Gặp lại nhạc sỹ ‘Con đường màu xanh’ Trịnh Nam Sơn
TPO – Vẫn giọng hát ấm áp, vẫn cách nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn, vẫn vẻ ngoài manly, có điều, Trịnh Nam Sơn không hát “Người yêu ơi vẫy tay biệt ly/Anh cô đơn trên con đường dài” trong lần tái xuất mùa dịch, mà giới thiệu một số sáng tác khác và tâm tình chút ít về cuộc sống ngoài âm nhạc.
Ngoài “Con đường màu xanh”, Trịnh Nam Sơn còn có nhiều sáng tác được khán giả yêu thích, thí dụ bài “Nuối tiếc”, Trịnh Nam Sơn từng song ca với một số giọng ca nữ nổi tiếng như Ái Vân, Phương Thanh: “Mình xa nhau mà lòng cứ ngỡ/Chuyện chia tay tựa một cơn mơ/Lòng xôn xao bàng hoàng nuối tiếc/Cuộc tình tan, đời mình như thơ”.
Nhạc sỹ, ca sỹ Trịnh Nam Sơn (Ảnh: Internet)
Lần tái xuất mùa dịch qua chương trình “Music Box” của Thúy Nga, Trịnh Nam Sơn “cặp” cùng danh ca Ý Lan, một giọng ca gắn bó với nhạc của anh. Cùng với Ý Lan, Trịnh Nam Sơn trình bày 7 nhạc phẩm cũ và mới của mình : “Nuối tiếc”; “Rồi sẽ một ngày”; “Con tim thật thà”; “Đợi bước anh về”; Tìm lại đêm qua” và một bài tiếng Pháp, do bà xã của anh, Giáng Tiên, viết lời, anh viết nhạc.
Trịnh Nam Sơn, Ý Lan (Ảnh: Chụp từ Music Box)
Trịnh Nam Sơn khá kiệm lời trong lần tái xuất. Anh chia sẻ: “Tôi muốn nói, muốn nói nhiều, nhưng có lẽ tôi nên hát hơn nói. Mỗi lần tôi nói phải suy nghĩ nhiều vì nhiều kỷ niệm quay trở lại. Tôi xin được gửi gắm bằng câu hát, bản nhạc, để nói hộ lòng tôi”. Những sáng tác mới của Trịnh Nam Sơn vẫn là những tình khúc yêu đương: “Rồi mai sẽ một ngày/Dần trôi như mọi ngày/Rồi khi thấy nụ cười/Bỗng nhớ đến một người/Rồi mai sẽ một ngày/Dần trôi như mọi ngày/Rồi khi thấy một người/Bỗng nhớ đến nụ cười” (Rồi sẽ một ngày). Nhạc phẩm “Tìm lại đêm qua” cũng là tìm lại dĩ vãng cuộc tình với giọt nước mắt của người thương năm nao: “Tìm lại đêm qua những ái ân còn lưu luyến/Tìm lại dĩ vãng nhớ thương người triền miên/Giọt nước mắt em giữ cho đời lãng quên/Giữ cho tình ta trái ngang ưu phiền”.
Trịnh Nam Sơn tái xuất mùa dịch (Ảnh: Chụp từ Music Box)
Trịnh Nam Sơn vừa hát, vừa chơi nhạc cụ. Khi anh hát “Con tim thật thà” (“Em yêu kiều hãy đến với ta dù đã xa lìa/Đắm say này, trái tim này, còn nồng ấm trong yêu thương…”), ca sỹ kiêm người dẫn chuyện Ý Lan phải khen, giọng của Trịnh Nam Sơn tốt quá, ở tuổi ngoài 60 tìm làn hơi dài hơi khó. Một trong những bài luyện tập giúp làn hơi của Trịnh Nam Sơn khỏe khoắn là do anh thổi kèn bao năm nay.
Tác giả “Con đường màu xanh” và chiếc kèn quen thuộc mỗi khi anh biểu diễn (Ảnh: Chụp từ Music Box)
Dù tác giả “Con đường màu xanh” vắng bóng trên sân khấu Thúy Nga, do anh bận rộn, song Trịnh Nam Sơn cho biết, anh chưa bao giờ lãng quên âm nhạc: “Ngành nhạc là nghiệp không bỏ được, lúc nào cũng sáng tác, ngày nào cũng làm hoài”, anh nói. Gia tài ca khúc của Trịnh Nam Sơn khá giàu có, những gì khán giả biết chỉ là lượng nhỏ, “tôi gửi hết trong “ngân hàng” tủ sắt, tiêu dần. Tôi sáng tác nhiều lắm”. Ngoài mảng ca khúc, Trịnh Nam Sơn còn mê viết nhạc phim, đó là niềm đam mê từ thời anh còn trai trẻ. Không chỉ gắn bó với âm nhạc, trong cuộc sống đời thường, Trịnh Nam Sơn trải qua nhiều nghề khác nhau. Có những nghề không dính dáng âm nhạc nhưng lại “yểm trợ” cho âm nhạc. Trong lần hội ngộ khán giả mùa dịch, anh tiết lộ: “Tôi làm nghề địa ốc” .
Ý Lan nói với Trịnh Nam Sơn: “Nếu biết anh làm địa ốc thì đã nhờ anh. Vì em đang muốn mua căn nhà nho nhỏ, ấm cúng. Lúc trước em có 6 đứa con, giờ tụi nó dọn ra riêng, nhà có 6 phòng ngủ quá bao la với em. Em phải bán nó đi rồi, lại muốn mua căn nhà ấm cúng vừa đủ 2 quả tim vàng”. Chị nói vui, nếu sau dịch chị đi hát được nhiều tiền, đủ mua căn nhà nho nhỏ nữa, sẽ nhờ Trịnh Nam Sơn vì Trịnh Nam Sơn thẩm mỹ cao, ắt sẽ tìm được một ngôi nhà vừa ý Ý Lan.
Ý Lan là một trong những người đàn bà không tuổi của làng giải trí Việt (Ảnh: Chụp từ Music Box)
Nhạc sỹ Trịnh Nam Sơn cho biết: Ban đầu anh làm thẩm định nhà. Sau đó, anh quay trở lại làm địa ốc, gồm mua bán nhà cửa, đầu tư, cố vấn đầu tư… Lý do cha đẻ “Con đường màu xanh” chọn ngành địa ốc, cũng chẳng qua vì ngành này cho anh nhiều thời gian để làm nhạc. Anh thấy nhiều nghệ sỹ cũng đi vào ngành địa ốc, vừa đáp ứng nhu cầu mưu sinh, vừa được tư do để theo đuổi đam mê nghệ thuật.