Giải pháp để mạng lưới an toàn, vệ sinh viên hoạt động hiệu quả
Mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) còn giúp phát huy tính tích cực của phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ, góp phần phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ; thúc đẩy phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)”; đặc biệt là ở những doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao mất ATVSLĐ.
Hoạt động dưới sự chỉ đạo của công đoàn cơ sở (CĐCS)
Pháp luật Việt Nam quy định về ATVSV lần đầu tại Nghị định số 172-CP ngày 21/11/1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ ký kết hợp đồng tập thể ở các xí nghiệp Nhà nước. Khi đó được gọi là “An toàn viên” và “Lưới an toàn viên”. Quá trình thực tiễn đã khẳng định được vai trò của mạng lưới ATVSV góp phần bảo đảm ATVSLĐ. Điều này được khẳng định, ghi nhận trong Luật ATVSLĐ năm 2015, trong đó Luật dành riêng một điều để quy định về ATVSV như: nguyên tắc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bắt buộc phải bố trí ít nhất một ATVSV trong giờ làm việc tại các tổ sản xuất; tiêu chuẩn, yêu cầu đối với ATVSV; thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV; ATVSV hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của BCH CĐCS; quyền và nghĩa vụ của ATVSV.
Hiện nay, cả nước có khoảng 21.900 doanh nghiệp thành lập mạng lưới ATVSV với 257.104 ATVSV, trong đó có 6.180 doanh nghiệp có phụ cấp cho ATVSV. Các doanh nghiệp thành lập mạng lưới ATVSV chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, đông CNLĐ và các doanh nghiệp thi công xây dựng – công trình giao thông, điện lực, dầu khí, khai thác than – khoáng sản, khai thác chế biến cao su, dệt may, cơ khí, sửa chữa – đóng tàu,…
Theo quy định của Luật ATVSLĐ, ATVSV do NLĐ trong tổ sản xuất bầu ra. Trong thực tế đã có nhiều doanh nghiệp, NSDLĐ và BCH CĐCS tổ chức cho NLĐ bầu chọn ATVSV; bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp không tổ chức cho NLĐ bầu mà cử người làm ATVSV, có doanh nghiệp cử luôn tổ trưởng sản xuất làm ATVSV.
Mạng lưới ATVSV sau khi thành lập sẽ hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của BCH CĐCS. Ở nhiều doanh nghiệp, BCH CĐCS đã chủ động phối hợp với NSDLĐ để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp hoạt động cho mạng lưới ATVSV như ngành Điện lực, Than – khoáng sản, Dầu khí, Thông tin – truyền thông, Giao thông – vận tải,… Song, ở nhiều doanh nghiệp, nơi chưa thành lập CĐCS, không tổ chức được mạng lưới ATVSV và chưa tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ATVSLĐ, kỹ năng, phương pháp hoạt động cho ATVSV.
Một số tồn tại, hạn chế
Từ khi Quốc hội ban hành Luật ATVSLĐ và Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động, thì ATVSV được phân thành một nhóm huấn luyện riêng, theo đó ngoài nội dung huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ về ATVSLĐ thì ATVSV còn được huấn luyện về kỹ năng, phương pháp hoạt động.
Tuy nhiên, Nghị định chỉ quy định tiêu chuẩn người huấn luyện ATVSLĐ mà không quy định tiêu chuẩn người huấn luyện kỹ năng, phương pháp hoạt động của ATVSV; chưa có Chương trình khung huấn luyện cho nhóm ATVSV, do vậy, trong thực tế khi đào tạo, sát hạch người huấn luyện về ATVSLĐ bị bỏ qua, nhiều doanh nghiệp và đơn vị có chức năng huấn luyện ATVSLĐ cũng bỏ qua khi huấn luyện cho ATVSV.
ATVSV hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, song pháp luật lại quy định cho ATVSV một nhiệm vụ rất lớn về công tác ATVSLĐ tại tổ sản xuất và được trao một số quyền như được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện các nhiệm vụ của ATVSV. Qua khảo sát thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp thành lập mạng lưới ATVSV một cách hình thức, hoạt động chưa hiệu quả, cả ATVSV và BCH CĐCS đều lúng túng trong quản lý và hoạt động; ATVSV không thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ do bản thân cũng là một lao động, vì vậy phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình, đặc biệt là tại các doanh nghiệp chuyên môn hóa sản xuất theo dây chuyền như ở doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử, da giày, may mặc, chế biến thủy sản… hoặc ở những địa điểm lao động có mặt bằng rộng, phân tán hoặc nhiều tầng như trong khai thác than – khoáng sản, thi công xây dựng, đóng tàu…
Nhiều doanh nghiệp có giao nhiệm vụ cho ATVSV nhưng lại không có cơ chế quyền lợi kèm theo như phụ cấp trách nhiệm hay khen thưởng động viên cho ATVSV. Luật ATVSLĐ quy định mức phụ cấp trách nhiệm cho ATVSV do NSDLĐ, BCH CĐCS thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV dẫn đến có doanh nghiệp thỏa thuận thống nhất ATVSV không có phụ cấp hoặc có thì rất thấp mang tính chiếu lệ.
Đề xuất giải pháp
Để mạng lưới ATVSV hoạt động, phát huy hiệu quả, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
Bổ sung quy định về tiêu chuẩn người huấn luyện kỹ năng, phương pháp hoạt động của ATVSV và chương trình khung nội dung huấn luyện kỹ năng, phương pháp hoạt động của ATVSV vào Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động.
Bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với hành vi không thành lập mạng lưới ATVSV vào Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
BCH CĐCS hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần chủ động phối hợp với NSDLĐ tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác ATVSLĐ và kỹ năng, phương pháp hoạt động cho ATVSV. Về nội dung, bên cạnh việc tập huấn pháp luật, chế độ chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm, quy trình về ATVSLĐ, cần chú ý phổ biến các vụ tai nạn lao động, các sự cố xảy ra trong doanh nghiệp, đơn vị, những vấn đề tồn tại, giải pháp phòng ngừa, khắc phục. Sinh hoạt của mạng lưới ATVSV có thể theo chuyên đề hoặc có thể tại các cuộc họp hay hội ý về công tác chuyên môn; trước ca, giờ làm việc; trong, giờ làm việc và khi kết thúc ca, giờ làm việc.
Định kỳ sáu tháng, một năm, CĐCS phối hợp với NSDLĐ tiến hành sơ kết, tổng kết hoạt động của mạng lưới ATVSV; động viên khen thưởng hoặc đề xuất cấp trên khen thưởng các ATVSV hoạt động tốt, nhắc nhở, phê bình các ATVSV không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, điều kiện bảo đảm cho ATVSV hoạt động như: nhất thiết, ATVSV phải được tổ chức để NLĐ trong tổ bầu; phải có chế độ phụ cấp hoặc bồi dưỡng bằng tiền gắn với trách nhiệm và nhiệm vụ của ATVSV…