hội nghị quan trọng. Trong đó, từ ngày 6 đến ngày 8.11.1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần VI đã được triệu tập tại nhà ông Trần Văn Hy (Hai Hy) ở làng Tân Thới Nhất (Bà Điểm) do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 11/1939) chính là tiền đề dẫn đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23 tháng 11 năm 1940) và Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945; mà chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30.4.1975 đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc và đất nước Việt Nam tiến tới độc lập, non sông thu về một cõi làm nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có thể nói Nhân dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu đã hoàn thành nhiệm vụ mà lịch sử giao cho là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta trong giai đoạn này.
Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11 năm 1940), thực dân Pháp dựng lên ở Hóc Môn ba trường bắn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng bị bắt trước cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã bị chúng giết hại tại đây, như trường bắn nhà thương giếng nước (cạnh bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn hiện nay) thực dân Pháp đã giết hại đồng chí Hà Huy Tập – Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Võ Văn Tần – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – Nguyên Xứ uỷ viên, Bí thư Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến – Nguyên Thành ủy viên Sài Gòn – Chợ Lớn; tại trường bắn Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng) thực dân Pháp đã giết hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ – Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Phan Đăng Lưu – Nguyên Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương…và hàng ngàn nhân dân yêu nước, cán bộ, đảng viên hy sinh ở mảnh đất Hóc Môn.
Thực dân Pháp và tay sai đã đàn áp, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng tại vùng Hóc Môn – Bà Điểm. Trước sự tàn bạo của quân thù, khí tiết anh hùng của các đồng chí đảng viên và quần chúng yêu nước vùng 18 Thôn Vườn Trầu, Hóc Môn – Bà Điểm không những không bị khuất phục mà còn nung nấu thêm tinh thần căm thù giặc nhiều hơn nữa, cùng một ý chí quyết tâm vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp và bọn tay sai bán nước. Từ những kinh nghiệm quý báu của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng bộ Hóc Môn tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh anh dũng và góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và ngày toàn thắng 30.4.1975 lịch sử.
Đảng bộ và Nhân dân Hóc Môn vô cùng tự hào về những truyền thống vẻ vang của quê hương với những trang sử hào hùng, oanh liệt qua cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Quê hương Hóc Môn – Bà Điểm rất vinh dự được Xứ uỷ Nam Kỳ chọn làm nơi họp hội nghị tháng 9 năm 1940 tại làng Xuân Thới Đông và trao cho Thường vụ Xứ ủy quyền ra lệnh khởi nghĩa Nam Kỳ. Từ đó, Hóc Môn được xem là chiếc nôi, là quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa.
Truyền thống quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa là mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào sâu sắc, là bài học cách mạng vô giá để giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ thanh thiếu niên huyện Hóc Môn hôm nay và mai sau học tập, noi theo; là chất liệu đặc biệt, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để Đảng bộ và Nhân dân Hóc Môn vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Hóc Môn theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”, xứng đáng là huyện Anh hùng của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Sau ngày giải phóng (4/1975) đến tháng 4/1997, Hóc Môn là một trong 6 huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, huyện có 16 xã và 1 Thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên là 165,76 km2, phía Bắc giáp huyện Củ Chi, phía Nam giáp huyện Bình Chánh và quận Tân Bình, phía Đông giáp quận Gò Vấp và huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, phía Tây giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội chung của Thành phố, từ ngày 01 tháng 4 năm 1997, Huyện Hóc Môn tách ra 07 xã để thành lập Quận 12. Hiện nay, huyện Hóc Môn có 11 xã và 01 thị trấn, bao gồm: Thị trấn Hóc Môn, các xã Đông Thạnh, Bà Điểm, Nhị Bình, Tân Thới Nhì, Tân Hiệp, Tân Xuân, Thới Tam Thôn, Trung Chánh, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Đông, có tổng diện tích tự nhiên là 109,17 km2.
Đặc điểm xã hội
– Về dân số: trước khi tách huyện thành lập quận mới (Quận 12), huyện Hóc Môn có dân số là 295.040 người (thống kê năm 1994), hiện nay huyện có dân số là 593.275 người (thống kê 31/12/2021).
– Về thành phần dân tộc: Huyện Hóc Môn có trên 90% là người Kinh. Ngoài ra còn có một số ít người Hoa và người Khơme.
– Về mặt tín ngưỡng: đa số Nhân dân Hóc Môn có phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên; một số ít theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Cao Đài.
– Về giao thông vận tải:
Huyện Hóc Môn có vị thế chiến lược nằm ở vùng đệm, giáp ranh với tỉnh Long An (về miền Tây Nam bộ), Bình Dương (về miền Đông Nam bộ), có khả năng kết nối đường thủy thuận lợi và hướng ra sông Sài Gòn
+ Đường thủy: Hóc Môn có sông Sài Gòn đoạn chạy qua địa bàn huyện dài hơn 05 km và hệ thống sông rạch chằng chịt với 315 tuyến, có tổng chiều dài 320km, như Rạch Bà Hồng, Rạch Tra, kênh Cầu Xáng, kênh An Hạ…
+ Đường bộ: Hóc Môn có hệ thống đường quốc lộ, đường vành đai, tỉnh lộ, hương lộ khá hoàn chỉnh như quốc lộ 22 (nay là đường Xuyên Á) đoạn chạy qua Hóc Môn dài 5 km, quốc lộ 1A dài 2 km (An Sương – Bà Điểm) và các tuyến đường chính như Đường Lê Văn Khương, đường Bùi Công Trừng, đường Đặng Công Bỉnh, đường Đặng Thúc Vịnh, đường Nguyễn Văn Bứa, đường Tô Ký, đường Lê Thị Hà, đường Dương Công Khi, đường Song Hành Quốc lộ 22….tạo điều kiện giao thông thuận lợi giữa huyện với thành phố và các quận, huyện và tỉnh bạn.
