Giải pháp nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

(CLO) Doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới.

92% doanh nghiệp cả nước bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quý III/2022, nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh của nền kinh tế với nhiều kết quả, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Với các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý II và các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh đang nhanh chóng phục hồi. Điều này, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế với sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

giai phap nao de nang cao nang luc canh tranh cua doanh nghiep hinh 1

Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, qua khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp cả nước cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19; trong đó, 94% là doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như: 60% doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng, 53% doanh nghiệp bị thiếu hụt nhân công, 52% doanh nghiệp bị mất cân đối dòng tiền và 52% doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng…

Cùng với những tác động tiêu cực do dịch COVID-19, khảo sát PCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến họ dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Hiện Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.

Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực, quốc tế.

Thay đổi để tạo sức cạnh tranh riêng

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng cạnh tranh, ông Nguyễn Vũ Anh – Tổng giám đốc công ty TNHH Cốc Cốc chia sẻ, lãnh đạo doanh nghiệp cần đi từ hành vi của người tiêu dùng, bởi sau đại dịch COVID-19 xảy ra, người dùng đã chuyển từ offline qua online.

giai phap nao de nang cao nang luc canh tranh cua doanh nghiep hinh 2

Các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng tư duy luôn luôn tạo ra giá trị. Ảnh minh họa

Đây là cơ hội cũng như là thách thức với các doanh nghiệp khi người dùng có những thay đổi lớn về hành vi người dùng và họ sẽ rất quan tâm về giá của sản phẩm. Họ có xu hướng mua online rất nhiều nhưng ngược lại cùng xu hướng thì 66% người dùng tìm kiếm về giá và so sánh rất kỹ. Trong bức tranh như vậy các doanh nghiệp có thể tận dụng chuyển đổi số để có thể tăng năng lực cạnh tranh.

Để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Deloitte Việt Nam khẳng định, thế kỷ 21 là thế kỷ của quản trị công ty và phát triển bền vững, với những nguyên tắc cốt lõi là liêm chính, bình đẳng, minh bạch, hài hòa và trách nhiệm.

Khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp có thể có được nhiều lợi ích về mặt tài chính như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, hội đồng quản trị và ban điều hành và hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản gồm thiết kế hệ thống; xây dựng tổ chức để thực thi hệ thống đó; nhân lực để thực hiện – nói đi đôi với làm. Khi ba trụ cột được xây dựng một cách vững vàng, doanh nghiệp sẽ phát triển được bền vững, bất kể lãnh đạo doanh nghiệp là nam hay nữ, hay lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp.

Ở một góc độ khác, PGS. Trần Phương Trà, chuyên ngành Quản trị chiến lược, Giám đốc chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp) chỉ ra rằng, những doanh nghiệp tìm ra “kim chỉ nam” trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng, cho nhân viên và cho những nhà cung cấp sẽ tạo ra hiệu suất cao ngoại lệ hơn so với các doanh nghiệp khác.

Từ những kinh nghiệm quốc tế, PGS. Trần Phương Trà đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng tư duy luôn luôn tạo ra giá trị; xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, xác định ưu tiên các chương trình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp như với tăng trưởng xanh, cần đánh giá tính bền vững,…

Tuấn Nguyễn