Giải pháp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19 | Tạp chí Quản lý nhà nước
(Quanlynhanuoc.vn) – Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải thiện việc làm, duy trì ổn định xã hội và tăng trưởng GDP của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang phải chịu những tác động đáng kể, như: giảm nhu cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, hủy đơn hàng xuất khẩu, thiếu nguyên liệu, gián đoạn vận chuyển… Trên cơ sở phân tích những tác động của đại dịch đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, bài viết đề xuất những giải pháp cơ bản cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
Đặt vấn đề
Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đặt các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt với những tác động tiêu cực chưa từng có trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, nạn nhân chính của đợt bùng phát này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), vì so với các DN lớn, DNNVV thường không có đủ nguồn lực cả về tài chính và kỹ năng quản lý; đồng thời không được chuẩn bị các kịch bản để ứng phó cho những gián đoạn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh nếu kéo dài hơn so với dự kiến. Vì vậy, việc thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp phản ứng chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho các DNNVV là điều cần thiết để giảm thiểu những thiệt hại do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ra cũng như giúp các DNNVV thích ứng với “trạng thái bình thường mới”.
Những tác động của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam
Tác động đến chuỗi cung ứng. Khi các lệnh phong tỏa được áp dụng và việc sử dụng một cách cứng nhắc mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến” nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả đã vô tình gây cản trở lớn cho các DNNVV cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian sinh hoạt cho người lao động. Các biện pháp hạn chế đi lại và lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các DN. Về phía nguồn cung, các DNNVV đã phải đối mặt với các vấn đề hậu cần do sự gián đoạn của giao thông vận tải và tình trạng thiếu lao động. Về phía cầu, các DNNVV nhận thấy nhu cầu của DN giảm đáng kể do các biện pháp khóa cửa, giảm niềm tin của người tiêu dùng và việc đóng cửa một số chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành bị ảnh hưởng.
Theo kết quả khảo sát từ 126.565 DNNVV của Tổng cục Thống kê Việt Nam trong thời điểm từ ngày 10/4 – 20/4/2020 cho thấy, đến 22,1% DN đang bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào1. Đặc biệt, các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo, như: dệt may, da giày, điện, điện tử, máy móc, thiết bị… bị đứt gãy nghiêm trọng từ nguồn cung nguyên, phụ liệu, linh kiện đầu vào. Khi chuỗi cung ứng đứt gãy, các DNNVV khó tìm các đầu mối cung ứng thay thế khiến cho hoạt động sản xuất – kinh doanh bị ngưng lại do không có khả năng dự trữ nguồn nguyên liệu. Với kịch bản may mắn tìm được nguồn cung ứng mới, các DNNVV sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ về giá cả khiến chi phí sản xuất tăng, tác động đến giá thành đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, các DNNVV còn phải đối mặt với tình trạng thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu bị giảm mạnh, dẫn đến suy giảm giá trị xuất khẩu, nhất là các ngành hàng, như: dệt may, da giày, điện tử, điện thoại, lắp ráp ô tô…
Tác động đến doanh thu và lợi nhuận. Theo thống kê, khu vực DNNVV hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Mặc dù, số lượng DNNVV đông đảo, song quy mô DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số DNNVV2. Năm 2020, cộng đồng DNNVV phải đối diện với tình trạng hàng hóa sản xuất không tìm được đầu ra, thị trường truyền thống bị thu hẹp do giãn cách xã hội, phụ thuộc vào các mạng lưới cung ứng và phân phối trung gian, chi phí duy trì hoạt động và các chi phí phát sinh khác trong công tác phòng, chống dịch tại DN đã dẫn đến tình trạng cắt giảm quy mô đầu tư và làm giảm tổng doanh thu của các DN.
