Gia công là gì? Hàng gia công là gì? Công ty gia công là gì?

Gia công là gì? Hàng gia công là gì? Công ty gia công là gì? Luật Minh Khuê sẽ giải đáp những câu hỏi trên trong bài viết sau đây.

1. Gia công là gì?

Theo quy định tại Điều 178 Luật Thương mại 2005, định nghĩa “Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.”

Như vậy, cụ thể, gia công là hoạt động mà bên nhận gia công thực hiện một hoặc nhiều công đoạn để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công. Đây là hoạt động dựa trên hợp đồng giữa hai bên, trong đó quy định yêu cầu đối với hàng hóa được gia công, thời gian gia công, thù lao cho hoạt động gia công và một số vấn đề khác.

Ta có thể phân loại các loại hình gia công trong thương mại căn cứ vào một số tiêu chí như sau:

– Căn cứ vào phạm vi thị trường:

+ Gia công cho thị trường trong nước.

+ Gia công để xuất khẩu.

– Căn cứ vào mức cung cấp nguyên liệu:

+ Gia công mà bên đặt gia công giao toàn bộ nguyên liệu thô cho bên nhận gia công.

+ Gia công mà bên đặt gia công không chuyển vật liệu cho bên nhận gia công. Bên nhận gia công phải tự chuẩn bị nguyên liệu thô để sản xuất, và người thuê gia công trả tiền nguyên liệu cùng với công gia công .

+ Gia công mà bên nhận gia công chỉ được cung cấp nguyên liệu chính theo tiêu chuẩn và bên nhận gia công có thể tự khai thác nguyên phụ liệu nhằm đảm bảo theo yêu cầu

– Căn cứ vào các giai đoạn của quá trình sản xuất:

+ Gia công sản xuất chế biến

+ Gia công tháo dỡ,lắp ráp, phá dỡ

+ Gia công tái chế

+ Gia công chọn lọc, làm sạch, làm mới, phân loại

+ Gia công đóng gói, kẻ mã ký hiệu

+ Gia công pha chế…

 

2. Hàng gia công là gì?

Sản phẩm mới được sản xuất thương mại theo hợp đồng gia công được gọi là hàng gia công. Tất cả hàng hóa đều có thể được gia công, ngoại trừ các mặt hàng bị cấm thương mại. Hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thuộc diện cấm kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu được cơ quan nhà nước cho phép thì có thể nhận gia công.

Theo quy định tại Điều 180 Luật Thương mại 2005, hàng hóa gia công phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Hàng hóa gia công không thuộc các loại hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh như: Các chất ma túy; các loại hóa chất khoáng vật; mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên… theo quy định.

– Hàng hóa gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất nhập khẩu chỉ có thể được gia công khi gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép như: Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; Các sản phẩm mật mã được dùng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước; Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước;…..

Các mặt hàng cấm nhập khẩu như: các loại hàng đã qua sử dụng bao gồm: Hàng dệt may, giày dép, quần áo; Hàng điện tử; Hàng điện lạnh;…

Gia công sản phẩm không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp gia công mà còn có những lợi ích nhất định đối với nền kinh tế và doanh nghiệp. Cụ thể, việc gia công có các lợi ích sau:

– Giúp công ty học hỏi, tiếp cận công nghệ mới, tiến bộ khoa học để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

– Tận dụng cơ sở sản xuất, máy móc, thiết bị, nhà xưởng và nguyên liệu sẵn có, giúp doanh nghiệp tận dụng “thương hiệu” và kênh phân phối hàng gia công trong và ngoài nước, tăng tỷ trọng hàng hóa sản xuất trực tiếp, hàng xuất khẩu.

– Giảm thất nghiệp và tăng thu nhập của người dân. Hoạt động gia công cũng giúp giảm chi phí thuê mướn và tăng lợi nhuận doanh nghiệp do chúng thu hút một phần lớn lao động phổ thông giá rẻ.

– Thu hút vốn và công nghệ của nước ngoài để gia công.

 

3. Công ty gia công là gì?

Công ty gia công là các công ty chuyên nhận gia công, thực hiện các công việc theo yêu cầu của bên đặt gia công nhằm tạo ra sản phẩm.

Trong các hợp đồng gia công, công ty gia công chính là bên nhận gia công.

 

4. Hợp đồng gia công

Theo quy định tại Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên nhận gia công sẽ thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công. Bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

Đối tượng của hợp đồng gia công là các vật được xác định theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Ví dụ như: Hợp đồng gia công quần áo, giày dép; Hợp đồng gia công gồ gốm, sứ; Hợp đồng gia công cơ khí,…

Hợp đồng gia công có các đặc điểm pháp lý sau:

Hợp đồng gia công là hợp đồng song vụ: Bên gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công phải chuyển cho mình vật liệu đạt tiêu chuẩn về chất lượng, chủng loại, tính đồng bộ và số lượng cùng vật mẫu, bản vẽ để chế tạo. Bên gia công yêu cầu bên đặt gia công nhận tài sản mới do chính mình tạo ra và trả tiền công như đã thỏa thuận

Bên nhận gia công có quyền yêu cầu bên thuê gia công cung cấp nguyên vật liệu đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chủng loại, đồng đều, số lượng cũng như mẫu, bản vẽ để sản xuất. Người gia công yêu cầu bên thuê gia công nhận các sản phẩm mới do nhà gia công làm ra và trả thù lao đã thỏa thuận.

Hợp đồng gia công là hợp đồng có đền bù: Số tiền mà bên thuê gia công phải trả cho bên nhận gia công là tiền công. Khoản thù lao này là khoản thù lao mà hai bên đã thỏa thuận trong Điều khoản chung.

Hợp đồng gia công có kết quả được vật thể hóa: Đối tượng được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn đã thỏa thuận giữa các bên hoặc xác lập trước theo quy định của pháp luật. Mẫu hoặc tiêu chuẩn vật gia công chỉ được hiện thực hóa (vật chất hóa hoặc trở thành hàng hóa) sau khi bên nhận gia công đã hoàn thành thao tác gia công.

Theo đó, quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công là:

– Giao một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu gia công theo đúng hợp đồng gia công hoặc giao tiền để mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thỏa thuận.

– Nhận lại toàn bộ tài sản gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.

– Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hang hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.

Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công là:

– Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thoả thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá.

– Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác.

 – Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.

– Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế.

– Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hoá trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Như vậy, Luật Minh Khuê vừa giải đáp với bạn đọc một số vấn đề về Gia công là gì? Hàng gia công là gì? Công ty gia công là gì? Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến pháp luật, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6162 để được đội ngũ Luật sư tư vấn miễn phí. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!