Giải mã “Us” của Jordan Peele: Những cú twist lớn, chủ đề và hình tượng ẩn dụ

Tác phẩm mới nhất của Jordan Peele – Us cuốn không ít khán giả vào vòng tranh luận với vô số thắc mắc xoay quanh chủ đề và tầng lớp ẩn dụ được sử dụng dày đặc. Không giống như những phim kinh dị thông thường, Us đem lại nỗi sợ và ám ảnh theo cách rất riêng. Dưới góc nhìn được tổng hợp từ nhiều khán giả, bài phân tích bên dưới sẽ giúp giải đáp phần nào các câu hỏi đang làm bạn cảm thấy ‘ám ảnh’ về bộ phim. (Cảnh báo: bài viết có tiết lộ nội dung phim)

 

Vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu? Từ cú twist lớn nhất khi vỡ lẽ Adelaide (Lupita Nyong’o) không phải là Adelaide mà là một trong những ‘người bị xích’ và thay vì cố gắng bảo vệ gia đình xuyên suốt bộ phim, cô thực chất chỉ đang cố bảo vệ bí mật về quá khứ của mình? (hoặc có thể là cả hai!); Vì sao Jordan Peele lại chọn sự kiện ‘Hands Across America’ làm chủ đề chính cho câu chuyện? Hay cuốn sách tiên tri Jeremiah đoạn 11 câu 11 được lồng ghép trong bộ phim có ý nghĩa gì?

 

CÓ THỂ HIỂU CHÍNH XÁC ‘NGƯỜI BỊ XÍCH’ (TETHERED) LÀ AI?

 

Định nghĩa về ‘người bị xích’ đã được giải thích tối thiểu qua hai điểm mấu chốt của câu chuyện. Trong phân cảnh bên lò sưởi, khi Red, bản song trùng của Adelaide, trả lời câu hỏi “Các người là ai?” của Gabe (Winston Duke) với lời mở đầu đậm chất cổ tích: “Từ ngày xa xưa…” đã hé lộ bí mật về một thế lực được gọi là “Họ”, tác giả tạo nên những bản song trùng bằng cách nhân bản người dân (nhưng ‘Họ’ chưa thể tìm được cách nhân bản linh hồn song song cùng thân thể và linh hồn đã bị chia đôi cho hai thân thể khác biệt). Một số thông tin khác được tiết lộ ở cuối phim về cuộc sống của ‘người bị xích’ bên dưới lòng đất – đầu tiên họ là những thực thể được tạo ra với mục đích kiểm soát người bên trên mặt đất (mặc dù không giải thích chi tiết cách thực hiện điều này) và sau khi ‘người bị xích’ bị bỏ rơi, họ bị buộc phải sống một cuộc sống tương phản đầy khắc nghiệt với những bản gốc trên mặt đất.

 

AI ĐÃ TẠO RA ‘NGƯỜI BỊ XÍCH’?

 

Tác giả tạo nên ‘người bị xích’ và lý do tại sao ‘người bị xích’ được tạo ra để kiểm soát người dân trên mặt đất không được nói rõ và chỉ được gọi tượng trưng là ‘Họ’. Hầu hết mọi quan điểm đều cho rằng ‘Họ’ ở đây không ai khác ngoài chính phủ. Khẳng định này không chỉ có cơ sở từ việc phân tích bối cảnh của thế giới bên dưới mặt đất có vẻ ‘rất chính phủ’ mà còn qua chi tiết ám chỉ bàn tay kiểm soát của chính phủ với phân cảnh trong xe hơi khi cô con gái Zora (Shahadi Wright Joseph) nói vu vơ rằng chính phủ đã thêm flo vào nước để tẩy não người dân. Jordan Peele đã từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với The Hollywood Reporter rằng chắc chắn sẽ có lời giải thích thoả đáng về kết cục của ‘người bị xích’ và tác giả của ‘người bị xích’ nhưng tạm thời bí mật vẫn chưa thể được bật mí. Anh chia sẻ “Tôi đã có sẵn trong tay một câu chuyện và lịch sử khá chi tiết cho tổng thể. Tất nhiên, thử thách ở đây là bạn quyết định sẽ dừng câu chuyện đầu tiên ở đâu? Khi nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ và bạn biết rằng câu chuyện vẫn còn tiếp diễn, trí tưởng tượng của bạn sẽ được thả sức tung hoành. Và thế là là điệp vụ đã hoàn tất! Hãy cùng chờ tác phẩm tiếp nối mang tên: Them.”