Đặc biệt, các DN hoạt động liên quan nhiều đến các lĩnh vực như: du lịch, ăn uống, vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tiêu dùng… có sự suy giảm đáng kể vào năm 2021. Doanh thu năm 2021 đạt 4.789,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm 2020 và giảm 6,8% so với năm 20193. Sự sụt giảm doanh thu giữa các ngành, nghề là không đồng đều, cụ thể: doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 13% so với năm 2019 (năm 2019 tăng 9,8%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng mức và giảm 59,5% so với năm 20194. Năm 2021, doanh thu vận tải hành khách và vận tải hàng hóa lần lượt giảm 33% và 8,7% so với năm 2020…5. Các DN không còn đủ dòng tiền để duy trì hoạt động, như: trả tiền mặt bằng và nhà xưởng, trả nợ ngân hàng, trả lương cho người lao động, trả chi phí cho việc phòng, chống dịch…
Tác động đến quy mô hoạt động của DN. Sự sụt giảm doanh thu do dịch Covid-19 dẫn đến việc các DNNVV buộc phải giảm quy mô hoạt động kinh doanh. Hầu hết các DNNVV đều thu hẹp quy mô hoạt động bằng việc cắt giảm lực lượng lao động do sụt giảm các đơn đặt hàng và gián đoạn nguồn cung đầu vào. Tại thời điểm đỉnh dịch, 23,8% DNNVV báo cáo giảm hơn 50% tỷ lệ lao động trong tháng 4 và 5/2020 so với tháng 12/2019. Cụ thể, vào tháng 4/2020, trung bình tỷ lệ lao động của các DNNVV giảm 33,8% so với tháng 12/20196. Đến năm 2021, số lượng lao động của các DNNVV giảm 18,1% với năm 20207. Nhiều DN bị gián đoạn, giãn tiến độ đầu tư, phải hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện do tình hình dịch, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ dẫn đến mất khả năng thanh toán. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư công… nhưng khả năng phục hồi và tăng trưởng của các DNNVV vẫn diễn ra chậm, tình hình hoạt động của các DN chưa có bước tiến khả quan.
Theo báo cáo “Tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp tại Việt Nam: khảo sát nhanh về doanh nghiệp và Covid-19” của Ngân hàng Thế giới (năm 2020), có khoảng 50% số DN nhỏ và hơn 40% DN vừa phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-198. Trong đó, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 25.919 DN (chiếm 91,4%, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.366 DN (chiếm 4,8%, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 664 DN (chiếm 2,3%, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 230 DN (chiếm 0,8%, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020)9.
Cạnh tranh là một cơ chế kinh tế tốt khi nền kinh tế sử dụng đầy đủ, hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, về trung hạn, một số DNNVV phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, mức độ phá sản và thất nghiệp tăng cao. Trong bối cảnh như vậy, cần phải có các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế càng sớm càng tốt và tạo ra một cơ chế phân phối lại nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế và ngăn chặn khả năng phá sản đối với các DNNVV.
Một số giải pháp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh ứng phó và thích ứng với “trạng thái bình thường mới”
Một là, củng cố, xây dựng lại các chuỗi cung ứng, tạo sự bền vững, linh hoạt hơn, phát triển các chuỗi cung ứng mới và tăng cường tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục có thể tàn phá nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, trong ngắn hạn, nhiệm vụ cấp bách đối với các DNNVV của Việt Nam cần hướng đến việc củng cố, xây dựng và tăng cường chuỗi cung ứng nội địa. Nội địa hóa chuỗi cung ứng thông qua cộng sinh công nghiệp, trao đổi và sử dụng các sản phẩm phụ của địa phương là các yếu tố hỗ trợ khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, có thể giúp hạn chế tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế và giúp DNNVV giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguyên, phụ liệu nhập khẩu và phục hồi nhanh hơn.
Trong mục tiêu dài hạn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DNNVV tham gia vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các DN đầu chuỗi và DN nước ngoài. Các DNNVV cần nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và hiệu quả kinh tế của việc tham gia vào cụm liên kết ngành, vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để tạo dựng hệ sinh thái DN phát triển hiệu quả, bền vững. Các DNNVV cần phát huy khả năng sáng tạo và linh hoạt để thích ứng với hoàn cảnh mới, nhạy bén trong việc tận dụng các cơ hội thị trường; tư duy dám chấp nhận rủi ro, huy động tối đa nguồn lực đầu tư để cải tiến công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao trình độ quản lý để có thể đáp ứng yêu cầu của các DN đối tác.
Hai là, tái cấu trúc chiến lược trong các DNNVV và tăng cường sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ.
Các DN cần tập trung vào việc tái cấu trúc các chiến lược, từ chiến lược tài chính, nhân sự, hệ thống quản lý… để giảm bớt gánh nặng kinh tế và chủ động ứng phó với sự biến động của môi trường kinh doanh. Theo đó, các DNNVV cần tái lập ngân sách, bằng cách phân loại các mục ngân sách nào là ưu tiên và điều chỉnh ngân sách cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Các chủ DN có thể tiến hành phân tích các báo cáo thu nhập và chi phí để dễ dàng kiểm soát và đưa ra các quyết định đối với các mặt hàng có chi phí cao; tiến hành xây dựng cơ cấu tổ chức sản xuất tinh gọn, tái cấu trúc dây chuyền, thực hiện đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tăng năng suất lao động.
