Giáo dục theo lối mòn ngăn cản tư duy sáng tạo
Tới dự và chủ trị Hội thảo có Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Doãn Toản.
Toàn cảnh Hội thảo.
Đổi mới giáo dục theo hướng sáng tạo
Theo đánh giá của các chuyên gia, học sinh ở Việt Nam và một quốc gia có truyền thống coi trọng giáo dục chính quy và đạt thành tích tốt trong lớp và các kỳ thi phải đối mặt với rất nhiều áp lực học tập. Một số lượng lớn học sinh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, phải học thêm các môn chính như Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Đối với những học sinh định hướng theo trường chuyên, nơi các em sẽ học chuyên sâu các môn chuyên, thời lượng trên lớp liên quan đến sáng tạo lại càng giảm đi.
Các em nhỏ trải nghiệm không gian sáng tạo tại Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.
Không chỉ vậy, tư duy giáo dục theo lối mòn còn được biểu hiện ngay cả trên giảng đường đại học, khi nhiều sinh viên vẫn học tập để “trả bài” cho giảng viên theo giáo trình. Dẫn chứng cho thực tế này, TS Nguyễn Thị Năm Hoàng – Phó trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Học văn không phải là lý thuyết xuông, trả bài cho giảng viên. Tuy nhiên, nhiều bạn khi nói về chuyện ngắn Lão Hạc, Chí Phèo vẫn trả bài, nhai đi nhai lại lý thuyết Chí Phèo là bi kịch của người nông dân trước cách mạng và bị cự tuyệt”.
Từ thực tế trên, nhằm thúc đẩy tư duy học tập, giáo dục sáng tạo, nhiều nhà trường đã đổi mới phương thức đào tạo. Trong đó có thể kể đến phương pháp sáng tạo, kết hợp tư duy thiết kế vào tổ chức dạy học, đã đạt hiệu quả cao trong việc thúc đẩy tinh thần tích cực, tự chủ của sinh viên.
Xoay quanh chủ đề “Truyện ngắn với đời sống đương đại”, sinh viên thay vì học tập để trả bài có thể tạo ra sản phẩm là những vật dụng ứng dụng đời sống (áo phông, túi xách, đồ gốm) được trang trí bởi hình vẽ là những nhân vật hoặc những câu nói đặc sắc trong các truyện ngắn nổi tiếng. Đơn cử như câu nói của Chí Phèo tỏ tình Thị Nở “Hay mình về ở với tớ một nhà cho vui”, vẽ cách điệu hình ảnh con chó vàng đã được đưa vào các sản phẩm như túi xách, logo bày bán trên các website.
Học sinh, sinh viên trải nghiệm không gian sáng tạo.
Nhấn mạnh tầm quần trọng của giáo dục sáng tạo, các chuyên gia cho rằng, đích đến của quá trình giáo dục cần thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi của thời đại mới nhằm tháo gỡ những lối mòn đã cũ kĩ, cởi bỏ quan niệm dạy học theo kiểu “nhồi nhét” kiến thức để giúp trẻ em phát triển trí tuệ bằng óc tưởng tượng bay bổng và khám phá năng lực của bản thân.
Theo Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam Trần Thuỳ Dương: Trường THPT luôn tạo ra không gian sáng tạo cho học sinh thông qua các câu lạc bộ năng khiếu. Trong năm học 2022-2023, nhà trường có đến 54 câu lạc bộ đang hoạt động tích cực, được chia thành các mảng như: Học thuật, nghệ thuật, thể thao, xã hội. Có thể coi đây là một hệ sinh thái phong phú và năng động của những bạn trẻ yêu thích sự sáng tạo.
Đa phần học sinh trong trường đều tham gia một CLB nào đó phù hợp với năng khiếu của riêng mình. Với những học sinh yêu nghệ thuật, tham gia CLB âm nhạc, vũ đạo, sân khấu, ảo thuật, thời trang… là cơ hội để các em được sống hết mình với đam mê. Còn Câu lạc bộ STEM, robot, thiên văn lại trở thành điểm đến đầy hứa hẹn dành cho những học sinh yêu thích học thuật và nghiên cứu khoa học.
Trong đó, không ít những công trình nghiên cứu đã đạt được thành tích ưu tú. Năm vừa qua, trong cuộc thi Sáng tạo về môi trường do thành Đoàn Hà Nội tổ chức, câu lạc bộ chuyên Lý của trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã tham gia và giành giải nhất với sản phẩm máy đo chất lượng không khí.
