Giải pháp phòng chống lũ cho đồng bào miền Trung

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình hình lũ lụt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung”.


Lũ lụt là mối đe dọa thường xuyên đối với người dân miền Trung.

Lũ lụt ngày càng khó lường

Hàng năm, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có nhiều thiên tai, nhưng xảy ra thường xuyên hơn là lũ, lụt. Lũ trong khu vực thường về rất nhanh, có cường độ mạnh, gây ngập lụt trên diện rộng làm nhiều địa bàn bị chia cắt, cô lập. Do điều kiện địa hình hẹp và dốc nên ở đây lũ thường về nhanh nhưng cũng rút nhanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai thường xảy ra với tần suất cao và có diễn biến khó lường, không theo quy luật. Tình trạng lũ lụt kéo dài, “lũ chồng lên lũ” không còn là hiện tượng hiếm gặp tại các địa phương trong vùng.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy: Trong 5 năm gần đây, tại khu vực này, thiên tai lũ, lụt đã làm chết trên 1.500 người; nhiều tài sản, tư liệu sản xuất thiết yếu, lương thực, thực phẩm… bị phá huỷ; trong đó trên 500 nghìn căn nhà bị hư hỏng, hơn 42 nghìn căn nhà bị sập đổ hoặc nước cuốn trôi. Riêng năm 2010 thiên tai các loại làm 282 người chết, trên 87 nghìn căn nhà bị hư hỏng và trên 3.500 căn nhà bị sập đổ cùng nhiều tài sản thiết yếu khác. Hơn 500 xã bị ngập sâu trên 1,5m, trong đó nhiều xã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, gây khó khăn cho việc ứng cứu, hỗ trợ của chính quyền.

 Thực hiện các chương trình, chính sách phòng chống thiên tai, các địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp như: Trồng rừng, khơi thông dòng chảy các sông suối; gia cố hệ thống đê điều; bố trí, di dời các hộ dân vùng ngập lụt tới nơi an toàn; xây dựng những công trình công cộng như trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế có sàn vượt mức ngập lụt để người dân tạm trú khi có lũ, lụt; các hộ dân làm gác lửng để cất giữ tài sản… Ngoài ra, trong mùa mưa bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và chính quyền các địa phương thường xuyên thông báo về tình hình mưa lũ, vận động, kể cả sử dụng các biện pháp hành chính để người dân thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại như: Di chuyển tài sản, gia súc lên vùng cao; sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn; chằng chống nhà cửa…

Hàng năm, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Sau mỗi trận lũ, lụt lớn, tiền cứu trợ từ ngân sách có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Giải pháp đồng bộ

Để giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ, lụt gây ra cho người dân trong khu vực, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu, xây dựng đề án: Hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, mục tiêu của Đề án là đề ra giải pháp và cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, đảm bảo người dân sinh sống an toàn, ổn định trong điều kiện có lũ, lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ, lụt gây ra.

Bộ Xây dựng đề nghị thực hiện hai nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp thực hiện lâu dài và nhóm giải pháp thực hiện trước mắt.

Theo đó, nhóm giải pháp thực hiện lâu dài là xây dựng các công trình, đồng thời trang bị đồng bộ các thiết bị cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai lũ, lụt; Trồng rừng ven biển, rừng đầu nguồn để chắn bão và ngăn lũ; trồng cây để chống sạt lở;  Xây dựng mới hoặc mở rộng các hồ chứa nước để hạn chế lũ; Xây dựng, củng cố vững chắc, đồng bộ hệ thống đê điều; Tháo dỡ các công trình làm hạn chế dòng chảy. Nạo vét lòng sông, cửa biển để thoát lũ nhanh; Quy hoạch và bố trí lại dân cư đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai  lâu dài.

Về nhóm giải pháp thực hiện trước mắt, cụ thể là: Bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung hoặc xen ghép theo quy hoạch đối với các hộ gia đình trong khu vực bị lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún đất và ngập sâu thuộc diện nguy hiểm phải di dời khẩn cấp. Nâng cao khả năng tự phòng chống lũ, lụt của từng hộ gia đình, nhất là nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực thường xuyên có lũ, lụt theo hướng: DDĐối với các hộ gia đình có điều kiện về kinh tế thì hướng dẫn, vận động để các hộ dân xây dựng nhà ở cao tầng có sàn ở vượt mức ngập lụt; đối với các hộ nghèo thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ, kết hợp với các nguồn vốn huy động khác để các hộ dân xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo gian nhà ở kiên cố hoặc chòi phòng tránh lũ, lụt.  Xây dựng các nhà cộng đồng và tiến hành cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng đã có như: trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế… có chiều cao vượt mức ngập lụt để làm nơi tạm trú cho người dân khi có lũ, lụt.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương đang triển khai thực hiện các giải pháp lâu dài, như: Bộ NN&PTNT nghiên cứu và tổ chức thực hiện các giải pháp về bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn; xây dựng, mở rộng các hồ chứa nước; củng cố hệ thống đê; quy hoạch bố trí lại dân cư nông thôn; nạo vét lòng sông, cửa biển để thoát lũ nhanh. Bộ GTVT nghiên cứu, tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông đảm bảo khả năng thoát lũ. Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch hệ thống đô thị ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hiện nay Nhà nước đang triển khai các chương trình xây dựng trụ sở cấp xã, phường, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, chương trình xây dựng các trạm y tế, trong đó quy định bắt buộc các công trình này xây dựng cao tầng tại các khu vực thường xuyên có lũ, lụt, trong đó ít nhất có 1 sàn cao hơn mức ngập lụt.

Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai các giải pháp thực hiện trước mắt, gồm: Bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung hoặc xen ghép theo quy hoạch đối với hộ gia đình trong khu vực bị lũ ống, lũ quét, sạt lở và sụt lún đất hoặc ngập sâu. Xây dựng công trình công cộng có khả năng phòng tránh lũ, lụt tại cụm dân cư thôn, bản. Nâng cao khả năng tự phòng, chống lũ, lụt của từng hộ gia đình, nhất là nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực thường xuyên bị lũ, lụt.

Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện hai mô hình sau: Một là, xây dựng công trình công cộng (như: trụ sở cơ quan, nhà trẻ, trường học, nhà văn hoá, trạm y tế…) kết hợp chức năng phòng tránh lũ, lụt tại cụm dân cư, thôn, bản.  Hai là, xây dựng chòi phòng tránh lũ lụt tại nơi ở của hộ gia đình.