 

Ý NGHĨA CỦA HÌNH ẢNH ẨN DỤ VỀ ‘NGƯỜI BỊ XÍCH’ LÀ GÌ?

 

Tất cả đều được gói gọn qua tựa đề: Us. Thông điệp rõ nhất của bộ phim: “Kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta là chính chúng ta.”, vậy nên “Hãy trông chừng bản thân”! Đây là câu trả lời của đạo diễn Jordan Peele trong mục hỏi đáp của buổi công chiếu phim tại South by Southwest, đồng thời trong một cuộc phỏng vấn khác cùng trang Guardian, anh cũng có một câu trả lời chi tiết rằng: “Chúng ta chính là kẻ thù tồi tệ nhất của mình, không chỉ giới hạn ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp tập thể như gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Chúng ta e sợ ‘những cái bóng’ đầy bí ẩn sẽ đến và giết chết mình, giành lấy công việc và mọi thứ của mình… nhưng cái làm ta sợ hãi nhất là cái ta luôn cố kìm nén bên trong: tội lỗi và tránh nhiệm của chúng ta đối với cái chết của chính mình… Không ai là người chịu trách nhiệm cho hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Thế nhưng tự nhận và tự nhìn thấy trách nhiệm một phần của mình trong mọi vấn đề là cái mà ít ai có thể làm được.” Khi đưa vấn đề đi xa hơn, chúng ta bắt đầu thấy một số sự thật lớn hơn dần được tiết lộ trong bộ phim. Có phải Jordan Peele đang nói về sự chôn vùi quá khứ của nước Mỹ – một tập thể trong bóng tối của lịch sử quốc gia mà chúng ta không muốn đối mặt và giống như Adelaide, quyết tâm giữ kín nó mãi mãi. Đối với hình tượng ‘người bị xích’, Jordan Peele dường như muốn nói rằng cơ hội và hoàn cảnh thực sự là điều duy nhất tách biệt người trên mặt đất với với ‘Họ’, thế lực khiến tất cả lo sợ.

 

US CŨNG CÓ NGHĨA LÀ NƯỚC MỸ – U.S?

 

Khi được hỏi “Các người là ai?” Red đã trả lời “Chúng tôi là người Mỹ”. Ngoài ra còn có rất nhiều chi tiết khác xuyên suốt bộ phim có thể giúp củng cố cho khẳng định này, rằng ‘người bị xích’ là người Mỹ, cũng giống như chúng ta.

 

‘NGƯỜI BỊ XÍCH’ CÓ TỒN TẠI Ở KHẮP NƠI KHÔNG?

 

Có thể, nhưng một số chi tiết trong phim lại cho thấy đây có vẻ chỉ là ‘đặc sản’ riêng của nước Mỹ. Câu trả lời của Red: “Chúng tôi là người Mỹ,” chủ đề “Hands Across America” và đáng chú ý nhất là kế hoạch chạy trốn của Adelaide dọc bờ biển để đến Mexico. Có phải do từng là một ‘người bị xích’, cô biết rằng bên kia biên giới chính là nơi an toàn?

 

SỰ KIỆN ‘HANDS ACROSS AMERICA’ LÀ GÌ & TẠI SAO LẠI TRỞ THÀNH CHỦ ĐỀ CHÍNH CỦA TÁC PHẨM?

 

Chắc hẳn sau Us, số lượt tìm kiếm từ khoá ‘Hands Across America’ đã lọt top trên Wikipedia (giả định từ tác giả). ‘Hands Across America’ là một chiến dịch từ thiện diễn ra vào ngày 25/5/1986 và quy tụ sự tham gia của khoảng 6.5 triệu người cùng nắm tay và tạo thành bức ‘tường người’ trải dài khắp nước Mỹ. Cách hoạt động của phong trào khá đơn giản: với mỗi khoản quyên góp, người dân Mỹ có được một vị trí trong vòng tay lớn, tổng số tiền quyên góp được dành tặng cho các tổ chức từ thiện địa phương nhằm giúp đỡ người nghèo và vô gia cư với kết quả công bố là 34 triệu đô la.