Ngoài ra, các DN cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tồn tại sau khủng hoảng của đại dịch Covid-19. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tài chính khác nhau, như: phân bổ các khoản vay trả góp và miễn thuế để ngăn chặn sự suy giảm thanh khoản, giảm thiểu thiệt hại về doanh thu của các DNNVV. Dần dần khi các biện pháp hạn chế được giảm bớt, các chính sách sẽ tập trung vào giai đoạn đổi mới và tăng trưởng cho những DNNVV còn tồn tại. Chính phủ cần chuyển sang các chính sách vĩ mô hơn nhằm thúc đẩy đổi mới, quốc tế hóa và mạng lưới cho các DNNVV khác.
Ba là, chuyển đổi mô hình kinh doanh thông qua kinh doanh kỹ thuật số.
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi mô hình, hành vi của con người trong việc mua sắm và thanh toán. Tại thời điểm này, các DNNVV cần cấp bách đẩy mạnh việc áp dụng, phổ biến công nghệ và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ sản xuất – kinh doanh. Kỹ thuật số nền kinh tế được kỳ vọng sẽ có thể khôi phục hoạt động và thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của các DNNVV trong “trạng thái bình thường mới”. Các DNNVV cần xác định các phân khúc khách hàng khác nhau để từ đó xây dựng kế hoạch kinh doanh và lựa chọn các kênh thương mại điện tử phù hợp để có thể nhanh chóng tiếp cận được nguồn khách hàng tiềm năng, gia tăng hiệu quả bán hàng.
Hiện nay, với sự xuất hiện đa dạng các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Telio… và các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Fanpage, Zalo, Tiktok, Instagram… các DNNVV cần xây dựng chiến lược phân bổ nguồn lực có kỹ năng và trình độ công nghệ để phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Các nền tảng thương mại điện tử là kênh giao tiếp giữa người bán và người mua trên cơ sở xây dựng niềm tin và uy tín để thiết lập, duy trì mối quan hệ giữa cung và cầu; vì vậy, khi chuyển sang mô hình kinh doanh mới, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có đủ kỹ năng số và thay đổi tư duy để phù hợp với phương thức kinh doanh mới. Bên cạnh đó, các nhà quản lý DN nên tăng cường phổ biến ứng dụng công nghệ tới các nhà cung cấp, nhà bán lẻ và các tổ chức pháp lý nhằm xây dựng các nền tảng an toàn, phù hợp để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ.
Bốn là, khai thác tiềm năng, phát triển và mở rộng thị trường trong nước.
Với gần 100 triệu dân và gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày10, thị trường nội địa trở nên tiềm năng trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi nhu cầu xuất khẩu. Đây chính là thời điểm các DNNVV tập trung đầu tư vào thị trường nội địa để vượt qua khó khăn, đồng thời tận dụng các cơ hội lớn từ thị trường nội địa đầy tiềm năng này. Để thực hiện giải pháp chiến lược này, các DNNVV cần nghiên cứu kỹ các thị trường ngách để tìm ra những hướng đi cần thiết trong việc quyết định đầu tư, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ vừa phù hợp với năng lực hoạt động của DN, vừa đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Do đó, các DNNVV cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại thị trường nội địa; tập trung quảng bá, giới thiệu và phân phối sản phẩm tại các kênh mua sắm, như: các siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử trên cả nước… Bên cạnh đó, cần triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp với thị trường trong nước, triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, từ đó từng bước thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.
Để kích cầu thị trường nội địa, Nhà nước cần nghiên cứu, rà soát xây dựng hoàn chỉnh chiến lược và chính sách ưu tiên phát triển hàng Việt Nam; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Kết luận
Đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng đến sức khỏe cộng đồng mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về tính không bền vững và suy thoái môi trường trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu. Các DNVVN có xu hướng dễ bị “tổn thương” nhất trong cú sốc kinh tế nghiêm trọng này. Tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ nhất định nhưng các DNVVN vẫn bị ảnh hưởng khá tiêu cực. Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động mang tính rủi ro do đại dịch Covid-19 gây ra đối với DNVVN là vô cùng cần thiết. Dựa trên những phân tích về tác động của đại dịch Covid-19, các giải pháp mang tính xây dựng đã được đề xuất để giảm bớt gánh nặng cho các DNVVN trong thời kỳ khó khăn và phục hồi sau đại dịch.