Giai thoại về chiếc máy bay Mỹ trở về sau 37 năm mất tích
Nhiều người tin rằng có một chuyến bay rời New York vào năm 1955, đáp xuống sân bay Venezuela vào năm 1992.
Mỗi thành phố trên thế giới đều gắn liền với những giai thoại nổi tiếng. New York (Mỹ) cũng vậy. Nơi đây không chỉ sở hữu những tòa nhà chọc trời, các thắng cảnh đẹp mà còn thu hút du khách bởi sự bí ẩn của những câu chuyện được truyền miệng nhiều năm.
Một trong những sự việc được biết tới nhiều nhất chính là chuyến bay mang số hiệu 914, cất cánh từ New York tới Miami vào năm 1955. Sau đó, phi hành đoàn cùng hành khách bỗng xuất hiện ở Venezuela vào năm 1992. Không có bất cứ bằng chứng nào chắc chắn nhưng nhiều người Mỹ và cả du khách vẫn thích thú với truyền thuyết này:
Ngày 21/5/1992, Juan de la Corte đang ngồi làm việc trong tháp kiểm soát không lưu ở sân bay Caracas, Venezuela như thường lệ. Một chiếc máy bay DC-4 của hãng Pan America hạ cánh xuống sân bay và liên lạc với Juan để được hỗ trợ, theo Netmag.
Khi giao tiếp với phi công của chuyến bay này, Juan nhanh chóng nhận ra sự kỳ lạ. Máy bay không hề xuất hiện trên màn hình radar và khi nhìn xuống đường băng, anh càng thấy kỳ lạ. Vẻ ngoài của chiếc máy bay khá cũ, như thể nó được làm từ hàng chục năm về trước.
Câu chuyện về chiếc máy bay mất tích và xuất hiện lại sau 37 năm, được nhiều trang web đưa tin. Ảnh: Dukascopy.
Khi liên lạc với phi công qua điện đàm, Juan biết được một số thông tin cơ bản của chiếc máy bay vừa hạ cánh: phi cơ có số hiệu 914, đang trên đường từ New York tới Miami, đã bay được 2 tiếng. Trên máy bay có phi hành đoàn 4 người và 57 hành khách.
Câu trả lời khiến người kiểm soát không lưu choáng váng. Miami và New York đều cách Venezuela rất xa, khoảng 1.800 km. Do vậy, Juan đã hỏi phi công rằng liệu người này có bị lạc đường hay không.
Khi nghe đến cái tên Caracas, cơ trưởng đã quay sang nói với cơ phó: “Jimmy, điều quái quỷ gì thế này”. Sau đó, họ thông báo với Juan rằng máy bay dự kiến sẽ hạ cánh tại Miami lúc 9h05 ngày 2/7/1955.
Nghe phi công nói, Juan tiếp tục thấy có điều bất ổn. Anh liền thông báo qua radio rằng: “Cơ trưởng, đây là sân bay quốc tế tại thủ đô Caracas. Hôm nay là ngày 21/5/1992”. Điều mà Juan nghe thấy tiếp theo là câu nói thảng thốt của cơ trưởng: “Ôi Chúa ơi”.
Khi nhân viên sân bay bắt đầu tiếp cận chiếc máy bay đến từ năm 1955, phi công đã hét lên qua radio: “Không, đừng lại gần. Chúng tôi chuẩn bị rời khỏi đây”.
Các nhân viên phục vụ mặt đất sau này kể lại, họ nhìn thấy các hành khách ngồi trên máy bay đang áp sát mặt vào cửa sổ với ánh mắt tò mò. Sau đó, máy bay cất cánh.
Nhiều trang báo đã lấy hình ảnh này và chú thích đây là phi hành đoàn trên chuyến bay 914 hạ cánh xuống Caracas năm 1992. Tuy nhiên, đây là máy bay của hãng hàng không Tây Ban Nha Iberia, bay từ Madrid đến Buenos Aires năm 1946. Ảnh: Hoaxorfact.
Cuộc nói chuyện kỳ lạ giữa nhân viên kiểm soát không lưu và phi công được ghi âm lại và nộp lên lãnh đạo sân bay. Một cuộc điều tra được mở nhưng cuối cùng, mọi vấn đề đều rơi vào ngõ cụt. Đến nay, vẫn không ai biết chiếc máy bay đó từ đâu đến, liệu có thật sự nó mất tích vào năm 1955 và xuyên qua lỗ hổng thời gian để tới năm 1992 hay không. Nhiều người vẫn đặt câu hỏi, đây là chuyện hoang đường hay có thật ở New York.
Trên Internet sau đó xuất hiện nhiều câu chuyện khác nhau, với nhiều tiêu đề gây tò mò về một chiếc máy bay mang số hiệu 914 mất tích vào năm 1955. Người ta tin rằng, chiếc máy bay đó cũng chính là chiếc xuất hiện ở sân bay 1992 năm đó.
Theo trang Hoaxorfact, lịch đường băng năm 1955 tại New York cũng đề cập đến việc một máy bay cất cánh tới Miami. Tuy nhiên, khi điều tra kỹ hơn, họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng, hồ sơ nào chỉ ra rằng chuyến bay 914 mất tích và được tìm thấy sau 37 năm.
Tờ Weekly World News đưa tin về sự mất tích của máy bay. Ảnh: Hoaxorfact.
Câu chuyện máy bay mất tích này lần đầu được đăng vào tháng 5/1985, trên tờ Weekly World News, và được nhắc lại vào năm 1993 và năm 1999. Tuy nhiên, đây là một tờ báo lá cải ở Mỹ, xuất bản từ năm 1979 đến 2007. Những hình ảnh mà tờ này đăng được coi là bằng chứng về chiếc máy bay bí ẩn, thực tế cũng là hình ảnh minh họa của một máy bay khác.