 

Vì sao Jordan Peele lại chọn sự kiện này làm chủ đề chính cho bộ phim? Dù chưa có bất cứ lời khẳng định chính thống nào từ vị đạo diễn này nhưng rõ ràng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa sự kiện này và ý nghĩa của bộ phim: hình tượng đoàn người nắm tay nhau, những nhưng người nghèo và vô gia cư là những ‘người bị xích’… Một thực tế khó chối bỏ là ‘Hands Across America’ xét cho cùng cũng chỉ là một sự kiện mang đậm tính hình thức, là cách để những người có điều kiện làm cho họ cảm thấy tốt về bản thân mình và không thể giải quyết hiệu quả vấn nạn nghèo đói. Sau sự kiện này, người dân Mỹ có thể trở lại cuộc sống bình thường và nhanh chóng quên đi thân phận của những ‘đồng bào’ kém may mắn hơn mình. Nhưng đối với những gì ‘người bị xích’ thể hiện, dường như đã có người không thể buông bỏ lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp và công bằng hơn.

 

HÌNH TƯỢNG ‘CÂY KÉO’?

 

Búp bê giấy và sự kiện ‘Hands Across America’ – chỉ với một vài cú cắt tỉa nhẹ nhàng bạn có thể dễ dàng tạo nên một hình tượng đầy lạc quan đại diện cho một quốc gia thống nhất – lý tưởng mà Adelaide đã mang theo khi bị kéo xuống thế giới bên dưới. Chúng ta đã nhìn thấy cô đứng trước tấm bảng đen và cắt những con búp bê giấy ở cuối phim trước khi tách rời các mảnh giấy ra. Việc sử dụng kéo như một món vũ khí trong cuộc nổi dậy của ‘người bị xích’ như một tham chiếu đến hình tượng búp bê giấy, ‘Hands Across America’, và cách cây kéo có thể nhanh chóng tách rời hai sự vật đã kết nối cùng nhau. Ý kiến thú vị của một độc giả về tính đối ngẫu của cây kéo cho rằng: “Kéo được hình thành bởi hai lưỡi cắt nối nhau bởi một bu-lông đơn mà khi bị tách rời, chúng phản ánh chuyển động của phần còn lại.” Kéo không chỉ là công cụ giúp tách rời nhiều thứ với nhau mà chính chúng cũng đại diện cho cách vận hành và phản ánh lẫn nhau của hai vật, tương tự như trắc nghiệm tâm lý Rorschach Test.

 

‘TRANG PHỤC ĐỎ’ VÀ ‘GĂNG TAY ĐƠN’?

 

Đây chỉ đơn thuần là một suy đoán vì không ai giải thích được chính xác về tầm quan trọng của bộ jumsuit màu đỏ hoặc đôi găng tay – hay nhờ đâu mà những ‘người bị xích’ có thể có được số lượng lớn những bộ trang phục đỏ, găng tay và kéo vàng. Tuy nhiên nhiều giả thuyết cho rằng việc lựa chọn trang phục của phim bị ảnh hưởng lớn bởi Michael Jackson. Khi Adelaide bị bắt cóc mang xuống thế giới bên dưới, cô bé mặc một chiếc áo thun có in chữ “Thriller”, sau đó bị bản song trùng của mình lấy mất trước khi bản sao trở lại mặt đất. Trong đoạn video nổi tiếng của ca khúc Thriller, Michael Jackson cũng diện một bộ trang phục đỏ. Tương tự như vậy, đôi găng tay đơn trên tay phải cũng có vẻ liên quan đến huyền thoại Michael Jackson, người thường đeo độc nhất một chiếc găng trên tay phải khi lên sân khấu. Cũng có thể đạo diễn nhắm đến hình ảnh của Freddy Krueger và chiếc găng tay ‘khét tiếng’ – nhân vật sát nhân hàng loạt thuộc top yêu thích của Jordan Peele và nếu để ý, bạn sẽ thấy một băng VHS của bộ phim A Nightmare on Elm Street được đặt cạnh TV trong cảnh mở đầu phim.

