Giám sát và thống kê báo cáo thường kỳ về bệnh sốt xuất huyết Dengue phải cập nhật những thông tin gì?


Một nơi được xác định là ổ dịch sốt xuất huyết Dengue khi nào? Các thông tin trong giám sát và thống kê báo cáo thường kỳ về bệnh sốt xuất huyết Dengue phải cập nhật những thông tin gì? Trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue, nhiệm vụ giám sát vi rút Dengue được quy định như thế nào? Anh Tiến Lực (TP.HCM) đặt câu hỏi.

Một nơi được xác định là ổ dịch sốt xuất huyết Dengue khi nào?

sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue (Hình từ Internet)

Theo Mục II Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue ban hành kèm theo Quyết định 3711/QĐ-BYT năm 2014 có quy định khái niệm ổ dịch sốt xuất huyết Dengue như sau:

KHÁI NIỆM Ổ DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Ổ dịch SXHD: Một nơi (tổ, khu phố/xóm/ấp, cụm dân cư hoặc tương đương) được xác định là ổ dịch SXHD khi có các ca bệnh lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh SXHD được chẩn đoán xác định phòng xét nghiệm, đồng thời phát hiện có lăng quăng/bọ gậy hoặc muỗi truyền bệnh trong phạm vi bán kính 200 mét.

Khi có ổ dịch đều phải xử lý theo quy định. Ổ dịch SXHD được xác định chấm dứt khi không có ca bệnh mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.

Theo đó, một nơi (tổ, khu phố/xóm/ấp, cụm dân cư hoặc tương đương) được xác định là ổ dịch sốt xuất huyết Dengue khi có các ca bệnh lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh sốt xuất huyết Dengue được chẩn đoán xác định phòng xét nghiệm, đồng thời phát hiện có lăng quăng/bọ gậy hoặc muỗi truyền bệnh trong phạm vi bán kính 200 mét.

Các thông tin trong giám sát và thống kê báo cáo thường kỳ về bệnh sốt xuất huyết Dengue phải cập nhật những thông tin gì?

Theo tiểu mục 1.2 Mục III Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue ban hành kèm theo Quyết định 3711/QĐ-BYT năm 2014 quy định về các thông tin trong giám sát và thống kê báo cáo thường kỳ về bệnh sốt xuất huyết Dengue bao gồm:

III. HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH

1.2. Giám sát và thống kê báo cáo thường kỳ

a) Hoạt động giám sát, thống kê báo cáo bệnh SXHD thực hiện theo Hướng dẫn khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế.

b) Những thông tin về bệnh SXHD trong giám sát, báo cáo thường kỳ

Cần thu thập những thông tin về tình hình bệnh nhân trong cộng đồng và những bệnh nhân được tiếp nhận khám và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân:

– Số lượng mắc, chết (số ca lâm sàng, số ca xác định) theo định nghĩa và phân loại ca bệnh. Phân theo nhóm tuổi £ 15 và > 15 tuổi.

– Tên địa phương có ca bệnh.

– Thời gian mắc bệnh (theo mẫu báo cáo của dự án).

c) Mẫu báo cáo

– Theo mẫu báo cáo kèm theo Hướng dẫn khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế.

– Các biểu mẫu báo cáo riêng của Chương trình phòng chống sốt xuất huyết quốc gia ban hành kèm theo Hướng dẫn này.

d) Thời gian gửi báo cáo

Thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và quy định cụ thể theo từng mẫu báo cáo điều tra tại Hướng dẫn này.

Khi có tử vong do SXHD tại tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh có trách nhiệm thu thập thông tin đầy đủ theo mẫu “Phiếu điều tra tử vong do SXHD” và gửi ngay về Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT)/Pasteur phụ trách khu vực và tỉnh, thành phố nơi trường hợp tử vong cư trú trước đó (trong trường hợp ca tử vong là người ngoại tỉnh).

Theo đó, những thông tin về bệnh sốt xuất huyết Dengue trong giám sát, báo cáo thường kỳ cần thu thập những thông tin về tình hình bệnh nhân trong cộng đồng và những bệnh nhân được tiếp nhận khám và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân:

– Số lượng mắc, chết (số ca lâm sàng, số ca xác định) theo định nghĩa và phân loại ca bệnh. Phân theo nhóm tuổi £ 15 và > 15 tuổi.

– Tên địa phương có ca bệnh.

– Thời gian mắc bệnh (theo mẫu báo cáo của dự án).

Trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue, nhiệm vụ giám sát vi rút Dengue được quy định như thế nào?

Về nhiệm vụ giám sát vi rút Dengue được quy định tại tiểu mục 2.1 Mục III Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue ban hành kèm theo Quyết định 3711/QĐ-BYT năm 2014 thì:

III. HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH

2. Giám sát huyết thanh và vi rút Dengue

2.1. Nhiệm vụ giám sát

Mỗi tỉnh cần tổ chức giám sát huyết thanh, vi rút trên toàn bộ số quận, huyện trong tỉnh, thành phố để có thể phát hiện sớm ngay từ ca bệnh đầu tiên.

Thu thập bệnh phẩm của bệnh nhân trong diện giám sát để xét nghiệm huyết thanh và vi rút học. Những mẫu máu trong vòng 5 ngày kể từ ngày khởi phát dùng để chẩn đoán xác định và định típ vi rút Dengue bằng phân lập vi rút và xác định vật liệu di truyền hoặc kháng nguyên. Những mẫu máu sau 5 ngày kể từ ngày khởi phát dùng để chẩn đoán xác định nhiễm vi rút Dengue bằng phát hiện kháng thể IgM. Có thể sử dụng test nhanh để sàng lọc trong chẩn đoán và giám sát vi rút.

2.2. Số lượng mẫu xét nghiệm

– Số lượng mẫu bệnh phẩm hàng năm tùy thuộc vào chỉ tiêu cụ thể của từng khu vực.

– Nơi xuất hiện nhiều bệnh nhân nghi sốt xuất huyết thì không nhất thiết phải lấy mẫu xét nghiệm theo tỷ lệ quy định, mà có thể chỉ cần 5-10 mẫu để khẳng định.

– Mẫu xét nghiệm ELISA và phân lập vi rút cần được thu thập đều đặn theo thời gian trong năm và phân bố đều trong toàn tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tập trung vào đầu mùa dịch nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh. Các tỉnh, thành phố phải gửi mẫu về Viện VSDT/Pasteur để xác định típ vi rút Dengue lưu hành ở địa phương.

2.3. Phân công trách nhiệm

– Đối với bệnh nhân tại cộng đồng: tuyến xã có trách nhiệm phát hiện và báo cáo cho Trung tâm Y tế huyện để cử cán bộ lấy mẫu gửi Trung tâm YTDP tỉnh.

– Đối với bệnh nhân tại phòng khám, bệnh viện huyện, tỉnh: Cán bộ y tế tại cơ sở điều trị có trách nhiệm lấy mẫu và xét nghiệm tại chỗ hoặc gửi về Trung tâm Y tế huyện và/hoặc Trung tâm YTDP tỉnh.

– Trung tâm YTDP tỉnh có trách nhiệm làm xét nghiệm ELISA và gửi mẫu bệnh phẩm cho Viện VSDT/Pasteur khu vực theo quy định để kiểm tra kết quả xét nghiệm và phân lập vi rút.

2.4. Báo cáo kết quả

Hàng tháng, Khoa Xét nghiệm của Trung tâm YTDP tỉnh/thành phố tập hợp số liệu giám sát xét nghiệm và báo cáo kết quả theo mẫu gửi về Viện VSDT/Pasteur khu vực, bộ phận giám sát ca bệnh của đơn vị cùng thời gian với báo cáo tháng kết quả giám sát ca bệnh SXHD.

Như vậy, trong nhiệm vụ giám sát thì mỗi tỉnh cần tổ chức giám sát huyết thanh, vi rút Dengue trên toàn bộ số quận, huyện trong tỉnh, thành phố để có thể phát hiện sớm ngay từ ca bệnh đầu tiên.

Thu thập bệnh phẩm của bệnh nhân trong diện giám sát để xét nghiệm huyết thanh và vi rút học. Những mẫu máu trong vòng 5 ngày kể từ ngày khởi phát dùng để chẩn đoán xác định và định típ vi rút Dengue bằng phân lập vi rút và xác định vật liệu di truyền hoặc kháng nguyên.

Những mẫu máu sau 5 ngày kể từ ngày khởi phát dùng để chẩn đoán xác định nhiễm vi rút Dengue bằng phát hiện kháng thể IgM. Có thể sử dụng test nhanh để sàng lọc trong chẩn đoán và giám sát vi rút.