Giá xuất khẩu tăng cao, nhiều doanh nghiệp cao su thắng lớn

Giá xuất khẩu tăng cao

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý I/2021, xuất khẩu cao su đạt 435.000 tấn, trị giá 722 triệu USD; lần lượt tăng 89,7% và tăng 116% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam đạt 1.660 USD/tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc với thị trường ô tô lớn nhất thế giới và cũng là nơi tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới đã tăng mạnh nhập khẩu cao su từ cuối năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này 217.420 tấn cao su, trị giá 342 triệu USD; tăng 99% về lượng và 118% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, giá cao su phục hồi nhờ kinh tế Trung Quốc phục hồi khá nhanh, việc tăng tốc phủ sóng tiêm vắc xin toàn cầu, tác động của gói kích thích kinh tế trong khi nguồn cung cao su thiên nhiên hạn hẹp, do hiện đang là mùa rụng lá, thường từ sau Tết Nguyên Đán đến hết tháng 4.

Tong khi đó, các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, giá cao su châu Á kỳ vọng tăng trở lại do kinh tế toàn cầu hồi phục. Trong khoảng thời gian 15/3 – 15/4/2021, giá cao su chứng kiến giảm khá trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, trong dài hạn, với triển vọng kinh tế toàn cầu hồi phục trong năm 2021 cũng như lo ngại về thiếu hụt nguồn cung cao su tại các quốc gia Thái Lan, Indonesia, và Sri Lanka, giá cao su trong thời gian tới sẽ tăng trở lại.

Bên cạnh đó, nguồn cung cao su nội địa của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh do các vườn trồng cao su bị ảnh hưởng mạnh bởi hạn hán và bão lũ trong năm 2020. MBS dự báo giá cao su sẽ tăng khoảng trên 3% trong năm 2021.

Những tín hiệu này dự báo triển vọng một năm tích cực cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam. Tuy vậy, theo giới chuyên môn sẽ còn nhiều thách thức trong năm 2021 khi tình hình xuất khẩu bị hạn chế trong bối cảnh thị trường thiếu container để vận chuyển. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất  là Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại do nước này đã mua mạnh trong những quý cuối cùng của năm 2020.

Doanh nghiệp cao su hưởng lợi

Trước diễn biến này, nhiều doanh nghiệp cao su trong nước đã bán được sản phẩm mủ cao su với giá bình quân tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời ghi nhận mức lợi nhuận của quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2021 đạt 4.950 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 172% đạt 3.453 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu tài chính giảm 22% nhưng chi phí tài chính cũng giảm mạnh 69%. Các chi phí quản lý và chi phí bán hàng tăng 10 – 20% so với cùng kỳ. Ngoài ra lãi liên kết tăng mạnh lên 115 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng lãi từ công ty MDF VRG Dongwha. Kết quả, Tập đoàn báo lãi 1.216 tỷ đồng, tăng 261% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn lý giải trong kỳ đã chủ động ứng phó phù hợp với trạng thái sản xuất bình thường mới; sản lượng tiêu thụ và giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng cao, ổn định; doanh thu cho thuê hạ tầng KCN tăng, sản lượng tiêu thụ và giá một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng, giúp lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đại đa số các đơn vị trong Tập đoàn cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.

Năm 2021, Tập đoàn đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất và thu nhập khác đạt 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.600 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị hoàn thành được 26% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong khi đó Công ty CP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR), một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt 241 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 41% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt hơn 35 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với quý I/2020.

Sau khi trừ các khoản chi phí công ty mẹ PHR lãi thuần 21,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2,6 tỷ đồng của quý I/2020. Do lãi từ hoạt động khác giảm mạnh từ gần 170 tỷ đồng xuống còn gần 5 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ PHR chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng. Trong kh cùng kỳ, LNST đạt gần 138 tỷ đồng, do công ty ghi nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 số tiền là 156 tỷ đồng.

Năm 2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là đối với hoạt động khai thác mủ cao su, khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt, khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, từ năm 2021 trở đi, các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư cơ bản…

Căn cứ tình hình thực tế, PHR đặt mục tiêu sản lượng khai thác năm 2021 đạt 20.900 tấn, sản lượng thu mua 23.400 tấn và sản lượng tiêu thị 33.999 tấn. Giá bán bình quân dự kiến 34,08 triệu đồng/tấn. Tổng doanh thu cả năm dự kiến đạt 1.921,29 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 750,76 tỷ đồng và chia cổ tức tối thiểu 40%.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UpCOM: DRI) đã công bố Báo cáo tài chính quý I/2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 124 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, sau khi trừ giá vốn DRI ghi nhận lãi gộp hơn 42 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt gần 6,7 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí LNST ngay quý đầu năm 2021 đạt hơn 16 tỷ đồng, trong khi quý I/2020 công ty lỗ hơn 9 tỷ đồng.

DRI cho biết trong quý I Công ty tiêu thụ được 3.126 tấn mủ cao su với giá bán bình quân 1.693 USD/tấn, tăng tương ứng 212,4% và 136,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cao su xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1.819 USD/tấn, tương ứng gần 60% sản lương tiêu thụ toàn Công ty

Năm 2021, DRI đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 587 tỷ đồng tăng 33% so với 2020; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến ở mức hơn 60,6 tỷ đồng tăng 78% so với thực hiện của năm 2020; Lợi nhuận sau thuế là 45,8 tỷ đồng và cổ tức dự kiến ở mức 5%.