Giá bình quân xuất khẩu cao su giảm, ảnh hưởng ra sao đến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành?

Diễn biến kém tích cực của giá xuất khẩu cao su bình quân đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp trong ngành. 

Giá bình quân xuất khẩu cao su giảm ảnh hưởng ra sao đến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng hơn 1% về trị giá so với năm 2021. Đây là năm ghi nhận xuất khẩu cao su cao nhất trong 5 năm gần đây về cả lượng và giá trị.

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 ở mức 1.546 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.   

Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1,6 triệu tấn, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 4,3% về trị giá so với năm 2021; giá xuất khẩu bình quân tới thị trường này đạt 1.490 USD/tấn, giảm 9% so với năm 2021.

Diễn biến kém tích cực của giá xuất khẩu cao su bình quân đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp trong ngành. 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.013 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 1.311 tỷ đồng, giảm 27%.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc GVR, cho biết giá bán mủ cao su trong quý IV/2022 giảm khá sâu so giá bán bình quân trong năm do không có thông tin tích cực về thị trường tiêu thụ. Giá giảm sâu khiến cho giá bán mủ cao su của GVR trong năm qua chỉ đạt bình quân 37 triệu đồng/tấn, giảm tới 2,6 triệu đồng/tấn so với giá bình quân trong năm 2021. 

Công ty CP Cao su Đồng Phú (Mã: DRP) ghi nhận lãi sau thuế quý IV chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần giảm 20%, giảm mạnh thứ hai sau Công ty CP Cao su Bà Rịa (Mã: BRR) với mức giảm 25%.

Công ty CP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) và Công ty CP Cao su Đắk Lắk cùng ghi nhận doanh thu giảm 13% nhưng lợi nhuận sau thuế của cao su Phước Hòa lại tăng 150% so với cùng kỳ, trong khi Cao su Đắk Lắk giảm đến 52%.

Nguyên nhân trong quý IV, Cao su Phước Hòa có phát sinh khoản thu nhập gần 409 tỷ đồng từ bàn giao đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt nam – Singapore III (VSIP III) theo các quyết định của UBND thị xã Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).   

Với Công ty CP Cao su Tân Biên (Mã: RTB), mặc dù doanh thu chỉ giảm 5% so với cùng kỳ về mức 235,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới hơn 51% về còn 40,7 tỷ.

Phía công ty cho biết, nguyên nhân dẫn đến lãi ròng quý IV/2022 giảm là do giá bán cao su thấp hơn cùng kỳ hơn 2 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, giá tăng tiêu thụ tăng do giá trị hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần để thực hiện nên công ty bất ngờ xuất hiện khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho hàng chục tỷ. 

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), trong năm 2023, dự báo việc tiêu thụ và xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam sẽ tốt hơn khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19 và mở cửa biên giới từ tháng 1/2023, có thể cải thiện sự phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng nhanh nhu cầu cao su”, đại diện VRA dự báo. 

Về diễn biến giá, VRA cho rằng trong năm 2023, giá cao su thiên nhiên vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố cơ bản cung-cầu và tâm lý chung trên thị trường chịu tác động chủ yếu từ diễn biến kinh tế toàn cầu, bao gồm tình hình đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, hồi kết của cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng có tiếp tục leo thang và lạm phát sẽ còn tăng cao, cũng như việc các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
 

Hà Yên (t/h)