Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì? 50 ví dụ giúp xác định giá trị cốt lõi
Chắc hẳn bạn đã nghe tới thuật ngữ Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp rất nhiều lần rồi. Đặc biệt là thời gian gần đây, khi việc xây dựng doanh nghiệp có tính hệ thống trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ nhiều hơn về khái niệm giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng như cách để các doanh nghiệp xây dựng giá trị cốt lõi này một cách hiệu quả, dễ dàng nhất.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì?
Thuật ngữ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp thường được gắn liền với các vấn đề về tầm nhìn doanh nghiệp, sứ mệnh cũng như văn hóa của doanh nghiệp. Nó mang tính chất định hướng vô cùng quan trọng.
Hãy đi vào phân tích 2 từ “giá trị” và “cốt lõi” trước khi đi vào khái niệm cụ thể của giá trị cốt lõi.
-
Giá trị của doanh nghiệp chính là những nét độc đáo, riêng biệt, giúp phân biệt doanh nghiệp đó với các doanh nghiệp khác.
-
Cốt lõi là từ dùng để chỉ những điều quan trọng, mang tính căn bản, nền tảng và cốt yếu nhất.
Do đó, giá trị cốt lõi (Core Values) có thể hiểu là các nguyên tắc mang tính lâu dài, quan trọng của một doanh nghiệp, một tổ chức. Những nguyên tắc này sẽ là kim chỉ nam để hướng dẫn hành vi nội bộ của doanh nghiệp đó cũng như mối quan hệ giữa doanh nghiệp với đối tác bên ngoài.
Đặc điểm của giá trị cốt lõi (Core Values)
Nội Dung Chính
Giá trị cốt lõi có tính bền vững
Có thể nói, giá trị cốt lõi giống như linh hồn của doanh nghiệp, thậm chí nó quyết định đến vấn đề sống còn. Những giá trị cốt lõi mang tính bền vững, lâu dài và không thể thay đổi theo thời gian. Thậm chí, khi thị trường biến động hay doanh nghiệp gặp sự cố cần thay đổi mô hình, cách thức kinh doanh thì giá trị cốt lõi vẫn được giữ nguyên.
Giá trị cốt lõi có tính định hướng
Như đã nói ở trên, giá trị cốt lõi sẽ giống như “luật chơi” mà đội ngũ nhân viên, nhà lãnh đạo của doanh nghiệp cần tuân theo và thực hiện một cách xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Bất kỳ một vấn đề nào, dù là chiến lược marketing, chăm sóc khách hàng… cũng đều phải thực hiện dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Hiểu rõ giá trị cốt lõi là điều cần thiết cho sự thành công của doanh nghiệp bạn. Thậm chí, khi bạn đã đạt được những mức độ thành công nhất định, đạt được nhiều kết quả như mong đợi thì bạn vẫn cần “tự vấn” lại bản thân. Liệu đó có thực sự là thành công? Doanh thu của bạn tăng lên nhưng bạn có đang thành công dựa trên định nghĩa của mình hay không? Đó là lý do bạn cần xác định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Tại sao giá trị cốt lõi lại cần thiết cho sự thành công của doanh nghiệp?
Giá trị cốt lõi giúp hoạt động doanh nghiệp rõ ràng hơn
Một khi bạn xác định được giá trị cốt lõi của mình, bạn sẽ đưa ra mọi quyết định dựa trên những giá trị đó. Do đó, việc lựa chọn của bạn dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều.
Bạn sẽ không mất thời gian xem xét bất kỳ chiến lược kinh doanh nào không phù hợp với giá trị của bạn. Có nhiều con đường khác để thực hiện, vì vậy không cần thiết phải bỏ qua “chỉ dẫn đạo đức” của bạn. Biết được giá trị cốt lõi sẽ cho thấy nơi bạn nên đầu tư thời gian, tiền bạc và năng lượng để đạt được mục tiêu của mình.
Giá trị cốt lõi giúp thu hút quan hệ đối tác tốt hơn
Đối tác ở đây không chỉ là nhà cung ứng, nhà phân phối. Mà nó còn bao gồm khách hàng và đội ngũ nhân viên. Giá trị cốt lõi sẽ giúp bạn thu hút được các mối quan hệ đối tác, khách hàng và nhân viên tốt hơn.
Nhiều chủ doanh nghiệp đã và đang không trung thực với chính con người mình. Họ vẫn đang tiếp tục những mối quan hệ xung đột, rạn nứt với khách hàng và nhân viên một cách không cần thiết.
Khi bạn đưa ra quyết định dựa trên các giá trị của mình, việc bạn thu hút những người biết cách chia sẻ hoặc tôn trọng những nguyên tắc đó sẽ đến một cách rất tự nhiên. Ngược lại, nếu bạn đóng một vai trò không thực sự phù hợp với con người của bạn, các mối quan hệ cá nhân và công việc sẽ trở nên căng thẳng.
Giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp phát triển mà không phải hy sinh vấn đề đạo đức
Không ít chủ doanh nghiệp phải đối mặt với cảm giác kiệt sức, thất vọng, thậm chí có thể mất động lực để thức dậy vào buổi sáng và giám sát các hoạt động hàng ngày của mình. Điều đó làm mất đi mục đích điều hành doanh nghiệp của chính bạn.
Vì vậy, để luôn nhiệt tình, tràn đầy năng lượng và động lực, hãy tôn vinh các giá trị của bạn. Bạn sẽ không chỉ cảm thấy tốt hơn mà còn thấy được kết quả tốt hơn khi bạn luôn ở trạng thái tốt nhất.
Để các giá trị của bạn định hướng bạn trong mọi quyết định là điều cần thiết để đạt được thành công lâu dài và thực sự trong kinh doanh. Đừng để những áp lực về việc “công việc kinh doanh phải được thực hiện như thế nào” khiến bạn có những hành động khác thường. Không nhất thiết phải hy sinh các giá trị của bạn vì mục tiêu thành công.
Giá trị cốt lõi giúp nhận diện doanh nghiệp tốt hơn
Với mỗi giá trị cốt lõi, bạn sẽ giúp khách hàng hiểu được bạn đã làm gì, đang làm gì và sẽ tiếp tục theo đuổi giá trị nào trong tương lai. Từ đó xây dựng niềm tin, sự chia sẻ của họ.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có cần xác định giá trị cốt lõi không?
Gold, K.A. đã từng nói: “Phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực”. Vì thế, dù doanh nghiệp của bạn có nhỏ thế nào thì cũng cần xây dựng giá trị cốt lõi cho riêng mình. Bởi chính bạn cũng mong muốn doanh nghiệp của mình có môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Nơi mà sự tôn trọng, tính kỷ luật luôn được đưa lên hàng đầu, giúp mọi người duy trì thói quen tốt.
Một điều đáng mừng hơn cả là doanh nghiệp của bạn càng nhỏ, số lượng nhân viên không nhiều lại là cơ hội giúp bạn thực hiện, kiểm soát giá trị cốt lõi chặt chẽ, hiệu quả hơn. Vì thế, đừng ngần ngại bắt tay vào xây dựng giá trị cốt lõi cho công ty của bạn, ngay hôm nay.
3 nguyên tắc cần thực hiện khi xây dựng giá trị cốt lõi doanh nghiệp
Tôn trọng văn hóa ngầm định
Giá trị cốt lõi không phải một cách thức đánh bóng tên tuổi mà nó chính là các giá trị văn hóa sẽ đồng hành xuyên suốt hành trình phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, hãy chắc chắn rằng giá trị cốt lõi là những giá trị đã hòa nhập được trong văn hóa doanh nghiệp bạn. Các giá trị này phù hợp với giá trị chung để phát triển doanh nghiệp.
Chính bạn phải công nhận các giá trị hiện có thì mới có thể xây dựng được bộ giá trị cốt lõi phù hợp. Các giá trị cần có sự trung thực, chân thành thì mới gắn bó với doanh nghiệp được bền chặt, thống nhất.
Tập trung vào trọng tâm của doanh nghiệp
Giá trị cốt lõi cần sự độc đáo. Nhưng hơn hết nó cần dễ nhớ và đánh đúng vào trọng tâm của doanh nghiệp. Hơn hết, chúng cần có sự liên kết với nhau để phát huy được tác dụng khi bạn cần tìm kiếm định hướng cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
Lấy một ví dụ đơn giản, Facebook có 5 giá trị cốt lõi, bao gồm:
-
Táo bạo
-
Tập trung vào ảnh hưởng
-
Chuyển động nhanh
-
Cởi mở
-
Xây dựng các giá trị xã hội
Bộ 5 giá trị cốt lõi của Facebook đều là những giá trị trọng tâm và có tính liên kết với nhau. Nó thể hiện rõ tính chất của Facebook – một mạng xã hội công cộng, là nơi mọi người chia sẻ thông tin nhanh chóng, dễ dàng.
Đặt mục tiêu cho giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Hãy đặt ra mục tiêu nhất định cho mỗi một giá trị cốt lõi của bạn. Khi đó, tất cả các đối tác nhìn vào đều có thể quyết định được có hợp tác với doanh nghiệp của bạn hay không. Và chính bạn cũng sẽ đưa ra được những quyết định nhanh chóng khi nhìn vào giá trị cốt lõi của mình.
Cách xác định giá trị cốt lõi chính xác nhất cho doanh nghiệp
Trên thực tế, bạn không cần phải tự nghĩ ra giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp mà Core Values đã nằm ẩn khuất ngay trong thương hiệu của bạn. Việc bạn cần làm chỉ làm tìm ra chúng và đưa thành những tên gọi cho phù hợp.
Chúng tôi xin gợi ý 4 cách giúp bạn xác định được giá trị cốt lõi hiệu quả nhất.
