Giấm ăn là gì ? Phân biệt các loại giấm thông dụng
Giấm ăn là một loại nguyên liệu không thể thiếu trong mỗi căn bếp Việt. Không chỉ làm tăng thêm hương vị cho món ăn mà còn có tác dụng dùng để khử mùi tanh của thịt cá và một số đồ dùng bếp núc khác. Vậy thì giấm ăn là gì? Cách tạo ra giấm ăn như nào? Và có bao nhiêu loại giấm ăn thông dụng?
1
Giấm ăn là gì
Giấm là một dạng chất lỏng, được lên men từ một số loại thực phẩm như: táo, gạo, chuối,…thành phần chính của giấm là dung dịch axit axetic (CH3COOH), với nồng độ dao động từ 2% – 5%.
Từ hàng ngàn năm trước con người đã biết đến giấm. Khoảng 5000 năm TCN, người Babylon đã sử dụng quả trà là để làm rượu và giấm. Các vết tích của giấm cũng được tìm thấy từ 3000 năm TCN tại Ai Cập cổ đại.
Không chỉ sử dụng giấm là thực phẩm, khoảng 500 TCN, ở Hy Lạp, Hippocrates – vị cha đẻ của ngành y học hiện đại đã sử dụng giấm táo hòa chung với mật ong để trị bệnh cảm lạnh và ho.
2
Công thức làm giấm ăn đơn giản nhất
Có rất nhiều cách để bạn có thể tạo ra giấm ăn hoàn toàn sử dụng các nguyên liệu thực phẩm như: gạo, táo, dừa, chuối,…Vimi xin chia sẻ với các bạn cách làm hai loại giấm ăn mà các bà nội trợ hay sử dụng nhất nhé.
➀ Giấm gạo
Chuẩn bị
- Gạo trắng: 1 kg
- Men bia: 500 gram
- Đường trắng: 400 gram
- Trứng gà: 2 quả, tách lấy lòng trắng.
- 1 tấm vải mỏng
- Hũ thủy tinh đựng giấm
Cách thực hiện:
- Bước 1 : Rửa sạch hũ thủy tinh và để khô
- Bước 2 : Vo gạo thật sạch và nấu thành cơm. Sử dụng nước sạch đổ vào nồi cơm, ngâm ít nhất trong thời gian 4 tiếng, tốt nhất là để ngâm qua đêm trong tủ lạnh.
- Bước 3 : Lấy cơm trong tủ lạnh ra, cho cơm vào tấm vải mỏng, bọc lại rồi chắt lấy nước.
- Bước 4 : Sau đó đong xem chắt được bao nhiêu nước rồi cho đường vào nước cơm theo tỷ lệ 4 bát cơm : 2.5 bát đường. Khuấy cho hỗn hợp tan đều.
- Bước 5 : Cho hỗn hợp vừa rồi lên bếp, đun trong thời gian 20 phút với lửa vừa, sau đó tắt bếp và để nguội.
- Bước 6 : Trộn hỗn hợp với men bia theo tỉ lệ 1:1 rồi cho tất cả vào hũ thủy tinh, đậy kín và để trong khoảng 1 tuần để hỗn hợp lên men thành giấm.
- Bước 7 : Khi lấy giấm ra để sử dụng, bạn hãy nấu sôi hỗn hợp một lần nữa cùng với lòng trắng trứng. Tỷ lệ hỗn hợp và lòng trắng là 40 ly hỗn hợp : 2 lòng trắng trứng. Sau khi hỗn hợp sôi thì để nguội, cho ra các lọ nhỏ để sử dụng dần.
➁ Giấm táo
Chuẩn bị:
- Táo thường: 3 kg
- Giấm gạo: 1 lít (hoặc giấm nuôi)
- Đường phèn: 1 bát
- Hũ thủy tinh đựng giấm
Một số lưu ý nhỏ: Lựa chọn mua loại táo tươi cầm nặng tay, giòn, ngọt và nhiều nước. Loại táo này giúp cho giấm sẽ ngon hơn là loại táo trái to và xốp.
Nội Dung Chính
Cách thực hiện:
- Bước 1 : Táo rửa sạch. Bạn nên ngâm táo trong nước muối loãng để phần vỏ táo được tiệt trùng sơ, sau đó hãy rửa táo lại với nước sạch.
- Bước 2 : Cắt táo thành từng miếng nhỏ hoặc thái mỏng, loại bỏ hạt.
- Bước 3 : Xếp một lớp táo xuống dưới đáy hũ, sau đó đổ một lớp đường lên lớp táo. Quá trình này lặp lại liên tục cho đến hết. Cuối cùng phủ một lớp đường trên cùng. Lưu ý nên để lại 1 phần không gian trên của hũ.
- Bước 5 : Đổ 1 lít giấm gạo vào hũ táo đến khi ngập táo là được.
- Bước 6 : Đậy kín nắp hũ sau đó đặt ở nơi thoáng mát và ít ánh sáng trong khoảng 2 tháng. Nên đặt một túi zip chứa nước trên bề mặt hũ táo sẽ tránh được tình trạng táo nổi lên và hỏng.
- Bước 7 : Trong thời gian làm giấm, thỉnh thoảng bạn nên mở nắp hũ để giấm bay bớt mùi men sau đó đậy lại. Nếu thấy có bong bóng xuất hiện trong bình tức là quá trình lên men đang diễn ra. Lưu ý là phải đảm bảo táo không bị hỏng trong quá trình ngâm cũng như không có váng mốc trong hũ.
- Bước 8 : Sau 2 tháng, để ý thấy miếng táo nổi lên, ngả màu, và teo lại. Lúc này bạn lọc bỏ phần bã táo, thu lấy phần giấm cho vào một hũ thủy tinh khác. Tiếp tục để hũ thủy tinh vào một góc thoáng mát trong nhà trong khoảng 6 tuần tiếp theo, sau đó bạn có thể lấy ra và sử dụng.
3
Một số loại giấm ăn thông
dụng
Dưới đây là một số loại giấm ăn được sử dụng khá phổ biến trong các căn bếp nhỏ, cùng tìm hiểu xem chúng có đặc điểm và công dụng như thế nào nhé.
➀ Giấm gạo
Đây là loại giấm khá phổ biến được sử dụng nhiều trong lúc chế biến món ăn.
Đặc điểm:
Người ta sử dụng rượu gạo, rượu nếp để nấu lên, trong quá trình lên men thì sẽ tạo ra giấm gạo nên không có vị nồng như giấm tinh luyện. Giấm gạo có vị chua dịu nhẹ nên thường được sử dụng để nấu nhiều món ăn ngon hấp dẫn.
Vì được chế biến từ nhiều loại gạo khác nhau nên giấm gạo có nhiều màu sắc khác nhau. Nếu được chế biến từ rượu gạo, rượu nếp thì có màu trong suốt, vị chua dịu, không gắt. Đối với gạo đỏ thì có vị chua nồng hơn giấm trắng. Còn làm từ gạo đen thì có vị chua ít nhưng mùi hơi nồng.
Công dụng của giấm gạo:
✔ Làm các món gỏi, ngâm chua rau củ quả
✔ Làm nước sốt chua ngọt, món chấm cho nhiều món ăn.
✔ Tẩm giấm gạo lên thịt cá rồi bọc lại để khử tanh và bảo quản.
Việc sử dụng giấm táo ở mỗi quốc gia lại có sự thay đổi, tùy vào nhu cầu và sở thích. Ở Nhật bản, giấm gạo là thành phần không thể thiếu trong món sushi nổi tiếng. Giấm gạo ở Thái Lan lại được dùng để làm món salad trộn, khử mùi cho cá và thịt,… Ở Việt Nam, giấm gạo được dùng để làm dưa muối, bóp chua các món salad.
➁ Giấm táo
Giấm táo cũng là một cái tên quen thuộc được áp dụng khá nhiều trong cuộc sống, đặc biệt phục vụ quá trình làm đẹp của nhiều chị em phụ nữ.
Đặc điểm:
Giấm táo có độ chua nhẹ, màu vàng nhạt và có mùi vị của táo, độ ngọt dịu nên thường được sử dụng để làm ra các món salad trộn, tẩm ướp món ăn. Giấm táo còn dùng để chăm sóc da, giữ dáng nên được phái nữ ưa chuộng.
Công dụng của giấm táo:
✔ Trong chế biến món ăn
✔ Là một gia vị tẩm ướp không thể thiếu để tăng hương vị.
✔ Giúp rửa rau củ quả được sạch hơn.
✔ Nguyên liệu không thể thiếu trong các món salad trộn rau củ chua ngọt
✔ Trong làm đẹp: Giúp trị mụn, thu nhỏ lỗ chân lông, chăm sóc móng và giảm cân.
➂ Giấm dừa
Giấm dừa được áp dụng khá nhiều trong chế biến món ăn và có lợi cho sức khỏe.
Đặc điểm:
Có màu trắng đục, vị nhạt không nồng như giấm táo.
Công dụng của giấm dừa:
✔ Sử dụng dùng làm nước sốt chấm, tăng vị chua thơm cho món salad trộn.
✔ Đối với sức khỏe con người: ngăn ngừa sự lão hóa da, giảm bớt các làn da bị mụn, nếp nhăn. Mang lại sự căng mịn, sáng bóng cho làn da của bạn, giúp giảm cân và bảo vệ dạ dày.
➃ Giấm hoa quả
Giấm hoa quả được chế biến phần lớn từ các loại trái cây tươi, nước dừa và nước lọc. Giấm hoa quả có mùi thơm dễ chịu, vị chua nhẹ nên rất được yêu thích thường được sử dụng trong chế biến món ăn và làm đẹp.
Đặc điểm:
Có vị chua nhẹ, thơm mùi trái cây, màu trong.
Công dụng của giấm hoa quả:
✔ Làm tăng hương vị cho món salad trộn
✔ Sử dụng để pha nước chấm sốt cho các món ăn
✔ Khử mùi tanh của cá thịt
✔ Đối với sức khỏe con người: Giúp chăm sóc da, sơ cứu kịp thời khi bị bỏng, giúp giảm cân hiệu quả và ngăn ngừa cholesterol.
Bên cạnh đó còn rất nhiều loại giấm khác như: giấm chuối, giấm tiều, giấm vải, giấm nuôi, giấm rượu,… cũng có rất nhiều công dụng khi sử dụng.
4
Một số lưu ý khi sử dụng giấm ăn
Dưới đây là một số lưu ý nhỏ khi bạn sử dụng các loại giấm.
✦ Giấm có tính axit nên khi lỡ tay làm rơi vào một số đồ vật, hay vải trắng sẽ làm ố vàng.
✦ Tránh để giấm rơi vào các đồ vật như đồ điện tử,..
✦ Giấm là một loại chất tẩy rửa có khả năng khử trùng chứ không phải là chất khử trùng vì vậy không thể sử dụng giấm để thay thế cho chất khử trùng được.
✦ Một số người mắc một số loại bệnh lý mà bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng giấm cũng nên lưu ý.
5
Những đối tượng nào không nên sử dụng giấm ăn?
Giấm ăn mang nhiều công dụng tốt, dù nó là gia vị lành tính nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng giấm ăn,vì vậy hãy cùng đọc để có thể nhắc nhở cho bản thân và mọi người bạn nhé.
➀ Người đang sử dụng thuốc tây
Bởi vì đặc tính của giấm là chua mà tính chua sẽ làm thay đổi nồng độ pH trong cơ thể, việc này sẽ làm hạn chế tác dụng của một số loại thuốc có thành phần Sulfa trong môi trường Axit gây ra sỏi thận hoặc làm tổn thương cơ quan thận. Tính chua trong giấm sẽ làm trung hòa với tính kiềm trong thuốc, sẽ làm mất tác dụng của thuốc khi chúng ta sử dụng những loại thuốc có tính kiềm như Sodium Bicarbonate, Magiê Oxit hoặc thuốc dành cho bệnh dạ dày không nên ăn giấm.
➁ Người uống thuốc ra mồ hôi
Giấm có khả năng làm thu nhỏ lỗ chân lông bởi nó có tính hội tụ. Trong khi đó bạn đang sử dụng thuốc để ra mồ hôi mà dùng giấm điều này sẽ gây khó khăn cho việc cơ thể tiết mồ hôi và đương nhiên nó sẽ làm mất tác dụng của việc dùng thuốc.
➂ Bệnh nhân viêm loét dạ dày
Giấm chứa quá nhiều Axit hữu cơ và kích thích dạ dày tiết thêm nhiều Axit, do đó đối với những người bị các bệnh về dạ dày sẽ khiến tình trạng bệnh viêm loét dạ dày nặng thêm.
➃ Người mẫn cảm với axit và bị huyết áp thấp
Khi sử dụng giấm những người quá mẫn cảm với đồ ăn chứa nhiều Axit nên thật sự thận trọng, tốt hơn hết thì không nên dùng giấm. Bởi vì giấm có thể là tác nhân gây ra một số vấn đề như: ngứa ngáy, phù thũng, hắt hơi. Một số người sau khi sử dụng giấm cũng xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt và buồn nôn.
➄ Người già và người đang trong thời gian điều trị gãy xương
Với những người có vấn đề về xương khớp, khi bị gãy xương, cơ thể sẽ bị thiếu hụt canxi nên nếu ăn giấm sẽ làm cho xương mềm và khó lành hơn. Nguyên nhân là do giấm chứa nhiều axit sẽ làm mất cân bằng lượng canxi trong cơ thể.
Trên đây là bài viết “Giấm ăn là gì? Cách tạo và các loại giấm thông dụng” hi vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích. Chúc bạn luôn may mắn.
Đánh giá điều này post