 

JEREMIAH 11: 11

 

Nếu bạn tra Google từ khoá “Jeremiah 11:11” ngay khi những dòng danh đề (credit) đầu tiên hiện lên thì chắc hẳn bạn cũng có cảm giác mọi thứ có vẻ hợp lý. Đoạn 11, câu 11 trong sách đã chép rằng: “Vậy nên, Ngài đã phán như vầy: Hãy xem, ta sẽ khiến tai nạn đổ trên chúng, không thể tránh được; chúng sẽ kêu đến ta, nhưng ta chẳng thèm nghe.” Thế lực quỷ dữ được giải phóng và Ngài đã từ chối những lời nguyện cầu? Câu nói này xuất phát từ một đoạn thông điệp ám chỉ đến quá khứ tội lỗi và con người đã quên đi lịch sử của chính mình. Điều này được lặp đi lặp lại xuyên suốt bộ phim. Lần đầu là khi Adelaide hỏi về con số 11 của giải thưởng, tiếp theo là trên tấm biển cầm bởi một người vô gia cư, và sau đó là con số được khắc sống trên trán của ông ta khi chết. Thậm chí con số 11 và 11 còn xuất hiện sớm ở đầu phim, trong đoạn quảng cáo khi Adelaide đang xem tivi. Tiếp sau đó, nó lại xuất hiện trên đồng hồ báo thức ở thời điểm 11:11pm và trên đỉnh của chiếc xe cứu thương xuất hiện trong cảnh cuối phim.

Một suy đoán khác cũng rất có cơ sở đó là về logo trên chiếc áo Black Flag IIII, có thể được diễn giải là 1111. Đây là chiếc áo được mặc bởi một nhân viên đứng trong quầy Whack-a-Mole và sau đó xuất hiện lại cùng một trong hai đứa con sinh đôi của nhà Tyler.

 

THỎ?

 

Khi được hỏi về hình tượng ‘Thỏ’ tại buổi công chiếu Us, Jordan Peele chỉ trả lời rằng đơn giản vì thỏ đáng sợ: “Bạn có thể thấy được điều đó qua đôi mắt chúng, có vẻ vô hại nhưng luôn làm dấy lên một nỗi bất an đáng lo ngại.” Tại đây, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến một chút tinh thần của Alice in Wonderland– cô gái nhỏ theo chân thỏ trắng lạc vào một thế giới khác; Thỏ còn là động vật bị sử dụng thường xuyên trong thí nghiệm khoa học. Trong cảnh mở đầu phim Jordan Peele đã chuyển nhanh từ cảnh Adelaide nhỏ đang hét lên qua cảnh quay cận cảnh một chú thỏ trắng bị giam. Đây rõ ràng là chi tiết tiên đoán kết cục xảy ra với Adelaide (bị giam cầm), nhưng cũng là một chi tiết giới thiệu về ‘cấp số nhân’ (thỏ gia tăng dân số với tốc độ chóng mặt!) và kiếp nô lệ. Vì sao ‘người bị xích’ lại ăn thỏ? Có vẻ như họ không có nhiều lựa chọn, và khả năng sinh sôi nảy nở tốc độ của loài thỏ đã khiến chúng trở thành một nguồn thức ăn bền vững nơi đây.

 

NHỆN?

 

Nhện cũng là một hình tượng động vật được lặp đi lặp lại trong bộ phim. Đầu tiên khi Adelaide nhỏ huýt sáo bài hát “Itsy Bitsy Spider” trong nhà gương, trước khi Red tiếp nối giai điệu vào lúc sau. Khi cô ngồi chịu đòn và gần như chết đi ở đoạn cao trào, Adelaide thật sự đã cố gắng huýt sáo một lần nữa giai điệu này. Đó là bài hát cuối cùng cô nghe thấy trước khi bị bắt cóc. Vậy lý do chọn bài hát này là gì? Bài hát kể về một chú nhện nhỏ cố gắng trèo ra khỏi vòi nước nhưng bị cuốn xuống; sau đó, khi mặt trời ló dạng và làm khô dấu vết của cơn mưa, chú nhện lại trèo lên? Có vẻ như nó có gì đó quen thuộc với hoàn cảnh của ‘người bị xích’? Khi Adelaide quan sát một con nhện nhỏ bò ra từ bên dưới một con nhện giả lớn. Con nhện to, mập là giả và con nhện nhỏ bé, dễ bị tổn thương là thật. Lại là một bài toán khác về những biểu tượng!

