Gìn giữ nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền

Những giá trị văn hóa của Tết cổ truyền

Dịp để đoàn viên

Như một lẽ tự nhiên, mỗi dịp Tết đến, dù hành trình mưu sinh có xa xôi, cách trở đến mấy thì nhà, quê hương luôn là nơi để trở về, là điểm đến thân thuộc với mỗi người Việt Nam. Nhiều người con xa xứ vượt cả ngàn dặm đường để được có mặt ở quê hương vào thời khắc này, thắp một nén hương lên ban thờ tổ tiên, đắm mình trong phong vị Tết rồi lại bùi ngùi ra đi nhưng chắc hẳn trong lòng đã dịu vợi hơn nỗi nhớ quê nhà.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Như một lẽ tự nhiên, mỗi dịp Tết đến, dù hành trình mưu sinh có xa xôi, cách trở đến mấy thì nhà, quê hương luôn là nơi để trở về, là điểm đến thân thuộc với mỗi người Việt Nam. Ảnh: D. Lai.

“Về quê” luôn là suy nghĩ, là hành động thường trực ở mỗi người Việt Nam đang sống ly hương vào mỗi dịp năm hết Tết đến. Những dồn sức cho “deadline”, cho tăng ca vào dịp cuối năm là để có thể trở về trong thanh thản, dành trọn vẹn yêu thương cho hạnh ngộ “ba ngày Tết”. Những dòng người hối hả trên đường về quê với lỉnh kỉnh quà bánh cũng là để cho một cái Tết đoàn viên đủ đầy hơn, ấm áp hơn. Con cháu có thời gian để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên ông bà, cha mẹ, họ hàng; bạn thuở thiếu thời giờ đã trưởng thành đi muôn nơi nhưng nhờ có Tết mà gặp lại nhau để ôn lại những vụng dại, hồn nhiên ngày thơ ấu. Tết là khoảng thời gian đặc biệt để thắt chặt hơn sự kết nối những tình thân.

Dịp chăm chút cho những giá trị nguồn cội

Tết là sự chuyển giao thời gian giữa năm cũ và năm mới, một khoảnh khắc thiêng liêng trong bước đi vô tận của thời gian. Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, con người bày tỏ sự biết ơn với trời đất, tổ tiên, cội nguồn. Từ ngày 23 tháng Chạp, nghi lễ cúng ông Công, ông Táo đã được mỗi gia đình tiến hành để “tổng kết” muôn việc của năm cũ. Sau đó là sửa soạn ban thờ sao cho sạch sẽ, trang nghiêm. Nước bao sái được lựa chọn cẩn thận để lau hết những bụi trần còn vương nơi tôn nghiêm. Mâm ngũ quả cũng được sắp đặt hài hòa về màu sắc, về âm dương ngũ hành. Nhà cửa được quét dọn, trang hoàng sạch đẹp nhất có thể. Con cháu sẽ ra mộ phần của ông bà, người thân trong gia đình với lòng thành kính mời những người đã khuất về vui Tết cùng con cháu.

Nơi làng quê, bên bếp lửa bập bùng để nấu nồi bánh chưng, bánh tét, các thành viên trong gia đình và cả hàng xóm láng giềng râm ran hay thủ thỉ chuyện trò vẫn là hình ảnh quen thuộc. Nơi phố thị, đất chật, người đông, thưa vắng dần những bếp lửa nấu bánh chưng, bánh tét trong mỗi gia đình, nhưng lại nở rộ những dịch vụ cung cấp thứ thời trân không thể thiếu trong dịp Tết này. Hoa đào, hoa mai khoe sắc thắm. Hương trầm lan tỏa trong không gian, kết hợp với cái lạnh giá của miền Bắc hay tiết trời dịu mát của miền Nam,… Tất cả tạo nên một phong vị Tết, vừa thành kính, trang nghiêm, vừa thân thương, gần gũi.

Dân gian còn truyền tụng cách phân bổ thời gian của “ba ngày Tết”: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Vẫn là dòng chảy tâm thức của nền văn hóa coi trọng đạo lý. Con người phải biết nhớ về nguồn cội, biết ơn các đấng sinh thành, biết ơn những người trên đường đời đã bồi đắp cho ta về trí tuệ, về thể chất, về cảm xúc. Và Tết – một thời khắc quan trọng trong năm chính là khoảng thời gian thích hợp để thực hành đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) chuẩn bị về quê đón Tết trên “Chuyến xe Công đoàn”. Ảnh: Tuyết Lê.

Dịp bày tỏ những khát vọng sống

Những mơ ước thầm kín, những khát khao vươn lên trong cuộc sống thường được bày tỏ vào dịp Tết. Đó là lời nguyện cầu vào lúc giao thừa cho quốc thái dân an, cho gia đình yên ấm, hạnh phúc. Đó là lời khấn nguyện vào sáng mùng một Tết – buổi sáng đầu tiên của năm mới cho cả gia đình một năm mới sung túc, an vui. Đó là tục hái lộc, tục mua muối, tục xin chữ đầu năm,… Hái một nhành lộc xuân mang vào nhà với ước ao về sự sinh sôi, nảy nở, tràn đầy sức sống sẽ đến với cả gia đình trong năm mới. Mua một túi muối nhỏ đầu năm với niềm tin rằng gia đạo sẽ thuận hòa, êm ấm, gặp nhiều may mắn. Hân hoan treo bức thư pháp với mong muốn sự ứng nghiệm của chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Thọ, chữ Tài, chữ An,… kia vào bản thân và gia đình mình. Gìn giữ từng lời ăn tiếng nói, buông bỏ những âu lo, cáu giận, thực hành những điều thiện để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình là hành động được nhiều người lựa chọn trong dịp Tết. Sửa mình, hướng tới những điều tốt đẹp, những khát vọng phát triển, đó là tâm thế của mỗi người đón chào năm mới.

