Giới Thiệu Về Một Món Ăn Dân Tộc Ngày Tết

Đề bài: Anh (chị) hãy giới thiệu về một món ăn dân tộc ngày Tết.

Bài Làm

 

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là cái Tết cổ truyền đã có tự ngàn xưa với: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Trong chiều ba mươi Tết, canh măng khô móng giò là một trong những món không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt, đặc biệt là người miền Bắc.

Có thể nói, canh măng khô móng giò là món ăn mang hơi thở dân tộc, chất chứa hồn ẩm thực Việt từ lâu đời. Bởi lẽ, nguyên liệu để làm canh rất đơn giản, quen thuộc trong cuộc sống thường nhật. Nguyên liệu chính bao gồm: măng khô và móng giò. Ngoài ra, còn có thêm xương sườn, miến, mộc nhĩ, hành củ,… Cách chế biến cũng không quá cầu kì nhưng điểm đặc biệt lại chính ở chỗ đó, giản dị mà mộc mạc, chân thực như tâm hồn người Việt từ bao đời nay.

Măng được dùng phải là loại măng lưỡi lợn – tức phần mầm non nhú bên trên, được xẻ ra. Tốt nhất là loại măng khô có màu vàng đất nhạt, lưu giữ hương thơm đặc trưng, đường vân tỉ mỉ, bề thịt rộng dày, sờ vào không có cảm giác ẩm, có thể bẻ gãy. Như thế, măng khi nấu mới đặc, chắc và không có xơ. Măng khô mua về, ngâm nước trong ba ngày. Mỗi ngày đều phải chú ý thay nước mới. Ngày cuối lấy măng ra, ngâm trong nước vo gạo từ ba đến bốn tiếng. Sau đó, đem măng luộc qua. Nếu là măng khô mua ngoài chợ, bạn nên luộc kĩ hơn vì trong quá trình xử lý làm khô, người ta thường sử dụng khí lưu huỳnh để măng không bị mốc. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng, sau khi ngâm nước và luộc kĩ, bạn vẫn có thể an tâm sử dụng. Một lưu ý nho nhỏ nữa là, tuyệt đối không nếm thử măng khô trước khi đun nấu. Sau đó, lấy măng xé miếng vừa ăn rồi ướp gia vị.  Để từ mười lăm đến hai mươi phút cho gia vị ngấm đều, rồi mang măng xào với hành khô phi thơm đến khi măng săn lại còn hoàn thành khâu chuẩn bị măng.

Với móng giò, cách chế biến cũng không kém phần tinh tế. Móng giò mua về, rửa sạch rồi chặt vừa ăn. Có thể thêm vài ba miếng sường cho nước dùng thêm vị đậm đà. Cho tất cả vào nồi đun sơ, rồi lại vớt ra, rửa dưới vòi nước lạnh cho hết vụn xương. Sau đó, lại cho móng giò và xương sườn vào nồi hầm. Trong quá trình hầm, nếu có bọt trắng nổi lên thì phải vớt hết để nước dùng được trong. Cái khéo là phải hầm sao cho nước dùng đủ ngọt, đủ béo mà móng giò không bị cứng quá, cũng không bị mềm quá.

Khi nước dùng đã đủ tiêu chuẩn, ta thêm măng đã sơ chế vào nồi, đun sôi rồi để nhỏ lửa từ mười đến mười lăm phút, có thể thêm chút miến tùy thích. Ngoài ra, không thể bỏ qua mộc nhĩ thái nhỏ, hành củ chẻ dọc. Hai nguyên liệu như nét chấm phá giản đơn, tô điểm thêm cho món canh vốn đã hấp dẫn.

Canh chín, múc ra bát vừa ăn. Bát canh măng khô móng giò vừa xuất hiện đã lấy lại sự thăng bằng cho mâm cỗ ngày Tết vốn chứa nhiều đạm và tinh bột. Các nguyên liệu hòa quyện với nhau về cả hương vị và màu sắc, tạo sự nồng nàn hấp dẫn, khó ai có thể cưỡng lại. Khi thưởng thức, người ta không còn cảm thấy vị quá ngậy béo của móng giò bởi vị măng khô thanh đạm, giản dị. Lại nhấp thử một nhụm canh, cái lạnh đầu xuân như tan biến, trên đầu lưỡi chỉ còn vương lại cái ngọt của xương hầm, béo ngậy của móng giò và cả vị ngọt nồng ấm của măng khô, hành củ và mộc nhĩ.

Không chỉ riêng ngày Tết, canh măng khô móng giò cũng xuất hiện trong bữa cơm thường ngày. Đây là một món ăn bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng cần hạn chế với người mới ốm dậy, người bị gút hay bị bệnh thận và đau dạ dày.

Chiều ba mươi Tết, trên ban thờ đèn nến sáng trưng, hương trầm nghi ngút, mâm cơm tất niên cúng Trời Đất, tổ tiên, đón các cụ về ăn Tết. Bên cạnh bánh chưng xanh, dưa hành, nem rán, giò chả,… canh măng khô móng giò vừa giản dị lại mộc mạc, mang hơi thở hồn quê Việt từ bao đời.