Gìn giữ nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền
Giá trị nhân văn của Tết cổ truyền
Theo nghĩa Hán – Việt, Nguyên đán (Nguyên – cái đầu tiên, khởi đầu; đán là ánh mặt trời mới mọc) có nghĩa là ngày đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc hay còn gọi là buổi rạng đông của sự khởi đầu. Buổi sáng đầu tiên của một năm có ý nghĩa linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp với những khát vọng, mong ước của con người về năm mới dồi dào sức khoẻ, vạn sự an lành, hanh thông, may mắn.
Tết nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền, “Tết cái” của dân tộc diễn ra trong khoảnh khắc giao mùa, trong sự chuyển vần của vũ trụ. Đây cũng là thời kỳ nông nhàn khi mùa vụ đã thu hoạch xong, ngô lúa đã đầy bồ, con người quây quần bên nhau hàn huyên tâm sự, ôn lại chuyện năm qua, đồng thời bàn tính, hoạch định những công việc sẽ thực hiện khi năm mới bắt đầu.
Khoảng thời gian từ 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) cho đến ngày cuối cùng của năm cũ là thời điểm mọi người, mọi nhà rộn ràng không khí sắm Tết. Mọi người dọn dẹp sân nhà, trang hoàng nhà cửa; đi chợ Tết, sắm sửa quần áo mới, chọn mua cành mai, cành đào; gói bánh chưng xanh; cùng nhau đụng chung con lợn béo; dựng cây nêu để đón xuân sang.
Với phần đông người dân làm nông nghiệp, sống ở nông thôn, bất kì sự thay đổi nhỏ của thời tiết, khí hậu cũng đều liên quan trực tiếp đến mùa vụ, công việc đồng áng, đến năng suất lao động, đến cuộc sống sinh kế, vì thế họ luôn ý thức rõ về vai trò, sức mạnh, sự chi phối của tự nhiên, vũ trụ đối với cuộc sống sinh tồn.
Vì thế, trước và sau mùa vụ, ở một số nơi, người dẫn vẫn thực hành nghi thức tâm linh, tín ngưỡng để tỏ lòng thành kính, biết ơn trời đất, thiên nhiên đã ban tặng cho con người cuộc sống tươi đẹp và mong ước về mùa màng tươi tốt, bội thu. Các lễ hội như Lồng tồng, Tịch điền, Cầu ngư… phản ánh nét đẹp truyền thống văn hóa; sự tương giao, gắn bó hài hoà giữa con người với tự nhiên, đồng thời nói lên khát vọng, mong ước thành thực của con người về cuộc sống, tương lai tốt đẹp.
Tết Nguyên đán diễn ra vào mùa xuân – một trong những mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, nảy nở; đất trời, lòng người giao hoà. Đây cũng là mùa ghi dấu những sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại liên quan đến vận mệnh quốc gia và bước đường phát triển của đất nước.
Trong tâm thức cộng đồng, Tết cổ truyền chứa đựng những thông điệp nhân văn mà sức lan toả của hình ảnh, không khí, hương vị Tết không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè, du khách quốc tế.
Với người Việt, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là một sinh hoạt văn hóa mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tết như cánh cửa thời gian khép lại một năm cũ qua đi để đón chào một năm mới với những rộn ràng, bâng khuâng, mong nhớ. Tết cũng là quãng thời gian mà mỗi cá nhân được bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống lịch sử – văn hóa, những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thông qua những trải nghiệm, thực hành văn hóa cùng ông bà, cha mẹ, người thân.
Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.
Không chỉ vậy, Tết còn là biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức cộng đồng. Mỗi độ Tết đến xuân về, ở khắp mọi nơi, nhất là đối với những người dân xa xứ lại luôn trào dâng những cảm xúc bâng khuâng, niềm nhớ gia đình, quê hương, nơi có ông bà, cha mẹ người thân cũng đang chờ đợi giây phút được gặp lại những người con xa quê trở về.
