Gặp gỡ quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới

Ở cuộc thi tầm cỡ này, Lê Ngọc Hà Thu (Hà Nội) vượt qua các thí sinh từ 48 quốc gia, lãnh thổ để giành ngôi vị cao nhất, hạng mục thời trang nam. Cô gái Việt mang đến Redress Design Award 2020 bộ sưu tập ứng dụng kỹ thuật làm mẫu rập hạn chế lãng phí, chất liệu tái chế và tái cấu trúc.

Thông điệp của bộ sưu tập giúp Hà Thu đăng quang cũng là mong mỏi suốt hành trình hơn 7 năm theo đuổi thời trang bền vững: Người tiêu dùng chúng ta hãy sống chậm hơn, quan tâm hơn tới sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Gặp gỡ quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới - 1Nhà thiết kế Lê Ngọc Hà Thu.

Trước đó, cô gái sinh năm 1997 từng giành học bổng Nhà thiết kế (NTK) Trẻ của Học viện Thiết kế & Thời Trang London; Top 5 bộ sưu tập tốt nghiệp năm 2018 được tham dự Vietnam International Fashion Week.

Sắp tới, Hà Thu sẽ cộng tác với đội ngũ thiết kế toàn cầu của thương hiệu Timberland trong bộ sưu tập thời trang ra mắt đầu năm 2022.

Redress Design Award là cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới, được tổ chức bởi tổ chức phi chính phủ Redress. Giải thưởng dành cho Quán quân mảng Thời trang nam là cơ hội gia nhập VF Corporation – một trong những tập đoàn may mặc và phụ kiện lớn nhất thế giới, sở hữu các thương hiệu Vans, The North Face, Timberland, Dickies. Ngoài Hà Thu, chiến thắng ở hạng mục thời trang nữ là Juliana Garcia Bello đến từ Argentina.

Có điều gì ở thời trang bền vững thu hút cô gái trẻ đến vậy và đâu là bí quyết giúp Hà Thu giành giải cao nhất tại cuộc thi tầm cỡ thế giới, cùng PV Dân trí tìm hiểu!

Phóng viên: Tại sao em quyết định theo đuổi ngành Thiết kế Thời trang? Khi bước chân trải nghiệm con đường thời trang, em có bao giờ “vỡ mộng”?

NTK Lê Ngọc Hà Thu: Em đã có 7 năm trung thành theo đuổi thời trang bền vững.

Khi học cấp 3, Thu là thành viên Lamode – câu lạc bộ thời trang cho học sinh Hà Nội, bên cạnh việc tham gia các hoạt động tình nguyện về môi trường. Điều này dẫn tới việc em bắt đầu tìm hiểu về các tác động sâu rộng của nền công nghiệp may mặc tới xã hội & môi trường.

Thu đã khá sốc khi biết được sự thật đây là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng với lượng lớn thuốc nhuộm, hóa chất, rác thải, và có nhiều bê bối vi phạm quyền con người như sử dụng lao động trẻ em.

Quan trọng hơn, Thu nhận ra rằng Việt Nam – vốn là một trong 5 nước gia công ngành may hàng đầu thế giới, rất có thể sẽ gặp phải các thảm kịch tương tự như Trung Quốc & Bangladesh.

Việt Nam sẽ không mắc lại sai lầm của các quốc gia đi trước nếu phát triển công nghiệp thời trang bền vững. Vì vậy, em hi vọng bản thân có thể góp phần đổi mới ngành công nghiệp thời trang đất nước với tư cách là người làm nghề.

Gặp gỡ quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới - 2

Hà Thu (trái) bên cạnh mẫu thiết kế của mình.

– Ngoài học tập, em thể hiện đam mê thời trang qua hoạt động ngoại khoá nào không?

Từ năm 2018 đến nay, khi có thời gian rảnh em thường viết blog chia sẻ kiến thức về thời trang bền vững qua Facebook page Vandalism in Vogue. Từ đây em cũng tổ chức hoặc cộng tác tổ chức một số hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức về chủ đề này, như chiếu phim tài liệu, thảo luận chuyên đề, workshop may vá, sự kiện đổi đồ v.v.

Cuối tháng 9 năm nay em rất vinh dự được tổ chức miễn phí một workshop như vậy cho nhân viên một tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, gồm các trẻ đường phố, trẻ khuyết tật, và các nạn nhân của nạn buôn bán người.

Gặp gỡ quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới - 3Thiết kế của thí sinh Lê Ngọc Hà Thu sử dụng kỹ thuật làm mẫu rập hạn chế lãng phí, chất liệu tái chế và tái cấu trúc.

