Giấm táo là gì, tác dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng giấm táo
Nội Dung Chính
Giấm táo được sử dụng nhiều trong nhà bếp và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người, được sử dụng trong nhiều thế kỷ qua. Vậy giấm táo là gì, tác dụng của giấm táo đối với cơ thể, cách dùng giấm táo cũng như tác dụng phụ khi sử dụng ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Con người đã sử dụng giấm táo trong nhiều thế kỷ trong nấu ăn và y học. Giấm táo có nhiều đặc tính có lợi cho sức khỏe, bao gồm tác dụng làm đẹp, giảm cân, kháng khuẩn và chống oxy hóa,… Bài viết cũng cung cấp đầy đủ cho bạn các thông tin về khái niệm, tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ của giấm táo.
1Giấm táo là gì?
Giấm táo được làm bằng cách kết hợp táo với men theo quy trình hai bước như sau:
– Đầu tiên, nhà sản xuất cho táo nghiền vào men, men này sẽ lên men đường và biến chúng thành rượu.
– Tiếp theo, thêm vi khuẩn lên men rượu, biến nó thành axit axetic – hợp chất hoạt động chính trong giấm. Axit axetic tạo cho giấm có mùi chua và hương vị đậm đà. Các nhà nghiên cứu cho rằng axit này chịu trách nhiệm chính tạo nên tác dụng của giấm táo.
Axit axetic chiếm khoảng 5-6% trong giấm táo. Giấm táo là axit yếu, tuy nhiên có sẽ có tính axit mạnh khi được cô đặc. Ngoài axit axetic, giấm còn chứa nước và các axit, vitamin và khoáng chất khác.
2Tác dụng của giấm táo với cơ thể
Có lợi cho hệ tiêu hóa
Giấm táo giúp cải thiện hệ tiêu hóa của bạn. Nó có chứa men vi khuẩn có lợi, các amino axit và enzym giúp giải quyết một số vấn đề tiêu hóa:
– Chúng tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong đường ruột gây đầy hơi, co thắt và tiêu chảy.
– Các enzym trong giấm giúp tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn.
Axit axetic là một thành phần hoạt động chính trong giấm táo và chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, co thắt, tiêu chảy.
Có thể giúp diệt vi khuẩn có hại
Giấm có thể giúp tiêu diệt mầm bệnh, bao gồm cả vi khuẩn, đặc biệt là vi khẩu có hại
– Theo truyền thống, người ta thường sử dụng giấm để làm sạch và khử trùng, điều trị nấm móng tay, chấy rận, mụn cóc và nhiễm trùng tai.
– Hippocrates, cha đẻ của y học hiện đại, đã sử dụng giấm để làm sạch vết thương hơn 2.000 năm trước.
Giấm táo cũng được sử dụng như một chất bảo quản thực phẩm tự nhiên. Các nghiên cứu cho thấy nó ức chế vi khuẩn như E. coli phát triển và ngăn ngừa các vi khuẩn này làm hỏng thực phẩm [1].
Ngoài ra, giấm táo pha loãng có thể giúp giảm mụn trứng cá khi thoa lên da, nhưng chưa có nghiên cứu nào xác nhận điều này.
Giấm táo có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại hoặc ngăn chúng sinh sôi. Ngoài ra, còn được sử dụng như một chất khử khuẩn và chất bảo quản tự nhiên.
Có thể giúp giảm lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường
Đến nay, một trong những tác dụng quan trọng nhất của giấm là hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Bệnh tiểu đường tuýp 2 đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao do kháng insulin hoặc không có khả năng sản xuất insulin.
Nghiên cứu cho thấy rằng giấm táo mang lại những lợi ích sau đây:
– Một nghiên cứu nhỏ cho thấy giấm có thể cải thiện độ nhạy insulin từ 19–34% trong một bữa ăn nhiều carbohydrate (carbohydrate – chất xơ, tinh bột và đường) và giảm đáng kể lượng đường trong máu và phản ứng với insulin [2].
– Trong một nghiên cứu ở 5 người khỏe mạnh, khi ăn 50 gram bánh mì trắng cùng giấm táo làm giảm lượng đường trong máu tới 31,4% sau khi ăn [3].
– Một nghiên cứu nhỏ ở những người mắc bệnh tiểu đường đã báo cáo rằng, sử dụng 2 muỗng canh giấm táo trước khi đi ngủ làm giảm lượng đường trong máu lúc đói xuống 4% vào sáng hôm sau [4].
– Nhiều nghiên cứu khác ở người cho thấy giấm táo có thể cải thiện chức năng insulin và giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn [5].