Nhắc đến Tết là nhắc đến những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, nhớ những chặng đường gian khó, những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày tươi đẹp của mỗi người, mỗi gia đình, thậm chí là những bước đường lịch sử của dân tộc. Vì thế Tết là sợi dây gắn bó, kết nối giữa quá khứ với hiện tại; là hành trình của thời gian, giúp con người trở về với cội nguồn.
Tính chất thiêng liêng của Tết cổ truyền thể hiện rõ trong những nghi thức tâm linh mà người Việt sửa soạn, cử hành từ Tết ông Công ông Táo, đến lễ cúng tất niên, đêm giao thừa, lễ tân niên trong phạm vi gia đình, dòng họ đến những nghi thức tế lễ trời đất, thánh thần, biết ơn Thành hoàng làng và các vị anh hùng có công với dân với nước ở các đình, đền, chùa, am miếu. Trước hương án, trong khói trầm thơm ngào ngạt, tiếng pháo nổ, tiếng chuông chùa ngân vang, đánh thức miền kí ức xa xưa; khơi dậy những khát vọng của con người về cái thiện, cái đẹp cùng những mong ước, hy vọng vào cuộc sống, tương lai tươi sáng.
Những thực hành sinh hoạt văn hóa của người dân trước Tết (qua quang cảnh của những phiên chợ Tết; không khí sửa soạn, trang hoàng nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm; mọi người quây quần bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng xanh…) trong những ngày Tết (những nghi thức tâm linh tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên, nguồn cội; đi thăm hỏi, chúc tụng ông bà, bố mẹ, người thân; những trò chơi dân gian; cảnh du xuân tấp nập…) và hàng trăm lễ hội diễn ra trong và sau Tết ở khắp các miền quê từ thành thị đến nông thôn, miền ngược đến miền xuôi là những biểu hiện sinh động của nền văn hóa giàu bản sắc.
Hoà trong không khí, cảnh sắc xuân tươi đẹp, trong cái lất phất của mưa xuân là những bộ trang phục sặc sỡ, là lối chơi Tết, ăn Tết độc đáo của các tộc người đã dệt nên bức tranh xuân đa dạng, phong phú. Trải qua thời gian, những kí ức về Tết, phong vị Tết, hình ảnh Tết ngày càng được bồi đắp thêm những giá trị mới theo hướng lắng đọng, sâu sắc hơn.
Việt Nam tự hào có nền văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc. Bản sắc văn hóa dân tộc được biểu hiện đa dạng trong cuộc sống đời thường nhưng rõ nhất là qua những sinh hoạt, thực hành văn hóa của cá nhân, cộng đồng gắn với những sự kiện lịch sử, chính trị của dân tộc, đất nước. Tết Nguyên đán diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới, đây cũng là khoảng thời gian trùng hợp với những sự kiện lịch sử, những chiến công vang dội của ông cha trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Trong số 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật Bài chòi, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái, Nghệ thuật Xoè Thái, đều diễn ra trong những ngày hội xuân, thể hiện niềm thành kính, biết ơn nguồn cội, tổ tiên; phản ánh không khí rộn ràng, tươi vui, đầm ấm của cuộc sống; niềm lạc quan, tin tưởng cũng như mong ước, khát vọng của con người về cuộc sống bình an, hạnh phúc. Qua thời gian, những thực hành văn hóa của cộng đồng lắng đọng, kết tinh thành di sản độc đáo mang tính đại diện của nhân loại. Điều đó cho thấy những hoạt động vui xuân đón Tết, những lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống diễn ra trong những ngày đầu xuân là những biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ý nghĩa truyền tải bản sắc văn hóa dân tộc, Tết cổ truyền còn biểu hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Tết là sự đoàn viên, sum vầy, là yếu tố quan trọng thắt chặt tình đoàn kết; sự gắn bó của cá nhân với gia đình, Tổ quốc, quê hương.
