Giáo dục – Khoa học – Công nghệ – Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang nghiên…

Với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng
các yêu cầu trong từng lĩnh vực nghiên cứu và được trang bị cơ sở vật
chất, thiết bị phục vụ nghiên cứu khá hiện đại, đến nay
Trung tâm CNSH An Giang đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản
phẩm nổi bật như: sinh sản nhân tạo giống cá heo, thực phẩm chức năng và
trà túi lọc từ cây Chùm Ngây, rượu vang Thốt Nốt và sản xuất nấm đông
trùng hạ thảo, các sản phẩm vi sinh, các quy trình canh tác theo hướng
an toàn…

Trung tâm CNSH cũng là nơi ươm tạo các tổ chức, cá
nhân có ý tưởng khoa học công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học công
nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thực
hiện việc hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm sản phẩm. Đồng
thời, tăng cường và triển khai có hiệu quả việc hợp tác với các Viện,
trường, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.


Một số sản phẩm Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang đã nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thành công.

Giám đốc Trung tâm CNSH tỉnh Nguyễn Công Kha cho biết: “Thực hiện
Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy An Giang về phát triển nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu về lĩnh vực
trồng trọt và đã tạo ra các giống cây trồng sạch, các quy trình sản xuất
các loại cây trồng, rau màu và cây dược liệu theo hướng an toàn và
VietGAP phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Đó là: nghiên cứu và ứng dụng
sản xuất cà chi bi theo hướng an toàn, sử dụng chế phẩm vi khuẩn
Uchisiro từ đất (Nhật Bản) và chế phẩm vi sinh, phân trùn quế của trung
tâm sản xuất; nghiên cứu quy trình sản xuất dưa leo theo hướng an toàn,
sử dụng các chế phẩm có khả năng hòa tan lân, kali và đạm; sưu tập, bảo
tồn và xây dựng quy trình nhân giống cây Lan gấm thu thập ở vùng Thất
Sơn; nghiên cứu ứng dụng sản phẩm Trichoderma sp trong sản xuất phân hữu
cơ và ứng dụng trồng cải xà lách”.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và
thú y, Trung tâm CNSH tập trung nghiên cứu phát triển giống vật nuôi và
các sản phẩm phục vụ chăn nuôi, góp phần tăng trưởng của ngành chăn nuôi
của địa phương, hình thành ngành sản xuất, cung cấp giống chất lượng
cho chăn nuôi tỉnh nhà đạt hiệu quả kinh tế cao và mang tính bền vững.
Đồng thời, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đến người chăn nuôi như: công
tác lai tạo giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng bò tại huyện Tri
Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới và Phú Tân. Đã nâng cao trình độ gieo tinh nhân
tạo cho cán bộ kỹ thuật tại các huyện, thị xã, thành phố để cải tạo
giống bò; thay đổi dần nhận thức của người chăn nuôi về hiệu quả của
công tác lai tạo giống thông qua gieo tinh nhân tạo.

Lĩnh vực
thủy sản đã nghiên cứu và ứng dụng các chế phẩm vi sinh được sản xuất
tại trung tâm nhằm thử nghiệm khả năng giảm nước thải trong quá trình
nuôi cá tra. Kết quả cho thấy sản phẩm vi sinh của trung tâm mang hiệu
quả trong việc xử lý môi trường nuôi. Đồng thời, cũng tiến hành thu thập
và bảo tồn các loài cá quý hiếm như: cá Hô, cá Chép, cá Heo, Mè Hôi… Từ
năm 2017, đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công quy trình sinh sản cá
heo.

Lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và môi trường, đã nghiên cứu
và phát triển các sản phẩm từ tự nhiên, cây dược liệu để ứng dụng trong
thực phẩm, dược phẩm. Và đã đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu và
thương mại hóa một số sản phẩm như: thực phẩm chức năng và trà túi lọc
từ cây Chùm Ngây; xây dựng quy trình sản xuất thực phẩm chức năng viên
nang từ cây Đinh Lăng; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có hoạt tính
sinh học từ cây Thốt Nốt… Đặc biệt, đã hoàn thiện quy trình sản xuất
rượu vang Thốt Nốt mang tính đặc trưng của An Giang với nguồn nấm men
được phân lập từ cây Thốt Nốt.

