Giận dỗi thế nào để khiến đối phương vừa thương yêu vừa khâm phục?
GD&TĐ – Có những người gặp nhau, may mắn dễ dàng yêu nhau nhưng cũng có biết bao người khó khăn lắm mới có thể tìm thấy được cảm xúc để đến với tình yêu.
Giận dỗi một chút cũng tốt
Mà tiếc thay một điều, đôi khi người ta đánh mất tình cảm chỉ vì sát thủ mang tên GIẬN DỖI!
Giận dỗi là đặc sản của các cặp đôi nhưng cũng có thể giết chết một tình cảm nếu bạn ứng xử không phù hợp. Giận dỗi là vấn đề tưởng rằng đơn giản nhưng lại rất phức tạp mà đôi khi làm cho bạn ân hận cả đời vì mất nhau.
Giận dỗi là điều hết sức tự nhiên khi bạn muốn được quan tâm nhiều hơn, yêu chiều nhiều người, hiểu đúng hơn. Thậm chí muốn được “hành hạ” đối phương nhiều hơn theo cách mà bạn cho rằng, như thế mới chứng tỏ là yêu.
Giận dỗi sao cho hợp lý
Giận dỗi vừa là nét đáng yêu nhưng cũng vừa gây tâm lý ức chế. Đôi khi bạn gây ra sự giận dỗi lại là “gậy ông lại đập lưng ông” hay “cầm dao đâm chính tim mình”.
Giận dỗi một chút cũng giống như hờn ghen vừa phải, sẽ là gia vị tình yêu. Nó thể hiện sự quan tâm bạn dành cho vợ/chồng. Bởi vì, chỉ có quan tâm thì bạn mới giận, mới hờn, mới ghen chứ không bao giờ tự dưng đi giận người dưng.
Giận dỗi hợp lý, khiến đối phương khâm phục, thương yêu bạn hơn. Giận dỗi không phù hợp với thời gian và hoàn cảnh, sẽ khiến người ta phản cảm, thậm chí còn tức giận không còn muốn quan tâm đến bạn nữa.
Có thể hờn giận một chút với những chuyện nhỏ nhặt nhưng nếu bạn giận dỗi vô lý, “giận cá chém thớt” lại là mối nguy hiểm cho hôn nhân. Giận dỗi mềm dẻo đáng yêu để tình yêu được tốt đẹp sau những tháng ngày dày công vun đắp.
Cẩn thận với chiêu trò “Chiến tranh lạnh”
“Chiến tranh lạnh” là biểu hiện thường gặp trong giận dỗi. Khi bạn cố tình chờ đợi đối phương “chịu xuống” trước. Nhưng “Chiến tranh lạnh” trong bao lâu nếu ai cũng nghĩ mình không phải là nguyên nhân của sự sai trái?
Trong nhiều trường hợp, “Chiến tranh lạnh” nhiều giờ, nhiều ngày sẽ mang lại cho nỗi buồn phiền, đau khổ và hoang mang nhiều hơn. Bạn sẽ được xem là người khôn ngoan khi biết cách sắp xếp cho kiểu “chiến tranh lạnh” này. Ấy là khi bạn thật sự cần thời gian để bình tâm, để suy xét, để nhìn nhận vấn đề, sự im lặng lúc này là cần thiết.
Thế nhưng, trước khi thực hiện im lặng, cần thông báo cho đối phương biết, chứ đừng im lặng một cách quá đột ngột. Đó là thông báo về việc đối phương đã làm điều gì khiến bạn tổn thương đến mức phải cần thời gian một mình. Điều này sẽ khiến đối phương có cơ hội suy ngẫm lại những điều đã làm.
Sự im lặng đột ngột, lạnh lùng sẽ trở nên thô bạo và bất lợi nếu bạn “đóng cửa đánh rầm một cái” hoặc “quay ngoắt 180 độ tàn nhẫn” khi đối phương còn chưa kịp hiểu điều gì xảy ra.
Nếu bạn sử dụng “chiến tranh lạnh” quá thường xuyên sẽ làm cho đối phương “nhàm” hoặc “quen thuộc”. Như thế, chính là đe dọa tình cảm của họ. Vì im lặng không giải quyết được vấn đề. Đối phương sẽ không biết lỗi lầm thật sự của họ nếu bạn không nói ra. Và quan trọng hơn cả là làm cho đối phương phải sống trong tâm trạng phập phồng lo lắng, hoang mang. Từ sự hoang mang này, một ngày nào đó, sẽ sản sinh tư tưởng bất cần. Khi ấy, tình cảm sẽ rơi vào trạng thái nguy hiểm của bờ vực tan vỡ.
Đừng để “giận quá hóa ngu”
Sự nóng nảy khi giận dỗi đôi khi khiến bạn khó kìm chế, vì thế có thể có hành vi mất kiểm soát. Một trong những “tối kỵ” cần tránh xa khi xảy ra giận dỗi là làm đau đớn đối phương bằng hành động hoặc lời nói cay nghiệt. Một người được xem là thông minh, khôn khéo là không bao giờ được để tình trạng “cả giận mất khôn”.
Nếu chẳng may có những điều đáng tiếc ấy xảy ra, lời xin lỗi và hành động xin lỗi là cách thể hiện thiện chí muốn gìn giữ tình yêu, thể hiện sự tôn trọng và trân trọng những gì đang có cùng nhau.
Cuối cùng, người hạnh phúc là người đã từng đi qua những tháng ngày rất buồn đau. Hôn nhân bền lâu là hôn nhân đã từng đi qua sóng gió giận dỗi. Người vợ/chồng khôn ngoan là người biết giận dỗi vừa đủ! Người biết điều, là người biết xin lỗi khi sai!