Giá rau củ tại Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Satrafoods… chênh lệch thế nào?

Giá rau củ tại các siêu thị chênh lệch thế nào?

Giá rau củ quả tại các siêu thị TP.HCM trong tuần qua được nhiều người dân quan tâm, vì đây là kênh phân phối thực phẩm chính tại TP trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo khảo sát, giá rau củ quả phổ biến như bắp cải, cà chua, dưa leo, cải xanh… hiện có sự chênh lệch giữa các hệ thống siêu thị, ít nhất khoảng vài nghìn đồng mỗi kg. Tuy nhiên, cũng có loại chênh lệch khá nhiều, lên hơn 10.000 đồng mỗi kg.

Giá rau củ tại các siêu thị TP.HCM chênh lệch thế nào? - Ảnh 1.

Siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chiều 18/7 không đông khách, rau củ quả các loại còn khá dồi dào. Ảnh: Hồng Phúc.

Đơn cử, bắp cải trắng tại Bách Hóa Xanh bán với giá 28.000 đồng/kg, trong khi Satrafoods và Co.opmart là 16.500 đồng/kg.

Khổ qua tại Bách Hóa Xanh đang được bán với giá 45.000 đồng/kg trong khi Co.opmart 30.500 đồng/kg, Satrafoods 33.000 đồng/kg. Dù vậy, khổ qua cũng được nhiều người cho biết rất khó mua vài ngày cuối tuần. Trưa 18/7, các siêu thị Bách Hóa Xanh, Co.opmart khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận gần như hết hàng.

Tuy nhiên, ở nhóm rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt, cải thìa), dưa leo, giá bán tại Bách Hóa Xanh đang thấp hơn khoảng vài nghìn đồng mỗi kg so với Co.opmart, Satrafoods.

Cụ thể, ghi nhận của Dân Việt trưa ngày 18/7:

Tại Bách Hóa Xanh: Dưa leo 33.000 đồng/kg, cải xanh 30.000 đồng/kg, cải ngọt 30.000 đồng/kg.

Tại Satrafoods: Dưa leo 32.000 đồng/kg, cải xanh 35.000 đồng/kg, cải ngọt 35.000 đồng/kg, cải thìa 41.500 đồng/kg.

Tại siêu thị Co.opmart: Dưa leo 36.900 đồng/kg, cải xanh 32.000 đồng/kg, cải ngọt 31.000 đồng/kg, cải thìa 39.000 đồng/kg.

Siêu thị nói gì về giá bán?

Dù có sự chênh lệch nhưng so với các điểm bán bên ngoài (như chợ, cửa hàng), giá bán của các siêu thị hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg. 

Cụ thể, giá bán lẻ cải xanh, cải ngọt, bắp cải tại chợ, hộ gia đình kinh doanh rau củ hiện ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg; cà chua, dưa leo 40.000 – 45.000 đồng/kg; khoai tây, khổ qua 60.000 đồng/kg, thậm chí hành lá lên gần 100.000 đồng/kg. Dù có giá đắt đỏ nhưng không phải lúc nào khổ qua, hành lá cũng còn hàng.

Bà Thanh Loan (quận Phú Nhuận) cho hay đi siêu thị lúc này phải “lên lịch” chứ không phải sáng ra cứ muốn đi là đi như trước. “Lên lịch tức là muốn khi nào đi, sáng ra siêu thị lấy phiếu hẹn, đúng giờ tới để được vào ngay, khỏi phải chờ đợi. Có khó khăn một chút, nhưng rau cải nhiều, giá rẻ hơn so với bên ngoài cả 10.000 – 15.000đ/kg, tiết kiệm không ít”, bà nói.

Giá rau củ tại các siêu thị TP.HCM chênh lệch thế nào? - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bách Hóa Xanh cho rằng việc tăng giá một số mặt hàng là vì lý do khách quan. Ảnh: Hồng Phúc.

Đại diện Saigon Co.op – doanh nghiệp sở hữu hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… nhận định, dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng đơn vị này vẫn quyết không tăng giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân.

“Trên thực tế, giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ sự điều chỉnh nào từ trước giãn cách cho đến nay dù giá các các mặt hàng này trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần”, đại diện Saigon Co.op nói với Dân Việt và cho biết việc giữ, giảm giá hàng hiện nay là nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân.

Theo Satra, hiện hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống vẫn đảm bảo cung ứng cho người tiêu dùng với giá cả ổn định nhờ đàm phán với các nhà cung cấp, tìm kiếm thêm nhà cung cấp mới và có các hợp đồng gối đầu, để giải quyết câu chuyện nguồn cung.

Đại diện Central Retail – chủ hệ thống siêu thị Big C, Go! và Tops Market cũng khẳng định đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo đầy đủ nguồn hàng, đặc biệt là hàng tươi sống. Big C cũng đồng hành cùng TP.HCM và người dân trong công tác bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu nên quyết định giữ vững bình ổn giá, không tăng.

Còn Bách Hóa Xanh, dù bị nhiều người tiêu dùng phản ánh về việc có hiện tượng tăng giá, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc tăng giá một số mặt hàng là vì lý do khách quan. Nguyên nhân là hàng hóa đã tăng giá từ phía nhà cung cấp do chi phí vận chuyển tăng, nhân công tăng, tỷ lệ hàng hư hỏng do thời gian di chuyển kéo dài, chi phí cho tài xế.

Theo doanh nghiệp, chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định nhưng vẫn bảo toàn tính hài hoà giữa lợi ích người tiêu dùng và việc vận hành hàng nghìn cửa hàng bán lẻ hiện có.