Lĩnh vực nấm ăn và nấm dược liệu,
trung tâm đã nghiên cứu và phát triển các giống nấm ăn và nấm dược liệu
trong và ngoài tỉnh. Thu thập và lưu giữ gần 40 giống nấm ăn và nấm
dược liệu như: nấm vân chi, linh chi, hầu thủ, mối đen, chân dài và đông
trùng hạ thảo… Kết quả, Trung tâm đã nghiên cứu thành công nhiều công
trình: nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ
thảo trên cơ chất nhân tạo và ký chủ nhộng tằm; nghiên cứu trồng nấm hầu
thủ và nấm hương chịu nhiệt… Nghiên cứu thử nghiệm và tạo các sản phẩm
từ nấm ăn và nấm dược liệu và được thương mại hóa với các hình thức như:
trà túi lọc, sản phẩm rượu, nấm tươi và nấm khô…


Sản phẩm rượu vang thốt nốt và dâu tằm.

Lĩnh vực nuôi cấy mô tế bào thực vật, trung tâm đã nghiên cứu, sưu tập,
bảo tồn nguồn gen, cây dược liệu và phát triển các sản phẩm từ thực vật
dựa trên kỹ thuật nuôi cấy tế bào. Kết quả đã đạt được một số kết quả
như: quy trình nhân giống và chăm sóc cây cúc đại đóa và pha lê; quy
trình nhân giống Lan gấm, lan Mokara; quy trình nhân giống các cây nghệ,
ngãi và hoa chuông, khóm… Đồng thời, đã sưu tập các cây dược liệu quý
hiếm và thực hiện công tác bảo tồn nguồn gene làm tiền đề chọn tạo giống
cây trồng trong tương lai.

Cùng với sự phát triển của công nghệ
4.0; trung tâm đã thử nghiệm các hệ thống chiếu sáng, hệ thống nuôi cấy
ngập chìm tạm thời, hệ thống nuôi cấy quang dưỡng trong quá trình nuôi
cấy tế bào thực vật, nhằm giảm bớt chi phí sản xuất và nâng cao sản
lượng cây mô.

Lĩnh vực hợp tác quốc tế, Trung tâm CNSH luôn quan
tâm nghiên cứu và hợp tác với các Viện, Trường và trung tâm, công ty
trong nước và các tổ chức quốc tế như: Công ty Joint Grass Roots Fukuoka
(JGRF)-Nhật Bản hợp tác về “Thực nghiệm canh tác hữu cơ một số giống
cây ăn trái từ Nhật Bản (cam, quýt, kiwi, bạch quả, sung…)”; đề xuất dự
án xen canh cây ăn trái và cây dược liệu theo hướng an toàn, từ Tổ chức
JICA – Nhật Bản; Công ty Hagihara-Nhật Bản hợp tác về trồng thử nghiệm
dưa lưới và thử nghiệm sản xuất theo mô hình an toàn từ theo chuyên gia
Nhật Bản; Công ty Daimasa Engineering-Nhật Bản hợp tác nghiên cứu, triển
khai các mô hình, dự án về năng lượng xanh, chế phẩm sinh học…;
Trường Đại học RMIT-Úc hợp tác nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nâng cao
trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cho viên chức Trung tâm CNSH; hợp tác
với Thụy Điển trong dự án “Thực hiện kế hoạch hành động vì một tỉnh An
Giang phát triển bền vững giai đoạn 2018-2020”; hợp tác với các tổ chức
và doanh nghiệp của Israel trong việc đưa các bộ kỹ thuật sang học tập
kinh nghiệm trong công tác sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU