Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Đây là ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn với chủ đề: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều nay 19/8.

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn do 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, dịch vụ, vận tải, các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp… Năm vừa qua, đã có trên 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể.

giai phap dot pha nang cao nang luc canh tranh cua doanh nghiep hinh anh 1

Toàn cảnh diễn đàn

Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho thấy, có tới 92% doanh nghiệp cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)… những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch đã khiến cho các doanh nghiệp thận trọng hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Song song đó, quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại song phong, đa phương… Vì vậy, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đang diễn ra gay gắt.

giai phap dot pha nang cao nang luc canh tranh cua doanh nghiep hinh anh 2

Các đại biểu tại diễn đàn

Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế các doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chú ý khai thác sự chuyển hướng thương mại, dịch vụ, đầu tư của các nước trên thế giới; tiếp tục chú trọng phát triển thị trường Trung Quốc, trong đó, cần tăng cường ký các hợp đồng chính ngạch và chuẩn hoá khâu công nghệ sau thu hoạch.

“Các doanh nghiệp cần khai thác cơ hội thị trường Việt Nam đã có FTA, đặc biệt là thị trường lớn như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… theo hướng xuất nhập khẩu đầu tư trực tiếp. Hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; Để tận dụng tối đa thị trường 15 FTA, các doanh nghiệp cần phải liên hệ chặt chẽ theo dõi những thông tin về giảm thuế, về mở cửa thị trường của các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính… để doanh nghiệp biết được những thông tin mới nhất tận dụng lợi thế”, ông Trịnh Minh Anh nêu rõ.

Thông tin tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết hiện Chính phủ đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Qua đó nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế. Đồng thời cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt từng cơ hội, đổi mới và sáng tạo.

“Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại. Quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường”, ông Hoàng Quang Phòng nói./.