– Được biết, ngoài việc là một NTK độc lập, em vẫn tham gia giảng dạy? Em có thể chia sẻ công việc hiện tại của mình?

Hiện em là nhà thiết kế thời trang bền vững kiêm trợ giảng tại Học viện Thời trang London – LCDF, nơi em đã tốt nghiệp. Điều này là để em luôn giữ mình có một chân trong môi trường sư phạm, tạo cơ hội cho bản thân tiếp tục nghiên cứu học thuật và cập nhật kiến thức mới.

Thứ hai là em có cơ hội cùng các giảng viên trong trường khuyến khích giúp đỡ các sinh viên tìm hiểu thử nghiệm với thời trang bền vững. Em đã thấy kết quả khả quan là một số bạn sinh viên trong trường thực sự có dự định theo đuổi mảng này.

Gặp gỡ quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới

– Cơ duyên nào đưa em đến cuộc thi Redress Design Award 2020? Em đã chuẩn bị bao lâu cho cuộc thi này?

Lần đầu tiên em nghe về cuộc thi này là khi còn theo học năm hai đại học. Lúc ấy, em đang thiết kế bộ sưu tập có nhiều yếu tố bền vững. Giảng viên của em từng làm việc nhiều năm tại Hồng Kông. Bà có một người bạn công tác tại iệp hội phi lợi nhuận Redress, đơn vị tổ chức cuộc thi, và bà đã giới thiệu em đến với cuộc thi này.

Nhưng lúc ấy, em không tham gia vì nghĩ mình chưa đủ kinh nghiệm. Trong suốt hai năm sau đó, em tiếp tục trau dồi kiến thức về triết lý thiết kế bền vững, cách cắt sản phẩm zero waste (tạm dịch: không phí phạm), cũng như những cách áp dụng nó vào sản phẩm thực tế.

Sau hai năm chuẩn bị thì năm nay, em quyết tâm ghi danh tại hạng mục thời trang nam.

Gặp gỡ quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới - 5Mẫu thiết kế trong bộ sưu tập giành chiến thắng trong cuộc thi Redress Design Award 2020 của Lê Ngọc Hà Thu.

– Cảm hứng của bộ sưu tập giúp em giành ngôi vị cao nhất ở cuộc thi mà bản thân mơ ước bắt nguồn từ đâu?

Em bắt đầu lên ý tưởng về những cách tiếp cận đối tượng là khách hàng nam. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, Thu thấy rằng nam giới có thái độ về thời trang khá cực đoan – hoặc là không quan tâm, hoặc cực kì đam mê đầu tư. Chưa kể tới hình ảnh “sống xanh” thường hay được liên hệ với nữ giới, đặc biệt là các bà nội trợ.

Thu quyết định nghiên cứu một số thương hiệu quần áo phụ kiện thể thao – như Timberland, Patagonia, Nike, và thấy rằng họ đều thành công trong việc truyền bá thông điệp “Quan tâm tới thiên nhiên con người, bảo vệ môi trường rất cun ngầu & thể hiện bản lĩnh đàn ông”.

Dựa trên ý tưởng này, em đã thiết kế nên các sản phẩm kinh điển, thông dụng trong tủ đồ nam giới – ví dụ như áo khoác denim, quần cargo – nhưng ở một phiên bản xanh sạch và bền vững hơn.

– Theo em, bí quyết nào giúp tác phẩm của em ấn tượng và thuyết phục được ban giám khảo cuộc thi thời trang bền vững lớn nhất thế giới?

Em không chắc chắn về những điểm khiến bộ sưu tập của mình khác với những thí sinh còn lại, nhưng em có thể dựa vào lời nhận xét của giám khảo khi trao giải cho mình:

Khả năng kết hợp các phom dáng kinh điển của thời trang đường phố phương Tây với văn hóa truyền thống phương Đông (vải kimono Nhật).

Kĩ thuật cắt không hao phí (zero waste) ấn tượng và tiềm năng giảm thiểu rác thải trong quy trình sản xuất.

Việc bộ sưu tập cân bằng giữa các sản phẩm có tính ứng dụng cao, dễ mặc, và những món đồ thiết kế phức tạp đặc biệt; giúp khách hàng nào cũng có thể mua được gì đó phù hợp với mình.

– Được biết, giám khảo còn rất ấn tượng với bài luận giới thiệu về tác phẩm của mình tại cuộc thi, em có thể chia sẻ một chút?

Bộ sưu tập này bao gồm các phiên bản “xanh” hơn của những món đồ kinh điển không thể thiếu trong tủ quần áo nam giới như áo khoác denim, quần cargo. Các thiết kế sử dụng phương pháp cắt rập không hao phí, giảm thiểu tối đa rác vải trong quá trình sản xuất.