Dịp để lan tỏa yêu thương

Tết cũng là dịp để tình yêu thương lan tỏa. Tình cảm yêu thương không chỉ giới hạn trong gia đình, giữa những người thân mà hiện hữu khắp nơi. Những phong trào “Xuân biên giới”, “Tết sẻ chia”, “Chuyến xe về quê”, “Áo ấm cho em”, “Gói bánh chưng xanh – Trao Tết an lành”, đặc biệt là phong trào của công đoàn “Tết Sum vầy – Xuân Gắn kết”… đã trở thành nét văn hóa quen thuộc. Vào dịp Tết đến xuân về, các hoạt động thiện nguyện diễn ra từ thành thị đến nông thôn, biên giới, hải đảo…; dù rộn ràng hay âm thầm, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu không để ai ở lại phía sau, muôn nhà, muôn người đều có một cái Tết đầm ấm. Những gói quà Tết đong đầy ân tình được sẻ chia đến những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời thua thiệt, làm ấm áp lòng người và tươi hơn những nụ cười em thơ.

Để Tết thêm vui

Văn hóa luôn biến đổi không ngừng. Tết – một hiện tượng văn hóa tổng thể cũng không nằm ngoài quy luật đấy. Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, Tết cổ truyền cũng có nhiều biến đổi. Bên cạnh nhiều giá trị văn hóa của Tết truyền thống được gìn giữ, nhiều yếu tố mới xuất hiện. Nhiều gia đình thay vì cùng nhau sum vầy bên mâm cỗ truyền thống, đi thăm họ hàng, người thân thì lại tận dụng thời gian được nghỉ ngơi của dịp Tết để cùng nhau đi du lịch, khám phá những vùng đất mới.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Những gói quà Tết đong đầy ân tình được sẻ chia đến những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời thua thiệt làm ấm áp lòng người. Trong ảnh: Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Chương trình “Tết Sum vầy – Xuân Gắn kết”. Ảnh: Ngọc Viên.

Có một số người hoài cổ vẫn cầu kì, tỉ mỉ với những nếp xưa, từ đồ ăn thức uống, mâm ngũ quả đến các lễ thức trong gia đình. Có những người thì hội nhập Đông – Tây, thay vì bánh chưng, nem, bóng, chả, giò lại sắm sửa giăm bông, trứng cá muối, gan ngỗng cho bữa cơm tất niên. Một phong bao lì xì với những đồng tiền may mắn đầu năm thể hiện sự kính già, yêu trẻ rất có thể được thay thế bằng những phong bao tiền mệnh giá lớn với nhiều toan tính thiệt hơn…

Sau sự kiện trảy hội hoa xuân, mừng đón giao thừa ở nơi công cộng, người người trở về nhà để lại những tả tơi hoa lá với cơ man rác thải, phó mặc cho những người công nhân môi trường cặm cụi dọn dẹp trong đêm xuân. Vì lợi nhuận, nhiều người bất chấp sự an nguy của cộng đồng, của bản thân để buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng chất lượng kém,… Tết cũng là dịp để nhiều kẻ gian thương thừa cơ ngang nhiên móc túi người tiêu dùng. Vì những vội vã, gấp gáp, trong dịp Tết, nhiều người tặc lưỡi vi phạm luật lệ giao thông. Vì những nể nang và cả phút bốc đồng, cao hứng, nhiều người quá chén dẫn đến những tai nạn đáng tiếc cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông vào dịp Tết. Đó là chưa kể quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn đâu đó khiến nhiều người bê trễ công việc dù Tết đã qua.

Không phải ngẫu nhiên mà trong năm mới, người ta hay chúc nhau chữ an: an lành, an yên,… Đất nước quốc thái, dân an, gia đình an khang, thịnh vượng, cá nhân an vui,… luôn là những giá trị được trông đợi. Để gìn giữ những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền, để những ước vọng ngày xuân thành hiện thực thì đầu tiên và trên hết là phải có Tết an toàn. Các nguy cơ dẫn đến sự bất an toàn của cá nhân và cộng đồng phải được kiểm soát, phải được đẩy lùi. An ninh con người phải được đảm bảo.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Hội thi “Bày mâm ngũ quả” tại Chương trình “Tết Sum vầy – Xuân gắn kết” của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: T. Dung.

Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội phải được chăm lo, gìn giữ, phát triển theo hướng nhân văn, bền vững. Trong dịp Tết phải đặc biệt giữ gìn an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm. Những tập tục lạc hậu, lãng phí, phiền hà trong dịp lễ, Tết cần được xóa bỏ hoặc cải tiến. Những giá trị tốt đẹp của Tết cổ truyền phải trở thành động lực tinh thần cổ vũ cho những ý tưởng sáng tạo, cho những hành động hiện thực hóa khát vọng phát triển của năm mới chứ không thể lần lữa công việc vì những hội hè, khai xuân triền miên.

Để giữ được phong vị của ngày Tết, để thích ứng với bối cảnh đời sống đương đại rất cần một ứng xử hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại. Chắt lọc những tinh túy, nhân lên những giá trị, gạn bỏ những lề thói lạc hậu, rườm rà, lãng phí, kịp thời ngăn chặn những nguy cơ, ươm mầm cho những hạt nhân hợp lý luôn là những cách hành xử cần thiết để Tết mãi an vui.