Giáo Trình Nghiên Cứu Marketing (GS. TS. Nguyễn Viết Lâm)

MÔ TẢ SẢN PHẨM :

Phiên bản đầu tiên cuốn Giáo trình Nghiên cứu marketing của Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được ra đời vào năm 1999. Phiên bản tiếp theo được công bố và phát hành vào năm 2007, và cuốn giáo trình được xuất bản lần này là phiên bản thứ ba. Các phiên bản của giáo trình lần lượt được công bố để tăng cường mức độ hoàn thiện và đảm bảo tính cập nhật của sách, một loại sách không thể thiếu trong hệ thống các tài liệu dùng cho lĩnh vực đào tạo về marketing, kinh tế và kinh doanh nói chung. Nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm và xuyên suốt của sách là giúp cho người học và các bạn đọc biết cách đánh giá nhu cầu thông tin và cung cấp cho nhà quản lý những thông tin liên quan, đáng tin cậy, hợp lệ để hỗ trợ việc ra quyết định marketing. Vì lẽ đó, nghiên cứu marketing được coi là công cụ quan trọng được các công ty sử dụng để duy trì khả năng cạnh tranh và tránh được các sai lầm do có các quyết định chính xác dựa trên các thông tin hữu ích. Nghiên cứu marketing không chỉ giúp các nhà hoạt động thị trường thành công trong lĩnh vực marketing do hiểu biết người tiêu dùng, nhà cung cấp, đối tác kênh…, nó còn trở nên hữu ích cho bất kỳ lĩnh vực nào mà ở đó những người lãnh đạo cần đến những thông tin được tìm kiếm, thu thập theo cách tiếp cận của nghiên cứu marketing để phục vụ cho việc ra quyết định của mình. 

Bố cục của sách gồm 3 phần chính với tổng số 15 chương cùng với một số phụ lục. Phần thứ nhất gồm có Chương 1, là phần tổng quan, dành để giới thiệu những hiểu biết chung về nghiên cứu marketing. Phần thứ hai gồm 9 chương, từ Chương 2 đến Chương 10, đề cập đến nội dung công việc thuộc giai đoạn thứ nhất và thứ hai của tiến trình thực hiện một dự án nghiên cứu marketing. Trong đó, Chương 2 bàn về việc xác định vấn đề và mục tiêu nghiên cứu là hai bước công việc chủ chốt của giai đoạn thứ nhất. Các chương còn lại bàn về các hoạt động thuộc giai đoạn thứ hai, giai đoạn thiết kế nghiên cứu với các nội dung: thiết kế tổng thể dự án nghiên cứu (Chương 3); thiết kế thu thập dữ liệu thứ cấp (Chương 4); thiết kế thu thập dữ liệu sơ cấp (Chương 5, 6, 7); thiết kế đo lường và đánh giá trong nghiên cứu marketing (Chương 8); thiết kế bảng hỏi trong nghiên cứu marketing (Chương 9) và thiết kế lấy mẫu nghiên cứu trong nghiên cứu marketing (Chương 10). Phần thứ ba gồm 5 chương, trình bày các hoạt động thuộc giai đoạn thứ ba, thứ tư và thứ năm của dự án nghiên cứu, trong đó: giai đoạn thứ ba là giai đoạn thu thập dữ liệu trên hiện trường (Chương 11); giai đoạn thứ tư đề cập đến việc chuẩn bị và phân tích dữ liệu (Chương 12, 13, 14); giai đoạn thứ năm – giai đoạn báo cáo kết quả nghiên cứu (Chương 15). Phần phụ lục gồm có: Phụ lục 1- Mẫu đề xuất dự án nghiên cứu; Phụ lục 2- Mẫu báo cáo kết quả nghiên cứu; Phụ lục 3- Khai thác quan điểm (opinion mining) với dữ liệu văn bản trên Facebook ở Việt Nam và Phụ lục 4- Bảng quy mô mẫu.