Giới thiệu Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị
Trước yêu cầu của thực tiễn giai đoạn phát triển mới, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức biên soạn bộ giáo trình Trung cấp lý luận chính trị bao gồm 10 học phần. Đây là công trình được các nhà khoa học biên soạn công phu, trên cơ sở kế thừa các bộ giáo trình Trung cấp lý luận chính trị – hành chính trước kia và bổ sung các chuyên đề cho phù hợp với mục tiêu chương trình; đối tượng người học; đồng thời cập nhật các quan điểm, nội dung mới theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
1. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” được cấu thành từ 03 bộ môn thống nhất hữu cơ, không thể tách rời của chủ nghĩa Mác-Lênin là: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị học Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. So với giáo trình cũ, giáo trình mới này được cấu thành bởi 24 bài. Trong đó, Triết học Mác – Lênin từ bài 01 đến bài 11. Kinh tế chính trị học Mác – Lênin từ bài 12 đến bài 17. Chủ nghĩa xã hội khoa học từ bài 18 đến đến bài 24. Nội dung giáo trình dựa trên cơ sở kế thừa các cuốn giáo trình cũ, đồng thời cũng có nhiều sự thay đổi về: dung lượng nội dung bài nhiều hơn do số tiết học được tăng lên; cập nhật những nội dung mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các bài được xây dựng trên cơ sở một buổi học 04 tiết và không có thời gian thảo luận riêng như trước.
2. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh” có 06 bài, bao gồm các nội dung cơ bản, quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về nhân dân và đại đoàn kết dân tộc; về nhà nước của dân, do dân và vì dân; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xứng đáng là Đảng “đạo đức, văn minh”. Trong tình hình hiện nay, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
3. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” gồm có 04 bài với 48 tiết, tập trung làm rõ quá trình Đảng ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, làm rõ những thành tựu và đúc kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hơn 90 năm qua Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
4. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Xây dựng Đảng” có 9 bài, được kết cấu khoa học, giới thiệu học thuyết Mác-Lênin về đảng cộng sản; đề cập các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và trên cơ sở nền tảng lý luận , giáo trình đi vào những nội dung cụ thể trong công tác xây dựng Đảng, đó là công tác đảng viên, công tác tư tưởng, công tác cán bộ, công tác dân vận, công tác kiểm tra giám sát, công tác văn phòng cấp ủy của tổ chức cơ sở Đảng.
5. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam” gồm có 12 bài, nội dung của giáo trình nhằm trang bị kiến thức nền tảng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội như: kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng – an ninh, đối ngoại… được biên soạn, cập nhật quan điểm lãnh đạo, đường lối, chính sách theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
6. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam” có 04 bài, trên cơ sở học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và những tri thức tiến bộ của nhân loại về nhà nước và pháp luật, môn học này phân tích, luận giải một cách khoa học những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; pháp luật và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chính quyền địa phương ở Việt Nam và thực hiện pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
7. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội” gồm có 06 bài, giới thiệu những kiến thức cơ bản về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội nước ta, bao gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
8. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Kiến thức bổ trợ” gồm có 15 bài, giới thiệu những kiến thức tổng hợp về Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ an ninh quốc phòng trong sự kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; kiến thức về nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý trong các hệ thống chính trị, trong các đơn vị sự nghiệp công lập; những kiến thức về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới; về vấn đề phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; vấn đề quản lý hoạt động tôn giáo tín ngưỡng; vấn đề bảo vệ môi trường.
Trên đây là 08 cuốn giáo trình Trung cấp lý luận chính trị đã được cập nhật về Thư viện. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
Người giới thiệu: Võ Thị Thúy Hằng
.