Ngoài ra, những người không mắc bệnh tiểu đường cũng nên bổ sung giấm táo để giữ lượng đường trong máu của ở mức bình thường, vì một số nhà nghiên cứu tin rằng lượng đường trong máu cao là nguyên nhân chính gây ra lão hóa và các bệnh mãn tính khác nhau.
Có thể hỗ trợ giảm cân
Các nghiên cứu cho thấy giấm có thể giúp mọi người giảm cân .
Một số nghiên cứu trên người cho thấy giấm có thể làm tăng cảm giác no. Điều này có thể dẫn đến việc ăn ít hơn và sẽ làm giảm trọng lượng cơ thể [6].
Ví dụ, theo một nghiên cứu, uống giấm cùng với bữa ăn nhiều carb dẫn đến cảm giác no lâu hơn, khiến những người tham gia ăn ít hơn 200–275 calo trong suốt thời gian còn lại trong ngày.
Một nghiên cứu ở 175 người bị béo phì cho thấy rằng, tiêu thụ giấm táo hàng ngày giúp giảm mỡ bụng và giảm cân [7]:
– Uống 1 muỗng canh (15 mL) dẫn đến giảm 1,2 kg
– Uống 2 muỗng canh (30 mL) dẫn đến giảm 1,7 kg
Tuy nhiên, nghiên cứu này đã diễn ra trong 3 tháng, vì vậy tác động thực sự lên trọng lượng cơ thể có vẻ khá khiêm tốn. Điều đó nói rằng, chỉ cần thêm hoặc bớt các loại thực phẩm hoặc thành phần đơn lẻ hiếm khi có tác động đáng kể đến cân nặng. Giảm cân lâu dài được tạo ra bằng cách áp dụng chế độ ăn uống và thói quen lối sống lành mạnh.
Nhìn chung, giấm táo có thể góp phần giảm cân bằng cách thúc đẩy cảm giác no, giảm lượng đường trong máu và giảm mức insulin.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng, giấm táo có thể làm giảm mức cholesterol và chất béo trung tính, cũng như một số yếu tố nguy cơ gây lên các bệnh về tim khác [8].
Một số nghiên cứu khác trên chuột cũng chỉ ra rằng, giấm táo làm giảm huyết áp, đây vốn là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim và các vấn đề về thận.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy giấm có lợi cho sức khỏe tim mạch ở người. Các nhà nghiên cứu cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn trước khi đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.
Có thể tăng cường sức khỏe làn da
Giấm táo được sử dụng để hỗ trợ cải thiện tình trạng da ở những người có da khô và bệnh chàm da.
– Do có tính axit nhẹ nên việc sử dụng giấm táo tại chỗ có thể giúp cân bằng lại độ pH tự nhiên của da, cải thiện hàng rào bảo vệ da.
– Với đặc tính kháng khuẩn, giấm táo có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da đối với những người bị bệnh chàm da hoặc gặp các vấn đề khác về da.
– Ngoài ra, giấm táo còn được sử dụng bằng cách pha loãng để rửa mặt hoặc dùng như toner sẽ giúp làm sạch, dịu da, sẽ khít lỗ chân lông, làm đều màu da. Vì giấm táo có thể tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa các vết đốm trên da.
Tuy có nhiều tác dụng trên da như vậy nhưng khi sử dụng trên da cần chú ý pha loãng giấm táo với nước theo tỷ lệ nhất định theo mục đích sử dụng để tránh gây bỏng da, đặc biệt là trên vùng da bị tổn thương.
3Cách dùng giấm táo
Cách tốt nhất để kết hợp giấm táo vào chế độ ăn uống của bạn là sử dụng nó trong nấu ăn. Đó là cách bổ sung đơn giản, sử dụng cùng các loại thực phẩm như nước xốt salad và sốt mayonnaise tự làm.
Một số người cũng thích pha loãng nó trong nước và uống như một loại nước giải khát. Liều lượng phổ biến từ 1–2 thìa cà phê (5–10 mL) đến 1–2 thìa (15–30 mL) mỗi ngày pha trong một cốc nước lớn và uống trước hoặc sau bữa ăn.
Đối với người mới bắt đầu sử dụng giấm táo nên sử dụng với hàm lượng tối thiểu tăng dần dần cho các lần sử dụng sau đó. Sử dụng quá hàm lượng giấm táo có thể gây ra các tác dụng phụ có hại, bao gồm xói mòn men răng và tương tác thuốc.
Một số lưu ý khi sử dụng giấm táo đối với các trường hợp đặc biệt:
– Người bị tiểu đường hoặc có nguy cơ bị tiểu đường: uống trước bữa ăn giàu carb, giấm làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày và ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến.