Đồng thời, Thu áp dụng phong cách Ametora (phiên bản Nhật hóa của Americana workwear – thời trang đường phố Mỹ) hài hòa giữa thẩm mỹ phương Đông và văn hóa phương Tây.

Bộ sưu tập mang tính ứng dụng cao, các sản phẩm khi tách riêng đều dễ mặc, dễ phối, phù hợp với nhiều phong cách thời trang; xen kẽ giữa những sản phẩm điểm nhấn gây ấn tượng và item cơ bản được nâng tầm qua thiết kế. Đặc biệt hơn, thiết kế tuy hướng tới khách hàng nam giới nhưng hoàn toàn có thể mặc bởi các giới khác như nữ, non-binary, genderfluid.

– Người ta nhắc nhiều về thời trang bền vững, theo em nhà thiết kế theo đuổi thời trang bền vững gặp phải những rào cản, khó khăn gì? Làm sao để thời trang bền vững không chỉ là lời hô hào suông?

Theo em, để đảm bảo tiêu chí bền vững, NTK phải để tâm đến toàn bộ vòng đời của sản phẩm; nhưng trong ngành công nghiệp thời trang, NTK chỉ chịu trách nhiệm khâu phát triển mẫu. Những bước khác trong khâu sản xuất – như chất liệu vải, lên rập, số lượng sản xuất – bạn không được quyền quyết định.

Các nhà thiết kế thời trang công nghiệp cũng không được trực tiếp trò chuyện với khách hàng để hiểu về nhu cầu của họ, tránh thiết kế nên các mẫu không được đón nhận và bị sản xuất một cách phí phạm.

Lợi thế của một nhà thiết kế độc lập, sở hữu thương hiệu riêng, là bạn có thể nắm quyền quyết định ở tất cả các khâu. Từ đấy đảm bảo tính bền vững liền mạch, xuyên suốt.

Để thời trang bền vững không chỉ là lời hô hào suông, các NTK hãy thực hành triết lý thiết kế bền vững từ những điều nhỏ mà hoàn toàn nằm trong khả năng của mình, như bảo vệ quyền & sức khỏe người lao động, đảm bảo sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, sử dụng các loại vải tự nhiên và/hoặc có thành phần tái chế.

– Em sẽ dành lời khuyên gì cho bạn trẻ muốn chinh phục cuộc thi quốc tế này?

Các bạn hãy thực sự nghiêm túc với việc theo đuổi con đường thời trang bền vững, vì đây là một cuộc thi mang tính chuyên môn rất cao và cần sự đam mê cống hiến với lĩnh vực này.

Người dự thi trong quá trình cũng phải viết các bài tự đánh giá về tính khả thi và giải thích chiến lược áp dụng các tiêu chí bền vững vào BST của mình; vì vậy, các bạn cần hiểu sâu rộng và nắm rõ triết lý của thời trang tuần hoàn (circular fashion).

Gặp gỡ quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới

Bộ sưu tập của Hà Thu từng lọt Top 5 BST Tốt nghiệp năm 2018, được tham dự Vietnam International Fashion Week.

– Đã 7 năm theo đuổi thời trang bền vững với đủ cung bậc niềm vui, khó khăn, thử thách, em sẽ theo đuổi tiếp chứ?

Từ những ngày đầu tiên gắn bó với thời trang bền vững, Thu đã muốn mang đến các sản phẩm xanh tới nhiều đối tượng khách hàng nhất có thể – mà một thử thách trong đó là đặt được mức giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.

Vì vậy, thương hiệu thời trang sắp tới của em sẽ thuộc phân khúc hàng thiết kế trung cấp chứ không phải cao cấp. Giữ vững tinh thần của Slow Boy Archive, thương hiệu sản xuất số lượng nhỏ, làm theo đặt hàng và tập trung vào kỹ thuật thủ công truyền thống và chất liệu thân thiện với môi trường. Mong mọi người sẽ đón nhận thương hiệu của Thu!

Cảm ơn NTK Hà Thu, chúc em một 20/10 nhiều niềm vui!

“Thời trang bền vững thực sự là một xu hướng trong tương lai. Hà Thu thực sự đã đi tiên phong trong những nghiên cứu về thời trang bền vững tại Việt Nam.

Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa và ngành nghề thủ công, nếu có những bạn trẻ thực sự hết mình với đam mê thời trang như bạn ấy, tôi tin chắc rằng thời trang Việt Nam sẽ phát triển không thua kém với thời trang nước ngoài.

Hơn nữa, Việt Nam hoàn toàn có chỗ đững vững của mình trên bản đồ thời trang thế giới”, bà Hà Thị Hằng – Giám đốc Học viện Thời trang London nhận định.