Giáo viên trường THPT top đầu nói về kinh nghiệm thi Toán vào lớp 10

Về mặt tổng quan, cô Hà Việt Phương nhận định, cấu trúc đề thi môn Toán vào lớp 10 của Hà Nội 3 năm gần đây không thay đổi, không đánh đố học sinh. “Mặc dù năm ngoái giảm thời gian làm bài giảm xuống còn 90 phút (các năm trước là 120 phút) nhưng đề thi vẫn có đủ 5 bài”, cô Phương nói.

Về kiến thức, theo cô Phương, đề thi bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, chủ yếu trong chương trình lớp 9. Trong đề thi có khoảng 60% kiến thức cơ bản, câu phân loại học sinh khá giỏi chiếm khoảng 30 – 35%, câu phân loại cao chiếm khoảng 5-10%. 

“Thí sinh cần chú ý câu cuối của bài 1 và ý cuối cùng của bài 3 thường có tính chất “bẫy”, mặc dù không quá khó nhưng dễ bị mất điểm nếu không để ý kĩ các dữ kiện của đề bài. 

Cô Phương lưu ý, với các bài toán cơ bản liên quan đến rút gọn biểu thức, tính giá trị biểu thức, giải phương trình, giải hệ phương trình… tuyệt đối không được chủ quan. Khi làm xong, thí sinh cần phải soát lại và dùng máy tính bỏ túi để thử lại kết quả. 

Đề thi cũng thường có một câu hỏi cơ bản liên quan đến hình học không gian, chỉ cần thí sinh thuộc công thức là làm được.

Đối với bài hình học phẳng, thí sinh chú ý vẽ hình chính xác theo đúng yêu cầu bài toán. Câu đầu tiên trong bài thường rất cơ bản, câu tiếp theo hay áp dụng kết quả của câu trước, câu hỏi cuối của bài hình này thường có tính phân loại cao, đòi hỏi tư duy sáng tạo, thí sinh có thể suy luận ngược để tìm ý giải cho bài toán. 

Cô Phương khuyên các thí sinh cần chú ý đọc kĩ đề bài và viết nháp một cách khoa học, gọn gàng để có thể soát lại một cách dễ dàng. 

Khi đọc đề nếu gặp những câu “lạ” và khó, thậm chí có một số câu vượt qua khả năng của mình, thí sinh phải thật bình tĩnh, không được cuống hay lo sợ. Dựa vào kiến thức đã có, thí sinh lựa chọn những câu có khả năng giải được để làm trước, tránh loay hoay mất thời gian quá lâu vào một câu hỏi.


Cô Hà Việt Phương, Tổ trưởng Tổ Toán của Trường THPT Kim Liên, và học trò

Về phương thức làm bài thi tự luận, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cũng lưu ý thí sinh một số điểm với môn Toán. Theo đó, cần đọc thật kỹ đề bài và ghi nhanh ra nháp những ý tưởng và chú ý của từng câu.

“Khi làm bài chọn câu dễ để làm trước nhưng thường đề thi đã thiết kế theo trình tự từ dễ đến khó nên có thể làm tuần tự cũng được. Gặp câu hỏi khó, tạm để đó và làm những câu dễ khác trước”, thầy Cường chia sẻ.

Thầy Cường khuyên thí sinh cần trình bày bài thật cẩn thận, không làm tắt, không viết tắt, cần có kết luận về kết quả của từng câu. Đối với bài hình học, cần kiểm tra kỹ xem hình vẽ đã chính xác với đề bài chưa (vì nếu vẽ sai hình, bài hình sẽ bị điểm 0), các câu hỏi cần lập luận chặt chẽ, có ghi lí do khi chứng minh, vẽ hình rõ ràng.

Đặc biệt thí sinh cũng cần lưu ý việc ghi tên các điểm trên hình bởi không ít em hay viết làm cho người chấm không hoặc khó phân biệt được M với N; E với F; O với D…

Năm nay, gần 130.000 sĩ tử của Hà Nội sẽ bước vào mùa thi lớp 10, tuy nhiên, sẽ chỉ có khoảng 69.000 suất vào lớp 10 công lập (không chuyên). Đây là năm có tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao kỉ lục ở Hà Nội trong nhiều năm qua.

Kỳ thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay sẽ diễn ra vào ngày 18-19/6.

Cụ thể, sáng 18/6, các thí sinh dự thi Ngữ văn (tự luận 120 phút); chiều 18/6, thi Ngoại ngữ (trắc nghiệm 60 phút); sáng 19/6, thi Toán (tự luận 120 phút).

Điểm xét tuyển thi vào lớp 10 Hà Nội = (Điểm bài thi môn toán + Điểm bài thi môn ngữ văn) x 2 + Điểm bài thi môn ngoại ngữ + Điểm ưu tiên (Điểm các bài thi tính theo thang điểm 10).

Với các thí sinh dự thi môn chuyên sẽ tham dự vào ngày 20/6.

>>>Chi tiết lịch thi vào lớp 10 của 63 tỉnh, thành phố

Thanh Hùng