 

VÀ… CÚ?

 

Nhiều khán giả liên hệ hình tượng chim cú với điềm báo, đặc biệt là những điềm báo xấu, liên quan đến quỷ dữ trong văn hoá châu Phi, Trung Đông và một số bộ tộc bản địa châu Mỹ. Khi con chim cú trong nhà gương nhảy xổ ra và khiến Adelaide nhỏ giật mình, nó như điềm báo trước về một số mệnh không thể tránh được. Khi Red (bản sao của Adelaide) nhìn thấy con cú sau đó, cô đã đập nát nó ám chỉ việc quyết tâm chiến thắng số mệnh tới cùng. Một vài khán giả khác cho rằng cú là biểu tượng của trí tuệ, tri thức và sự thật. Điều này giải thích tại sao Adelaide quyết phá huỷ nó khi theo bước Red xuống thế giới bên dưới. Dù ý nghĩa của hình tượng chim cú là gì, phản ứng khác nhau của Adelaide và bản sao cũng là một điểm thú vị đáng lưu ý.

 

JASON BIẾT NHỮNG GÌ?

 

Hầu hết khán giả đều thấy được tính mẫn cảm và tò mò của Jason (Evan Alex) từ đầu qua nhiều câu nói và hành động của cậu bé. Dường như chính Jason là người đã nhận ra việc ‘chúng ta’ có thể điều khiển ‘người bị xích’ như thế nào khi chơi cùng bản sao của mình là Pluto trong tủ đồ; điều này đã khiến việc Jason có thể dụ Pluto bước dần vào đám lửa ở khúc sau trở nên hợp lý. Vào cuối phim, khi ngồi trên ghế, Jason đã trao cho mẹ của mình một ánh nhìn đầy ẩn ý chứng tỏ cậu đã biết một điều gì đó không hợp lý – rằng mẹ mình chính là một trong những ‘người bị xích’ và không phải là Adelaide thật. Không có gì đảm bảo 100% rằng Jason biết điều này nhưng có nhiều lý do cậu đã xâu chuỗi các sự kiện cùng nhau và tự nhận ra sự thật. Cuối cùng đó chính là Jason, người đã từng chứng kiến mẹ mình giết chết một trong những đứa con sinh đôi nhà Tyler và phát ra một âm thanh đầy ‘thú tính’ (đặc trưng của ‘người bị xích’). Đặc biệt cậu cũng có mặt trong căn phòng dưới mặt đất khi sự thật về thân phận của Adelaide và Red được tiết lộ ở cao trào cuối phim. Liệu có phải Jason đã nghe được tất cả?

 

TÊN CỦA ‘NGƯỜI BỊ XÍCH’ VÀ CỦA CÁC GIA ĐÌNH KHÁC?

 

Việc lựa chọn tên cho nhân vật của Jordan Peele được tham khảo khá nhiều từ Kinh Thánh và các câu chuyện thần thoại. Cả Gabriel và bản song trùng của anh – Abraham đều xuất phát từ Kinh Thánh; trong khi bản song trùng của Jason là Pluto thì được đặt theo tên của vị thần Hy Lạp cai quản thế giới ngầm; và Umbrae, bản song trùng của Zora thì tên gọi đại diện cho bóng hoặc bóng tối. Tên của hai con gái sinh đôi nhà Tyler cũng được sắp xếp theo tầng nghĩa: Io là nữ tư tế cao cấp đầu tiên của Hera và Nix là nữ thần bóng đêm trong thần thoại Hy Lạp. Cũng có khán giả đặt ra giả thuyết rằng liệu sự lựa chọn cái tên Adelaide có liên quan gì đến một thành phố ở miền Nam Úc không? Ám chỉ rằng nhân vật này thực sự đến từ thế giới ngầm. Tuy nhiên điều này có vẻ không đúng mặc dù cũng được một số ủng hộ. Bản sao của Kitty được đặt tên là Dahlia, trong tiếng Hebrew có nghĩa là “nhánh hoa”, đồng thời cũng là tên của một loại hoa sặc sỡ của Mexico thuộc họ cúc. Khi so sánh cùng sự giàu có của gia đình Tyler và nữ thần số mệnh Dalia trong thần thoại Baltic, ở đây có mối liên hệ khá hợp lý vì hình tượng nữ thần có liên quan đến sự phân phối vật chất, của cải – một phần trong chủ đề chính của tác phẩm. Thậm chí nếu tìm hiểu sâu hơn, bạn còn có thể biết được nhiều người Mỹ rất hay liên hệ cái tên “Dahlia” cùng kỳ án chấn động nước Mỹ những năm 1940 – Black Dahlia (Thược Dược Đen), hay Elizabeth Short, một nạn nhân bị sát hại dã man tại L.A với cơ thể bị cắt xẻo và chẻ đôi một cách tàn nhẫn.