Được hoà mình trong không khí mùa xuân, lễ hội, trong không gian của sự thành kính linh thiêng, trong nghĩa tình đồng bào, láng giềng, anh em, bầu bạn; trong không gian của những sắc màu, âm thanh, hình ảnh quen thuộc của phong vị Tết quê nhà, mỗi cá nhân như được tiếp thêm sức mạnh, động lực tinh thần để sống tốt và có ý nghĩa hơn, từ đó có nhiều cống hiến cho xã hội.
Có thể nói, Tết cổ truyền bao chứa những giá trị nhân văn, nhân bản, những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, có tác dụng nuôi dưỡng, khơi dậy những cảm xúc đẹp, thánh thiện trong mỗi người. Và cũng chính không khí Tết thấm đượm tình người đã tiếp thêm nguồn năng lượng, sức mạnh tinh thần để dân tộc vượt qua những khó khăn, trở ngại; chống lại âm mưu đồng hoá, “xâm lăng văn hóa” của kẻ thù, bảo vệ và gìn giữ nền độc lập, tự do.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền trong bối cảnh hiện nay
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống vật chất của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, đây là điều kiện quan trọng để người dân ngày càng có nhiều thời gian, cơ hội tham gia vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), phát động những cuộc vận động, các phong trào thi đua có ý nghĩa, có sức lan toả sâu rộng, như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa… hướng đến mục tiêu xây dựng làng quê trù phú, giàu đẹp, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc.
Với sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân đã đem đến cho các làng quê, nhất là những vùng miền khó khăn luồng sinh khí mới với diện mạo đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Về nhiều làng quê, nhất là vào dịp Tết đến xuân về sẽ cảm nhận rõ sự đổi thay với quanh cảnh làng mạc, xóm làng được trang hoàng đẹp mắt; đường làng ngõ xóm sáng – xanh – sạch – đẹp với những con đường hoa, những bức tranh bích hoạ, những tấm pa nô, khẩu hiệu đẹp mắt, tạo không gian trong lành, thân thiện, chứa đựng những thông điệp nhân văn, tốt đẹp; đó còn là hình ảnh của những ngôi nhà vườn, nhà truyền thống đan xen với những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại, sang trọng…, tạo nên bức tranh quê với những gam màu tươi sáng.
Trong những thập kỷ gần đây, bối cảnh xã hội, thời đại có những chuyển biến nhanh, mau lẹ với nhịp sống đô thị hiện đại, quá trình hội nhập toàn cầu, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, internet, mạng xã hội, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã tác động lớn đến suy nghĩ, lối sống của cư dân nông nghiệp. Bối cảnh mới cũng mang lại cho không khí Tết cổ truyền những hương vị mới mà nhiều gia đình, làng xóm, khu phố đã có sự thích ứng linh hoạt với sự kết hợp hài hoà giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại, tức là vẫn giữ được những nét đẹp của văn hóa cổ truyền, đồng thời không ngừng cải biến, đổi thay những yếu tố, những giá trị đã trở nên bất cập, lạc hậu; tiếp biến những giá trị mới theo hướng văn minh, hiện đại. Với nhiều bạn trẻ hiện nay, Tết đến, họ không chỉ dành sự quan tâm đến việc “ăn Tết” mà còn chú ý, dành nhiều thời gian cho việc “chơi Tết”, “thưởng Tết”, du xuân.
Tuy nhiên bối cảnh mới, nếp nghĩ mới của không ít người cũng đã và đang tác động trái chiều đến Tết cổ truyền. Là nước nông nghiệp nên vào dịp xuân về có hàng trăm lễ hội được tổ chức, diễn ra ở khắp mọi vùng miền, có lễ hội kéo dài suốt 3 tháng. Việc đón Tết cổ truyền diễn ra trong nhiều ngày, cùng với tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” có thể gây lãng phí, tốn kém về tiền bạc, thời gian, làm chậm nhịp phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác động xấu của những luồng tư tưởng ngoại lai, các phương tiện truyền thông mới khiến không ít bạn trẻ hờ hững, thiếu mặn mà, quan tâm tới Tết. Với họ Tết cổ truyền là cổ hủ, nhiều nghi lễ thủ tục rườm rà, vì thế Tết là dịp để họ “giải phóng cá nhân” bằng những chuyến đi chơi xa cùng bạn bè thân hữu.