Brainstorming
Đây là hoạt động tìm ra giải pháp thông qua hoạt động trao đổi, lấy ý kiến của tất cả đội ngũ trong doanh nghiệp. Có thể là đội ngũ cấp cao hoặc tất cả nhân viên. Brainstorming cực kỳ hiệu quả đối với việc tìm kiếm ra giá trị cốt lõi bởi chính đội ngũ nhân viên là người nhìn thấy rõ nhất những giá trị thực thụ của nội bộ doanh nghiệp.
Bạn hãy yêu cầu đội ngũ liệt kê ra 5 giá trị đại diện cho doanh nghiệp. Sau đó tiếp tục thảo luận để lựa chọn ra những giá trị cốt lõi, tiêu biểu nhất.
Nhìn lại những thất bại
Nhìn lại những thất bại sẽ giúp bạn nhận ra mình đang yếu ở điểm nào và cần làm gì để có thể cải thiện được sai sót đó. Chính lúc này, những giá trị cần thiết cho doanh nghiệp của bạn sẽ được khơi mở.
Tập trung vào mục tiêu của doanh nghiệp
Một cách rất đơn giản để tìm ra được giá trị cốt lõi đó là nhìn lại mục tiêu doanh nghiệp muốn đạt được. Ví dụ, bạn là công ty thiết kế nội thất, bạn muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm phù hợp mong muốn. Vậy giá trị cốt lõi của bạn cần có là gì để làm được điều này?
Tham khảo từ những thương hiệu yêu thích
Bạn có thể liệt kê những giá trị cốt lõi của những thương hiệu mà bạn yêu thích. Đặc biệt là những giá trị khiến thương hiệu đó nổi bật trên thị trường. Sau đó lập thành một dàn ý để có thể đối chiếu, so sánh với doanh nghiệp của mình. Từ đó lựa chọn những giá trị có thể áp dụng vào doanh nghiệp của bạn.
Một số lưu ý khi xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Mang tính điều hướng, dễ nhớ
Giá trị cốt lõi không chỉ sử dụng những câu từ đẹp đẽ, bay bổng như tiên phong, sáng tạo… Mà bạn cần làm cho những giá trị của mình mang tính điều hướng và dễ ghi nhớ. Không chỉ vậy, câu từ càng ngắn gọn, xúc tích càng tốt. Nó sẽ càng giúp bạn thu hút sự chú ý, sự phản hồi của khách hàng.
Mang tính độc nhất
Để nổi bật trong thị trường đầy sôi động như hiện nay thì việc có các giá trị mang tính độc nhất là vô cùng quan trọng. Vì thế, hãy cố gắng tận dụng brainstorm. Đội ngũ là nơi giúp bạn có nhiều ý tưởng hữu hiệu nhất.
Đánh thẳng trọng tâm
Hãy đảm bảo giá trị cốt lõi của bạn chứa thông điệp ngắn gọn, đánh thẳng trọng tâm. Từng câu từng chữ trong Core Values đều cần chứa ý nghĩa nhất định. Đừng sử dụng từ ngữ thừa thãi, uổng phí.
Ví dụ về 50 giá trị cốt lõi của 10 doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam
1. Giá trị cốt lõi của ActionCOACH – thương hiệu chuyên huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu thế giới
Cam kết
Làm chủ
Chính trực
2. Giá trị cốt lõi của Apple
Khả năng tiếp cận
Giáo dục
Môi trường
Sự hòa nhập và sự đa dạng
Riêng tư
Trách nhiệm của nhà cung cấp
3. Giá trị cốt lõi của Volkswagen
Chính hãng
Can đảm
Hướng đến khách hàng
Có hiệu quả
Trách nhiệm
Cùng với nhau
4. Giá trị cốt lõi của Microsoft
Sự đổi mới
Đa dạng và Hòa nhập
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
Từ thiện
Môi trường
Máy tính đáng tin cậy
5. Giá trị cốt lõi của Netflix
Giao tiếp
Sự tò mò
Lòng can đảm
Niềm đam mê
Vị tha
Sự đổi mới
Chính trực
6. Giá trị cốt lõi của Vinamilk
Chính trực
Công bằng
Đạo đức
Tuân thủ
7. Giá trị cốt lõi của PNJ
Chính trực
Trách nhiệm
Chất lượng
Đổi mới
Gắn kết
8. Giá trị cốt lõi của FPT
Chất lượng
Tin cậy
Thân thiện
Chăm sóc
9. Giá trị cốt lõi của Vietcombank
Sáng tạo
Phát triển không ngừng
Chu đáo – Tận tâm
Kết nối rộng khắp
Khác biệt
An toàn, bảo mật
10. Giá trị cốt lõi của Hoa Sen Group
Trung thực
Cộng đồng
Phát triển
Lời kết
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chính là kim chỉ nam, giúp doanh nghiệp đi đúng hướng và đưa ra các quyết định, hành động phù hợp với mục tiêu. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xác định giá trị cốt lõi, hãy thử suy nghĩ về 2 câu hỏi sau:
-
Bạn hay đội ngũ tin tưởng vào điều gì?
-
Niềm tin đó được thể hiện bằng những hành động nào?
Chúc bạn xây dựng được các giá trị cốt lõi phù hợp cho doanh nghiệp của mình!