 

VÌ SAO CHỈ CÓ RED NÓI ĐƯỢC VÀ TẠI SAO CÔ LẠI MANG GIỌNG NÓI NHƯ VẬY?

 

Sự kiện Red có thể nói được xem như manh mối lớn nhất cho viêc khẳng định cô chính là Adelaide thật vì không một ‘người bị xích’ nào có thể nói – mặc dù tất cả đều sở hữu một ngôn ngữ giao tiếp riêng (tiếng gầm gừ và la ó).

 

Vì sao cô lại có một giọng nói như bị bóp méo, đầy bi ai, rền rĩ và đáng sợ? Đây là câu hỏi có nhiều cách giải thích. Có thể do chấn thương khí quản lúc nhỏ khi bị bản song trùng bóp nghẹt. Thanh âm bị hoà trộn và ảnh hưởng bởi âm đục của những ‘người bị xích’ mà cô sống cùng. Cũng có thể đó là kết quả của việc không sử dụng giọng nói trong nhiều năm liền. Trong một cuộc phỏng vấn cùng Hollywood Reporter, Nyong’o đã từ chối tiết lộ nguồn gốc giọng nói của nhân vật nhưng chia sẻ cách để có được giọng nói đó: giọng nói được tạo ra dựa trên một chứng bệnh có thật, chứng rối loạn co thắt, đôi khi là kết quả của chấn thương. “Hợp âm của bạn vô tình co thắt tạo nên luồng khí lưu chuyển bất thường. Tôi đã làm việc cùng chuyên gia tai mũi họng của tôi (ENT) cùng một chuyên gia chỉnh âm để giúp quá trình tạo giọng được an toàn, vì đây là một việc khá nguy hiểm cho giọng nói bình thường.”

 

LÝ DO GÌ KHIẾN BẢN SONG TRÙNG CỦA KITTY KHÔNG THỂ GIẾT ADELAIDE?

 

Một vài ý kiến cho rằng đây có thể chỉ là chi tiết nhằm gia tăng phần kịch tính cho câu chuyện – nhân vật phản diện đứng trước gương và làm những trò rùng rợn, quái dị với khuôn mặt mình, sau đó hai đứa trẻ tìm đến nơi và lâm vào nguy hiểm rồi để Kitty bị Jason giết. Một số khác suy đoán về hành động của Kitty rằng “Cô ta không thể giết Adelaide được bởi vì nếu không phải nhờ Adelaide, những ‘người bị xích’ sẽ không thể trốn thoát. Adelaide đóng vai trò quan trọng đối với ‘người bị xích’.” Ý kiến này đến từ chi tiết về cuộc nói chuyện của Kitty và Adelaide lúc đầu, khi Kitty tỏ vẻ ghen tị với vẻ ngoài của Adelaide…” Điều đáng chú ý về Dahlia, bản song trùng của Kitty là có lẽ cô ta cũng đã phải chịu đựng sự tra tấn và đau đớn khủng khiếp từ những cuộc phẫu thuật của Kitty và hành động tự rạch mặt có thể được xem như một hành động thể hiện sự nổi loạn.

 

(Theo Rotten Tomatoes)