Giải pháp giáo dục
Thành phố sáng tạo là một chủ trương phát triển lớn của Hà Nội. Việc triển khai thành công thành phố sáng tạo không chỉ giúp thành phố khẳng định sức mạnh văn hóa của mình, mà còn giúp hình thành bầu không khí sáng tạo lan tỏa mọi lĩnh vực của Hà Nội, cả trong chính trị, văn hóa, xã hội, công nghệ và các lĩnh vực khác. Chính vì thế, giải pháp đưa giáo dục sáng tạo vào chiến lược xây dựng thành phố sáng tạo là hết sức cần thiết.
Để làm được điều đó, PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc đưa giáo dục sáng tạo vào chiến lược xây dựng thành phố sáng tạo. Quan điểm nhất quán của là thành phố sáng tạo cần có những công dân sáng tạo. Muốn có con người sáng tạo thì cần có giáo dục sáng tạo. Giáo dục sáng tạo sẽ giúp mở ra những tiềm năng mới cho phát triển thủ đô trong những năm sắp tới, hình thành nên sự năng động và sức sống cho đô thị.
Với các nội dung chất lượng, phong phú, đa dạng và có chiều sâu, các bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trên lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu đổi mới sáng tạo đã nêu bật được các vấn đề mà Hội thảo hướng tới. Trong đó có một số vấn đề cơ bản như sau:
Một là, hội thảo bước đầu đã làm sáng tỏ một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển giáo dục sáng tạo của nước ta, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội; hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo.
Hai là, nhiều ý kiến tham luận đã đưa ra đánh giá tổng quan chung về những xu hướng phát triển giáo dục sáng tạo trên thế giới, trong nước; giới thiệu những mô hình giáo dục mới, tiên tiến và gợi mở về hướng đi mới cho sự phát triển của giáo dục sáng tạo của Hà Nội trong tương lai.
Ba là, nhiều bài viết cũng tập trung làm rõ, đánh giá sát thực trạng về tình hình phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô hiện nay, chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu; từ đó, đề xuất gợi mở những giải pháp đồng bộ, khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc phát triển giáo dục sáng tạo của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.
Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Doãn Toản.
Triển khai tốt Nghị quyết 09-NQ-TU ngày 22/2/2022 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021 – 2026, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là chương trình hành động của Thành phố sáng tạo, trong đó đặc biệt là các hành động như sớm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Thiết kế Sáng tạo Hà Nội để ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội để cung cấp một hệ sinh thái sáng tạo cho thành phố thông qua sự đóng góp của các thành phần công – tư có liên quan đến sáng tạo cho toàn thành phố; thực hiện dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng Sáng tạo Hà Nội, hướng tới tạo ra một sân chơi cho các bạn trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo, đồng thời thu hút sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn, sự tham gia tư vấn của đội ngũ các nhà nghiên cứu và các chuyên gia thiết kế sáng tạo và đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp có liên quan trong và ngoài nước; Tổ chức các sự kiện tôn vinh sáng tạo như Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, Liên hoan thiết kế sáng tạo Hà Nội, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình giáo dục trong nhà trường, trong đó tăng cường các môn giáo dục nghệ thuật, hướng đến tính ứng dụng trong cuộc sống, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh khi vận dụng kiến thức vào cuộc sống, chú trọng hơn như các lớp học nghệ thuật: vẽ, múa, hát, nhảy… hay các câu lạc bộ thể thao; Tập huấn, nâng cao kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy của giáo viên trong hoạt động dạy học bằng cách quan tâm nhiều hơn đến học sinh, tìm kiếm sự tương tác của học sinh trong giờ học, từ đó đề cao cái tôi cá tính, tư duy sáng tạo của học sinh; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, học liệu cho các môn học phát triển tư duy sáng tạo. Tạo dựng nhiều sân chơi, hoạt động nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là cơ quan được giao nhiệm vụ trong việc tham mưu Đề án về “Phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô – Tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu ươm mầm, tìm kiếm, phát hiện và nuôi dưỡng sự sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; đồng thời hiện thực hóa những cam kết của Hà Nội khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo để xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo theo tinh thần kế hoạch số 102/KH-UBND của UBND TP nhằm mục tiêu nhận diện, đánh giá, đề xuất các phương hướng, giải pháp phát triển giáo dục sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô trong thời kỳ mới.
Với mục tiêu đó, hôm nay (20/12), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo”. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn nhận được những ý kiến tham vấn, đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, khách mời trong nước, quốc tế và của các quý vị đại biểu cả về lý luận cũng như thực tiễn nhằm thúc đẩy việc phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở Thành phố sáng tạo.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học phát biểu đề dẫn.