Giáo án mẫu và hồ sơ sổ sách khiến giáo viên “bội thực”
Bội thực phụ lục Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH
Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (xem công văn ở đường link) với 5 phụ lục rườm rà, phức tạp, chồng chéo các yêu cầu.
Phụ lục I có phân phối chương trình với bảng mẫu gồm 5 cột, đến phụ lục III, lại thêm phân phối chương trình với bảng mẫu khác gồm 6 cột. Tuy công văn hướng dẫn là kế hoạch của tổ chuyên môn, nhưng thực tế không một tổ trưởng chuyên môn nào có thể xây kế hoạch cho tất cả các môn của tổ mình mà chỉ là phân công cho giáo viên bộ môn hoàn thành và tổ trưởng tổng hợp lại.
Khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH có tới 4 mục nhỏ, hướng dẫn thực hiện 4 kế hoạch, đó là: Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình); Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án); Kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kì.
Trong khi, 4 kế hoạch này có rất nhiều đề mục, từ ngữ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần rất mất thời gian và tốn kém giấy mực in ra.
Để thực hiện được các hướng dẫn trong phụ lục thì kế hoạch của một tiết dạy học cũng phải hơn chục trang giấy. Thực tế, việc lên lớp của giáo viên không phải lớp nào, trường nào cũng giống nhau và sản phẩm không phải lúc nào cũng giống nhau nên những “kịch bản” chỉ cần dừng lại ở phần đề cương làm rõ mục tiêu hơn là phải đi vào “kịch bản” chi tiết.
Tuy đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng trả lời báo chí là “Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV kèm theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là văn bản hướng dẫn để giáo viên soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không phải là mẫu giáo án”, nhưng thực tế chưa có văn bản chính thức nào chỉ đạo các địa phương dẫn đến tình trạng “trên cởi dưới buộc”.
Việc trao quyền chủ động xây dựng kế hoạch cho các nhà trường và giáo viên dẫn đến việc thiếu thống nhất, mỗi trường một phân phối chương trình, trăm hoa đua nở, các cấp quản lí thanh tra kiểu so sánh trường nọ với trường kia, săm soi bắt lỗi, yêu cầu làm lại.
Tại chương trình cũ, mỗi môn học đều có một phân phân phối chương trình hướng dẫn cụ thể, logic, khoa học định hướng cho giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học. Khi vào chương trình mới, họ bị ngợp trước “núi việc”.
Nếp nghĩ cũ không theo được phương pháp mới
Không chỉ áp lực với Kế hoạch bài dạy (giáo án) mà còn rất nhiều loại hồ sơ khác như kế hoạch giáo dục, kế hoạch tự bồi dưỡng chuyên môn, sổ dự giờ (sổ học tập chuyên môn), sổ điểm (có trường phát sổ điểm yêu cầu viết tay danh sách học sinh), sổ hội họp, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ chủ nhiệm, giáo án sinh hoạt ngoài giờ lên lớp,… hành giáo viên. Tất cả các loại sổ sách đều khá đẹp để đối phó với thanh tra và lưu hồ sơ kiểm định. Tuy nhiên không chỉ có giáo viên dạy lớp vất vả với các loại hồ sơ sổ sách mà cán bộ quản lý cũng không kém. Nhiều loại hồ sơ vừa phải viết tay vừa phải làm trên phần mềm điện tử.
Việc dự giờ thăm lớp là quy định bắt buộc của ngành giáo dục dù ai cũng biết dự giờ càng nhiều thì lợi bất cập hại và làm mất thời gian cho giáo viên. Nhiều giáo viên dạy vào buổi sáng thì buổi chiều phải ở lại dự giờ đồng nghiệp mới đủ số tiết theo quy định trong năm học. Thực tế cho thấy những tiết học có dự giờ thì học sinh thường rụt rè sợ sệt, nhiều em giỏi cũng phát biểu sai những câu hỏi rất dễ. Các em không tiếp thu bài tốt bằng những tiết học bình thường.
Ngoài ra, giáo viên còn phải tham gia nhiều hội thi như thi giáo viên dạy giỏi, thi chủ nhiệm giỏi, thi sáng tạo Khoa học kĩ thuật, bồi dưỡng học sinh giỏi, các chuyên đề, các cuộc họp dành cho giáo viên như họp hội đồng sư phạm, họp tổ chuyên môn, họp tổ chủ nhiệm, họp ban lãnh đạo mở rộng, họp chi bộ, họp phụ huynh…
Đành rằng họp hội là điều bắt buộc với bất cứ cơ quan, trường học nào, tuy nhiên nếu có quá nhiều cuộc họp sẽ chiếm thời gian giáo viên rất nhiều. Giáo viên dạy buổi sáng, họp buổi chiều, tối về mệt thì còn sức đâu mà chuẩn bị tốt cho bài dạy ngày hôm sau. Bên cạnh đó nhiều giáo viên còn bị điều động tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của ngành và địa phương, các cuộc thi liên ngành liên tục cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chuyên môn.
Trải qua một học kỳ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra đánh giá hiệu quả, đồng thời ra công văn chấn chỉnh việc ngành giáo dục một số địa phương yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. Cùng với đó, cũng cần quy định cụ thể giáo viên phải thao giảng, dự giờ bao nhiêu tiết một năm để giảm tình trạng quá tải cho thầy cô giúp họ có biên độ sáng tạo trong dạy và học.