– Người giảm cân: Giấm có thể giúp mọi người giảm cân bằng cách tăng cảm giác no và giảm lượng thức ăn ăn trong ngày. Có thể khuấy với nước và uống trước bữa ăn hoặc trộn với dầu để làm salad.
– Cải thiện hệ tiêu hóa: Pha loãng giấm táo với nước theo tỷ lệ 1:1 uống ngay trước bữa ăn.
4Tác dụng phụ khi sử dụng giấm
Giấm táo là có nhiều tác dụng có lợi ích sức khỏe và được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, nó cũng gây ra một số tác dụng phụ:
Làm chậm lưu thông dạ dày
Giấm táo giúp ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến bằng cách giảm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày và đi vào đường tiêu hóa dưới. Điều này làm chậm sự hấp thụ các chất vào máu.
Trong bệnh liệt dạ dày, các dây thần kinh trong dạ dày không hoạt động bình thường, do đó, thức ăn sẽ ở trong dạ dày quá lâu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày. Có thể gây ra các triệu chứng bao gồm ợ chua, chướng bụng và buồn nôn.
Việc làm chậm lưu thông thức ăn ở dạ dày ảnh hưởng nghiêm trọng đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 bị các vấn đề về dạ dày. Vì việc định lượng insulin trong bữa ăn là rất khó khăn do khó có thể dự đoán được sẽ mất bao lâu để thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ.
Một nghiên cứu có đối chứng đã xem xét 10 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 1 và chứng liệt dạ dày. Thì việc sử dụng 2 muỗng canh (30 mL) giấm táo pha loãng với nước làm tăng đáng kể thời gian thức ăn lưu lại trong dạ dày so với uống nước thường.
Giấm táo giúp làm chậm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày. điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh liệt dạ dày và làm cho việc quản lý lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 1.
Tác dụng phụ tiêu hóa
Giấm táo có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở một số người.
Các nghiên cứu trên người và động vật đã phát hiện ra rằng giấm táo và axit axetic có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và thúc đẩy cảm giác no, dẫn đến giảm lượng calo trong cơ thể. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy rằng trong một số trường hợp, cảm giác thèm ăn và lượng thức ăn có thể giảm do chứng khó tiêu [9] [10]
Những người tiêu thụ đồ uống chứa 25 gram giấm táo cho biết ít thèm ăn hơn nhưng cũng có cảm giác buồn nôn nhiều hơn đáng kể, đặc biệt khi giấm là một phần của đồ uống có vị khó chịu.
Giảm lượng kali trong máu và giảm mật độ xương
Tuy nhiên, có một trường hợp báo cáo về lượng kali trong máu thấp và giòn xương là do uống giấm táo với liều lượng lớn trong một thời gian dài.
Một nghiên cứu ở một phụ nữ 28 tuổi đã tiêu thụ 250 ml giấm táo pha loãng trong nước hàng ngày trong vòng 6 năm. Cô nhập viện với lượng kali thấp và các bất thường khác về hóa học máu. Hơn nữa, người phụ nữ này được chẩn đoán mắc chứng loãng xương, một tình trạng xương giòn hiếm thấy ở những người trẻ tuổi [11].
Các bác sĩ đã điều trị cho người phụ nữ này tin rằng việc sử dụng liều lượng lớn giấm táo hàng ngày đã dẫn đến việc các khoáng chất từ xương của cô ấy bị rửa trôi để làm đậm đặc tính axit trong máu của cô ấy.
Họ cũng lưu ý rằng nồng độ axit cao có thể làm giảm sự hình thành xương mới.
Ăn mòn men răng
Thực phẩm và đồ uống có tính axit đã được chứng minh là làm hỏng men răng. Nước ngọt và nước hoa quả đã được nghiên cứu rộng rãi hơn, nhưng một số nghiên cứu cho thấy axit axetic trong giấm cũng có thể làm hỏng men răng.
Trong một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, men răng khôn được ngâm trong các loại giấm khác nhau với độ pH dao động từ 2,7–3,95. Các loại giấm dẫn đến mất 1–20% khoáng chất từ răng sau 4 giờ [12].
Nghiên cứu này, được thực hiện trong phòng thí nghiệm chứ không phải trong miệng, nơi nước bọt giúp trung hòa nồng độ axit. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy lượng lớn giấm táo có thể gây mòn răng.
Bỏng cổ họng
Giấm táo có khả năng gây bỏng thực quản
Một đánh giá về các chất lỏng có hại mà trẻ em vô tình nuốt phải cho thấy axit axetic từ giấm là loại axit phổ biến nhất gây bỏng cổ họng. Giấm táo có thể được coi là chất gây ăn mòn, bỏng thực quản nên cần để xa tầm tay trẻ em [13].