Cuộc sống số, xã hội số khiến không ít người lệ thuộc vào công nghệ, mải mê trong thế giới ảo với những mối quan hệ phức tạp mà lánh xa những giá trị văn hóa cổ truyền, hờ hững với cuộc sống thực tại. Họ “họp chợ”, mua bán mặt hàng Tết trên mạng, cúng Tết online, livestream, xem bói, gieo quẻ trên những trang facebook cá nhân. Phương tiện truyền thống có thể mang lại những hiệu ứng tốt trong chia sẻ thông tin, hình ảnh nhưng sự thái quá, nhất thời cùng những phát ngôn thiếu chín chắn của một số bạn trẻ về văn hóa truyền thống đang góp phần là nhạt đi không khí của Tết cổ truyền.
Khi cuộc sống vật chất đủ đầy, người nhiều học đòi, mắc bệnh sĩ, thích khoe khoang, đề cao lợi ích vật chất nên dịp Tết trở về quê hương cũng là cơ hội để họ thể hiện sự giàu sang, kênh kiệu, “phú quý sinh lễ nghĩa”. Đồng thời dịp Tết cũng là thời điểm mà các loại hình mê tín dị doan, bói toán nở rộ; là sự biến tướng của những trò chơi cá cược, ăn thua; là tình trạng tai nạn giao thông gia tăng do sử dung rượu bia quá mức… Những hành vi phản cảm ấy làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông dày công gây dựng.
Đặc biệt những năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có những sinh hoạt của người dân khi đón Tết cổ truyền. Với nhiều gia đình khó khăn, gia đình công nhân, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, dịch bệnh đã tác động xấu đến cuộc sống mưu sinh, đến thu nhập hàng ngày; đến sự an toàn sức khoẻ, tính mạng, với những lo lắng, băn khoăn, những trăn trở, suy tư về cuộc sống hiện tại và tương lai.
Dịch bệnh khiến nhiều gia đình không thể đoàn viên, sum vầy, nhiều gia đình chịu mất mát, đau thương. Nhưng từ thảm hoạ đó, mỗi người sẽ càng trân quý hơn cuộc sống bình thường tràn ngập tình thương yêu đồng loại, tình làng xóm láng giềng, tình anh em ruột thịt, nghĩa đồng bào, vai trò của gia đình, quê hương, đất nước. Đó cũng chính là động lực, là niềm tin mãnh liệt thôi thúc mỗi cá nhân phải hành động tích cực, sống có ý nghĩa, trách nhiệm, cống hiến, lan toả những yêu thương, không ngừng quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia với những phận đời kém may mắn, thắp sáng niềm tin, hy vọng và những giá trị cao đẹp cho cộng đồng, xã hội.
Tết đến xuân về, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cá nhân đều trào dâng trong tim những cảm xúc mãnh liệt với nỗi nhớ, niềm mong được trở về quê hương, làng xóm, với đất nước, Tổ quốc thân yêu để biết ơn tổ tiên, nguồn cội; để tìm lại những kí ức đẹp đẽ tuổi thiếu thời, để được đáp đền công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, cha mẹ; để gặp lại những người thân yêu nhất; để nghe tiếng quê hương; thưởng thức hương vị Tết quê nhà. Trở về với Tết là để trải nghiệm không khí xuân với những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp để sống và cống hiến ngày càng tốt hơn cho dân tộc, đất nước.
“Văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa là sự lắng đọng, kết tinh tình cảm, trí tuệ, phẩm chất, tâm hồn bao thế hệ người dân nước Việt mà những sinh hoạt, thực hành trước, trong và sau Tết cổ truyền là những biểu hiện sinh động, phong phú, đặc sắc nhất. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ tạo nền tảng tinh thần vững chắc, cổ vũ, động viên mỗi người không ngừng cố gắng vươn lên, cùng chung sức đồng lòng thực hiện thành công khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Theo Tạp chí Tuyên giáo