Gia tăng lừa đảo từ đánh cắp thông tin cá nhân

Hiện tượng này ngày càng trở nên nghiêm trọng nhưng phía cơ quan quản lý vẫn chưa mạnh tay xử lý.

Mua bán dữ liệu cá nhân như rau

Anh Quang Tùng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhận cuộc gọi điện thoại của một người đàn ông phân trần đến giao 5 lít mật ong cho anh Thắng (công an khu vực) mà anh này đi vắng nên hỏi anh Tùng có ở nhà không để mang sang nhờ anh nhận giúp. Kèm theo đó là “Anh Tùng chuẩn bị giúp em 500.000 đồng/lít (tổng cộng là 2,5 triệu đồng/5 lít) thanh toán, khi nào anh Thắng đến lấy mật ong sẽ trả tiền lại”. Người bán mật ong này liên tục nhấn mạnh “anh công an khu vực” để Tùng nhận mật ong, trả tiền. Biết chiêu lừa đảo “bán mật ong lấy tiền”, anh Tùng trước khi tắt máy đã mắng kẻ gian nhưng không phải ai cũng cảnh giác như vậy. Đây là hậu quả của việc thông tin cá nhân bị lộ (tên tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại…), rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Ngọc Thắng

Vào Facebook có rất nhiều diễn đàn mua bán dữ liệu thông tin (data) cá nhân. Thử vào trang Facebook Chợ mua bán data chất lượng toàn quốc, các bài viết dày đặc hỏi mua bán thông tin như: “Mình có CMND mặt trước + ảnh chụp cầm tay. Lâu dài, ai cần ib”, “Mình cần mua data mặt hàng mẹ và bé, thực phẩm chức năng”, “Mình cần mua data xương khớp, tiểu đường. Ai có nguồn data chất lượng và số lượng ib cho em làm ăn lâu dài nhé”… Một số thông tin được quảng cáo cung cấp data của “gần 40 ngành nghề doanh nghiệp toàn quốc, trên 10.000 data công ty, hơn 400 data doanh nghiệp mỗi ngày, lọc theo yêu cầu riêng của khách hàng” và đi kèm đó là danh sách các hộ kinh doanh, cá nhân… Các data được rao bán như rau trên các chợ và được mua đi bán lại nhiều vòng với người mua khác nhau.

Khi gõ từ khóa “Mua lại chứng minh nhân dân” trên trang tìm kiếm Google, kết quả xuất hiện hơn 188 triệu thông tin liên quan. Trong đó, có nhiều dịch vụ làm căn cước công dân (CCCD) giả chạy quảng cáo công khai. Lời rao của các dịch vụ này đều cho biết thời gian làm nhanh chóng, khách hàng không cần đặt cọc và thậm chí khẳng định là phôi gốc, mộc nổi chìm, mộc đỏ gốc thật 100%, bao soi rọi; bảo hành 6 tháng, bao đi xin việc và làm các thủ tục hành chính pháp lý khác đều được…

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an), thời gian qua, hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, CCCD, CMND của người dân diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh CCCD, CMND (có thể trả cho người dân từ 100.000 – 300.000 đồng trên mỗi CCCD, CMND được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân. Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng bán thông tin cho đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật.

Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xử lý

Là nạn nhân bị những cuộc gọi rác điện đến không quảng cáo thì cũng là lừa đảo, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, bức xúc: Do cuộc gọi rác quá nhiều, nên ông không nghe điện thoại số lạ thì chúng còn nhắn tin mắng. Thực trạng về lộ thông tin cá nhân, rao bán tràn lan trên mạng theo vị luật sư này đã xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng đến nay quá nhức nhối. Nó không những quấy rầy người dân mà còn tiếp tay cho các hình thức lừa đảo. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, đó là pháp luật chưa rõ ràng, việc thực thi chế tài của cơ quan chức năng chưa được mạnh mẽ, không những vậy còn thiếu công cụ, giải pháp. Người dân bị “khủng bố” điện thoại suốt ngày đêm, nhiều cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo bất chấp giờ giấc, cứ đeo bám.

Cục Cảnh sát hình sự (C02) khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD, CMND hoặc tài khoản ngân hàng. Đồng thời không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội cũng như cung cấp thông tin cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

“Dân kêu hoài mà có thấy cơ quan nào giải quyết đâu, dẫn đến tình trạng quấy nhiễu, lừa đảo càng nhiều hơn. Hiện nay các quy định về việc sim điện thoại khá nghiêm, việc mở tài khoản ngân hàng không phải dễ, cũng đòi hỏi các thủ tục. Thế nhưng xem ra những quy định này chỉ làm khó người ngay, chứ kẻ gian lừa đảo vẫn có thể lọt và ngày càng trầm trọng hơn thì cũng nên xem lại quy định”, luật sư Đức nói và dẫn chứng: Chẳng hạn, những người bị lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng kỳ vọng sẽ tìm được chủ tài khoản đó vì ngân hàng định danh khá nghiêm qua giấy tờ, thủ tục. Đồng thời, có được số điện thoại có thể truy ra được chủ số sim. Thế nhưng, không những sim rác mà cả tài khoản ngân hàng cũng rác thì việc truy vết tìm ra kẻ lừa đảo sẽ mất thời gian hơn nhiều. “Nếu cơ quan chức năng vào cuộc truy vết, làm thì ra ngay nhưng sức đâu mà làm khi không có công cụ hỗ trợ. Do đó, Bộ TT-TT cần xử phạt mạnh các nhà mạng để xảy ra tình trạng sim rác; Ngân hàng Nhà nước xử phạt mạnh các ngân hàng thương mại để xảy ra tình trạng tài khoản rác. Có như vậy thì mới không bị kẻ gian lợi dụng sử dụng sim, điện thoại đi lừa đảo”, ông Đức cho hay.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, bộ luật Hình sự quy định, ngoài phạt tiền còn bị xử phạt tù từ 1 – 5 năm cho hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để lừa đảo. Tuy nhiên các đối tượng lừa đảo thay đổi nội dung thường xuyên, nhất là đề cập những thông tin thời sự nên vẫn có nạn nhân bị lừa. Vì vậy để ngăn chặn các vụ lừa đảo, ngoài việc người dân cần nâng cao cảnh giác thì nên hợp tác với cơ quan công an. Nếu bị lừa thì nên cảnh báo cho người thân, bạn bè, đồng thời tố giác qua đường dây nóng của nhiều đơn vị. Trong trường hợp đã bị mất tiền có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an gần nhất. Đó là chứng cứ để cơ quan chức năng có thể điều tra, ngăn chặn các vụ lừa đảo. Bởi nếu nhiều người ngần ngại, không tố giác tội phạm thì những kẻ lừa đảo càng tiếp tục hành vi này với nhiều người khác.