Tuy nhiên, một báo cáo trường hợp cho thấy một viên giấm táo gây bỏng sau khi mắc vào cổ họng của một phụ nữ. Người phụ nữ cho biết cô đã trải qua cơn đau và khó nuốt trong 6 tháng sau khi vụ việc xảy ra [14].
Bỏng da
Do tính chất axit, giấm táo cũng có thể gây bỏng khi bôi trực tiếp lên da.
Trong một trường hợp, một cô gái 14 tuổi bị ăn mòn trên mũi sau khi nhỏ vài giọt giấm táo để tẩy hai nốt ruồi, dựa trên một hướng dẫn mà cô ấy đã thấy trên internet [15].
Trong một trường hợp khác, một cậu bé 6 tuổi đã bị bỏng chân sau khi mẹ cậu điều trị nhiễm trùng chân bằng giấm táo [16].
Ngoài ra còn có một số báo cáo trên mạng về các vết bỏng do bôi giấm táo lên da.
Tương tác thuốc
Một số loại thuốc có thể tương tác với giấm táo:
– Thuốc điều trị bệnh tiểu đường: Khi sử dụng kế hợp giấm với insulin hoặc các loại thuốc kích thích tụy tiết insulin có thể làm giảm mạnh lượng đường trong máu hoặc giảm lượng kali trong máu xuống thấp có thể gây hôn mê.
– Digoxin (Lanoxin): Thuốc này làm giảm nồng độ kali trong máu của bạn. Khi kết hợp với giấm táo có thể làm giảm mạnh lượng kali trong máu.
– Một số loại thuốc lợi tiểu: Một số loại thuốc lợi tiểu khiến cơ thể bài tiết kali. Để ngăn mức độ kali giảm xuống quá thấp, không nên dùng những loại thuốc này với lượng lớn giấm táo.
Hi vọng qua bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu được kiến thức về giấm táo, tác dụng của giấm táo, cách sử dụng giấm táo hiệu quả trách được các tác dụng phụ không mong muốn.
Nguồn: healthline, webmb, NCBI
Có thể bạn quan tâm:
>>>>>> Những lợi ích tuyệt vời từ giấm táo đối với làm đẹp và chăm sóc cơ thể
>>>>>> Có nên sử dụng giấm táo trị mụn không?
Nguồn tham khảo
-
Antimicrobial activity of apple cider vinegar against Escherichia coli, Staphylococcus aureus and Candida albicans; downregulating cytokine and microbial protein expression
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5788933/
-
Vinegar Improves Insulin Sensitivity to a High-Carbohydrate Meal in Subjects With Insulin Resistance or Type 2 Diabetes
https://care.diabetesjournals.org/content/27/1/281.long
-
Effect of neutralized and native vinegar on blood glucose and acetate responses to a mixed meal in healthy subjects
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7796781/
-
Vinegar Ingestion at Bedtime Moderates Waking Glucose Concentrations in Adults With Well-Controlled Type 2 Diabetes
https://care.diabetesjournals.org/content/30/11/2814.full
-
Vinegar consumption can attenuate postprandial glucose and insulin responses; a systematic review and meta-analysis of clinical trials
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28292654/
-
Vinegar supplementation lowers glucose and insulin responses and increases satiety after a bread meal in healthy subjects
https://www.nature.com/articles/1602197
-
Vinegar Intake Reduces Body Weight, Body Fat Mass, and Serum Triglyceride Levels in Obese Japanese Subjects
https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1271/bbb.90231
-
Dietary acetic acid reduces serum cholesterol and triacylglycerols in rats fed a cholesterol-rich diet
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16611381/
-
The short-chain fatty acid acetate reduces appetite via a central homeostatic mechanism
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24781306/
-
Influence of the tolerability of vinegar as an oral source of short-chain fatty acids on appetite control and food intake
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23979220/
-
Hypokalemia, Hyperreninemia and Osteoporosis in a Patient Ingesting Large Amounts of Cider Vinegar
https://www.karger.com/Article/Abstract/45180
-
Relationship between Food Habits and Tooth Erosion Occurrence in Malaysian University Students
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3431744/
-
Consequences of caustic ingestions in children
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7841737/
-
Esophageal injury by apple cider vinegar tablets and subsequent evaluation of products
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15983536/
-
Chemical Burn from Vinegar Following an Internet-based Protocol for Self-removal of Nevi
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26155328/
-
Chemical burn from topical apple cider vinegar
https://www.jaad.org/article/S0190-9622(11)02243-2/fulltext
Hơn 1 năm trước
92
0