Bên cạnh, huyện có bến xe An Sương – bến bãi xe buýt thành phố, đảm nhận chức năng giao thông công cộng đi các tỉnh, thành với qui mô khoảng 1,6 ha và bến xe buýt 19/5.
Qúa trình hình thành và phát triển
Vùng đất Hóc Môn được hình thành cách đây trên 300 năm, cùng lúc với sự hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (1698).
Do từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh – Nguyễn phân tranh, lọan lạc nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp; lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu hình thành 6 thôn, sau đó dần dần phát triển thành 18 thôn nên chính thức được mang tên “Mười tám Thôn Vườn Trầu”.
Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng “cọp vườn trầu”, có nhiều đầm môn nước mọc um tùm nên trong dân gian địa danh “Hóc Môn” có tên gọi từ đây (hóc hẻm có nhiều cây môn).
Hóc Môn trước đây nguyên là thủ phủ của Bình Long huyện. Sau cuộc khởi nghĩa 18 Thôn Vườn Trầu (1885), thực dân Pháp chính thức đổi tên lại là quận Hóc Môn thuộc tỉnh Gia Định. Từ sau ngày giải phóng (4/1975) đến nay là huyện Hóc Môn thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Thôn Tân Thới Nhứt là một trong 6 thôn đầu tiên của 18 thôn vườn trầu được hình thành vào những năm 1698 – 1731. Thời Trương Định khởi binh chống Pháp (1859 – 1864), nghĩa quân đặt trạm liên lạc tại nhà bà lão tên “Điểm” nên thôn Tân Thới Nhứt còn có tên gọi là Bà Điểm. Tháng 6/1989, xã Tân Thới Nhứt được tách ra để thành lập xã mới (xã Bà Điểm và xã Tân Thới Nhứt) thuộc huyện Hóc Môn – thành phố Hồ Chí Minh.
Bản chất của người dân Hóc Môn
Những lưu dân đầu tiên đến vùng đất này khai hoang lập nghiệp đều là nạn nhân của chính sách áp bức, bóc lột tàn bạo của các thế lực phong kiến và chính sách xâm lược của thực dân Pháp.
Bản chất của người dân Hóc Môn là có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; sự đoàn kết, tương thân tương trợ; yêu chuộng sự công bằng, tôn trọng sự thật.
Ngay từ buổi đầu người dân Hóc Môn phải đương đầu chống thiên nhiên khắc nghiệt, chống thú dữ, ra sức khai hoang lập ấp, chịu thương, chịu khó trồng trọt, chăn nuôi biến vùng đất hoang vu thành những mảnh đất canh tác màu mỡ.
Người dân Hóc Môn có tinh thần yêu nước, có chí căm thù giặc sâu sắc, không ngừng đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của bọn phong kiến và thực dân. Đặc biệt, từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo, Nhân dân Hóc Môn một lòng, một dạ theo Đảng, tin tưởng vào các đường lối, chủ trương của Đảng. Họ đóng góp cho cách mạng không chỉ bằng vật chất mà bằng cả tấm lòng thủy chung và cả tính mạng của mình vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Bước vào thời kỳ mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân huyện Hóc Môn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định sự đúng đắn con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Từ một huyện ngoại thành thuần nông, cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu, tình hình an ninh và trật tự xã hội còn nhiều phức tạp, kinh tế chưa phát triển,…Đến nay, Hóc Môn đang từng bước thay đổi, phát triển theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, có tốc độ đô thị hoá ngày một tăng lên, cơ ngơi đang trở nên khang trang, đời sống các tầng lớp Nhân dân đang được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo.
Thực hiện theo lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hóc Môn đoàn kết, ra sức xây dựng huyện Hóc Môn ngày càng phát triển; luôn quan tâm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, nhất là chăm lo cho các đối tượng khó khăn trong mùa dịch và chung sức phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19. Từ cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, huyện tập trung triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch và đạt được nhiều kết quả tích cực, thu ngân sách đạt dự toán năm 2022, hoàn thành đưa vào sử dụng công trình nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh, tiếp tục thực hiện hoàn thành 16 công trình trường học; phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vào huyện Hóc Môn và Củ Chi do đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì để mời gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào 23 vị trí của huyện giới thiệu; phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng trồng “cây cau, dây trầu” để duy trì và phát huy giá trị truyền thống của quê hương Hóc Môn. Tiếp tục kiến nghị Thành phố hỗ trợ giải quyết những khó khăn của huyện, nhất là về công tác quy hoạch để tạo tiền đề thực hiện Đề án Xây dựng – phát triển huyện Hóc Môn trở thành Thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 90 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Hóc Môn – Bà Điểm, 18 Thôn Vườn Trầu đã viết nên những trang sử mới, đầy hào hùng trong lịch sử phát triển của mình. Đảng bộ và Nhân dân Hóc Môn đã và đang nỗ lực lao động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng đưa Hóc Môn phát triển xứng tầm bề dầy lịch sử của huyện, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Có thể khẳng định trong 2 cuộc kháng chiến Hóc Môn là vành đai đỏ của thành phố Sài Gòn; sau 30.4.1975, Hóc Môn là vành đai xanh của thành phố Hồ Chí Minh; bước vào công cuộc đổi mới Đảng bộ, Nhân dân Hóc Môn đang phấn đấu sớm trở thành đô thị sinh thái của thành phố Hồ Chí Minh.
Đảng bộ huyện Hóc Môn