Giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân ở Bình Dương
Thiếu vật chất, nghèo tinh thần
Tình cờ bắt chuyện với một nhóm công nhân trẻ làm việc tại Công Ty TNHH Hoa Nét (khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 2) trong quán chè ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương, cô công nhân Trần Thị Bảo Ngọc (quê huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết: “Hiếm khi chúng em có thời gian thư giãn sau giờ tan ca trước khi trở về phòng trọ đó anh ạ!”. Như có người cảm thông với mình, Ngọc chia sẻ: Làm việc tại KCN nhưng ở trọ mãi tận phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát. Với thu nhập hiện tại là 5,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng ngoài thời gian làm việc là chỉ có ngủ và ngủ ! Còn khá trẻ, chỉ ngoài đôi mươi nhưng chia sẻ của Ngọc làm chúng tôi chạnh lòng.
Trong khu nhà ở xã hội tại thị xã Thuận An, Bình Dương, anh Trần Mạnh Hùng (quê Quảng Bình), làm việc tại Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, ba năm ở trọ vất vả, chi tiêu chắt bóp, giờ mua được nhà trả góp nhưng phải “cày” dài dài để trả nợ. Cũng như Trần Thị Bảo Ngọc, Trần Mạnh Hùng cho rằng, người công nhân lao động quanh khu công nghiệp thiếu sân chơi, chỉ có dịp hội hè lễ lộc hay sự kiện gì đó của tỉnh thì công nhân mới có dịp “hưởng” theo. Mà các sự kiện thì đâu phải tháng nào cũng có. Quan sát trên chiếc bàn giữa căn hộ nhỏ của Hùng, chúng tôi vô tình nhận ra một tờ báo cũ đã ngả màu vàng. Có lẽ nó được xuất bản cách đây vài tháng. Khi chúng tôi hỏi sao không xem báo mới để cập nhật thông tin, thời sự?. Hùng cho rằng, nghỉ ngơi để có sức đi làm quan trọng hơn thông tin, giải trí. Chị Võ Thị Hương công nhân KCN Việt Nam- Singapo bộc bạch: “Phần lớn công nhân đi làm như chúng em chẳng có bằng cấp gì. Nói thật bọn em chỉ thích phim gì vui vui, hoặc tình cảm”.
Tại Bình Dương, với quá trình phát triển công nghiệp nhanh, thu hút đầu tư lớn thì số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh với bình quân hàng năm từ 40.000 – 50.000 lao động. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1,1 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, chiếm trên 63% dân số toàn tỉnh. Riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp thu hút hơn 700.000 lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm trên 60%. Với lao động trong sản xuất công nghiệp, tập trung lớn nhất là ngành dệt may và da giày chiếm đến 38,5% số lượng công nhân lao động; kế tiếp là ngành chế biến gỗ chiếm 27,5% số lượng công nhân lao động; ngành cơ khí, điện tử và gia công kim loại chiếm khoảng 15,5% số lượng công nhân lao động… Nguồn lao động tăng nhanh rất quan trọng cho phát triển công nghiệp của tỉnh, nhưng thu nhập của nhóm này chỉ khoảng 3-4triệu đồng/tháng đã bao gồm cả tăng ca, vì vậy cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn. Một vấn đề nữa là an sinh xã hội (ASXH) chưa được bảo đảm, nợ bảo hiểm đối với người lao động thời gian qua cũng đáng lo. Theo Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, chỉ khoảng gần 63% công nhân được doanh nghiệp mua BHXH, nhiều doanh nghiệp chây ì, bỏ trốn, phá sản hoặc ngưng sản xuất… còn nợ công nhân hàng trăm tỷ đồng tiền lương, tiền BHXH đến nay chưa biết giải quyết thế nào.
Vấn đề nhà ở cũng khá nan giải, số liệu thống kê của Sở lao động Bình Dương cho thấy, chỉ một số ít khoảng 60.000 công nhân được một số doanh nghiệp xây nhà ở cho thuê, với giá 50-200.000đồng/tháng và cũng khoảng vài ngàn công nhân mua được nhà ở xã hội giá rẻ do Becamex xây dựng, còn lại hầu hết công nhân phải thuê trong 1,8 triệu m2 nhà trọ của dân, với tiện nghi tối thiểu để ở. Thu nhập thấp, nhà ở chật chội…và sức ép phải kiếm tiền trang tải cuộc sống đã làm mâu thuẫn giữa công nhân và giới chủ doanh nghiệp ngày càng tăng, mỗi năm số vụ đình công, ngưng việc tập thể lại tăng đáng kể.
Bình Dương nỗ lực chăm lo đời sống công nhân
Nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho gần nửa triệu công nhân, những năm qua Bình Dương đã có nhiều nỗ lực xây hàng ngàn căn nhà ở xã hội tại Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Mỹ Phước…. để tạo điều kiện cho công nhân các KCN gần đó thuê, hoặc mua. Công ty Becamex cũng đầu tư gần 11.000 tỷ đồng xây 37 dự án nhà ở an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu cho 167.000 người, Sở xây dựng Bình Dương cho biết. Đối với số công nhân còn phải thuê nhà trọ thì tỉnh Bình Dương hỗ trợ về giá điện nước. Hàng năm Bình Dương đều dành ra hàng trăm tỷ đồng để chăm lo đời sống cho công nhân, nhất là dịp tết đều thuê xe đưa đón đi về chu đáo.
Tuy nhiên, do mức lương tối thiểu chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người công nhân, cộng với việc thiếu nhà trẻ, trường mẫu giáo…khiến người lao động thiếu yên tâm. Chia sẻ về một số vấn đề ASXH đối với người lao động tại Bình Dương giai đoạn hiện nay, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, những năm qua, số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh, đặc biệt lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp với khoảng 90% là người ngoài tỉnh. Để môi trường làm việc ổn định, bền vững, đồng thời cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động thì vấn đề nhà ở là mối quan tâm hàng đầu. Để giải quyết những tồn tại và hạn chế trên, ông Trần Thanh Liêm cho biết, thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách ASXH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân. Cụ thể tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người lao động có được việc làm, đảm bảo thu nhập; tiếp tục cải thiện điều kiện nhà ở cho người lao động; hoàn thiện mạng lưới y tế … Đặc biệt tỉnh tập trung quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống các khu vui chơi, giải trí để tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng… Bên cạnh đó tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu giải pháp nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho công đoàn cơ sở; thông qua Hội liên hiệp phụ nữ tập hợp các câu lạc bộ, hiệp hội nhằm tổ chức nhiều hoạt động vui chợi, giải trí, khám bệnh phát thuốc…
Tất cả những giải pháp này sẽ góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần của công nhân trong thời gian tới, đồng thời cũng nâng cao nhận thức của người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.